Bài viết: Hiệu ứng Đỗ Việt Khoa: Ai sẽ là Người đương thời?
Tác giả: Phạm Anh Tuấn
"Muốn thắng nền giáo dục lạc hậu phải đánh vào chỗ mạnh nhất của nó". Đánh cho mất thăng bằng cái "chân trụ". Chân trụ của nền giáo dục lạc hậu là triết lý giáo dục- học vẹt. Học vẹt dẫn đến nạn dạy chay, nhồi sọ, áp đặt. Học vẹt dẫn đến loạn học thêm. Dẫn đến loạn sách tham khảo. Dẫn đến nạn thi cử, nạn gian lận thi cử. Dẫn đến nạn háo danh, háo thành tích."Nền giáo dục học vẹt"Nền giáo dục hiện nay giống như một cơ thể đang ốm nặng. Nó ắt đã mắc một căn bệnh gì đó. Nhưng chắc chắn nó mắc một căn bệnh "nguyên thủy"- một khối u. Vì không được chữa trị tận gốc nên căn bệnh đó bung ra, lan ra, dẫn đến những bệnh thứ cấp khác, thể hiện ra ngoài bằng những triệu chứng. Có điều hiện nay chúng ta lại đang chăm chú nhìn vào những triệu chứng, triệu chứng của cả căn bệnh nguyên thủy lẫn các bệnh thứ cấp phát sinh "ăn theo".
Khối u nguyên thủy ấy là khối u gì? Chỉ biết rằng chữa trị khối u giáo dục khó gấp bội so với chữa trị khối u của cơ thể.
Giống như mọi sự chữa trị, việc đầu tiên là phải chữa trị cái ảo tưởng 'không có bệnh'. Ảo tưởng hay cũng chính là điệp khúc thông thường, phổ biến của ngành giáo dục- "đã đạt được những thành tích to lớn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khuyết điểm như thế, như thế..."
Ảo tưởng thứ hai là ảo tưởng 'có bệnh thì vái tứ phương'. Thấy ai mách có thuốc hay là đến liền, thuốc Đông, thuốc Tây! (người khác dùng được thì mình cũng dùng được!) Cứ chợt nghĩ ra cái gì thấy 'có vẻ được' là lập tức dấy lên một phong trào thi đua thực hiện!
Một nhà tâm lý học giáo dục người Việt sống cùng thời với chúng ta có lần đã nói, "Muốn thắng nền giáo dục lạc hậu thì phải đánh vào chỗ mạnh nhất của nó". Đánh cho mất thăng bằng cái "chân trụ". Chân trụ của nền giáo dục lạc hậu là triết lý giáo dục- học vẹt. Học vẹt dẫn đến nạn dạy chay, nhồi sọ, áp đặt. Học vẹt dẫn đến loạn học thêm. Dẫn đến loạn sách tham khảo. Dẫn đến nạn thi cử, nạn gian lận thi cử. Dẫn đến nạn háo danh, háo thành tích.
Những học sinh được hưởng "nền giáo dục học vẹt" khi lớn lên nếu theo nghề sư phạm thì các em sẽ lại tiếp tục là những người thầy người cô làm việc theo triết lý học vẹt. Cái vòng luẩn quẩn cứ thế tồn tại dai dẳng.
"Người đương thời" đang ở đâu?Ai "đạp đổ" được cái chân trụ này và thay thế nó bằng một cái chân trụ khác, người đó chưa chắc được coi là một người "đương thời". Thậm chí có khi người đó còn bị những người cùng thời với mình cản trở hoặc phá bằng được. Nhưng người đó nhất định là một nhà cải cách giáo dục đúng nghĩa.
Trong khi chờ đợi "Người đương thời", chúng ta chẳng nên trách phương pháp giải quyết của thầy Đỗ Việt Khoa, không nên giễu cợt cái máy ghi âm tai quái, cái máy ảnh hay "săm soi" của thầy. Bởi chưng nhìn đi nhìn lại, nhìn cho thật kỹ hiện trạng giáo dục hiện nay thì thấy rằng chỉ có một vài người nói trúng hoặc đủ khả năng nói trúng phóc cái khối u nguyên thủy, cái căn bệnh chết người của nền giáo dục.
Thầy Khoa là một trường hợp của lương tâm. Không nghi ngờ gì nữa, thầy hoàn toàn xứng đáng được nhận sự quý trọng. Nếu may mắn thầy có thể tạo ra một hiệu ứng - hiệu ứng Đỗ Việt Khoa.
Nhưng cải cách giáo dục không đơn thuần là câu chuyện của lương tâm. Cũng không phải là chuyện cầu may.
Theo: tuanvietnam.net