BÀI CHUYÊN ĐỀ
Câu hỏi: Giới thiệu một địa điểm du lịch mà anh chị có cảm súc đặt biêt.
Bài làm
Có thể nói, Nam Định là một trong những địa phương giàu tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó tiêu biểu là: du lịch nhân văn, du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng và tham quan các di tích, cảnh quan danh thắng như Đền Trần ,chùa Cổ Lễ, phủ Dầy ngày càng thu hút nhiều du khách.
Phủ Dầy (có khi ghi là Phủ Giầy, Phủ Giày) có tên cổ là Kẻ Giầy, từ sau khi Liễu Hạnh được sắc phong công chúa thì được gọi là Phủ.
Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, gần quốc lộ 10 từ thành phố Nam Định đi thành phố Ninh Bình(tỉnh lộ 56). Trong đó, kiến trúc quan trọng nhất là đền thờ bà chúa Liễu Hạnh (phủ chính), ngay sát chợ Viềng. Các kiến trúc còn lại là phủ Tiên Hương, phủ Vân Các, Công Đồng từ, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Linh Sơn, lăng bà chúa Liễu Hạnh.
Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch. Lễ hội nhằm tổ chức nghi lễ, thắp hương biết ơn bà chúa Liễu Hạnh. Cùng thời điểm này, bà Chúa Liễu Hạnh cũng được thờ tại nhiều lễ hội khác trên Việt Nam, nhưng hội Phủ Dầy thuộc vào loại long trọng nhất, với sự tham gia của đông đảo dân chúng.
Tục xưa truyền rằng, vào đầu thời nhà Hậu Lê, tại ấp Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam; có ông Phạm Huyền Viên, người xã La Ngạn kết duyên cùng bà Đoàn Thị Hằng, người ấp Nhuế Duệ, cũng xã Vỉ Nhuế (nay là thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, Ý Yên, tỉnh Nam Định).
Hai ông bà là những người hiền lành, tu nhân tích đức nhưng hiềm một nỗi dã ngoài 40 mà chưa có con. Một đêm rằm tháng hai, ông bà được thần báo mộng là Ngọc Hoàng sẽ cho con gái thứ hai là Công chúa Hồng Liên đầu thai làm con, từ đó bà có thai. Trước khi sinh, vào đêm ngày 6 tháng 3 năm Quý Sửu, trời quang mây vàng như có ánh hào quang. Ông Huyền Viên ngồi đợi tin mừng, bỗng như có một nàng tiên từ trong đám mây bước xuống thềm nhà, và bà sinh một bé gái. Vì vậy ông đặt tên con là Phạm Tiên Nga.
Phạm Tiên Nga càng lớn càng xinh đẹp, mọi việc nữ công gia chánh đều thành thạo, đảm đang. Đến năm 15 tuổi đã có nhiều người đến dạm hỏi nhưng nàng đều khước từ vì nàng còn phải ở nhà chăm sóc cha mẹ già yếu, canh cửi quán xuyến công việc gia đình.
Ngày 10 tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1462), thân phụ của nàng qua đời. Hai năm sau mẫu thân của nàng cũng về nơi tiên cảnh. Phạm Tiên Nga đã làm lễ an táng cha mẹ ở phía đông nam phủ Nghĩa Hưng ( nay là thôn La Ngạn, ở đây có đền thờ Phụ thân và Mẫu thân của Phạm Tiên Nga ).
Sau ba năm để tang cha mẹ, lo mồ yên mả đẹp, Phạm Tiên Nga bắt đầu chu du khắp nơi làm việc thiện ( lúc này Tiên Nga vừa tròn 35 tuổi ). Bà đã ủng hộ tiền của và công sức giúp đân đắp đê ngăn nước Đại Hà từ bên kia phía núi Tiên Sơn (nay là núi Gôi) đến Tịch Nhi ( nay chính là đường đê Ba Sát, nối Quốc lộ 10 chạy dọc xã đến ngã ba Vọng. Đây cũng chính là con đường nối di tích Phủ Dầy với Phủ Quảng Cung ).
Cùng với việc đắp đê, bà còn cho làm 15 cây cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu, khai khẩn đất ven sông, giúp tiền bạc cho người nghèo, chữa bệnh cho người ốm, sửa đền chùa, cấp lương bổng cho các vị hương sư, khuyên họ cố sức dậy dỗ con em nhà nghèo được học hành.
Năm 36 tuổi, Bà đến bờ Sông Đồi dựng một ngôi chùa trên mảnh vườn nhỏ, đặt tên là Chùa Kim Thoa. Bên trên thờ đức Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát, bên dưới thờ thân phụ và thân mẫu.
Sau đó hai năm, Bà tới tu sửa chùa Sơn Trường - Ý Yên, Nam Định, chùa Long Sơn - Duy Tiên, Hà Nam, chùa Thiện Thành ở Đồn xá - Bình Lục, Hà Nam. Tại chùa Đồn xá, Bà còn chiêu dân phiêu tán , lập ra làng xã, dậy dân trồng dâu, nuôi tằm , dệt vải.
Tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1472), Bà trở lại chùa Kim Thoa, và tháng 9 năm ấy, Bà trở về quê cũ cùng các anh chị con ông bác tu sửa đền thờ Tổ họ Phạm khang trang bề thế ( nay còn đền thờ ở phía nam xóm Đình thôn La Ngạn). Sau đó Bà lại đi chu du ở trong hạt, khuyên răn bà con dân làng những điều phải trái.
Rồi trong đêm ngày 2 tháng 3 năm Quý Tỵ, thời Hồng Đức (1473), trời nổi cơn giông, gió cuốn, mây bay, Bà đã hoá thần về trời. Năm đó Bà vừa tròn 40 tuổi.
Ngay sau khi Bà mất, nhân dân xã La Ngạn, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng đã lập đền thờ trên nền nhà cũ, gọi là Phủ Đại La Tiên Từ, Đồng thời quê mẹ của Người là xã Vỉ Nhuếcũng lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của Thánh Mẫu gọi là Phủ Quảng Cung.
Sự tích giáng sinh lần thứ hai, truyền thuyết kể rằng:
Vì thương nhớ cha mẹ và quê hương ở cõi trần mà đến thời Lê Thiên Hựu, năm Đinh Tỵ (1557), Phạm Tiên Nga lại giáng sinh lần thứ 2 tại thôn Vân Cát xã An Thái, huyện Thiên Bản (nay là Kim Thái, Vụ Bản , Nam Định, cách quê cũ Vị Nhuế chừng 7 km).
Lần này, Bà kết duyên với ông Trần Đào, sinh được một người con trai, tên là Nhân, một con gái tên là Hoà. Bà mất ngày 3 tháng 3 năm Đinh Sửu, thời Lê Gia Thái thứ 5 (1577). Năm ấy, Bà mới 20 tuổi. Lăng mộ và đền thờ ở Phủ Dầy, thôn Thiên Hương - Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản , Nam Định.
Sự tích giáng sinh lần thứ 3, truyền thuyết kể rằng:
Vì tình nghĩa thuỷ chung với chồng con ở trần thế nên đến thời Lê Khánh Đức thứ 2 (1650), Phạm Tiên Nga lại giáng sinh tại đất Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, vào ngày 10 tháng 10 năm Canh Dần, tái hợp với ông Trần Đào lúc này đã tái sinh là Mai Thanh Lâm, sinh được một con trai tên là Cổn.
Bà mất ngày 23 tháng Chạp năm Mậu Thân, thời Lê Cảnh Trị thứ 6 (1668). Năm ấy Bà vừa 18 tuổi. Đền thờ Bà là Phủ Sòng Sơn, Thanh Hoá.
Phủ Dầy là quê hương Thánh Mẫu Liễu Hạnh lần thứ 2 giáng sinh, một trong Tứ bất tử của Việt Nam gồm (Thánh Gióng, Thần Tản Viên, Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh).
Mẫu Liễu nổi tiếng về sự hiếu đạo, được người đời truyền tụng và suy tôn làm thánh Mẫu (mẹ của muôn người) tượng trưng cho tấm lòng nhân ái của người mẹ. Chính vì vậy, khách thập phương đến đây đều chung mong muốn được bày tỏ lòng thành kính của mình với Mẫu tổ, một "nội đạo của dân tộc Việt”.
Phủ Dầy là quần thể kiến trúc nghệ thuật Phật giáo rất có giá trị, đặc biệt là Phủ Tiên Hương. Với lối kiến trúc tương đối quy mô, Phủ Tiên Hương gồm 3 tòa dàn hàng ngang gọi là Phương Du. Điện thờ chính gồm 4 cung nguy nga tráng lệ, bên trong có tượng bà Chúa Liễu Hạnh sơn son thếp vàng.
Phủ Vân Cát được xây dựng trên khu đất rộng gần 1 ha, mặt quay về hướng tây bắc. Phủ Vân Cát hiện nay có 7 toà với 30 gian lớn nhỏ. Phía trước có hệ thống cửa ngọ môn với 5 gác lầu.
Phía ngoài ngọ môn có hồ bán nguyệt, giữa hồ là nhà thủy lâu, 3 gian, mái cong. Phủ Vân Cát cũng có 4 cung như ở Phủ Tiên Hương. Trung tâm là nơi thờ chúa Liễu, bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là đền thờ Lý Nam Đế.
Lăng Bà Chúa Liễu được xây dựng vào năm 1938, bằng đá xanh, chạm trổ đẹp, với diện tích 625m2.
Các cửa vào lăng Bà Chúa Liễu đều có trụ cổng trên đắp hình bông sen. Giữa lăng là ngôi mộ khối bát giác, mỗi cạnh chừng 1m. Toàn lăng có 60 búp sen hồng trông xa như một hồ sen cạn.
Phủ Dầy được bắt đầu xây dựng từ thời Lê Cảnh Trị (1663 -1671). Cho tới nay, kiến trúc còn lại của Phủ Dầy vẫn hội tụ những nét đặ độc đáo của kiến trúc dân tộc Việt, lưu giữ được rất nhiều cổ vật quý như đồ thờ tự, văn bia, sắc phong,...
Sau nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, mở rộng và nâng cấp, Phủ Dầy đã trở thành một quần thể điện đài hoàn chỉnh, tương xứng với vị thế của tín ngưỡng thờ Mẫu, với lòng ngưỡng vọng Mẫu Liễu Hạnh của khách tham quan trong mỗi chuyến du lịch tâm linh về với Phủ Dầy.
Không chỉ nhộn nhịp vào thời điểm lễ hội chính diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm, Phủ Dầy luôn là điểm duy lịch tâm linh rất có sức hút với du khách thập phương.
Du khách về Phủ Dầy mong được trút bỏ mọi lo toan của cuộc đời, để vơi đi mọi ưu tư, phiền muộn, hướng tâm hồn đến cái chân, thiện, mĩ. Ngoài ra, họ còn được hoà mình trong cảnh sắc thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình mà không phải nơi nào cũng có.
Vì thế, từ lâu, Phủ Dầy đã trở thành một trong những danh lam thắng cảnh bậc nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống các di tích, danh thắng của tỉnh Nam Định.