Nhiều du khách đã tìm đến với Phố Cổ Hà Nội, mong muốn gặp sự bất ngờ không thể có được trên những đường phố hiện đại, thẳng tắp và rộng rãi. Có những người bị Phố Cổ lôi cuốn bởi những mái ngói lô nhô, lộn xộn một cách duyên dáng, đôi mảng tường rêu phong, những ô cửa sổ chạm khắc hoa văn bé xinh - đó chính là "linh hồn" của Phố Cổ Hà Nội, là di sản văn hóa của "Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi".
Với một diện tích không lớn, khoảng 100 ha, những Phố Cổ Hà Nội có vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của thủ đô Hà Nội bởi nó đang chứa đựng một hệ thống giá trị lịch sử truyền thống, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, quy hoạch và kinh tế, xã hội to lớn. Trong tương lai không xa, hy vọng những dãy phố sẽ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Kiến trúc phố cổ bắt nguồn từ dân gian?
Cùng với Thăng Long, dưới thời nhà Lý, nhà Trần, Phố Cổ Hà Nội bao gồm nhiều phường trong tổng 61 phường thời đó. Dưới thời Lê, đầu thế kỷ 16, Hà Nội trở thành Đông Kinh, khắp nơi đổ về buôn bán làm ăn trong 36 phố phường lúc bấy giờ, và dần dần nơi đây chính là khu Phố Cổ ngày nay.
Nói đến Phố Cổ của Hà Nội là nói đến một quần thể không gian đô thị cổ - đó là mạng lưới phố nhỏ, ngõ nhỏ có hình thái tự nhiên với cách chia nhỏ mặt đứng kiến trúc đường phố. Cấu trúc của Phố Cổ Hà Nội, theo ông Nguyễn Quốc Thống, Đại học Kiến trúc Hà Nội: thuộc loại hình kiến trúc có nguồn gốc dân gian. Đặc điểm dân gian thể hiện rất rõ trong cách tổ chức khu phố trên cơ sở đơn vị "Phường Nghề" với phương thức sản xuất, tổ chức xã hội và các thiết chế văn hóa tín ngưỡng và đương nhiên cả cách xây dựng có nguồn gốc từ nông thôn, mà ở đó Phố xuất hiện sau Phường.
Nét đặc trưng nhất của Phố Cổ là những ngôi nhà thấp, hẹp chiều ngang, nhung rất dài, rất sâu xếp sát liền nhau - đó là những ngôi nhà ống, một biến thể của ngôi nhà nông thôn Việt Nam trong điều kiện đô thị. Ngôi nhà đô thị ở Phố Cổ không phát triển chiều cao mà phát triển chiều sâu với các lớp sân ngăn cách. Nói về Phố Cổ Hà Nội, nhiều người vẫn hình dung ra chiếc giếng khơi nằm trong sân trong, những tấm cửa gỗ, cái gác lửng và lan can gác tẩu mã ăn thông từ phố mặt nhà trước ra tới cổng hậu ở phố nhà sau. Cách chia lô đất xây dựng, cách phát triển ngôi nhà hình ống như thế đã tạo nên những đặc trưng khá riêng biệt của cấu trúc đô thị cổ của Hà Nội xưa. Gọi 36 phố phường Hà Nội, bởi ngoài nhà ở buôn bán của dân cư hiện còn 54 ngôi đình, 6 chùa, 22 đền, 3 miếu, tổng cộng là 85 công trình tôn giáo tín ngưỡng.
Phần lớn các công trình này có lịch sử khởi dựng cũng từ lâu mang dấu ấn của các phường xưa. Với lối kiến trúc thông dụng từ gỗ, gạch và các hệ kết cấu vì kèo gỗ của nhiều thời kỳ, các không gian đình, đền, chùa này, theo PGS.TS.KTS Nguyễn Bá Đang, chính là không gian tâm linh mang tính cộng đồng, nó có mối quan hệ vô hình với các không gian tâm linh riêng của từng ngôi nhà trong khu vực này. Các không gian văn hóa cổ này từ khi khởi dựng đến nay vẫn đang hoạt động và ngày nay có xu hướng quay về với với triết học Phương Đông, coi trọng tâm linh.
Theo TS Nguyễn Doãn Tuân, trưởng ban quản lý di tích, danh thắng Hà Nội, những di tích lịch sử văn hóa này có một vị trí thực sự quan trọng đối với khu Phố Cổ Hà Nội, chúng không những là hình ảnh cổ truyền mà còn là một phần tinh túy còn sót lại và gìn giữ được của khu Phố Cổ Hà Nội - là chứng nhân của lịch sử. Giữa phố Hàng Buồm đông đúc bán buôn, có một ngôi đền Bạch Mã (đền thờ Ngựa trắng), trong quan niệm phương Đông cổ truyền, Ngựa trắng đồng nhất với Mặt trời mọc phương Đông. Chính vì thế, đền Bạch Mã được xếp vào hàng "Thăng Long tứ trấn" (bốn điểm chốt trấn giữ thành Thăng Long xưa). Nơi đây trước kia có tên là phường Hà Khẩu - là cửa sông Tô Lịch thông với sông Hồng (hai dòng sông huyết mạch của Hà Nội cổ). Cũng theo ông Nguyễn Doãn Tuân, hiện đền Bạch Mã đã được khoanh vùng bảo vệ và được xếp hạng như một di tích lịch sử, văn hóa quan trọng nhất của khu Phố Cổ.
Tại phố Hàng Đường, số nhà 38 hiện mới mọc lên một kiến trúc mô phỏng kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng - đó là ngôi chùa cổ có tên "Đông Môn Tự" - ngôi chùa làm chứng cho việc ngày xưa, cửa Đông của khu vực Hoàng thành mở ra gần chỗ này - một điểm chốt quan trọng của khu Phố Cổ. Còn phải kể đến rất nhiều những đền thờ cổ có truyền thuyết từ lâu đời ở khu vực Phố Cổ Hà Nội như: đền thờ Lý Tiến tại số nhà 27 phố Hàng Cá (thờ Lý Thánh Tiến đã bị tử trận khi chống giặc Ân), đền thờ Hương Nghĩa số 13B Đào Duy Từ (thờ Cao Tử thời vua Thục An Dương Vương), chùa Cầu Đông phố Hàng Đường (thờ Ngô Văn Long thời Vua Hùng Duệ thứ 18), đỉnh Đại Lợi ở 50 Gia Ngư, đỉnh Trang Châu ở 77 Nguyễn Hữu Huân, đình Đông Hà ở 46 Hàng Gai...
Nâng niu những "báu vật" của Phố Cổ Hà Nội
Cũng không phải ngẫu nhiên, những kiến trúc sư người Pháp đầy bầu nhiệt huyết và tình yêu Phố Cổ Hà Nội là từ thành phố Toulouse nước Pháp, cùng Ban quản lý Phố Cổ Hà Nội dành nhiều tiền của và công sức để tôn tạo bằng được hai ngôi nhà được coi là cổ và bề thế của Phố Cổ Hà Nội trong gần 10 tháng trời theo hình thức kiến trúc truyền thống thị thành xưa, để người dân Hà Nội, để khách du lịch trong nước và nước ngoài được bước vào "không gian yên ắng và tĩnh mịch" giữa phố xá đông đúc bán buôn thuộc quận Hoàn Kiếm, đặc biệt giúp nhân dân trong khu Phố Cổ có được những nhận thức cụ thể về vẻ đẹp và giá trị quý giá của những ngôi nhà cổ mà họ đang sinh sống. Đó là ngôi nhà số 87 Mã Mây vốn được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 và ngôi nhà số 38 Hàng Đào, nguyên là đình Đồng Lạc - đình chợ bán yếm lụa được xây dựng từ thời Vua Lê, thế kỷ thứ 17, hiện nơi này vẫn còn lưu giữ được tấm bia đá có cách đây hơn 150 năm.
Ngôi nhà 87 Mã Mây nằm ở phía bắc hồ Hoàn Kiếm. Phố Mã Mây xưa kia là hai phố: đoạn đầu là phố Hàng Mây chuyên bán song mây và đoạn cuối là phố Hàng Mã chuyên bán đồ vàng mã, thời Pháp thuộc còn gọi là phố "Quân cờ đen". Tại dãy phố này có nhiều thương gia trong nước và nước ngoài tụ họp, buôn bán rồi định cư sinh sống.
Ngôi nhà 38 Hàng Đào nằm tại phố nhuộm tơ lụa mầu hồng xưa kia. Kiến trúc của hai ngôi nhà vừa được tu sửa, (mái ngói và những cửa gỗ, xà gồ gỗ...) hầu như được giữ nguyên, chỉ khác chăng những nơi không gian bức bí, những khu ô nhiễm đã được thay bằng những "giếng trời" đầy gió và ánh sáng, cống rãnh thoát nước ngầm và khu vệ sinh hiện đại.
Lại có những người Hà Nội, vì yêu Phố Cổ, mong muốn gìn giữ được một phần nghìn diện mạo Phố Cổ Hà Nội, đã bỏ ra hàng trăm cây vàng để đổi lấy một căn nhà cổ hình ống cũ kỹ, mốc thếch, hun hút tối, xốc xếch ngói, ọp ẹp cầu thang gỗ ở số nhà 69 phố Mã Mây, để hy vọng sẽ tôn tạo lại hình ảnh của căn nhà cổ có vài trăm tuổi đời, với bốn lớp mái ngói vẩy rồng xen kẽ, và ở chính giữa nhà là khoảng sân trong tràn đầy ánh sáng. Qua bậc cửa bằng gỗ lim đen bóng, cả một không gian thật sâu và thật "đằm" bởi mầu nâu của gỗ, mầu đỏ của gạch Bát Tràng, mầu nâu đỏ của áo tứ thân xưa như vỡ oà ra, đưa con người đang từ cõi thực trỏ về cõi mơ. Với cầu thang gỗ, con tiện gỗ, xà gồ gỗ, sàn gỗ, đèn gỗ và những hàng ngói phủ đầy dấu tích của thời gian, những hàng gạch xây tường mỏng chỉ độ 5 cm để trần nguyên cả mảng tường lớn được nung thủ công trơ gan cùng tuế nguyệt, những người yêu phố cổ này có ý nguyện dành căn nhà cổ 69 Mã Mây để người nước ngoài và người Việt Nam khi đến Hà Nội được đắm mình trong một cõi của tâm linh, được thưởng thức những món ăn mang đậm nét ẩm thực của người Hà Thành xưa! Không những thế, họ chính là những người dân Hà Nội đi tiên phong trong việc tự mình tôn tạo phố cổ, họ đã vào cuộc một cách ý thức và đã thành công.
Bảo tồn quản lý và giữ gìn Phố Cổ
Dưới con mắt của người nước ngoài nhất là đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, bảo tồn di sản văn hóa thì khu Phố Cổ Hà Nội là một di sản hiếm có, một hình ảnh tưởng chỉ còn nằm trong ký ức, lại đang là một thực thể sống sau khi đã vượt qua biết bao thăng trầm của thời gian, của chiến tranh.
Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đã nhận xét rằng: "Nếu Hà Nội mất khu Phố Cổ, mất hấp dẫn và Hà Nội sẽ như mọi thành phố khác".
Nhiều nghiên cứu, đồ án quy hoạch xây dựng và các dự án đầu tư tôn tạo Phố Cổ đã được các tổ chức, cá nhân đề xuất trong thời gian qua đều không nằm ngoài mục đích tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại của khu vực Phố Cổ đó là: các di sản văn hóa, lịch sử, công trình kiến trúc có giá trị ngày càng bị mai một, mất dần đi những giá trị đích thực của nó. Môi trường vật thể truyền thống đang bị biến dạng nghiêm trọng, giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng bị quá tải, xuống cấp, không bảo đảm cho các hoạt động của Phố Cổ. Tình hình ô nhiễm môi trường ở khu vực này ngày càng nghiêm trọng.
Những nguyên nhân trên, theo TS. KTS Trần Trọng Hanh, hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội là: do nhận thức và sự hiểu biết về Phố Cổ Hà Nội đối với người dân còn lơ mơ, thiếu sâu sắc và giá trị gốc đích thực của nó chưa được đánh giá đầy đủ và đúng mực. Do tác động của yếu tố thời gian, của yếu tố tự nhiên, của những hoạt động vô thức của xã hội và con người. Thiếu thể chế và các chính sách cơ chế quản lý Phố Cổ hợp lý, nhằm kiểm soát sự phát triển của Phố Cổ một cách chặt chẽ theo quy hoạch và quy định của pháp luật.
Việc đầu tiên cần làm để bảo tồn Phố Cổ Hà Nội, đó chính là thu hút sự tham gia của cộng đồng, bởi nếu thiếu nó, công tác bảo tồn Phố Cổ khó thành hiện thực. Muốn cộng đồng tích cực tham gia thì phải chứng minh được rằng việc bảo tồn ấy sẽ đem lại lợi ích cho chính họ, đem lại sự phồn vinh cho khu vực này. Cần tiến hành cuộc đều tra xã hội học nghiêm túc, trên cơ sở kết quả đều tra đó mà xây dựng chương trình bảo tồn thiết thực khả thi, rồi trưng cầu ý kiến của cộng đồng dân bằng nhiều cách.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Đỗ Hoàng Ân, những năm gần đây, chính quyền thành phố đã quan tâm giải quyết được một số việc và đề ra định hướng về bảo tồn, tôn tạo, phát triển liên quan đến Phố Cổ Hà Nội như: Quy hoạch chi tiết điều lệ quản lý xây dựng, tôn tạo một số ngôi nhà cổ; chuẩn bị dự án giãn dân Phố Cổ, giải quyết một số vấn đề về vệ sinh môi trường trong khu Phố Cổ như: cấp nước, rác thải, thoát nước, song vẫn còn không ít bất cập cần được quan tâm giải quyết.
Ông Ân cho rằng: bảo tồn khu Phố Cổ là bảo tồn một cơ thể sống, vì vậy cần phải xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách thích hợp trên cơ sở xem xét đến đều kiện thực tế để khả thi. Nâng cao dân trí để nhân dân, nhất là những người dân đang sống trong khu phố cổ thấy hết giá trị của nó và trực tiếp tham gia vào công tác bảo tồn và tôn tạo. Cũng cần trao đổi và làm rõ, chọn lựa khu vực được bảo tồn đồng bộ, có thể chỉ là 5, 10 tuyến phố và một số ô phố điển hình. Xác định xong cần tổ chức lập dự án và quyết tâm bảo tồn, tôn tạo để phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các khu vực còn lại sẽ được cải tạo, phát triển theo quy hoạch, không gian hài hòa với khu bảo tồn và tôn tạo.
Hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mỗi người dân Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung hãy chung tay góp sức giữ gìn Phố Cổ như linh hồn của cả một dân tộc, của cả một thời lịch sử hào hùng.
Bài viết được sưu tầm trên báo Công An Nhân Dân