“Việt Nam học”
Bộ sách được hình thành trên cơ sở kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ hai “Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập: truyền thống và hiện đại” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ 14 đến 16 tháng 7 năm 2004.Trong khoa học xã hội, Việt Nam học là một lĩnh vực khoa học đang phát triển rất mạnh mẽ mang tính liên ngành và đa ngành. Trong hai thập kỉ qua, với những thành tựu đã giành được trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước Việt Nam đang nổi lên với sức hấp dẫn về nhiều mặt trong quá trình hội nhập quốc tế theo xu hướng toàn cầu hóa. Ở nhiều nước trên thế giới trong vài năm gần đây ngày càng phát triển việc tìm hiểu nghiên cứu về Việt Nam trên các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử, quan hệ quốc tế… với mục tiêu là góp phần vào việc phát triển quan hệ với Việt Nam.
“Việt Nam học” với mục đích tập hợp, giới thiệu những thành tựu nghiên cứu về Việt Nam của các học giả trong nước và quốc tế, mở rộng các mối liên kết của các tổ chức và cá nhân cùng lấy Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu, nhìn nhận lại chặng đường đã qua và chuẩn bị cho chặng đường phát triển tiếp theo của Việt Nam học, tiến tới hình thành một cơ cấu liên kết giữa các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới.
Bộ sách “Việt Nam học” gồm 4 tập. Tập I gồm 784 trang, khổ 20x29cm được chia làm 2 phần. Phần một: Phát biểu và báo cáo tại phiên toàn thể. Phần hai: Báo cáo khoa học tại các tiểu ban gồm các tham luận về hai chủ đề: những vấn đề kinh tế và những vấn đề xã hội. Những vấn đề kinh tế có 29 tham luận. Những vấn đề xã hội có 32 tham luận.
Tập II gồm 739 trang, khổ 20x29cm, với 2 chủ đề: Những vấn đề lịch sử (20 tham luận) và Một số vấn đề về dân tộc và tôn giáo (27 tham luận).
Tập III: gồm 773 trang, khổ 20x29cm, với 2 chủ đề: Những vấn đề văn hóa, văn minh (47 tham luận) và Nghiên cứu giáo dục, con người và nguồn nhân lực (24 tham luận).
Tập IV: gồm 661 trang, khổ 20x29cm, với 2 chủ đề: Một số vấn đề văn học và ngôn ngữ (33 tham luận) và Những nghiên cứu khu vực (33 tham luận).
Trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Việt Nam, trong xu thế phát triển và hội nhập, Việt Nam học không chỉ phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực, các chuyên ngành nghiên cứu và đào tạo, mà xu hướng liên ngành và mở rộng hợp tác quốc tế đã trở thành điểm nhấn hết sức quan trọng, tạo nên sắc thái riêng của Việt Nam học những năm gần đây.
Hi vọng 4 tập của bộ sách “Việt Nam học” do Nhà xuất bản Thế giới xuất bản quý II năm 2007 sẽ đem lại cho bạn đọc những khám phá thú vị về đất nước Việt Nam trên các lĩnh vực.
Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn !
Theo: Viện khoa học và Xã hội Việt Nam