HỌC TẬP KINH NGHIỆM LÀM BÁO CỦA BÁC HỒ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bác Hồ là lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, nhà báo lỗi lạc, đồng thời là người đặt nền móng cho hoạt động báo chí cách mạng nước nhà. Tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện sinh động trong đời sống xã hội. Tư tưởng của Người cũng được thể hiện trong việc làm báo, Người luôn coi báo chí là một vũ khi đấu tranh sắc bén trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Suy nghĩ về vị trí vai trò của báo chí bất cứ người cầm bút nào cũng nhớ lời dạy của Bác Hồ về nghề làm báo, viết báo cũng như phẩm chất đạo đức của Người. Những điều Bác Hồ dạy hết sức đơn giản và dễ hiểu. Bác từng nói “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi, viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu…”.
Bác cũng thường nhắc nhở các báo: “Bài báo thường quá dài dây cà dây muống không hợp với trình độ và thời gian của quần chúng, thường nói một chiều, đôi khi hay thổi phồng các thành tích ít nói tới hạn chế khuyết điểm của ta, thiếu cân đối tin nên ngắn lại viết dài, tin nên viết dài thì lại viết ngắn”. Khuyết điểm lớn nhất là dùng nhiều từ nước ngoài nhiều khi không đúng. Ở đây không những Bác dạy cho các nhà báo cách mạng Việt Nam mà còn nhấn mạnh đến việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc và tiếng Việt.
Là nhà báo tầm cỡ quốc tế, Bác chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là tờ báo; muốn dân chúng coi tờ báo ấy là của mình thì nội dung tức là các bài viết phải giản đơn, dễ hiểu phổ thông thiết thực, hoạt bát và hình thức cách sắp đạt các bài, cách in phải sạch sẽ sáng sủa”.
Với tất cả tấm lòng ưu ái và trách nhiệm và kinh nghiệm của nhà báo kiệt xuất, Bác còn chỉ rõ những yêu cầu tự phê bình và phê bình của báo chí: “Phê bình phải nghiêm chỉnh thẳng thắn, nói có sách mách có chứng, phải phê bình với tinh thần thành khẩn xây dựng “trị bệnh cứu người” và cụ thể hơn những người ở bất kỳ địa vị nào và những cơ quan nào được phê bình thì phải được đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa, nếu phê bình sai thì phải đăng báo giải thích…”.
Bác Hồ của chúng ta trở nên vĩ đại vì ở Người có sự thống nhất giữa chính trị, cách mạng, đạo đức với nhà báo. Suốt cả cuộc đời, từ đôi mắt đến tấm lòng của một nhà báo, chiến sĩ xung kích vì nước vì dân, Bác dạy cho người làm báo cách viết, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp.
Với sinh viên Việt Nam học, việc học tập kinh nghiệm làm báo của Bác Hồ càng trở nên có ý nghĩa thiết thực. Trong bốn năm học tập và rèn luyện, các kiến thức liên ngành về lịch sử, địa lý, văn hóa…của Việt Nam từ truyền thống tới đương đại, sinh viên được trang bị kỹ năng nghiệp vụ báo chí. Tuy số thời lượng môn học ngắn nhưng với nền tảng kiến thức liên ngành, sinh viên Việt Nam học khi ra trường hoàn toàn có thể trở thành một nhà báo hoặc làm công tác báo chí. Do đó, việc học tập, rèn luyện để trở thành một nhà báo là cả một quá trình khó khăn, đầy thử thách. Học tập kinh nghiệm làm báo của Bác Hồ sẽ giúp cho mỗi sinh viên khi ra trường trở thành nhà báo có được hiểu biết, được rèn luyện về cách viết, cách làm báo, bản lĩnh, đạo đức mang đặc trưng Việt Nam học, làm báo về đất nước con người Việt Nam từ suy nghĩ đến cách viết, hướng vào việc bảo vệ, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.\