phphduong New member
Tổng số bài gửi : 1 Join date : 10/09/2010
| Tiêu đề: CÁM ƠN VĂN HOÁ CHỢ NỔI CÁI RĂNG. Fri Sep 10, 2010 10:09 pm | |
| CÁM ƠN VĂN HOÁ CHỢ NỔI CÁI RĂNG. PHƯƠNG ĐÀN (Cần Thơ) Theo đề nghị của Đoàn sinh viên du lịch Trường Đại học Phú Xuân (Huế), chúng tôi, một số thành viên trong Câu lạc bộ Du khảo Trường Cao đẳng Cần Thơ, hướng dẫn đoàn bạn tham quan Chợ Nổi Cái Răng (Cần Thơ). Điều mà chúng tôi lo là liệu những sinh hoạt của Chợ-Nổi-đổi-mới này có để lại được chút ấn tượng đẹp nào cho những du khách xứ Huế này không?!!! 5giờ 30 sáng. Chiếc tàu thứ ba, chiếc cuối cùng chở đoàn rời khỏi cầu tàu gần Khách sạn Công đoàn, bắt đầu chuyến hành trình. Cảnh vật xung quanh chỉ mới bắt đầu ẩn hiện mù mờ trước mắt chúng tôi. Đang khi sinh viên Ngọc Bích, một “tình nguyện viên” của câu lạc bộ đang chuẩn bị “đồ nghề” để tác nghiệp, đoàn khách đang im ắng chờ đợi thưởng lãm những giây phút đầu bình minh trên sông Hậu hiền hoà, thì giọng nói sang sảng, đặc giọng Nam Bộ của chú tài công vang lên: “Quý khách nhìn hướng bên phải, đó là bến Ninh Kiều, một công viên đẹp, tiêu biểu của Cần Thơ đó. Thấy tượng Bác Hồ không? Mới dựng lại à nhe, bằng đồng đó nghen.”. Rồi như biết khách của mình là sinh viên, khi cầu Quang Trung hiện ra trước mắt, giọng nói Nam Bộ, đầy tự hào lại cất lên: “Quý thầy, cô và mấy em có thấy cái cầu trước mặt không? Cầu Quang Trung đó. Chiếc cầu này nối trung tâm thành phố Cần Thơ với vùng đô thị mới Nam Cần Thơ. Bên đó lớn dữ lắm à nhe!”. Và cứ thế, chú tài công nhiệt tình, vui tính này khi thì hướng dẫn quan sát, lúc thì giải thích những câu hỏi của du khách theo cách hiểu mộc mạc, dân dã của mình đã khiến khách – chủ trở nên gần gũi hơn, thân tình hơn. Sinh viên Ngọc Bích chạy đến chỗ tôi, lúc này tôi đang đứng cuối tàu để ghi lại cảnh những tia nắng đầu tiên trong ngày trên sông Hậu, em nói nhỏ “Thầy ơi, điệu này chắc em thất nghiệp quá!”. Không sao, vậy mà vui, mà hoá hay. Vậy mới chân chất tính cách Nam Bộ. Rồi tàu cũng đưa chúng tôi tiếp cận Chợ Nổi Cái Răng. Lời thuyết minh của “tình nguyện viên” Ngọc Bích cùng sự phụ hoạ của chú tài công vui tính đã thoả mãn nhu cầu khám phá và cảm nhận của đoàn khách. “Nè, bẹo gì bán đó phải không? Dzậy cái tàu to to đó có bẹo tấm lá dừa nước lợp nhà, dzậy chớ họ bán cái gì?” Các em sinh viên bắt đầu nhốn nháo, thi nhau trả lời, em thì “bán lá lợp nhà”, em lại “bán dừa nước”, các em khác cố nhìn kĩ trong lòng tàu , nhưng chẳng thấy gì, đành ú ớ chịu thua, chờ lời giải đáp của chú “hướng dẫn viên bình dân” này. Mọi người há hóc miệng “À!” lên một tiếng to khi nghe “Họ bán chiếc tàu đó đó. Hì, hì, hì. Nghĩ coi thử có đúng không?”. Tất cả cố tìm cách lí giải và gật gù thú vị với hiểu biết mới mẻ này. Cuối tàu, một cái búng tay thật lớn cùng với tiếng reo “Tuyệt chiêu! Tuyệt chiêu!!!” của một ai đó như để thán phục kiểu bẹo hàng độc đáo của người bán và cũng để tự tán thưởng cho chính mình khi tìm ra cách lí giải cho điều thú vị đó. Trời đã sáng hẳn, du khách đến với điểm tham quan văn hoá sông nước này mỗi lúc một nhiều. Bên cạnh vài ba chiếc tàu lớn của Công ti Du lịch Cần Thơ và một vài công ti khác, thì khá nhiều chiếc xuồng nhỏ với một người chèo và hai ba người khách, chủ yếu là khách nước ngoài, đang nhẹ nhàng len lỏi qua những “quán chợ trên sông”.Thường thì trên chiếc xuồng, người điều khiển phương tiện, với dáng đứng hơi nhoài người về trước, đôi tay nhịp nhàng đẩy tay chèo, khoan thai không một chút vội vàng, hối hả. Còn khách nước ngoài? Bên cạnh chiếc áo phao, ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ giữa lòng xuồng, họ háo hức mở to mắt để nhìn, để thu nhận mọi vật xung quanh; vẻ mặt tươi tắn của họ luôn được điểm những nụ cười thật hiền, thật thân thiện. Nhìn họ, chúng ta cũng có thể thấy được những cảm nhận thú vị mà họ đang tận hưởng khi chứng kiến một cảnh sinh hoạt thật bình yên, hiền hoà nhưng luôn chuyển mình sống động. Đang mãi chăm chú nhìn một cây bẹo treo nhiều loại trái cây, tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng reo “A! Coi tề, hay quá!” (coi tề = xem kìa) của Thầy Dự, phó đoàn du lịch. Theo hướng chỉ tay, trên một chiếc xuồng nhỏ, người đàn ông chèo xuồng tuổi chừng bốn mươi ngoài, đầu đội chiếc nón lá cũ kĩ, mặc chiếc áo sơ-mi dài tay nhìn kĩ cách mấy cũng khó lòng mà xác định được màu của nó và chiếc quần dài đậm màu đồng ruộng đang “hướng dẫn du lịch” bằng tiếng Anh với du khách ngồi trên xuồng của mình. “Thú vị thật! – Thầy Dự nói tiếp – Làm du lịch như rứa mới đã hỉ!”. Thích thú với nhận xét trên, tôi cho đoàn khách biết thêm, có những nông dân chèo xuồng chở khách nước ngoài về nhà vườn của mình, tổ chức cho họ câu cá nấu cơm, ra sau nhà hái trái cam, chùm chôm chôm “ăn tươi” tại chỗ, trò chuyện bên bình trà nóng, rồi lại chèo thuyền lưu luyến trả khách. Một nữ sinh viên Huế ngồi cạnh tôi nói: “Thầy nì, răng (răng = sao) ai cũng làm du lịch cả thầy hỉ! Em không nghĩ là mình nhìn thấy được tận mắt một hoạt động du lịch thân thiện, gần gũi như ri. Chỉ biết nói là tuyệt vời, thầy à.”. Không biết em khen có quá không? Nhưng tôi biết em đang nói với cảm nhận thật lòng. Mặc dầu chúng tôi nhắc trước đoàn bạn nên ăn sáng trước khi đi tham quan Chợ Nổi (Đã có lần, chúng tôi không tìm được bất kì “quán ăn sáng lưu động” nào dù đã căng mắt tìm kiếm), nhưng hình như không một ai trong đoàn khách thực hiện đề nghị của chúng tôi. Có lẽ vì giờ khởi hành quá sớm, với lại ai cũng muốn “ăn sáng trên sông” để cảm nhận những điều mới lạ, thú vị. Khi vừa tới đầu chợ, một chiếc xuồng nhỏ dập dềnh sóng nhanh chóng cặp mạn tàu chúng tôi, người thanh niên buông chèo, tay cầm chiếc móc sắt tự chế máng vào khung cửa sổ của tàu để cặp sát vào tàu khách và để xuồng đỡ chồng chềnh. Người phụ nữ trẻ cười tươi “tiếp thị” ngay: “Mua dâu đi mấy em, ngọt dữ lắm. Thử đi rồi mua”. Hai tay hai chùm dâu tươi, chị đưa cho chúng tôi ăn thử. Sau một vài câu đùa chọc và trả giá “cho có” với chị bán hàng, thầy trò đoàn Huế mua năm, bảy kí với giá rẻ hơn vài ngàn/một kí so với giá chào hàng ban đầu. Chưa trả tiền xong thì lại có em sinh viên reo lên: “Bưởi da xanh ruột hồng kìa mấy bạn ơi.”. Và cũng với cách chào hàng tương tự, những múi bưởi hồng nhạt lại được sinh viên Huế chuyền tay nhau. Chị bán hàng “kích” thêm: “Ngọt phải không? Ngọt như đường phải không? Mua giúp dì đi mấy cháu.”. Chưa kịp trả giá, thì mấy “thượng đế” lại chạy qua mạn thuyền bên này bởi tiếng chào hàng của đôi vợ chồng trẻ: “Xoài cát Hoà Lộc đó, mua đi mấy em. Ngọt kinh khủng luôn.”. Người chồng nhìn chúng tôi, cười thật hiền, hiền đến không ngờ, phụ hoạ cùng vợ: “Mua đi mấy em, tui bán rẻ cho mà ăn”. Và rồi các bạn trẻ lại được “ăn sáng” với những miếng xoài thơm ngọt tận răng. Cứ vậy, từng bọc, từng bọc trái cây miệt vườn Nam Bộ được chuyển lên tàu. Xuồng bán hàng cặp mạn tàu khách rồi rời khỏi nó để đến cặp vào một tàu khách khác, người bán và người mua cứ như người nhà, mời chào thật tình, bông đùa đôi câu, rồi hai bên “trao đổi hàng hoá”: trái cây – tiền; không hề thấy một cái nguých dài, cũng chẳng hề nghe lấy một lời nặng tiếng, cho dù có khi họ chẳng “trao đổi” được kí nào. Bỗng lanh lảnh “ Chú tài ơi! Ăn trái cây xót ruột quá nì chú! Kiếm ghe bán đồ ăn sáng giùm tụi con, đi chú.” May thay, ngay lúc đó một “quán bún thịt nướng lưu động” áp sát tàu, “Bao nhiêu một hộp rứa dì?”. Chưa kịp nghe trả lời, cậu sinh viên này tiếp luôn “Cho con một hộp”; thế là năm, bảy hộp “thức ăn nhanh” đã được đưa lên tàu. Nghịch ngợm, có em xin thêm nước mắm, xin thêm ớt, lại có em xin thêm cả thịt nữa; vậy mà vẫn được “đáp ứng”. “Vui quá thầy ơi!”, một nam sinh viên reo lên. “Cháo lòng nóng hổi, vừa thổi vừa ăn đây. Ăn đi mấy em! Chị múc nghen. Mấy tô?”. Nhìn nồi cháo bốc khói của “quán cháo lòng sông nước” vừa cặp tàu, cầm lòng không đặng, tôi và không dưới mười thành viên của đoàn khách tuần tự đưa tay ra nhận những tô cháo nóng cả tay, phỏng cả miệng. Thật lạ, không ai bảo ai, cứ cháo trao thì tiền trả. Chị bán cháo tay làm liền liền không nghỉ, thấy vậy mấy em sinh viên tìm cách chọc “Tô này của em nghe, không thôi em qua bên nớ ăn bún đó”. Chị dừng tay, quệt mấy giọt mồ hôi trên trán, nhìn chúng tôi cười nói: “Từ từ chút đi nghen. Có hết cả mà.”. Ai đó đùa chị: “Bán đắt như ri, năm sau có vô lại Cần Thơ chắc mình không còn gặp chị ni nữa à.”. Hiểu ý mấy đứa nhỏ, chị đáp: “Dễ gì!” trong khi tay vẫn lấy giá, múc cháo, gắp thịt, rắc tiêu, bỏ hành, đưa cho khách, nhận tiền kèm theo một nụ cười hài lòng. Cứ vậy, liên tục, chị thoăn thoắt “phục vụ”. Rồi một xuồng giải khát cặp tàu, những li cà-phê, bịch trà đá lại được trao đổi mua bán. Chủ của những cửa hàng ăn uống này tự do tiếp thị, quảng cáo và bán hàng, “cạnh tranh lành mạnh”, không hề giành giật, không hề to tiếng với nhau. Chính tôi là người sống ở Cần Thơ ngắp nghé ba mươi năm cũng phải ngạc nhiên khi thấy văn hoá mua bán nơi đây, tại Chợ nổi Cái Răng này. Dừng lại đã lâu, đến lúc phải chia tay “chợ trên sông” này rồi, chú tài công tháo dây neo thuyền, nổ máy, tàu lại len lỏi qua những “căn nhà nổi” và xa dần cái chợ “kì lạ và dễ thương” này (nhận xét của một sinh viên trong đoàn). Không ai bảo ai, mọi người trên tàu ngoái đầu lại như để cố nhìn một lần nữa người bạn mới quen mà rất đổi thân thương này. Cô Phúc, cô gái Huế, một giảng viên rất trẻ của Trường Đại học Phú Xuân, suốt cả hành trình, ngồi thu mình lại, lặng lẽ ngắm nhìn để muốn tự mình khám phá, chiêm nghiệm, cảm nhận. Và giờ đây, cô tâm sự: “Sinh hoạt mua bán trên cái chợ nổi này lạ thật, thầy à – Ngừng một lát, cô nói tiếp – Cái lạ mà em nói ở đây là văn hoá chợ. Cũng kẻ mua người bán, cũng nói thách để rồi trả giá, cũng là những cách chào mời mà mình thường thấy ở các chợ, cũng có lúc bán được, khi không, … Vậy mà, không một lời nặng nhẹ, không một tiếng đôi co, cãi vã, không một lần chèo kéo “đĩa bám” gây khó chịu người mua. Họ vẫn muốn bán được hàng, vẫn cần có đồng tiền để mưu sinh; họ cười thật tươi, thật dòn khi nhận được nhiều tiền từ người mua; nhưng không phải vì thế mà họ “trở mặt” với khách hàng khi không bán được gì, họ cũng chỉ cười buồn, vội vã chèo xuồng hướng đến một tàu khách khác với hi vọng bán được hàng. Chính những “chủ quán lưu động” đã làm nên nét riêng cho cái chợ này. Họ là tác giả của tác phẩm Văn-hoá-mua-bán-Chợ-Nổi-Cái-Răng rất đặc sắc này – Như cảm thấy mình chưa nói hết, cô tiếp – Em thấy họ thiệt tình ghê, dễ gần chi lạ. Thương họ lắm thầy ơi! Ráng giữ lấy nó, giữ cái hồn hậu, hiền hoà, chân chất, bình dị của cái chợ này. Nó là cái gốc của lối sống văn minh, làm nên nét đẹp văn hoá của cái chợ này đó thầy.”. Tôi chưa biết phải nói gì với cô gái Huế nhỏ nhắn có những nhận xét tinh tế kia, thì thầy Dự lại tiếp lời: “Với em, thật khó mà quên được Chợ Nổi Cái Răng, quên được người dân buôn bán trên cái chợ dập dình sóng nước này; không phải vì nó là một tác phẩm thành công của nghệ thuật sắp đặt, cũng không phải vì đó là một vỡ kịch hay có nhiều diễn viên nổi tiếng, mà là vì đây là cuộc sống thực, rất thực như nó vốn có. Quên sao được cảnh họp chợ nhộn nhịp, tươi vui, rộn rã tiếng cười, tràn ngập tình thân? Quên sao được góc đời thường rất đỗi thanh bình chỉ có thể thấy được ở sông nước Cửu Long? Phải không thầy?” Cám ơn những người bạn đồng hành xứ Huế của tôi; cám ơn những cảm nhận thật tinh tế của các bạn. Đó là chất xúc tác thôi thúc tôi viết bài này. Và đặc biệt, xin cám ơn những người dân buôn bán “rong” trên sông của Chợ Nổi Cái Răng, những người tạo nên bản sắc văn hoá Nam Bộ cho cái chợ quê giữa lòng phố thị này. Cần Thơ, 04/10/2009 | |
|