Tôi không hiểu các bạn đã có bao giờ bước chân vào một siêu thị ở Việt Nam, hoặc một tiệm sách hoặc một tiệm bán quần áo tạp nhạp trong một trung tâm thương mại (plaza) ở Việt Nam bao giờ chưa? Tôi đã! Và mỗi lần vào những nơi đó, tôi lại có những phút giây bực mình khó tả.
Nếu bạn là một phụ nữ, hoặc là một đấng mày râu đang làm cái nhiệm vụ rất cao cả là “hộ tống” người bạn trăm năm, hoặc bạn tình tri kỷ vào một trong những nơi trên, mà bạn không bực mình, không tức giận, thì thú thật, cái tự ái của bạn đã không còn nữa, và tôi xin ngả nón cúi đầu khâm phục, vì bạn đã luyện tới mức thượng thưà cái đạo vô vi của cửa thiền uyên bác.
Cái việc đầu tiên mà người phụ nữ, trước khi bước vào cửa của một trong những nơi trên là phải “vui lòng” gửi lại cái xách tay bất ly thân mà hầu như bất cứ một người phụ nữ nào sống trên một nước văn minh đều phải có. Trong cái xách tay bất ly thân đó có những gì? Một cái ví đựng tiền. Những món linh tinh dung để làm đẹp như gương soi mặt, thỏi son môi, phấn thoa. Nếu có con nhỏ, trong cái xách tay đó có thể có thêm vài cái tã lót cho em bé và một hộp giấy chùi đít có tẩm nước sát trùng. Cần thiết hơn nữa, trong cái xách tay đó, có thể có một cái băng vệ sinh để người phụ nữ có thể làm cái công việc cần phải làm khi đang mua sắm trong một siêu thị rộng thênh thang.
Cái xách tay bất ly thân của người phụ nữ, khi bước vào một trong những nơi trên, bị bắt buộc ly thân một cách tàn nhẫn đầy tính chất khinh bỉ. Khách hàng là thượng đế. Nhưng có lẽ, trong hơn 5 tỷ thượng đế của toàn thế giới này, thì gần 100 triệu thượng đế ở Việt Nam được các cửa tiệm trên đối xử với thái độ có thể nói là còn thua cách đối xử với một kẻ ăn mày ở những quốc gia khác.
Thử nghĩ lại mà coi. Khi những cửa tiệm trên bắt khách hàng của họ để lại xách tay trước khi bước vào cửa tiệm, có phải chăng, những khách hàng đó đã bị phân loại là thành phần có thể trộm cắp khi có cơ hội?
Nếu chúng ta đi với một phụ nữ trên đường phố, mà có một kẻ tiến lại, nói thẳng vào mặt chúng ta, người phụ nữ đi bên cạnh chúng ta là một tên trộm cắp khi có cơ hội, thì phản ứng của chúng ta sẽ như thế nào? Dĩ nhiên, chúng ta sẽ có một phản ứng mạnh. Phản ứng mạnh đến mức nào thì tuỳ thuộc vào từng người một. Có thể đó sẽ là một quả đấm. Có thể đó sẽ chỉ là những lời ôn tồn hoà nhã. Có thể đó chỉ là một ánh mắt giận dữ. Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng ta buộc phải có một phản ứng để đáp lại thái độ vô lễ trên.
Không cần phải nói thêm về những bất tiện của người phụ nữ khi cần phải thay tã cho con, hoặc vệ sinh cho chính mình, chỉ cái luật gửi lại xách tay rất rừng rú không nên có trong một xã hội văn minh, các cửa tiệm trên đã nói thẳng vào mặt chúng ta, tất cả các anh, các chị, đều là những tên trộm cắp khi có cơ hội.
Hãy thử nghĩ mà coi, một người nước ngoài đi du lịch qua Việt Nam, bước vào những cửa tiệm trên, thấy cái cảnh “bắt buộc phải gửi xách tay” đó, họ sẽ nghĩ gì? Có phải chăng, họ sẽ nghĩ rằng, nước Việt Nam của các anh chị trộm cắp nhiều lắm phải không? Đây chính là một trong những việc làm mất quốc sĩ. Cái sĩ diện của một con người đã là vô cùng quan trọng. Cái sĩ diện của một quốc gia còn quan trọng hơn gấp ngàn lần.
Sở dĩ tôi viết “người nước ngoài đi du lịch qua Việt Nam, bước vào những cửa tiệm trên, THẤY cái cảnh…”, mà không đề cập đến việc người nước ngoài bị buộc gửi lại xách tay, vì chính mắt tôi đã chứng kiến nhiều lần, cái luật rừng rú trên không áp dụng cho người phụ nữ ngoại quốc. Người phụ nữ ngoại quốc, khi bước vào một trong những cửa tiệm trên, không hề bị bắt buộc gửi lại cái xách tay. Có thể là chú bảo vệ không biết ngoại ngữ. Có thể chú bảo vệ mắc cở và ngần ngại không muốn nói tiếng Anh. Tôi không cần biết đến điều đó. Tôi chỉ biết rằng, khi chỉ có người phụ nữ Việt phải buộc để lại xách tay, đó là sự nhục mạ người Việt bởi người Việt ngay trước mặt những người ngoại quốc.
Thật sự ra, có cần phải làm thế không? Các cửa tiệm đều có những ống kính thu hình có thể quan sát các hành lang dọc theo các quầy hàng. Thay vì trả lương nhân công cho 2,3 người thu giữ cái xách tay, tại sao không dẹp cái quầy giữ xách tay, dùng những nhân viên trên ngồi theo dõi màn hình?
Hơn thế nữa, với một người thích trộm cắp, thì đâu có cần phải dung xách tay để chứa những vật họ muốn trộm cắp? Và những vật trộm cáp có thể lượng to lớn chưa chắc đã đắt tiền hơn những vật nho nhỏ có thể nhét vào túi hoặc những chỗ kín có nhiều tính cách riêng tư mà rất ít khi nào các nhân viên bảo vệ muốn đảo mắt nhìn xuống.
Thú thật, tôi chưa bao giờ đi với một phụ nữ mà để cho họ phải gửi lại xách tay. Nếu người phụ nữ đi một mình, tôi không can thiệp. Nhưng nếu đi với tôi, tôi chỉ nhỏ nhẹ nói anh bảo vệ rằng, một là anh cho chúng tôi vào với cái xách tay bất ly thân, hoặc chúng tôi sẽ không vào cửa tiệm. Và hơn 50% của những lần đó, anh bảo vệ phải cho chúng tôi vào với cái xách tay. Tôi nghĩ, đây là thái độ nên làm của tất cả chúng ta. Nếu tất cả chúng ta đều có phản ứng như trên, thì các cửa tiệm sẽ bắt buộc phải thay đổi cung cách làm việc của họ, cho đúng với câu: ”Khách hàng là thượng đế.”
Hãy gửi bài này đi khắp mọi nơi chúng ta có thể gửi. Hãy gửi một thông điệp đi khắp mọi nơi, chọn một ngày Chủ Nhật nào đó, tất cả chúng ta mặc quần áo bảnh bao, bước vào những cửa tiệm đó với cái xách tay. Nếu bị buộc phải gửi lại xách tay, thì nhỏ nhẹ nói với chú bảo vệ là chúng ta sẽ không vào cửa tiệm để mua sắm nếu không có cái xách tay, để rồi bước ra qua một tiệm khác. Tôi bảo đảm rằng, khi chuyện này được lập lại nhiều lần bởi cả ngàn người, các chủ tiệm sẽ lập tức thay đổi cung cách làm việc của họ.
Nếu chỉ một cái liếc mắt giận dữ cũng không có, thì các bạn mặc nhiên đã đồng ý rằng, mỗi người Việt Nam là một tên ăn cắp khi có cơ hội.