Cà Mau là vùng đất tận vùng cực Nam của Tổ quốc, vùng đất mà các bậc tiền nhân đã khai hoang, mở cõi trên mảnh đất phù sa, chính vùng đất này đã sản sinh ra nét văn hóa đặc trưng Nam bộ nói chung, của Cà Mau nói riêng.
Vùng đất mà nhà thơ Xuân Diệu đã từng ví như "Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm" chứa đựng biết bao kỳ tích, huyền thoại của quá trình khai hoang, mở cõi, còn trong thi tứ của Xuân Quỳnh:
“Mũi đất xanh trên biển mênh mông
Đang rẽ sóng lao về phía trước…”
Đến Mũi Cà Mau, du khách được chiêm ngưỡng mênh mông của biển, của trời, bạt ngàn rừng cây non xanh đang tiến dần ra biển. Với một vùng đất phù sa mầu mỡ có những khu rừng ngập nước quanh năm đã tạo cho Cà Mau một cảnh quan đặc sắc mang nét riêng của vùng đất trẻ đầy hoang sơ, mới lạ.
Là vùng sinh thái bán đảo, Mũi Cà Mau vừa là vùng ngập mặn, vừa là thềm lục địa nhô mình ra biển Đông. Tình đất, tình người nơi đây thắm đượm giá trị sinh thái nhân văn. Chỉ mỗi tên địa danh bãi biển Khai Long đã nói lên bao điều: Đất của rồng mở cõi! Nơi đây có truyền thống văn hoá, lễ hội phong phú với những ngày hội mà không phải nơi nào cũng có. Ngày hội Cá Đường diễn ra vào tháng Tư hàng năm, khi từng đàn cá đường từ biển Đông nối tiếp nhau về. Ngày hội Ba Khía vào mùa tháng Tám hàng năm với hàng vạn con lào rào thâu đêm quanh trang đước. Những đêm hội hoa đăng câu mực giăng giăng ngoài mênh mông biển cả… Du khách sẽ thấm lâu hơn cái tinh thần văn hoá dân tộc “Thiên - Địa - Nhân” hợp nhất khi đứng trên mũi con tàu Tổ quốc - Mũi Cà Mau. Trước mặt du khách là ngọn Hải Đăng đảo Hòn Khoai kiêu hùng, đứng sừng sững bao đời một bản anh hùng ca của người dân Đất Mũi.
Chắc hẳn du khách đã từng nghe danh bác Ba Phi với những chuyện: Cọp xay lúa, Rắn hổ mây tát đìa, Ong gác kèo trên bắp chân người… Đó là ông vua nói dóc của xứ sở Cà Mau, nhưng nói dóc một cách chân thật. Du khách hãy đến rừng tràm U Minh mà xem. Vẫn còn đó một thế giới động thực vật hoang dã giàu có, kỳ thú và sẽ hiểu ra rằng vì sao xứ rừng U Minh ấy có một ông già Ba Phi lừng danh cả nước như vậy.
Cà Mau có nhiều sân chim nổi tiếng như sân chim Đầm Dơi, sân chim Chà Là và đặc biệt chim về làm tổ hàng chục nghìn con ngay giữa lòng thành phố Cà Mau. "Đất lành chim đậu" là thế. Hãy một lần đến với Cà Mau để có dịp tận hưởng và khám phá nhiều điều kỳ thú, để thấy được sự thay đổi của Cà Mau hôm nay.
Là một bán đảo xanh tươi, đầy sức sống và đang vươn mình hướng ra biển cả, Cà Mau có ngư trường rộng lớn mênh mông với 24 nhà máy chế biến thủy hải sản và một số nhà máy đang xây dựng với năng lực tổng công suất thiết kế trên 100.000 tấn thành phẩm/năm. Vùng biển Cà Mau có trữ lượng dầu-khí lớn, có thể khai thác thành thương phẩm, có giá trị kinh tế cao trên thị trường thế giới. Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau có công suất phát điện 1500MW, nhà máy đạm có công suất 800.000 tấn/năm. Đây là một trong những nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, vận tải biển và du lịch biển, đảo.
Cà Mau có hệ sinh thái rừng ngập nước diện tích trên 100.000 ha với đặc trưng rừng đước ở phía Mũi Cà Mau lớn thứ 2 trên thế giới. Rừng tràm ở U Minh Hạ, có nhiều loại động, thực vật phong phú và quý hiếm. Rừng Cà Mau có giá trị cân bằng môi trường sinh thái cho sự phát triển bền vững trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái. Rừng và biển, đảo là tiềm năng lớn và mang tính đặc thù của tỉnh, hiện nay Cà Mau đang chủ trương mời gọi các nhà đầu tư đến hợp tác khai thác những tiềm năng ấy.
Tỉnh Cà Mau có cảng hàng không tuyến Cà Mau – TPHCM, có cảng Năm Căn đang xây dựng cho phép cập cảng tầu trọng tải 10.000 tấn, có khu công nghiệp Khánh An nằm cạnh khu công nghiệp Khí-điện-đạm Cà Mau, có cảng cá Sông Đốc cho hàng trăm tàu khai thác về bến. Các tuyến du lịch sông nước từ Cà Mau đi bãi biển Khai Long - Mũi Cà Mau; tuyến đi về các khu rừng nguyên sinh, rừng sinh thái và Hòn Đá Bạc rất phát triển; tốc độ tăng của khách du lịch bình quân trên 26%/năm. Thành phố Cà Mau là trung tâm tỉnh lỵ, là đầu mối giao thông quan trọng, từ đây có thể đi bằng đường bộ, đường sông, đường hàng không, đường biển tới nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực.
Nền kinh tế của tỉnh Cà Mau tăng trưởng bình quân trên 11%/năm. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của tỉnh tập trung vào lĩnh vực kinh tế biển, khai thác dầu khí, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản xuất khẩu, du lịch sinh thái, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhằm đẩy nhanh hội nhập kinh tế thế giới, tỉnh thành lập Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch và Đầu tư để mở rộng quan hệ với các đối tác kinh tế và tìm thị trường tiêu thụ hàng hóa. Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường tiên tiến như ISO 9.000, HACCP, ISO 14.000 vào quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá và dịch vụ; áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Với tiềm năng và lợi thế lớn về phát triển kinh tế thủy sản, các ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm từ nguồn khí tự nhiên và du lịch sinh thái... chưa được khai thác hết, Cà Mau hy vọng và tin chắc rằng, trong những năm tới sẽ được tiếp tục đón nhiều nhà đầu tư, nhiều du khách đến tham quan, hợp tác làm ăn, khai thác có hiệu quả tiềm năng của vùng đất trẻ ở cực Nam của đất nước.
Theo Vnn.vn