THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ- MIỀN HỒI TƯỞNG
Dòng sông Thạch Hãn hôm nay hiền hòa, xanh ngát, khác với hình dung của du khách về một con sông đỏ lượm màu máu của một thời lửa đạn, của 81 ngày đêm Thành cổ rung chuyển giữa mùa hè đỏ lửa năm 1972. Cách bờ sông Thạch Hãn 500m về phía Nam và chỉ cách Quốc lộ 1A 2 Km về phía Đông, di tích Thành cổ Quảng Trị được bảo tồn ngay trung tâm thị xã Quảng Trị anh hùng (khu phố 4, phường 2). Có thể nói, đây là điểm đến tiêu biểu nhất cho vùng đất du lịch được mệnh danh là “miền hồi tưởng” tỉnh Quảng Trị, với những địa danh lịch sử: đảo Cồn Cỏ, sông Bến Hải - cầu Hiền Lương, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Khe Sanh - Đường 9 Nam Lào...
Hơn hai thế kỷ trước, Thành cổ Quảng Trị là thành lũy quân sự của nhà Nguyễn. Thành Quảng Trị xây dựng từ đầu đời vua Gia Long (1802), nguyên gốc được đắp bằng đất theo dạng hình vuông, đến năm Minh Mạng thứ 18 (1837) mới xây bằng gạch. Đây là nơi để vua ngự mỗi khi đi tuần thú, nơi làm lễ thăng quan cho các đại quan cấp tỉnh và tổ chức các tiết lễ khác trong năm. Suốt gần 140 năm (1809-1945) dưới thời nhà Nguyễn, Thành cổ Quảng Trị là trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự của tỉnh Quảng Trị và là thành lũy quân sự để bảo vệ kinh đô Huế ở phía Bắc. Tuy nhiên, đến thời Pháp thuộc, dinh lũy này được thực dân Pháp xây dựng thành nhà lao. Từ năm 1929-1972, nhà lao Quảng Trị là nơi giam cầm hàng ngàn sĩ phu yêu nước, chiến sĩ Cộng sản và cả những người dân vô tội.
Thời đánh Mỹ năm 1972, vùng đất Quảng Trị được xem là chiến trường khốc liệt nhất, nơi diễn ra những cuộc đụng đầu nảy lửa giữa ta và địch. Với địa thế vừa là bàn đạp để thực hiện âm mưu “Bắc tiến” khi có điều kiện, vừa là lá chắn bảo vệ “biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”, đây là chiến trường sinh tử đối với Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sau hai cuộc tấn công bất ngờ và quả cảm của quân ta - bắt đầu từ giữa trưa ngày 30/3/1972, thị xã Quảng Trị được giải phóng vào chiều ngày 01/5/1972. Từ đây, bắt đầu 81 ngày đêm kiêu hùng của những chiến binh quả cảm của chúng ta với cuộc chiến không cân sức về khí tài trong lòng Thành cổ.
Để lấy lại tinh thần và gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris, địch dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị với mục tiêu số một là chiếm lại tòa Thành cổ. Trong cuộc hành quân lấy tên “Lam Sơn 72” bắt đầu ngày 28/6/1972, địch đã huy động phản kích bằng máy bay phản lực, bình quân mỗi ngày 150-170 lần (có ngày 220 lần), 70-90 lần B52, 12-16 lần tàu khu trục hạm và tuần dương hạm thuộc Hạm đội 7 - Thái Bình Dương, hai sư đoàn dự bị chiến lược là Sư dù và thủy quân lục chiến, 4 trung đoàn thiết giáp - mỗi trung đoàn có 79 xe tăng và xe bọc thép... Đây là cuộc hành quân đẫm máu, cực kỳ tàn bạo với đủ loại vũ khí hiện đại: Từ bom phá, bom na-pan, bom lân tinh, bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiển bằng la-de, đến các loại pháo chơm, pháo khoan, chất độc hóa học và hơi ngạt. Người ta đã ghi nhận được: Đêm 4/7, pháo đài bay B52 Mỹ đã ném 4.000 tấn bom, ngày 31/7, khoảng 2 vạn quả đại bác cỡ lớn từ 105-203mm đã rơi xuống vùng phụ cận và khu vực thị xã Quảng Trị. Báo chí phương Tây thời bấy giờ bình luận và so sánh số bom đạn Mỹ ném xuống chiến trường Quảng Trị khoảng 328 ngàn tấn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.
Trong lửa đạn khốc liệt ấy, Thành cổ Quảng Trị là “túi bom” của kẻ thù. Chúng huy động tối đa lực lượng, phương tiện để chiếm bằng được Thành cổ vì đây là địa bàn chiến lược, có thể tạo sức nặng mặc cả với ta tại Hội nghị Paris. Không thể thống kê hết số bom đạn dội xuống mảnh đất này.
Thế nhưng, bom đạn không làm sờn lòng những chiến sĩ anh hùng - hầu hết đều rất trẻ. Các anh, anh dũng bám trụ giữ từng tấc đất Thành cổ. Trong một ngày, các chiến sĩ đã phải đánh địch phản kích từ 5-7 lần, có khi 13 lần. Cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra những qui ước thông thường với những tấm gương quả cảm: Phan Văn Ba nát một bàn tay vẫn xin ở lại, Hán Duy Long dùng trung liên kẹp nách truy kích diệt 58 tên địch, 3 lần bị thương vẫn giữ vững trận địa... Ở đây, lựu đạn phải để xì khói trên tay mới ném, phải trèo lên tường cao ném xuống hoặc bò sát miệng hầm của địch mà liệng vào... Cuộc chiến đấu anh hùng 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị kết thúc bằng thất bại của một đội quân xâm lược đông trên 5 vạn tên với thừa thãi sức mạnh bom đạn, một lần nữa làm sáng ngời chân lý: Kẻ xâm lược có vũ khí tối tân đến đâu cũng phải khuất phục trước những con người có ý chí thép gang, một lòng chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Máu của chiến sĩ và đồng bào ta đã đổ xuống, tô thắm cho trang sử vẻ vang của dân tộc, để xanh ngời cỏ non Thành cổ hôm nay. Di tích Thành cổ hôm nay chỉ là một gian nhà truyền thống, những quả pháo nằm rải rác chung quanh một nấm mồ khổng lồ mang tính biểu tượng. Trong lòng nó chỉ vỏn vẹn cây súng và bộ quân phục giản đơn của người lính nhưng chất chứa biết bao suy tưởng.
Đến với Thành Cổ, chúng ta sẽ cảm thấy yêu mến, tự hào về các thế hệ cha anh ta- những con người đã đi vào lịch sử dân tộc như những huyền thoại.