Từ rất lâu, mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân TP Hải Phòng nói riêng đều biết về Lễ hội truyền thống hát đúm ngày xuân của các xã Phả Lễ, Phục Lễ và Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Đây là lễ hội có truyền thống từ xa xưa và được duy trì đến tận hôm nay trong niềm đam mê không chỉ của các nghệ nhân có tuổi, mà cả ở các cháu thanh, thiếu niên.
Vào những ngày đầu xuân Kỷ Mão, chúng tôi có dịp về thăm quê hương của hát đúm Hải Phòng. Đến đây mới thấy hết không khí sinh hoạt của hình thức văn hóa dân gian hát đúm ngày xuân trong tổng thể các sinh hoạt văn hóa nông thôn Việt Nam ngày Tết Nguyên đán.
Theo truyền thống, ngày bắt đầu của hội hát đúm đồng thời cũng là ngày những cô gái của Tổng Phục bỏ chiếc khăn mỏ quạ bịt mặt trong suốt cả năm. Vì thế, hội hát đúm ngày xuân cũng còn là ngày hội mở mặt. Trong những ngày này, các chàng trai, cô gái Tổng Phục (trước đây, ba xã Phục Lễ, Phả Lễ và Lập Lễ thuộc Tổng Phục) thường tập trung để hát đúm tại đình Phục Lễ, một trong những ngôi đình lớn.
Hát đúm cũng có thể diễn ra ở trên đường đi, ngoài cánh đồng khi các tốp trai thanh, gái lịch trong những bộ quần áo truyền thống ngày hội gặp nhau. Họ nắm tay nhau say sưa hát đối những làn điệu giao duyên thể hiện khát vọng về tình yêu đôi lứa thông qua nhiều câu hát ví von mang đậm chất dân gian của vùng quê.
Bao giờ cũng vậy, vào những ngày xuân, sinh hoạt hát đúm đã thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân Phả Lễ và các xã lân cận cũng như những người yêu thích nghệ thuật hát đúm ở TP Hải Phòng. Từ nhiều ngày trước đó, các chàng trai, cô gái đã tập hợp để cùng nhau luyện tập những làn điệu truyền thống với nhiều bài bản khác nhau.
Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn không thể khẳng định hát đúm có từ bao giờ. Các cụ già ngoài 80 tuổi ở Phả Lễ và Phục Lễ cho chúng tôi biết, từ khi còn nhỏ tuổi các cụ đã theo người lớn tuổi đi nghe hát đúm. Những canh hát đúm có khi kéo dài nhiều ngày mà vẫn đầy sức quyến rũ các chàng trai, cô gái Tổng Phục.
Bài bản của hát đúm rất phong phú. Đầu tiên, khi mới gặp nhau là những câu hát chào, những câu hát mừng. Tiếp sau đó có thể là hát hỏi, hát đố, hát họa, hát huê tình, hát cưới... và cuối cùng là hát ra về.
Mùa xuân năm nay, hát đúm như trỗi dậy một sức sống mới vốn tiềm ẩn từ lâu trong tâm trí và tấm lòng của những người con quê hương hát đúm. Các chàng trai, cô gái (mà trong đó có cả các cụ đã ở tuổi 80 như cụ Duệ (xã Phục Lễ), cụ Kháu (xã Phả Lễ)... vẫn duyên dáng, say sưa trong những làn điệu hát đúm ngày xuân. Hát đúm cũng như một số hình thái sinh hoạt văn hóa dân gian khác đã phải trải qua những bước thăng trầm. Vậy mà, sức sống lâu bền, mãnh liệt của nó vẫn còn đến ngày hôm nay.
Trong góc tiếp cận về phương diện âm nhạc học thuần túy, hát đúm không phức tạp và ở cấp độ cao như hát quan họ Bắc Ninh. Thậm chí, các làn điệu âm nhạc mới chỉ ở cấp độ đầu trong tương quan của các hình thái sinh hoạt âm nhạc dân gian Việt Nam. Nhưng nếu nhìn nhận hát đúm trong cách tiếp cận tổng thể một hiện tượng văn hóa dân gian lại là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi nhiều trí tuệ của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Hát đúm sinh ra từ chính nhu cầu của người dân lao động, được bao thế hệ nghệ nhân sáng tạo không ngừng qua năm tháng, và đến hôm nay vẫn là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được nhiều người yêu thích nhất ở miền quê này.
Về quê hương hát đúm, chúng tôi gặp cảnh nô nức đi nghe hát đúm của già trẻ, gái trai nơi đây. Khi nghe hát, nếu trên gương mặt người già dường như bừng lên, ánh lên những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ cùng những canh hát đúm say sưa, đằm thắm, mà không ít cặp hát sau đó đã nên vợ, nên chồng. Nếu như các anh chị trung niên đến đây không chỉ thưởng thức những làn điệu dân gian vốn là tài sản vô giá của cha ông để lại, mà còn tâm chí hướng về trách nhiệm bảo tồn cho thế hệ mai sau loại hình văn hóa độc đáo này, thì trên gương mặt của những cô bé, cậu bé là sự đắm chìm trong những làn điệu dân ca, gợi cho chúng ta cảm giác hình như dòng máu đang chảy trong huyết quản của chúng ngoài nhu cầu tiếp nhận ô-xy trong không khí, còn có cả nhu cầu tiếp nhận những âm hưởng dân ca vốn đã vang vọng từ bao đời.
Kỳ diệu thay sức sống của văn hóa dân gian. Nó không chỉ làm giàu thêm thế giới tâm cảm của con người, mà còn làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn. Và đó cũng chính là cơ sở cho niềm tin về sức sống trong tương lai của loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian hát đúm độc đáo này ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.
Nguồn: Minh Phương
www.quehuongonline.vn