Việt Nam học trên đường hội nhập.
- Ngày 5.12, phát biểu tại buổi tiếp các đại biểu dự hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao vai trò của các nhà Việt Nam học đối với Việt Nam.
Ngày 5.12, tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế VN học lần ba với chủ đề "Việt Nam - hội nhập và phát triển" - do ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học xã hội VN tổ chức - đã được khai mạc trọng thể.Các đại biểu gặp gỡ, trao đổi tại hội thảo.
Chủ tịch Nước nói: "Các nhà khoa học Việt Nam cũng nghiên cứu về Việt Nam, nhưng đồng thời cần lắng nghe ý kiến của các bạn nước ngoài để khách quan hơn. Mình tự đánh giá bản thân thì dễ dẫn đến chủ quan. Mong các nhà Việt Nam học đóng góp ý kiến chân thành, thẳng thắn với Việt Nam để giúp Việt Nam thấy hết được các mặt mạnh, mặt yếu...".Tham dự còn có Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan cùng gần 700 học giả, nhà khoa học (trong đó có gần 200 người đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới).
Bức tranh toàn cảnh ngành VN học.Kể từ sau khi VN thực hiện chính sách Đổi mới, các nhà khoa học nước ngoài càng có cơ hội trực tiếp nghiên cứu thực địa tại VN. Việc thành lập một cơ quan ở VN để phối hợp với các học giả nước ngoài tiến hành nghiên cứu VN trở thành một nhu cầu khách quan đối với cả VN và học giả quốc tế. "Trung tâm phối hợp nghiên cứu VN" ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội ra đời trong bối cảnh như vậy.
Sau sự kiện này, hàng loạt hội thảo quốc tế về những đề tài nghiên cứu về VN đã được tổ chức: Hội thảo về đô thị cổ Hội An, hội thảo về Phố Hiến (Hưng Yên)...; Hội Nghiên cứu VN được thành lập ở Nhật Bản với hơn 100 thành viên (năm 1990) dưới sự lãnh đạo của GS Yamamoto Tatsuro; năm 1993, ở Châu Âu, các nhà VN học cũng đã được tập hợp lại trong tổ chức Euroviet theo sáng kiến của TS Stein Tonesson (sử gia người Na Uy, GĐ Viện Nghiên cứu hoà bình quốc tế tại Oslo), định kỳ 2 năm/lần tổ chức hội thảo về VN.
Hiện nay ở VN có đến gần 100 trường ĐH đưa ngành VN học vào chương trình đào tạo, trong đó có 7 khoa chuyên đào tạo về VN học. Trong số các nước có nền Việt học phát triển, phải kể đến Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia, Nga, Đức, Hà Lan...
Theo GS-TSKH Vũ Minh Giang, đang có những bước phát triển mạnh mẽ của ngành VN học. Cho đến nay, đã có hàng vạn công trình viết về VN và trong số các tác giả, không ít người đã nổi danh với ngành này.
Các đại biểu quốc tế tại hội nghị.
Việt Nam học với cuộc sống đương đại.Hội thảo lần này có 868 báo cáo gửi về BTC, trong đó có 160 báo cáo của 174 nhà khoa học đến từ 23 quốc gia và các vùng lãnh thổ, với nhiều nội dung liên quan đến cuộc sống VN đương đại hơn. Vấn đề tài nguyên thiên nhiên, môi trường và phát triển bền vững; đô thị và đô thị hoá; văn hoá trong thời kỳ hội nhập... là những vấn đề được nhiều học giả quan tâm.
Có lẽ, văn hoá VN trong bối cảnh toàn cầu hoá là nội dung được tranh luận nhiều. TS Anatoli Sokolov (Nga) đã cảnh báo về một "nền văn hoá dịch vụ cho xã hội tiêu dùng" rất dễ xảy ra trong bối cảnh toàn cầu hoá. Muốn tránh khỏi "thảm hoạ" văn hoá đó, người VN trước hết phải tôn trọng lịch sử văn hoá của nước mình; biết chọn cái gì để giữ gìn cho riêng mình, cái gì có thể hoà nhập được..." - TS A.Sokolov kết luận.
Đặc biệt báo cáo nghiên cứu khu vực Thăng Long - HN (trong bối cảnh HN được mở rộng như hiện nay), đã đặt ra những kết luận đáng chú ý: Quản lý Thăng Long - HN phải xuất phát từ nhận thức về vai trò, vị trí của kinh đô - thủ đô, đánh giá chính xác đặc thù và lợi thế so sánh để lựa chọn con đường phát triển đúng hướng; Phải xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là nhân tố quyết định sự phát triển của Thăng Long - HN...
Trong báo cáo của TS Trần Hồng Hà cũng nêu rõ những tồn tại và thách thức của môi trường - một trong những vấn đề bức xúc của VN hiện nay, đặc biệt là trong sự phát triển "nhanh" và "nóng" của nền kinh tế. Trong đó, nổi cộm là hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với các hành vi vi phạm...
Hội thảo sẽ tiếp tục đến hết ngày 7.12 và chia làm 18 tiểu ban, với 531 báo cáo được trình bày. "Những nghiên cứu một cách tổng hợp theo từng khu vực, từng phạm vi, lĩnh vực để tìm ra các đặc điểm về đất nước, con người VN phục vụ cho các chiến lược phát triển đất nước và đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội - đó là một VN học đích thực" (GS-TS Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện VN học và Khoa học phát triển). Và như vậy, chúng ta có quyền hy vọng, với sự hội nhập sâu rộng và phát triển mạnh mẽ của ngành VN học, VN sẽ có vị trí quan trọng trong khu vực cũng như trên thế giới.
Nguồn: Báo Laodong.