TIẾNG NÓI CỦA NGÀNH VIỆT NAM HỌC
Chào mừng bạn đến với diễn đàn Việt Nam học. Diễn đàn là nơi gặp gỡ của những tri thức về khoa học Việt Nam học và các lĩnh vực liên quan. Để sử dụng được hết tài nguyên của diễn đàn, vui lòng Đăng ký nếu bạn chưa có tài khoản trong diễn đàn hoặc Đăng nhập nếu bạn đã đăng ký tài khoản. Chúc quý vị và các bạn có những giờ phút hữu ích cùng diễn đàn.
TIẾNG NÓI CỦA NGÀNH VIỆT NAM HỌC
Chào mừng bạn đến với diễn đàn Việt Nam học. Diễn đàn là nơi gặp gỡ của những tri thức về khoa học Việt Nam học và các lĩnh vực liên quan. Để sử dụng được hết tài nguyên của diễn đàn, vui lòng Đăng ký nếu bạn chưa có tài khoản trong diễn đàn hoặc Đăng nhập nếu bạn đã đăng ký tài khoản. Chúc quý vị và các bạn có những giờ phút hữu ích cùng diễn đàn.
TIẾNG NÓI CỦA NGÀNH VIỆT NAM HỌC
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TIẾNG NÓI CỦA NGÀNH VIỆT NAM HỌC

HTTP://VIETNAMHOC.THE-TALK.NET/
 
Trang ChínhTrang Chính  ViệtNamhọcViệtNamhọc  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng Nhập  

 

 Quốc hiệu Việt Nam thời Đinh Tiên Hoàng.

Go down 
Tác giảThông điệp
Tiều Phu
Người sáng lập
Người sáng lập
Tiều Phu


Tổng số bài gửi : 261
Join date : 26/04/2008
Age : 34
Đến từ : Diễn đàn Việt Nam học

Quốc hiệu Việt Nam thời Đinh Tiên Hoàng. Empty
Bài gửiTiêu đề: Quốc hiệu Việt Nam thời Đinh Tiên Hoàng.   Quốc hiệu Việt Nam thời Đinh Tiên Hoàng. EmptySat May 09, 2009 12:14 pm

Quốc hiệu Việt Nam thời Đinh Tiên Hoàng:
“ĐẠI CỒ VIỆT” HAY “CỒ VIỆT” ?


Năm 968, sau khi dẹp Loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh xưng đế hiệu là Đại Thắng Minh hoàng đế, đặt quốc hiệu là “Đại Cồ Việt”; và hai năm sau (970), lấy niên hiệu Thái Bình; sử gọi là Đinh Tiên Hoàng.

Xem lại Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nguyên bản bằng chữ Hán(1) thì quả thật quốc hiệu gồm 3 chữ viết từ trên xuống là “ Đại cù / cồ (?) Việt”. Bách Khoa Toàn Thư mở (Wikipedia) giải thích : “Đại” theo nghĩa chữ Hán là lớn, “Cồ” trong tiếng Việt cổ cũng là lớn. Đinh Tiên Hoàng muốn ghép 2 chữ cả Hán và Việt để khẳng định nước Việt là nước lớn, dù đọc theo ngôn ngữ nào.

Tra hầu hết các loại Hán - Việt từ điển / tự điển hiện có trên thị trường đều không có chữ “cồ”, mà chỉ có chữ “cù ” với 3 nghĩa là “nhìn lấm lét”, “một loại binh khí cổ” và “họ Cù”. Riêng Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh(2) (cũng như của Nguyễn Văn Khôn), không rõ căn cứ vào đâu (?), lại cho chữ Hán này đọc là “cồ”, không có âm “cù”! Để cho chắc chắn, tôi tra Từ Nguyên(3), chữ này có 2 âm phiên thiết: “kỳ cụ thiết, bình (thanh)” như vậy âm 1 phải đọc là âm “CÙ”!, hoặc “cửu ngộ thiết, khứ (thanh)” tức âm 2 phải đọc là “CỐ” (như họ Cố)!, không hề có âm “cồ”!!!

Thật ra văn bản gốc sử sách cũ, ngày nay chỉ còn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gọi là văn bản gốc, nhưng đây cũng không phải là chữ viết gốc thời Đinh Tiên Hoàng mà đã tam sao thất bản nhiều lần qua các bản chép tay của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, sử thần triều Lê... Nhưng lần “thất (mất) bản” lớn nhất, theo tôi là chuyển từ bản chép tay sang khắc mộc bản để in sách từ năm Chính Hòa 1697.

Chúng ta đều biết rằng “cồ” là tiếng Việt cổ, như ta nói “con gà cồ” có nghĩa là con gà to lớn; và là một ngôn ngữ thuộc họ Mường-Khmer của hệ Nam Á, khác hẳn với tiếng Trung Quốc thuộc hệ ngôn ngữ Hán - Tạng. Còn chữ Việt cổ có thể là “chữ khoa đẩu” hình nòng nọc hoặc “Hỏa tự” hình đốm lửa, khác hẳn với chữ Nôm thuộc hệ chữ Hán mới hình thành khi độc lập sau cả ngàn năm Bắc thuộc. Cho nên, khi ký âm chữ “cồ” bằng chữ Nôm, cũng không nằm ngoài “lục thư” tức 6 cách hình thành chữ Hán...

Tôi cho rằng hai chữ “đại cù” trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chính là một chữ Nôm “cồ (𡚝)”!, có cấu tạo hài thanh, gồm chữ “đại (大)” nằm trên để mang ý nghĩa “to lớn”, ghép với chữ “cù (瞿)” nằm dưới để láy âm, biến thành âm “cồ”!!!

Và như thế thì ngày xưa Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu gồm 2 tiếng Việt /chữ Nôm là “CỒ VIỆT(𡚝越)”! Và chữ “cồ” ở đây là một chữ hài thanh (đủ cả âm lẫn nghĩa), chứ quốc hiệu hay đặt tên riêng thì không thể dùng một chữ giả tá mượn âm nhưng vô nghĩa (đối với danh từ riêng đó), như chữ “cù / cồ” được!!!

Người xưa khi viết sử bằng chữ Hán, tất nhiên viết dọc từ trên xuống, từ phải sang trái và chép bằng tay thì chữ to nhỏ không đều, riêng vẫn có thể thêm những danh từ riêng bằng chữ Nôm vào. Do vậy, chữ Nôm “cồ (𡚝)” rất dễ đọc nhầm thành “đại cù”! Khi người thợ đem bản chép tay Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đi khắc trên gỗ để in hàng loạt sách, thấy chữ Nôm “cồ (𡚝)” quá lạ (còn chữ “Việt” thì chữ Nôm viết cũng như chữ Hán), lại có thói quen đọc sử bằng chữ Hán, nên cho rằng chắc là 2 chữ Hán “đại cù” mà viết quá gần nhau, rồi khắc thành 2 chữ riêng biệt như ngày nay ta thấy, nhưng thật ra chỉ là một chữ Nôm và đọc là “cồ” thôi!

Rồi đến các nhà nghiên cứu sau này, khi đọc và dịch Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tất nhiên phải đọc là “Đại CÙ Việt (大瞿越)”, nhưng xét chữ “cù” ở đây rất vô nghĩa (!), nên giải thích khiên cưỡng là vẫn đọc “cồ” vì là “tiếng Việt cổ”!!!

Vì sao tôi cho Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu chỉ gồm 2 tiếng Việt / chữ Nôm “Cồ Việt” như vậy?

-Nước ta từng có quốc hiệu Vạn Xuân năm 544, nhưng Đinh Tiên Hoàng dùng lại chữ “Việt” là tìm về cội nguồn Lạc Việt (tổ tiên của dân tộc Việt chúng ta), lại thêm chữ “cồ” (tiếng Việt) để muốn giương cao nước Cồ Việt là một nước rộng và có nền văn hóa “lớn”; vì theo Hán thư và Cựu Đường thư thì người Lạc Việt đã từng sinh sống ở Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hải Nam và cả vùng sông Hán...

-Tại Trung Hoa thời đó, đã dùng quốc hiệu bằng chữ “Đại” (to lớn) như Đại Hán, Đại Đường, Đại Tống... nhưng vua Đinh nước ta không dùng chữ “đại” mà dùng chữ “cồ” cũng có nghĩa “to lớn” nhưng lại là chữ Nôm thuần tiếng Việt; là vì dân tộc Lạc Việt ta ngày xưa từng có một nền văn minh sông Hồng, thuộc một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại là Văn hóa Đông Sơn (700 TCN - 100), mà đỉnh cao là nghệ thuật đúc đồng tinh xảo thể hiện qua Trống đồng Đông Sơn - Trống đồng Ngọc Lũ, và các di vật thuộc văn hóa Đông Sơn này đã từng lan tỏa cả vùng Hoa Nam (Trung Quốc ngày nay), nơi người Việt cổ từng sinh sống! Và trong thời kỳ này, dân tộc ta đã từng có cuộc “đại bình” của Hai Bà Trưng (40-43) thu phục được 72 thành trì của Thiên triều Đại Hán... Chính vì một nền văn hóa Lạc Việt rực rỡ như vậy, nên khi Mã Viện bình định được Hai Bà Trưng, đã đem trống đồng Đông Sơn(4) nấu chảy để đúc tượng.

-Ngay cả khi đúc đồng tiền đầu tiên của dân tộc Cồ Việt, Đinh Tiên Hoàng cũng không theo một tiền lệ như tiền của Trung Quốc, mà sáng tạo ra đồng tiền “Đại Bình Hưng Bảo”(5) mặt lưng có chữ “Đinh” (là quốc tính). Hai chữ “ĐẠI BÌNH” trên đồng tiền vua Đinh không phải là niên hiệu của vua, mà có ý nghĩa là đã “đại bình” (định) được Loạn 12 sứ quân, thống nhất dựng nước; và chữ “hưng” ngụ ý muốn “phục HƯNG, trung HƯNG, chấn HƯNG” dân tộc Việt đã từng có cuộc “Đại Bình” của Hai Bà Trưng vậy! Và công lao “đại bình định” đó còn được thể hiện qua đế hiệu Đại Thắng Minh hoàng đế ngang hàng với thiên triều đại đế Trung Hoa (các vua đời sau đều thần phục Trung Quốc, không đặt đế hiệu, và đổi quốc hiệu “Đại Việt” giống Trung Quốc). Cho nên việc đúc đồng tiền “Đại Bình” còn có chữ “Đinh” để tiếp tục giương cao Cồ Việt Đại Thắng Minh hoàng đế! Cho nên sau này vua Lê Đại Hành, nguyên là Thập Đạo Tướng quân của Đinh Tiên Hoàng, đã nối chí của tiên đế Cồ Việt chống lại Đại Tống và nuôi chí “Đại Bình”..., nhưng ít ra đã cho đúc đồng tiền “Thiên Phúc TRẤN bảo” mặt lưng có chữ “Lê” (quốc tính); chữ “TRẤN” cũng không có tiền lệ trên tiền Trung Quốc và mang nghĩa phải “TRẤN giữ” nền “ĐẠI BÌNH / THÁI BÌNH”... Và ngày nay tiền “Đại Bình Hưng Bảo”, “Thiên Phúc Trấn Bảo” - theo ông XiongBaoKang (Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu tiền tệ và Bảo tàng Tiền tệ Quảng Tây - Trung Quốc), cũng đã được tìm thấy ở Hoa Nam là đất của dân Bách Việt rất nhiều...

Chính thế, Sử gia Lê Văn Hưu đã từng nhận xét: “Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng Hoàng Đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý Trời vì nước Việt ta mà sinh BẬC THÁNH TRIẾT...”.

Những nguyên nhân trên, làm tôi cho rằng quốc hiệu Việt Nam thời ấy gồm 2 tiếng Việt / chữ Nôm là “CỒ VIỆT(𡚝越)”, chứ không phải 3 chữ Hán “Đại Cù / Cồ Việt (大瞿越)”!; và đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam dựng nước đã bắt đầu dùng luôn chữ Nôm để đặt quốc hiệu!

Chứng cứ là trong đền vua Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư, ở Bái đường có bức hoành “Chính thống thủy (mở nền chính thống)”, và 2 câu đối(6):

“Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo

Hoa Lư đô thị Hán Trường An”

Tạm hiểu là:

Nước Cồ Việt cùng thời Khai Bảo (968-976) nước Tống,

Kinh đô Hoa Lư (của Cồ Việt) cũng tựa như Tràng An thời Hán vậy.

Vì qua cả ngàn năm, câu đối này đã bị “trùng tu” nhiều lần, không còn nguyên bản, nên chúng ta không nhất thiết phải xem chữ “cồ” trong câu đối 7 chữ này viết như thế nào, nhưng qua đó cho thấy rõ ràng quốc hiệu cũng chỉ có 2 chữ “Cồ Việt”! Nếu là 3 chữ “Đại Cồ Việt” thì tất nhiên câu đối dưới cũng phải có 8 chữ! QUỐC HIỆU là danh từ riêng, lẽ nào không thể viết đầy đủ 3 chữ, mà phải viết 2 chữ???

Chúng ta đang chuẩn bị đại lễ 1000 năm Thăng Long để cho quốc tế thấy:

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia.

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Từ Triệu, ĐINH, Lý, Trần bao đời GÂY NỀN ĐỘC LẬP,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên HÙNG CỨ MỘT PHƯƠNG...

Mà QUỐC HIỆU là QUỐC THỂ, rất mong các nhà Sử học, Ngôn ngữ học... tìm hiểu lại; nếu đúng như tôi nói, thì đề nghị từ nay các sử sách mới in cũng như tất cả những gì có quốc hiệu này, nên sửa chữa lại!

Là một người ngoài ngành, vẫn biết nêu những ý kiến này là sai trái, nhưng đây xuất phát từ một tấm lòng, là nguyện vọng của những người có tâm huyết với “CỒ VIỆT / ĐẠI VIỆT”, rất mong được lượng thứ...

A Lưới, tháng 1 năm 2009

NAH

(1) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (dịch theo mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Bản in Nội các quan bản), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993. Tập IV, trang 91, Tờ 2a-b, dòng 12 từ phải sang trái.

(2) Đào Duy Anh, Từ điển Hán - Việt, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001, trang 110.

(3) Từ Nguyên (hợp đính bản), Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, trang 1205, cột 4.

(4) Phục Ba tướng quân Mã Viện của nước Đại Hán thì cố tình hủy trống đồng Đông Sơn (là sáng tạo của người Việt cổ), để thực thi chính sách đồng hóa Hán; nhưng kỳ dị thay (!), cho đến nay, phần lớn các học giả Trung Quốc cứ cố chấp cho rằng văn hóa Đông Sơn là do người Trung Quốc sáng chế (?)! Vấn đề chủ nhân của trống đồng Đông Sơn này là ai (?), tôi sẽ trở lại trong một dịp khác!

(5) Trước đây, trong bài “Một đồng tiền, một niềm tự hào”, tôi đã đọc đồng tiền này là “Thái Bình Hưng Bảo” và đã từng giải thích theo lối kinh điển là đồng tiền thường mang niên hiệu của vua!, nhưng nay tôi có lối suy nghĩ khác:

-Tại sao quốc hiệu phải đọc là “Đại Cồ Việt” mà không đọc là “Thái Cồ Việt”?

-Tại sao phải đọc là “Đại Thắng Minh hoàng đế” mà không đọc là “Thái Thắng Minh hoàng đế”?

- Niên hiệu của Trần Dụ Tông, vì sao phải đọc là “Đại Trị” (1358-1369) mà không đọc là “Thái Trị”?

- Tại Trung Quốc, Tống Thái Tông niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (976-984) cùng thời với Đinh Tiên Hoàng, nhưng trên đồng tiền vẫn viết là “太平通寶 (Thái Bình Thông Bảo)”. Vì sao không viết là “大平通寶 (Đại Bình Thông Bảo)” để vẫn được đọc là Thái Bình Thông Bảo?

Chính vậy, nay tôi đọc lại đồng tiền là “Đại Bình Hưng Bảo”

(6) Lã Đăng Bật, Ninh Bình - một vùng sơn thủy hữu tình, NXB Trẻ, 2007, trang 58.

Quốc hiệu Việt Nam thời Đinh Tiên Hoàng. Daicoviet-1

Lưng tiền “Đại Bình Hưng Bảo” có chữ “Đinh”

Quốc hiệu Việt Nam thời Đinh Tiên Hoàng. Daicoviet-2

Năm chữ “Quốc hiệu Đại cù Việt” trong Đại Việt Sử ký toàn thư bằng chữ Hán

Quốc hiệu Việt Nam thời Đinh Tiên Hoàng. Daicoviet-3

Một trang gia phả của tộc Đinh viết thời Khải Định (1916-1925) bằng chữ Hán có phụ chú chữ quốc ngữ, trong đó phiên âm quốc hiệu là “Đại Cù Việt"

DR NGUYỄN ANH HUY
Khoa Học và Đời Sống
05 tháng 02 năm 2009
Về Đầu Trang Go down
https://vietnamhoc.catsboard.com
 
Quốc hiệu Việt Nam thời Đinh Tiên Hoàng.
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
TIẾNG NÓI CỦA NGÀNH VIỆT NAM HỌC :: CHUYÊN NGÀNH VIỆT NAM HỌC :: Các nghiên cứu Việt Nam học-
Chuyển đến