"ĐIỆN BIÊN VỜI VỢI NGHÌN TRÙNG"
Trần Thanh Bắc - Vietnamese Studies
Đất nước Việt Nam vốn giàu về văn hoá truyền thống, đẹp về cảnh quan tự nhiên, thuần hậu về con người. Với ba phần tư đất đai là núi, rừng, với những vành cung núi đá vôi hùng vĩ phía Bắc, dãy Trường Sơn sừng sững ở miền Trung và cao nguyên đất đỏ Bazan rộng lớn ở phía Tây Nam. Mỗi vùng đều có nét đẹp tiềm ẩn riêng về đất và người. Cảnh quan thiên nhiên cũng như bức tranh văn hoá các tộc người Tây Bắc thật đa dạng và hấp dẫn. Phải nói tuyến du lịch văn hoá dân tộc hấp dẫn trên đường lên Tây Bắc chính là Điện Biên Phủ.
Từ Hà Nội ngược lên phía Tây Bắc khoảng 474 km theo quốc lộ 6 và 279, du khách sẽ đến với xứ sở mường – những mái nhà sàn duyên dáng chênh vênh bên sườn núi thấp thoáng trong rặng cau xanh, phía trước là một cánh đồng, cảnh vật đẹp như một bức tranh sơn thuỷ và rồi bỗng dưng trước mắt du khách “Điện Biên vời vợi nghìn trùng” hiện ra.
Vượt dốc Pha Đin – dốc cao nhất dài nhất, con dốc cuối cùng trước khi đến mường Thanh. Khen cho tự nhiên khéo kiến tạo nên con đèo này, khen cho ai đó khéo đặt tên cho miền đất này – “Pha Đin”– Đất của Trời. Đan xen giữa thung lũng hẹp là các ngọn đồi, chân núi được con người tạo dựng nên các hệ thống ruộng bậc thang. Các bậc thang bất tận nhuộm màu lúa xanh thắm (mùa lúa con gái) hoặc vàng óng ả (mùa lúa chín) như nối đất với trời, nối thế giới trần gian với thế giới thần linh nguyên sơ, một cảm quan về thiên nhiên và con người thật hoành tráng.
Du khách tham quan tại một điểm bản du lịch
Sang bên kia của dốc Pha Đin, là chúng ta dễ dàng để đến lòng chảo Điện Biên Phủ. Tên cũ của Điện Biên Phủ là Mường Thanh, cũng gọi là mường Then (mường Trời). Phải nói hầu khắp các cư dân Thái ở phía nam khu vực Đông Nam Á lục địa đều coi mường Thanh là nơi thân thiết với họ. Họ ưu ái cho mảnh đất này những tình cảm thân thương – họ gọi theo kiểu truyền thống Thái là “mường Thôông nọi oi nũ/ bản mương nọi kẹp” – tức vùng có ruộng chật hẹp, mọc những cây mía lép, mía chuột (theo cách nói dân gian xa xưa của Thái: cái gì to thì nói bé, quí thì nói không quí, thương thì nói ghét…). Trong tâm thức của họ, mường Thanh gần gũi và thiêng liêng, và ai cũng mong muốn mọt lần đặt chân đến vùng đất huyền thoại nguyên sơ này.
Mường Thanh – Điện Biên Phủ còn chấn động và lẫy lừng hơn nữa bởi chính ở nơi đây đội quân hùng mạnh của chủ nghĩa thực dân Pháp bị tiêu diệt – nơi đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân kiểu cũ trên toàn cầu. Những địa danh như Hồng Cúm, Him Lam… đã làm “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” đang khơi dậy trong trí tưởng tượng của loài người những sự lạ kỳ, và đang vẫy gọi họ hãy một lần đến với những di tích này để thấy, để nghe lời hẹn hò của lịch sử vọng lại.
Những phế tích lịch sử vẫn còn nguyên giá trị
Sau khi đã thoả mãn việc tham quan các công trình quân sự, các phế tích chiến tranh của bại quân bỏ lại, du khách mặc sức để khám phá bản sắc văn hoá của người Thái. Du khách có thể đến thăm các bản làng mật tập, chia sẻ với người bản xứ tập quán sống trong các ngôi nhà sàn, thưởng thức hương vị của khẩu cơm lam đượm mùi nếp nương và sự tinh tuý của núi rừng được chắt lọc trong lỏi ống tre non. Buổi tối, du khách có thể xem múa xoè Thái, hoặc trực tiếp tham gia nhảy sạp – một điệu nhảy dân dã mà rộn ràng ở vùng rừng núi. Và một khi đã đích thân đi tìm tính xác thực của văn hoá bản địa thì du khách chớ bỏ qua dịp may để khám phá “chất Thái” văn hoá Thái trong cách uống rượu cần. Phải nói các cô gái Thái rất nồng nhiệt với khách, nếu như khách biết tiếng Thái và có thể “khắp” (hát đối đáp) cùng các cô gái quanh choé rượu cần, thì việc tìm kiếm một “ấn tượng mạnh” hoặc là “một ấn tượng khó phai” có thể nói là với được trong tầm tay. Nếu du khách không thể nói tiếng Thái, thì chớ vội thất vọng, người Thái vốn có tính cách cởi mở và khẳ năng giao tiếp rộng rãi, sự nồng nhiệt và lòng mến khách của họ sẽ được biểu hiện qua hành động cụ thể để bạn dễ dàng nhận biết.
Có thể nhận thấy ít có trang phục - nhất là nữ phục của một tộc người nào lại làm được chức năng tôn vẻ đẹp của người sử sụng như trang phục của người Thái. Với váy màu chàm, màu đen quấn sát người, áo chẽn ngắn lượn theo đường cong của cơ thể với hai hàng cúc bướm bạc phía trước ngực, tôn dáng khoẻ khoắn, chắc nịch của người con gái. Khăn piêu với các đường thêu, dệt các mô típ hoa văn, tình tứ, quấn quanh đầu như giúp các cô gái Thái khoe với thiên hạ tài năng thêu thùa của mình. Cùng với dải buộc lưng (khăn éo) và những đường cong do mọt chùm dây xà tích lãng mạn buông lững lờ một mạn đùi… trông các cô gái Thái trong bộ nữ phục cổ truyền của dân tộc thật là duyên dáng và tình tứ. Có thể nói với bộ váy áo được thiết kế đơn giản nhưng lại rất có hiệu quả về mặt thẩm mĩ, giúp họ lưu lại trong lòng khách thập phương những ấn tượng khó quên.
Tại chợ Điện Biên hoặc trực tiếp ở các bản (làng) mà khách có dịp đến thăm, những ai thích Souvenir có thể trực tiếp mua khăn piêu, túi thổ cẩm, típ đựng xôi… từ tay người bản địa, một chút kỉ niệm về một vùng văn hoá để thương, để nhớ cho những tháng năm.
Phải nói Điện Biên Phủ là một vùng có tiềm năng lớn để phát triển du lịch văn hoá dân tộc. Nhưng như sẽ nói theo cách khai thác du lịch hiện nay, tiềm năng về văn hoá Thái chưa được khơi dậy. Du khách đến Điện Biên Phủ chỉ để dừng chân sau một cuộc hành trình dài, hành khách nghỉ ngơi lấy lại sức để quay trở lại. Điều đáng nói là, hiện tại du lịch Điện Biên Phủ mới chủ yếu khai thác các di tích do chiến tranh để lại như mặt trận Điện Biên Phủ, như sở chỉ huy của Việt Minh ở Mường Phăng… mà các khu bảo tồn này chỉ thu hút được khối lượng khách quốc tế trước đây có liên quan đến cuộc chiến ở Đông Dương, chủ yếu là khách nói tiếng Pháp, đặc biệt là người Pháp, còn lại đại bộ phận số lượng khách quốc tế khác thì họ ít quan tâm đến các di tích liên quan đến chiến tranh, họ chỉ thích đến Điện Biên Phủ để xem văn hoá Thái, nhưng hiện tại ngành du lịch còn chưa đáp ứng được việc tổ chức, nên đã bỏ qua nguồn du khách rất lớn này.
Với những tiềm năng du lịch văn hoá phong phú, đặc sắc về đất và người nơi góc trời Tây Bắc hùng vĩ này, chúng ta có quyền hi vọng và tin tưởng trong một thời gian không xa, Điện Biên Phủ sẽ trở thành điểm “cực” hút khách của các tour du lịch “đường lên Tây Bắc xa xôi mà hùng vĩ”. Điện Biên Phủ sẽ là điểm hẹn cho những ai biết thưởng thức cái đẹp, cái kiêu hùng mà rất đỗi lãng mạn nên thơ này.
Rồi đây, Điện Biên Phủ sẽ là xứ sở kiêu kì của “Góc trời Tây Bắc”.
The end