Tiều Phu Người sáng lập
Tổng số bài gửi : 261 Join date : 26/04/2008 Age : 35 Đến từ : Diễn đàn Việt Nam học
| Tiêu đề: Bàn về định hướng quy hoạch đô thị: "Công chúa ngủ bên đường" Fri Nov 13, 2009 8:54 am | |
| Chuyện ngày xưa, có nàng Công chúa ngủ trong rừng, Hoàng tử phải tìm đến nơi đánh thức nàng mới chịu dậy. Chuyện ngày nay, có nàng Công chúa ngủ bên đường đã gần 10 năm nay, người qua kẻ lại đều thấy nhưng chẳng ai buồn đánh thức. Phải chi nàng xấu xí gì cho cam, dung nhan của nàng có phần “nhỉnh” hơn Công chúa ngày xưa nhiều, thế mà nàng cứ phải ngủ hoài.
Công chúa ngủ mười năm
Đó là câu chuyện của 500ha đất nằm dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh, đoạn từ cổng chính KCX Tân Thuận đến đường Nguyễn Thị Thập, thuộc một phần của Phường Bình Thuận và Phường Tân Thuận Tây, Quận 7. Chẳng hiểu vì lý do gì mà đất ở vị trí rất đẹp này từ khi khánh thành tuyến đường đến nay (1997 - 2004), dường như bị mọi người bỏ quên.
500ha đất nằm dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh
Thật ra, nói khu đất này bị bỏ quên thì không đúng mà là lúc nhớ lúc quên và cái tệ hại chính là ở chỗ quên không ra quên, nhớ không ra nhớ đó. Chính vì vậy, dân chuyên ngành địa ốc trong ngoài nước quan tâm đến khu đất này thấy Nhà nước bỏ đìu hiu thì tiếc, thấy rục rịch san lấp lại lo và thỉnh thoảng thấy trồi lên năm bảy căn nhà hợp thức hóa rồi hình thành dần khu ổ chuột mới thì đâm hoảng. Điều đó giống như đường đường là một nàng Công chúa đang xuân; Vua, quan thì bận bịu, quân tử thì không vói được tới, còn những kẻ tiểu nhân lại đang toan tính chuyện làm liều.
Những doanh nhân trong, ngoài nước họ nói với nhau: “Nếu ví khu đất 500ha như phận gái mười hai bến nước, thì rõ ràng phận gái này bị rơi vào bến đục”.
Thân gái rơi vào bến đục
Nàng Công chúa ngủ ngoài đường này đẹp đến dường nào mà chúng tôi dám khẳng định rằng nàng “nhỉnh” hơn Công chúa ngủ trong rừng ngày xưa?
Nếu Thành phố Hà Nội luôn tự hào về những cái hồ thơ mộng giữa lòng thủ đô thì khu đất này cũng có hồ đấy, đó là hồ Hương Tràm có diện tích mặt nước rộng đến 12ha! Ngoài ra, còn một hệ thống ao lớn, ao nhỏ; rạch lớn, rạch nhỏ uốn lượn nên thơ, lãng mạn đẹp đến chạnh lòng người. Thế mà hiện nay, người ta đã và đang rình rập để san lấp rạch, rắp ranh thu nhỏ hồ Hương Tràm và có một dự án nhà phố hay nhà vườn gì đó đang thai nghén mà, nếu dự án này hình thành thì làm tan hoang khu đất hiếm.
Phát triển mà không đúng tầm, không có định hướng về quy hoạch thì thà bỏ hoang còn hơn.
Có ai trong chúng ta đặt vấn đề tại sao Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng bỏ kinh phí đầu tư toàn bộ tuyến đường Nguyễn Văn Linh rồi chấp nhận lùi sâu vào đến 3km mới quy hoạch khu A? (Bên kia đường Nguyễn Thị Thập). Đó chính là ý đồ của chủ đề án (Ông Phan Chánh Dưỡng) muốn giành nàng Công chúa này lại để gả cho phía Việt Nam, nên các chàng trai Đài Loan, dù rất muốn, cũng đành phải nhịn thèm.
Hay nói một cách hình tượng: “Đầu đường Nguyễn Văn Linh là KCX Tân Thuận, đoạn giữa là trục đường Nguyễn Văn Linh rộng 120m đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tiếp đến là khu A của Phú Mỹ Hưng thì 500ha đất ở vị trí này có khác gì ông nhà nghèo nằm giữa hai ông nhà giàu. Nếu ông nhà nghèo muốn có nhà lầu để ở thì chỉ cần gác chèo là xong”.
Nhưng thực tế hiện nay cho thấy hình như ta gác chèo cũng không xong!
Tìm ai để môn đăng hộ đối?
Có lẽ ta không nên để nàng Công chúa ngủ ngoài đường mãi, nhưng cử ai đánh thức và ai se duyên cùng nàng cho môn đăng hộ đối lại là một việc cần cân nhắc thật kỹ lưỡng.
Không thể để những dự án phân lô nhà phố, nhà vườn nằm trên 500ha đất này - loại dự án mà hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cái gì cũng có, mỗi cái một chút nhưng đều làng nhàng, nhếch nhác. Những dự án loại này sẽ làm lãng phí khu đất, phá vỡ cảnh quan khu vực và minh chứng cho các nhà đầu tư nước ngoài rằng “ta gác chèo cũng không xong”.
Vậy, để khai thác quỹ đất quí hiếm này một cách có hiệu quả cao nhất cho TP. HCM, ta hãy cùng nhau hoạch định về định hướng quy hoạch đô thị một cách căn cơ và đồng bộ giữa khu đất này với khu đô thị cũ và khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.
Hoàng tử nào xứng đáng với nàng?
Nếu đã bàn về định hướng phát triển và quy hoạch đô thị thì phải chú trọng đến hai nguyên tắc cơ bản: ta có gì và thị trường cần gì?
Một là, ta có một khu đất gần như nguyên trạng của vùng sông nước Nhà Bè cũ với một hệ thống hồ, ao, sông, rạch chằng chịt - một vùng đất mang đầy đủ nét đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ, nhưng lại nằm ngay đầu ngõ của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng - một khu đô thị tầm cỡ (chiếm 600ha đất) đại diện cho xu hướng kiến trúc hiện đại.
Hai là, khu đất chỉ cách trung tâm TP. HCM khoảng 4km - một Thành phố đất chật người đông với kiến trúc bê tông hóa vừa cũ, vừa mới không hài hòa, không ấn tượng. Với một thực trạng đô thị như thế thì “cái có” của khu đất này lại trở thành vô giá.
Và “thị trường cần” gì? Thành phố ta dù muốn, dù không vẫn phải tích lũy vốn để phát triển nhanh và bền vững bằng cách nâng tỉ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Ưu điểm của hoạt động dịch vụ đem lại lợi nhuận cao và tức thì cho nền kinh tế. Trong lúc Thành phố đang tìm cách thu hút và lưu giữ khách du lịch dài ngày để “móc hầu bao”, thì tạo ra môi trường cho khách sống, tham quan, ăn, ngủ, nghỉ, đi lại một cách phong phú và ấn tượng đậm nét đặc trưng của người Nam Bộ là một việc cần phải làm. Nếu vậy, cái ta có và cái thị trường cần đã gặp nhau trên khu đất 500ha này.
Ở giữa hai khu đô thị cũ và mới không có nét đặc trưng riêng; nên chăng, ta dành khu đất này lại để quy hoạch một làng Nam Bộ phục vụ cho khách du lịch trong ngoài nước theo mô hình xã hội hóa du lịch - nghĩa là, những người dân sống thật sự ở đây sẽ tham gia cùng làm du lịch (như phố cổ Hội An).
Để phong phú hoạt động nhằm khai thác được triệt để “cái có” thì ngay bây giờ chúng ta cần giữ nguyên hiện trạng của khu đất. Trên quỹ đất này, khách sẽ có nhà ba gian để ở, có khu ăn uống trên nhà (kết) bè, có chợ nổi trên sông rạch, có ruộng lúa được cày bằng những con trâu, có vườn cây trái trĩu quả, có xe bò chở lúa rơm qua lại, có những ủ rơm thơm ngát, có đàn gà, đàn vịt đi lại quanh sân.
Và, có cả những cô lái đò mặc áo bà ba, nghiêng nghiêng nón lá duyên dáng mà lém lỉnh buông những câu hò làm xiêu lòng du khách: “Hò ơi… đến đây thì phải ở đây, chừng nào bén rễ sanh cây rồi dìa …”
-----------------------------
(Bài đã đăng báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần số 52, ngày 16/07/2004 và đã đọc trên mục “Điểm báo buổi sáng”của đài VTV1). | |
|