Trong chuyến ra Viện Khảo cổ học Việt Nam (Hà Nội) vào tháng 9/1993 để báo cáo công tác nghiên cứu tiền cổ, tôi được anh Đỗ Văn Lạc, Trưởng phòng phóng viên của báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mời về cơ quan trao đổi dự ước về việc thành lập Bảo tàng tiền tệ. Sau đó, tôi được ông Nguyễn Thúc Quảng, chuyên viên tuần báo Ngân hàng dẫn đến phòng truyền thống...
Dừng chân trước cửa, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy đồng tiền đầu tiên của dân tộc Việt Nam được phỏng thành hai đồng tiền rất lớn, đường kính hơn 0,5m, một mặt trước, một mặt sau, để ngay bên cửa phòng. Tôi thầm nghĩ “- Họ sâu sắc quá!”. Một thoáng xưa hiện về...
Năm 968, sau khi dẹp Loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, sử gọi là Đinh Tiên Hoàng. Hai năm sau (970), lấy niên hiệu Thái Bình và cho đúc tiền Thái Bình Hưng Bảo mặt lưng có chữ “Đinh”. Đó là đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam tự chủ...
Vào phòng trưng bày, tôi càng bất ngờ hơn khi thấy đồng tiền thật của vua Đinh được đặt trong lồng kính...
“- Chắc ông ngạc nhiên lắm ?”. Câu hỏi của vị chuyên viên tiền tệ kéo tôi về thực tại. Tôi thở dài: “-Ui chà, còn hơn thế nữa! Tôi thật sự xúc động lắm! Ngay cả Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng chưa có báu vật này. Đối với các nhà khảo cổ học, đây là một trong những di tích văn hóa đầu tiên của dân tộc; đối với các nhà sưu tập, nó là một kho tàng đang được tìm kiếm...”. Vị chuyên viên tiếp lời: “- Và đối với ngành ngân hàng chúng tôi, đó là niềm tự hào truyền thống...”.
Cuộc gặp gỡ quá ngắn ngủi. Trên chuyến tàu về Huế, suốt đêm tôi trăn trở mãi...
* * *
Các sách sử cũ của nước ta như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, chưa thấy sách nào ghi việc vua Đinh có đúc tiền. Song cho đến nay, các nhà nghiên cứu tiền cổ trên thế giới đều công nhận tiền Thái Bình Hưng Bảo là do Đinh Tiên Hoàng đúc. Khảo sát hiện vật cùng các hình ảnh được công bố trên sách báo xưa nay, nhận thấy có một số vấn đề cần lưu ý:
1. Đọc hiệu đồng tiền: Một số sách, catalogue tiền cổ, do không có hình ảnh chụp đồng tiền thật sự nên khi vẽ minh họa, đã viết chữ Hán là “Thái Bình Hưng Bảo”. Làm như vậy là sai sự thật của đồng tiền!
Mặc dù theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, niên hiệu của Đinh Tiên Hoàng có chữ Hán viết là “Thái Bình”, nhưng Bernard J. Perma, thật có lý khi đọc hiệu của đồng tiền là “Đại Bình Hưng Bảo”. Bởi sự thật, các đồng tiền do vua Đinh đúc, cả hiện vật lẫn ảnh chụp, chữ Hán viết là “Đại Bình” chứ không phải là “Thái Bình”. Trong sách Tiền Cổ Việt Nam, GS Đỗ Văn Ninh đưa ra hai cách giải thích hiện tượng trên như sau:
- Đồng tiền bị gỉ làm mất nết chấm dưới chữ “thái”. Cách giải thích này khó được chấp nhận, vì chưa thấy đồng tiền nào của vua Đinh viết chữ Hán là “thái bình”; nếu có, chắc nhầm lẫn với một loại tiền khác, tôi sẽ nói sau.
- Cách giải thích thứ hai, dễ hiểu và có sức thuyết phục hơn là: chữ “đại” còn có một âm đọc là “thái”. Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu giải thích rất rõ, và hiện tượng này còn gặp ở nhiều niên hiệu khác như đã từng xảy ra cuộc tranh luận Nhật - Việt: niên hiệu của Lê Nhân Tông (1443-1453) là Đại Hòa hay Thái Hòa?!
Như vậy, đồng tiền của Tiên Hoàng, nên đọc là “Thái Bình Hưng Bảo” mới đúng, chữ “hưng” trong đồng tiền như ngụ ý sự hưng thịnh mở màng cho kỷ nguyên độc lập mới của dân tộc...
Một số nhà nghiên cứu khác đưa ra ý kiến đọc hiệu đồng tiền là “Đại / Thái Hưng Bình Bảo”. Tuy rằng thời Đông Tấn - Nguyên Đế (Tư Mã Duệ) có niên hiệu Đại Hưng (318-321), song thời ấy ở Trung Quốc đang còn sử dụng hệ thống tiền Ngũ Thù, chưa dùng chữ “bảo” để chỉ khái niệm tiền tệ, do đó tiền này không thể do triều Tấn đúc, và như thế không thể giám định với cách đọc này. Vậy, đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo, trùng với niên hiệu của Đinh Tiên Hoàng, lại thêm mặt lưng có chữ “Đinh” là họ vua nên giám định do vua Đinh đúc, không còn nghi ngờ gì nữa!
2 . Thống kê các loại tiền:
Các nhà sưu tập, nghiên cứu dựa vào các chi tiết khác nhau trên đồng tiền để phân loại, như tác giả Miuria Gosen công bố đến 14 đồng tiền hiệu này với các chi tiết nhỏ nhặt khác nhau... Song thiển nghĩ, ngày xưa khuôn đúc và kỹ thuật đúc đều được làm bằng thủ công nên tất cả những đồng tiền đã đúc ra đều hoàn toàn khác nhau, có loại bằng đồng thau, có loại bằng đồng bạch, nếu phân loại chi li như vậy thì sao thể sưu tập đủ tất cả được?! Do thế, theo tôi, chỉ nên có 4 loại chính khác nhau cơ bản về mặt lưng như sau:
- Chữ “Đinh” nằm trên lỗ vuông.
- Chữ “Đinh” nằm dưới lỗ vuông.
- Chữ “Đinh” có móc thay vì xoay bên trái, lại móc ngược về bên phải.
- Mặt sau trơn, không có chữ.
3. Những nhầm lẫn khi giám định tiền của vua Đinh:
Trong 4 loại tiền vừa kể trên, loại có mặt sau trơn hiếm hơn cả; tuy nhiên, trong thú chơi tiền cổ, tâm lý người sưu tập vẫn thích loại tiền lưng có chữ hơn, vì dù sao chữ “Đinh” (quốc tính) là một yếu tố quyết định khi giám định loại tiền này.
Một số nhà sưu tập, do chưa có kiến thức cơ bản về tiền cổ, cũng như chưa nắm lịch sử tiền tệ, bắt gặp bất cứ đồng tiền “Thái Bình” nào cũng đều cho là tiền của nhà Đinh cả, thật nhầm lẫn!
Cho đến nay, tôi chưa gặp đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo nào là tiền giả mới đúc. Một vài nhà nghiên cứu khác, tuy đã biết hiệu tiền của vua Đinh, nhưng oái ăm thay lại bắt gặp tiền Thái Bình Phong Bảo của chúa Nguyễn, chữ “phong” nhiều nét bị gỉ rất giống chữ “hưng”, thêm nữa, lưng loại tiền này lại có hai dấu phẩy vuông góc nhau trông rất giống chữ “đinh”! Loại tiền Thái Bình Phong Bảo này rất dễ nhầm với tiền nhà Đinh, nhưng chúng ta có thể phân biệt được nhờ chữ Hán: tiền của chúa Nguyễn viết là “thái bình”, còn tiền của vua Đinh viết là “đại bình”, đây là vấn đề mấu chốt, cần xem xét kỹ!
tiền Thái Bình Hưng Bảo của Đinh Tiên Hoàng (968-979)
mặt lưng tiền Thái Bình Hưng Bảo, có chữ “Đinh” dưới lổ vuông
mặt lưng tiền Thái Bình Hưng Bảo, có chữ “Đinh” trên lổ vuông
Nguồn :
www.khoahoc.net