Việt Nam - đất nước của những di tích lâu đời.
Đặt chân đến Việt Nam lần đầu, du khách không khỏi bỡ ngỡ bởi ở đây các khu đền đài miếu mạo không có dáng vẻ nguy nga, đồ sộ như ở nhiều nước trên thế giới, mà đều có vóc dáng khiêm nhường mộc mạc. Song bên trong cái vẻ đơn sơ ấy lại chứa đựng một đời sống nội tâm giàu có - điều mà văn hóa Việt hấp dẫn du khách.Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam có khoảng 7.300 di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc khác nhau nằm rải rác ở 53 tỉnh, thành phố.
Cố đô Huế là một trong những nơi tập trung nhiều di tích với hình hài còn khá nguyên vẹn. Bờ Bắc sông Hương là khu di tích Kinh thành có chu vi 11km được xây dựng theo lối kinh đô phòng thủ. Tại đây còn lưu giữ hơn 100 công trình kiến trúc phản ánh toàn bộ sinh hoạt của các vua quan triều Nguyễn, trong đó nổi bật nhất là 4 lăng: lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức và lăng Khải Định.
Huế còn là trung tâm quan trọng của Phật giáo. Ở Huế và vùng phụ cận có hàng chục ngôi chùa cổ trên 300 tuổi và hàng trăm ngôi đình, chùa, miếu ra đời từ đầu thế kỷ 20.
Năm 1993, quần thể di tích cố đô Huế - nơi duy nhất ở Việt Nam còn giữ nguyên diện mạo của thành phố thị dân thời trung đại - được UNESCO xếp vào danh mục Di sản văn hóa thế giới.
Với gần 100 năm tồn tại, Thủ đô Hà Nội không chỉ nổi tiếng nhờ những di tích gắn với thuở ban đầu dựng nước và giữ nước như đền Phù Đổng, đền Sóc Sơn, thành Cổ Loa...mà còn nổi tiếng với Văn Miếu - trường đại học đầu tiên của Việt Nam được xây dựng từ năm 1070.
Nói đến lịch sử Hà Nội, đặc biệt phải kể đến hai cố đô - Phong Châu là chốn đế đô của nhà nước Văn Lang cách đây khoảng 4.000 năm và khu di tích Hoa Lư trên vùng đất "Hạ Long cạn" ở Ninh Bình một thời là kinh đô của nước Đại Việt.
Không chỉ ở Huế và Hà Nội, nhiều nơi trên đất nước Việt Nam này còn có hàng ngàn di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng khác, nào là Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn, các đình chùa ở Hà Tây, Hà Bắc, nào là một dải di tích của nền văn hóa Chăm với Thánh địa Mỹ Sơn, Kinh đô Trà Kiệu, Tháp Bà Pônaga kéo dài suốt các tỉnh miền Trung; nền văn hóa Ốc Eo, Đốc Chùa ở các tỉnh phía Nam. Tất cả những di tích này là minh chứng cho một Việt Nam có truyền thống văn hóa lịch sử rất lâu đời.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các di tích này không chỉ tồn tại một cách trầm lặng với ngôn ngữ hóa đá, mà chúng đều là những biểu hiện nhân văn sống động, gắn với những hoạt động cộng đồng đầy màu sắc dân tộc mà hình thái tập trung nhất là các lễ hội. Thông qua các hoạt động này, người dân Việt Nam muốn thể hiện lòng yêu quê hương đất nước cũng như những khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, về sự phát triển hài hoà giữa con người, thiên nhiên và vạn vật. Du khách có thể thấy rõ điều này qua hội Dóng - cuộc hồi cố lịch sử về chiến công của dân tộc do người anh hùng làng Dóng lãnh đạo; hội làng Quyên Sơn (Nam Hà) mô tả công trạng của vị tướng tài thế kỷ XI, Lý Thường Kiệt; các lễ hội nông nghiệp thể hiện thế ứng xử của con người với thiên nhiên...
Còn có biết bao nhiêu thứ trong văn hóa Việt Nam đáng để du khách quan tâm. Chẳng hạn về hàng ngàn làng nghề, phố nghề đang lưu giữ hàng trăm nghề thủ công gia truyền, trong đó có nhiều sản phẩm mà ngày nay bằng công nghệ hiện đại vẫn không sản xuất được./.
Theo: TTXVN.