Sau gần 30 năm trị vì đất nước, triều đình nhà Lê bắt đầu suy yếu. Lê Long Đĩnh, vị vua kế nghiệp Đại Hành, không có sức khỏe phải nằm thiết triều nên được gọi là Lê Ngọa Triều, hoang tàn bạo ngược, con đen thán oán. Lòng dân là ý trời, truyền thuyết kể rằng: trước khi Long Đĩnh chết (1009), sét đánh vào cây gạo ở châu Cổ Pháp, vết hằn thành bài thơ chữ Hán, trong đó có hai câu: “... Hòa đao mộc lạc / Thập bát tử thành...”.
Sư Vạn Hạnh đoán ba chữ “hòa đao mộc” ghép thành chữ “Lê”, còn ba chữ “thập bát tử” ghép thành chữ “Lý”; đó là điềm báo nhà Lê sẽ “lạc” mất và họ Lý sẽ lên thay “thành” lập vương triều mới. Nhân đó, quần thần bền cùng nhau suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi, tức Thái Tổ triều Lý, lấy niên hiệu Thuận Thiên (1010-1028).
Đến nay, đã tìm thấy tiền Thuận Thiên Đại Bảo mặt lưng có chữ “Nguyệt”, các nhà nghiên cứu tiền cổ trên thế giới đều công nhận đây là tiền của Lý Thái Tổ, chỉ riêng TingFuBao giám định tiền này là của Lê Thái Tổ, cũng niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433).
Về niên hiệu Thuận Thiên, lịch sử Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên chỉ thấy có hai vị vua có niên hiệu này là Lý Thái Tổ và Lê Thái Tổ; nhưng tiền mang niên hiệu này thì có ba loại: Thuận Thiên Đại Bảo, Thuận Thiên Nguyên Bảo loại nhỏ, và Thuận Thiên Nguyên Bảo loại lớn ăn 100 đồng (đương bách).
Riêng tiền Thuận Thiên đương bách là của Sử Tư Minh thời Đường đúc năm 759, có đặc điểm của tiền Trung Quốc đương thời, là điều đã loại trừ ở đây, không còn gì bàn thêm.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tuy không ghi việc Lý Thái Tổ có đúc tiền, nhưng lại chép thời ấy có sử dụng tiền. Ngay từ khi mới lên ngôi, dời đô về Thăng Long, vua đã “xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức 8 sở...”. Cũng có thể tiền này do tiên triều để lại, song chúng ta cũng có nhiều chứng cứ khác để nhận định tiền Thuận Thiên Đại Bảo là của Lý Thái Tổ.
Do sử ghi năm 984 Lê Đại Hành có đúc tiền nhưng lại không viết gì về Lý Thái Tổ có đúc tiền. Lại thêm khi viết về Lê Thái Tổ, sử chép “đúc Thuận Thiên Thông Bảo” (?!). Nhờ đó mà TingFuBao đã giám định cả hai loại tiền Thuận Thiên Đại Bảo và Thuận Thiên Nguyên Bảo đều của Lê Thái Tổ. Sự giám định này không hợp lý và thiếu thực tế:
- Xin lấy lý mà nói thì Lê Thái Tổ đúc tiền “... thông bảo” chứ không phải là “đại bảo” hay “nguyên bảo”.
- Nếu tiền Thuận Thiên Đại Bảo là của vua Lê, vì sao chưa bao giờ tìm thấy tiền này trong các di tích có riêng tiền thời Lê mà chỉ tìm thấy có tiền Thuận Thiên Nguyên Bảo mà thôi?
- Thực tế cho thấy tiền Thuận Thiên Nguyên Bảo luôn nằm trong các di tích thời Lê, có các loại tiền thời Lê - Mạc như Thiên Khánh, Thiệu Bình, Đại Hòa,... đến Minh Đức, Đại Chính và cả Quảng Hòa, nhưng không có tiền Thuận Thiên Đại Bảo.
- Ngược lại, tiền Thuận Thiên Đại Bảo rất hiếm, thỉnh thoảng cũng có một đồng trong các di tích có cả tiền thời Lý - Trần.
Mặt khác, so sánh ba chữ Hán “thuận, thiên, bảo” trong hai loại tiền Thuận Thiên Đại Bảo và Thuận Thiên Nguyên Bảo, thấy chúng hoàn toàn khác nhau rất xa:
- Chữ “thuận” trong tiền Thuận Thiên Đại Bảo có bộ “xuyên” gồm ba nét thẳng đứng song song bằng nhau, trong khi ở tiền Thuận Thiên Nguyên Bảo thì bộ này gồm ba nét cong không đều nhau như các loại tiền thời Lê (Quang Thuận, Hồng Thuận).
- Chữ “thiên” trong tiền Thuận Thiên Đại Bảo rất giống trong tiền Thiên Phúc Trấn Bảo của Lê Đại Hành: nét mác rộng và bè đậm, khác so với tiền thời Lê là các nét này thường mảnh.
- Chữ “bảo” trong tiền Thuận Thiên Đại Bảo thì to, “mập” rất khác so với tiền Thuận Thiên Nguyên Bảo và các tiền thời Lê, chữ này thường “ốm”.
Một vài chứng lý nêu trên, cho phép kết luận tiền Thuận Thiên Đại Bảo là của Lý Thái Tổ. Còn tiền Thuận Thiên Nguyên Bảo, mọi nhà nghiên cứu đều công nhận là của Lê Thái Tổ, có mâu thuẫn như kiểu tôi “lấy lý mà nói” không? Xin hẹn tiếp sau, đến khi bàn về tiền của Thái tổ Lê Lợi, sẽ nói rõ!
Nguồn : khoahoc.net