Bạn muốn trở thành Nhà Việt Nam học?
Người có thể hiểu biết nhiều lĩnh vực liên quan đến con người và đất nước Việt Nam:
• Phong tục, tập quán của người Việt trên mọi miền của đất nước Việt Nam, trong đó có phong tục về cưới hỏi, ma chay, giỗ tết, lễ hội…
• Văn hoá giao tiếp của người Việt:
- Giao tiếp trong sinh hoạt gia đình;
- Giao tiếp nơi công sở;
- Giao tiếp trong trường học;
- Giao tiếp trong kinh doanh;
- Giao tiếp trong khi tiếp khách.
• Văn hoá ẩm thực của người Việt: Các món ăn đặc trưng và cách nấu món ăn của mỗi vùng trên đất nước Việt Nam.
• Văn hoá mặc truyền thống của người Việt trong từng thời kì lịch sử.
• Ngoài ra, bạn cũng hiểu biết thêm nhiều về lịch sử, văn học, kinh tế… của Việt Nam.
Nếu bạn tham gia học ngành Việt Nam học, bạn sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản về Việt Nam học như: kiến thức về văn hoá Việt Nam, lịch sử Việt Nam, văn học Việt Nam… Bạn sẽ là người hiểu biết nhiều về đất nước và con người Việt Nam.
Trong khi học tại trường, bạn sẽ có dịp được tham gia vào các chuyến học dã ngoại, tham quan một số danh thắng, di tích lịch sử… của đất nước.
Sau khi tốt nghiệp ngành Việt Nam học, với khối lượng kiến thức và kĩ năng đã được đào tạo, bạn có thể độc lập hành nghề hoặc tiếp tục học ở các bậc học cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước hoặc ở nước ngoài.
CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP1. GIẢNG VIÊN NGÀNH VIỆT NAM HỌCGiảng viên ngành Việt Nam học làm việc trực tiếp với các sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng có đào tạo các môn học thuộc ngành Việt Nam học.
Những công việc và nhiệm vụ phải thực hiện:• Trực tiếp tham gia giảng dạy các môn học chuyên đề hoặc các vấn đề có liên quan đến ngành Việt Nam học.
• Quản lí, hướng dẫn sinh viên trong thời gian học tại trường cũng như trong các đợt học dã ngoại, tham quan các danh thắng hoặc các di tích lịch sử do Khoa Việt Nam học tổ chức.
• Khơi nguồn, hướng dẫn cho các sinh viên trong việc nghiên cứu khoa học.
• Tư vấn dự án phát triển.
Các yêu cầu về năng lực tính cách:• Có lòng yêu nghề, nhiệt tình và linh hoạt trong công việc;
• Có khả năng và có tính độc lập trong giảng dạy và nghiên cứu;
• Có khả năng suy luận và tư duy lô gíc trong khi làm việc.
Các cơ quan đơn vị tuyển dụng:Các trường đại học, các trường cao đẳng công lập và dân lập trong nước và quốc tế.
Triển vọng nghề nghiệp:Kể từ khi nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, nhiều doanh nhân nước ngoài đã đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam. Để cho việc kinh doanh tại Việt Nam thuận lợi, họ rất cần hiểu biết về đất nước, con người và văn hoá Việt Nam… Họ rất cần tìm hiểu, học tập những vấn đề liên quan đến chuyên ngành Việt Nam học tại đất nước họ hoặc tại Việt Nam. Do vậy, việc bạn sẽ trở thành giáo viên hoặc chuyên gia về Việt Nam học cho các đối tượng này là điều hoàn toàn có thể.
Hiện các trường đại học và cao đẳng cũng đã đưa vào chương trình đào tạo của trường nhiều môn học, chuyên đề có liên quan đến Việt Nam học. Vì thế, việc bạn trở thành giảng viên ngành Việt Nam học tại một trường đại học hoặc cao đẳng nào đó đang ở trong tầm tay bạn.
2. NHÀ VIỆT NAM HỌCNhà Việt nam học dùng kiến thức và các phương pháp nghiên cứu để nghiên cứu một hoặc những vấn đề liên quan đến đất nước và con người việt Nam. Chẳng hạn, bạn có thể nghiên cứu về Hà Nội hay về quá trình hình hình thành và phát triển của một thành phố nào đó. Bạn cũng có thể nghiên cứu một nét văn hoá nào đó trong cuộc sống của người Việt: Văn hoá giao tiếp, văn hoá ẩm thực, phong tục, tập quán như cưới hỏi, giỗ chạp…
Những nhiệm vụ và công việc cụ thể:• Chọn đề tài nghiên cứu;
• Lập kế hoạch nghiên cứu;
• Tra cứu tư liệu;
• Tiến hành các cuộc tìm kiếm, găp gỡ, phỏng vấn những người hiểu biết về các vấn đề, các sự kiện có liên quan đến đề tài, địa danh… mà bạn nghiên cứu.
Các yêu cầu về năng lực, tính cách:• Khả năng tập hợp tư liệu;
• Khả năng tư duy lô gíc;
• Khả năng giao tiếp;
• Thận trọng, kiên trì, lắng nghe và chọn lọc;
• Độc lập trong nghiên cứu.
Cơ quan tuyển dụng:Các viện, các trung tâm và các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội.
Triển vọng nghề nghiệp:
Cuộc sống càng năng động và phát triển thì càng nảy sinh nhiều vấn đề tác động đến cuộc sống của con người trong một cộng đồng, tác động đến sự phát triển của cộng đồng, của xã hội… Đây chính là cơ hội để bạn trở thành nhà nghiên cứu Việt Nam học.
3. HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCHVới kiến thức về Việt Nam học đã được đào tạo, ban có thể trở thành người hướng dẫn, giới thiệu cho khách du lịch trong và ngoài nước tham quan các danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử trên khắp mọi miền của tổ quốc, giúp cho du khách thấy được những cảnh đẹp hùng vĩ, thơ mộng của của đất nước Việt Nam. Bạn cũng là người giúp cho du khách hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng hơn bốn nghìn năm xây dựng và đấu tranh bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam.
Những công việc và nhiệm vụ phải thực hiện:• Tư vấn cho du khách trong và ngoài nước về các địa điểm tham quan.
• Tổ chức các chuyến tham quan và du lịch cho du khách.
• Hướng dẫn, giới thiệu cho du khách tham quan những danh lam thắng cảnh và những di tích lịch sử của đất nước Việt Nam.
Các yêu cầu về năng lực, tính cách:• Nhiệt tình và say mê công việc;
• Trung thực, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của khách;
• Có đầu óc tổ chức;
• Biết ngoại ngữ;
• Linh hoạt trong giao tiếp, có giọng nói diễn cảm trong khi thuyết minh, giới thiệu…
Các cơ quan, đơn vị tuyển dụng:• Các sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch
• Các viện bảo tàng.
• Các công ty du lịch trong và ngoài nước.
Triển vọng nghề:Hiện nay là thời kì kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước có nhu cầu du lịch, tham quan các danh thắng và di tích lịch sử của Việt Nam để hiểu biết nhiều hơn về đất nước và con người Việt Nam. Đó là cơ hội tốt để bạn có thể hành nghề sau khi tốt nghiệp ngành Việt Nam học.
4. CÁC CƠ HỘI VIỆC LÀM KHÁC• Làm giáo viên trong các cơ sở đào tạo có môn học liên quan đến Việt Nam học;
• Phóng viên (làm việc tại các cơ quan truyền hình, báo chí, đài phát thanh…);
• Biên tập viên (các cơ quan báo chí, truyền thông…);
• Các cơ quan, các tổ chức trong nước và quốc tế…
Theo: Đại học Quốc gia Hà Nội