Lần đầu tiên có Giải thưởng Việt Nam học cho tác giả ngước ngoài do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thực hiện. Nhà văn Ngô Tự Lập - Giám đốc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh chia sẻ với Tiền Phong về giải thưởng này.
Vì sao Quỹ quyết định trao Giải thưởng Việt Nam học?
Môn Việt Nam học có lẽ ra đời từ thời Pháp thuộc và một sự kiện mang tính biểu tượng là việc lập Viện Viễn Đông Bác Cổ nhằm mục đích tìm hiểu thuộc địa.
Tiếp đó là thời chiến tranh chống Mỹ, khi Việt Nam thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới mấy chục năm liền. Khi đó, các nhà chính trị, khoa học phương Tây, nhất là Mỹ, cảm thấy cần tìm hiểu sâu sắc về Việt Nam vì mục đích khác nhau. Dĩ nhiên, còn có cả những người yêu mến Việt Nam và những người nghiên cứu trung lập nữa.
Khá nhiều trung tâm nghiên cứu Việt Nam ra đời ở châu Âu và Nhật Bản từ thời đó. Làn sóng thứ ba của ngành Việt Nam học có lẽ bắt đầu cùng với công cuộc đổi mới mà thành công đang giúp chúng ta trở thành một quốc gia quan trọng trong khu vực.
Lập ra giải thưởng, chúng tôi muốn đưa những thành tựu của ngành này đến với công chúng, và cũng muốn tri ân các nhà nghiên cứu đã cống hiến sức lực, tài năng và cả tình yêu của mình cho văn hóa Việt. Giải thưởng là một trong ba giải thưởng mà Quỹ định sẽ trao năm nay, cùng với Giải Tinh hoa Giáo dục Quốc tế và Giải Nghiên cứu.
Giải thưởng Việt Nam học chỉ dành cho tác giả nước ngoài?
Nói một cách chặt chẽ thì Việt Nam học phải là ngành nghiên cứu của người nước ngoài. Tuy vậy, gần đây chúng ta cũng có nhu cầu nghiên cứu về chính mình.
Giải thưởng Việt Nam học, vì thế, không chỉ dành riêng cho người nước ngoài, dù rằng, phần lớn công trình nghiên cứu quan trọng về Việt Nam do học giả nước ngoài thực hiện. Người nước ngoài đôi khi đưa ra những cái nhìn không chỉ độc đáo mà còn thấu đáo hơn chính chúng ta về đất nước mình.
Có mảng nghiên cứu nào về Việt Nam khiến ông quan tâm đặc biệt?
Các nghiên cứu hết sức đa dạng, nhưng ta có thể nói đến hai hướng chính. Hướng truyền thống là nghiên cứu đơn ngành, khi các học giả làm việc trong từng lĩnh vực cụ thể như lịch sử, văn học, tôn giáo, chính trị…
Hướng thứ hai là nghiên cứu liên ngành. Một ví dụ về hướng thứ hai này là dự án do Giáo sư Nhật Yumio Sakurai và cộng sự thực hiện từ 14 năm nay ở Bách Cốc (xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), một ngôi làng điển hình của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Họ tìm hiểu mọi khía cạnh về lịch sử, văn hóa, dòng tộc, địa bạ, kinh tế… của làng và đưa ra một bức tranh tổng thể về làng - đơn vị nhỏ nhất nhưng lại vô cùng quan trọng của xã hội Việt Nam.
Nhà Việt Nam học Peter Zinoman (Mỹ) nhận xét ngành Việt Nam học đang phát triển ở Mỹ?
Đúng là Việt Nam học ở Mỹ có nhiều thành tựu. Có thể do ký ức dai dẳng của cuộc chiến khiến người Mỹ tiếp tục quan tâm đến Việt Nam.
Lý do khác là sự lớn mạnh trong những năm gần đây khiến Việt Nam trở thành đối tác quan trọng về kinh tế và địa chính trị ở Đông Nam Á.
Lý do thứ ba: Ở Mỹ có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới. Sự hiện diện và tương tác của họ với đất nước và con người Mỹ có thể gợi lên ở người Mỹ mối quan tâm và nhu cầu nghiên cứu Việt Nam.
Theo báo Tiền Phong online.