Hướng tới châu Phi: Chính sách quan trọng của Việt Nam
- Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội để thâm nhập sâu rộng thị trường châu Phi rộng lớn với dân số hơn 1 tỷ người ra sao trong bối cảnh tăng cường xuất khẩu sang các thị trường truyền thống ngày một khó khăn do cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi cao?Đó là nội dung Việt Nam muốn đối thoại với 22 nước châu Phi cùng nhiều tổ chức quốc tế, các nước có dự án hợp tác 3, 4 bên với Việt Nam và châu Phi trong cuộc hội thảo quốc tế diễn ra hôm ngày 17/8/2010 tại Hà Nội.
Với chủ đề “Việt Nam - châu Phi: Hợp tác cùng phát triển bền vững”, hội thảo sẽ tập trung thảo luận về quan hệ hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực giữa Việt Nam và châu Phi, trong đó có an ninh lương thực, hợp tác nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo; hợp tác thương mại, đầu tư và phát triển nguồn nhân lực.
Là châu lục lớn thứ 3 thế giới, châu Phi với gần 1 tỷ dân là vùng đất giàu tài nguyên; đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng chưa được khai thác tốt. Vùng đất rộng lớn này có một số khoáng sản quí có trữ lượng lớn như kim cương (chiếm tới 90% tổng trữ lượng của cả thế giới), vàng, uranium, dầu mỏ... Châu Phi cũng có tiềm năng lớn về thủy điện (35,4% của thế giới) và có nguồn thủy - hải sản dồi dào.
Các nước châu Phi có nhu cầu cao về gạo, nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, sản phẩm cơ khí nông nghiệp, dược phẩm, đồ mỹ nghệ...
Với việc thiết lập quan hệ thương mại với tất cả 54 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Phi, hiện nay Việt Nam có gần 5.000 doanh nghiệp tham gia trao đổi hàng hóa với châu Phi, triển khai 20 chương trình xúc tiến thương mại tại một số thị trường tiềm năng.
Nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác chủ đạo, với việc ký nhiều thỏa thuận hợp tác song phương và các dự án 3 bên, bên cạnh đó Việt Nam còn triển khai nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Hiện có khoảng 8.500 chuyên gia lao động Việt Nam ở Libya, Angeria, Angola và 300 chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp làm việc tại Angola, Mozambique, Angeria.
Tuy nhiên, hợp tác Việt Nam - châu Phi hiện chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của cả hai bên. Nguyên nhân trước hết là do cả Việt Nam và các nước châu Phi đều là những nước đang phát triển, cơ sở hạ tầng về kinh tế, kỹ thuật và pháp lý còn thấp, khả năng và thủ tục thanh toán trong giao dịch thương mại trực tiếp còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, khoảng cách xa xôi về địa lý, khác biệt về văn hóa, tập quán.. cũng là yếu tố bất lợi cho quan hệ hợp tác hai bên.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng, trong những năm tới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt, hiệu quả với châu Phi sẽ là hướng triển khai quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Việc củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp với các nước trong khu vực là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh hợp tác kinh tế với châu Phi. Cùng với các hoạt động trao đổi đoàn ở các cấp, các hoạt động ngoại giao văn hóa - du lịch - thể thao cũng cần được tăng cường để thúc đẩy tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau, tạo dựng quan hệ hữu nghị lâu bền với các quốc gia khu vực.
Trên lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm, tham gia đầu tư hợp tác, liên doanh, liên kết với các đối tác châu Phi, đặc biệt là trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, khoáng sản
Trong khi việc tăng cường xuất khẩu sang các thị trường truyền thống ngày một khó khăn do cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi cao thì thị trường châu Phi rộng lớn với dân số hơn 1 tỷ người, yêu cầu chất lượng hàng hóa không quá cao là một hướng đi khả thi mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tính đến, đặc biệt là tiếp tục đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu mà ta có thế mạnh và các nước châu Phi có nhu cầu cao như gạo, nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, sản phẩm cơ khí nông nghiệp, dược phẩm, đồ mỹ nghệ… và chú trọng nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi, nhất là dầu khí, gỗ và khoáng sản.
Theo: vietnamnet