Thực trạng đào tạo ngành Việt Nam học
[Trích bài: Thực trạng đào tạo ngành Việt Nam học ở Việt Nam hiện nay]
Từ những nghiên cứu định lượng về thực trạng đào tạo Việt Nam học ở Việt Nam hiện nay, có thể rút ra một số kết luận như sau: - Số lượng các cơ sở đào tạo và lượng sinh viên ngành Việt Nam học ở Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Đào tạo ngành này chủ yếu ở hệ cao đẳng và đại học, hệ thạc sỹ được đào tạo từ năm 2005 và đến nay vẫn chưa mở hệ đào tạo tiến sỹ.
- Các cơ sở đào tạo Việt Nam học qua quá trình phát triển ngày càng trưởng thành hơn về mọi mặt. Các trường đào tạo theo một số chuyên ngành phù hợp với những thế mạnh riêng của mình.
- Trong sự phát triển chung của nhiều cơ sở đào tạo ngành Việt Nam học, vẫn còn một số cơ sở đào tạo chưa thực sự chú trọng đến chất lượng đào tạo, chưa thể hiện rõ trách nhiệm đối với sản phẩm đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo vượt quá năng lực của mình, trong khi các điều kiện tối thiểu chưa được đảm bảo như đội ngũ giáo viên còn thiếu, công tác quản lý chưa chặt chẽ, cơ sở vật chất, công cụ hỗ trợ đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ.
- Chương trình và nội dung đào tạo ngành Việt Nam học của các trường có sự khác nhau. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành khung chương trình cho ngành Việt Nam học, nhưng nhiều cơ sở đào tạo chưa có chiến lược phát triển lâu dài đối với ngành học này. Và tất nhiên dẫn đến việc một số khoa/ bộ môn Việt Nam học chỉ đào tạo ngôn ngữ cho người nước ngoài hoặc đào tạo ngành du lịch, hướng dẫn viên du lịch…
- Hiện nay, Việt Nam học là một ngành học mới nên gặp một số khó khăn khách quan trong quá trình đầu đào tạo. Chính vì xã hội chưa hình dung được Việt Nam học là gì, học như thế nào và học để làm gì cho nên sinh viên thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp ngành học này. Những năm gần đây một số trường đã dùng nhiều phương pháp và cách thức để thu hút đầu vào, quảng bá đầu ra. Tuy nhiên, quá trình này cũng gặp không ít khó khăn do các nhà tuyển dụng không hiểu Việt Nam học là gì.
- Thời gian qua, giữa các cơ sở đào tạo đac có sự hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là về chương trình, giáo trình, về giáo viên, về hoạt động khoa học…;trong đó vai trò hỗ trợ, giúp đỡ của một số giáo viên ở các trường Đại học lớn với các cơ sở đào tạo Việt Nam học khác là rất quan trọng. Tuy nhiên, sự giúp đỡ này chưa trở thành chủ trương chung giữa các trường, còn mang tính cá nhân, tự phát, vai trò đầu tàu của các trường có uy tín chưa được khẳng định.
Khuyến nghị Từ thực trạng nêu trên, chúng tôi cho rằng việc đào tạo Việt Nam học cần phải được đổi mới một cách toàn diện, thống nhất nhằm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Việc đổi mới công tác đào tạo đối với ngành Việt Nam học cần đặt trong các yêu cầu sau đây:
Thứ nhất: Xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn để tiến hành khảo sát, đánh giá một cách cơ bản và toàn diện về năng lực đào tạo: nội dung, chương trình, giáo trình, quy mô, hình thức và phương pháp đào tạo; chất lượng của tất cả các đơn vị đào tạo Việt Nam học trong cả nước và trong khoảng thời gian dài để làm cơ sở cho việc điều chỉnh, sắp xếp, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống đào tạo Việt Nam học.
Trên cơ sở kết quả khảo sát và thẩm định năng lực đào tạo của các trường, đơn vị đào tạo Việt Nam học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thể hiện mạnh mẽ quan điểm: không tiếp tục cho phép đào tạo đối với các cơ sở chưa đủ năng lực, cho đến khi phấn đấu để đạt được những tiêu chuẩn do Bộ đặt ra. Lộ trình phấn đấu phải do các trường tự đăng ký với Bộ. Đối với các cơ sở đào tạo có các điều kiện khá hơn, Bộ cần nghiên cứu giao chỉ tiêu phù hợp với năng lực đào tạo các hệ cao đẳng, cử nhân và thạc sỹ Việt Nam học của các đơn vị.
Thứ hai: Khẩn trương xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt để đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo Việt Nam học trong điều kiện mới. Các cơ sở đào tạo Việt Nam học cần phải có quy hoạch, kế hoạch chi tiết, cụ thể về những biện pháp, cách thức như: số lượng tuyển dụng, nguồn tuyển dụng, công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… trong từng giai đoạn cụ thể với cơ chế, chính sách khuyến khích cũng như trách nhiệm cụ thể đối với từng khoa, bộ môn và từng giáo viên…
Thứ ba: Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ngành có liên quan cần nghiên cứu để giao cơ chế, kinh phí, và các điều kiện cần thiết khác để xây dựng trường trọng điểm quốc gia về đào tạo ngành Việt Nam học ở hai khu vực phía Bắc và phía Nam, giữ vai trò động lực giúp các cơ sở đào tạo Việt Nam học khác cùng phát triển. Đồng thời các cơ sở đào tạo và nghiên cứu Việt Nam học cần chung tay để xây dựng một hệ thống chương trình đào tạo chuẩn trên cơ sở những định hướng đúng đắn về mục tiêu đào tạo và nghề nghiệp.
Thứ tư: Cho phép trường Đại học mở thêm một số ngành phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương và vùng, góp phần tạo động lực phát triển; mở rộng thêm khối thi để gia tăng nguồn tuyển sinh và nâng cao chất lượng đầu vào; cho phép các trường, viện nghiên cứu mở thêm mã ngành đào tạo Tiến sỹ Việt Nam học.
Thứ năm: Hiện nay giáo dục đại học và chuyên nghiệp ở nước ta đã, đang và sẽ đào tạo theo tín chỉ. Việc thống nhất cao trong đào tạo Việt Nam học tại các cơ sở đào tạo ở Việt Nam sẽ nâng cao năng lực liên kết giữa các trường Đại học, Cao đẳng và Viện nghiên cứu. Đó cũng là cơ sở để nâng cao hiệu quả hợp tác nghiên cứu Việt Nam học trong nước với nghiên cứu Việt Nam học trên thế giới.
Thứ sáu: Từng bước xây dựng và hình thành đội ngũ giảng viên chuyên sâu, nhất là những bộ môn ngành Việt Nam học;….đồng thời phải thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo Việt Nam học trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo ngành này. Cơ quan quản lý cần hình thành một trung tâm thông tin làm đầu mối cung cấp, phản ánh tình hình hoạt động chung trong công tác đào tạo mã ngành Việt Nam học.
GS.TS. Trương Quang Hải, CN. Bùi Văn Tuấn, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội