TIẾNG NÓI CỦA NGÀNH VIỆT NAM HỌC
Chào mừng bạn đến với diễn đàn Việt Nam học. Diễn đàn là nơi gặp gỡ của những tri thức về khoa học Việt Nam học và các lĩnh vực liên quan. Để sử dụng được hết tài nguyên của diễn đàn, vui lòng Đăng ký nếu bạn chưa có tài khoản trong diễn đàn hoặc Đăng nhập nếu bạn đã đăng ký tài khoản. Chúc quý vị và các bạn có những giờ phút hữu ích cùng diễn đàn.
TIẾNG NÓI CỦA NGÀNH VIỆT NAM HỌC
Chào mừng bạn đến với diễn đàn Việt Nam học. Diễn đàn là nơi gặp gỡ của những tri thức về khoa học Việt Nam học và các lĩnh vực liên quan. Để sử dụng được hết tài nguyên của diễn đàn, vui lòng Đăng ký nếu bạn chưa có tài khoản trong diễn đàn hoặc Đăng nhập nếu bạn đã đăng ký tài khoản. Chúc quý vị và các bạn có những giờ phút hữu ích cùng diễn đàn.
TIẾNG NÓI CỦA NGÀNH VIỆT NAM HỌC
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TIẾNG NÓI CỦA NGÀNH VIỆT NAM HỌC

HTTP://VIETNAMHOC.THE-TALK.NET/
 
Trang ChínhTrang Chính  ViệtNamhọcViệtNamhọc  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng Nhập  

 

 NHỮNG QUAN HỆ VÀ TÁC ĐỘNG GIỮA DU LỊCH VÀ CÁC NGÀNH KINH TẾ

Go down 
Tác giảThông điệp
Hoàng Hưng
Người sáng lập
Người sáng lập
Hoàng Hưng


Tổng số bài gửi : 408
Join date : 27/04/2008
Age : 36

NHỮNG QUAN HỆ VÀ TÁC ĐỘNG GIỮA DU LỊCH VÀ CÁC NGÀNH KINH TẾ Empty
Bài gửiTiêu đề: NHỮNG QUAN HỆ VÀ TÁC ĐỘNG GIỮA DU LỊCH VÀ CÁC NGÀNH KINH TẾ   NHỮNG QUAN HỆ VÀ TÁC ĐỘNG GIỮA DU LỊCH VÀ CÁC NGÀNH KINH TẾ EmptySat Aug 14, 2010 1:28 pm

NHỮNG QUAN HỆ VÀ TÁC ĐỘNG GIỮA DU LỊCH VÀ CÁC NGÀNH KINH TẾ

Du lịch là một hiện tượng đa diện liên quan đến sự di chuyển và lưu lại ở các nơi đến du lịch bên ngoài nơi cư trú thường xuyên của du khách. Du lịch là một ngành có định hướng tài nguyên rõ rệt nhưng khi nền kinh tế xã hội thấp kém thì dù cho có tài nguyên phong phú cũng khó có thể phát triển được. Bởi vậy kinh tế là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển ngành du lịch.

Tại nơi đến, sự tập trung của khách cùng với các tiện nghi và dịch vụ cần thiết sẽ gây ra những ảnh hưởng và tác động nhiều chiều trong đó biểu hiện rõ nhất là những thay đổi trong hoạt động kinh tế của địa phương. Như vậy, các ngành kinh tế có mối quan hệ và tác động hữu cơ tới sự hình thành và phát triển ngành du lịch, về phía mình du lịch cũng tạo ra những chuyển biến rõ rệt tới các bức tranh kinh tế của địa phương tham gia hoạt động du lịch nói chung và các ngành kinh tế cụ thể nói riêng.

1. Mối quan hệ và tác động của kinh tế tới du lịch

1.1. Sự phát triển của nền kinh tế nói chung

Sự phát triển của nền sản xuất xã hội có tầm quan trọng hàng đầu làm xuất hiện nhu cầu du lịch và biến nhu cầu du lịch của con người thành hiện thực. Không thể nói tới nhu cầu hoặc hoạt động du lịch của xã hội nếu lực lượng sản xuất xã hội còn ở trong tình trạng thấp kém. Vai trò to lớn của nhân tố này được thể hiện ở nhiều khía cạnh quan trọng. Sự phát triển của nền sản xuất xã hội đẻ ra nhu cầu nghỉ ngơi du lịch. Các nhà nghiên cứu du lịch đã chỉ ra rằng sự xuất hiện và mở rộng những nhu cầu khác nhau là kết quả của sự phát triển nền sản xuất. Các nhu cầu thường nảy sinh trực tiếp từ sản xuất. Nền kinh tế càng phát triển, thị trường nhu cầu của nhân dân càng lớn, chất lượng càng cao.

Ở các nước có nền kinh tế chậm phát triển, nhu cầu nghỉ ngơi còn hạn chế. Ngược lại, nhu cầu nghỉ ngơi du lịch ở các nước phát triển rất đa dạng. Bên cạnh nhu cầu giải trí cuối tuần, hàng năm người dân còn đòi hỏi những đợt nghỉ dài ngày ở vùng biển hoặc trên núi, trong nước hoặc ngoài nước. Rõ ràng những nhu cầu này phải dựa trên cơ sở vững chắc của nền sản xuất xã hội.

Sự phát triển của nền sản xuất xã hội có tác dụng trước hết làm ra đời hoạt động du lịch, rồi sau đó đẩy nó phát triển với tốc độ nhanh. Giữa nhu cầu và hiện thực tồn tại một khoảng cách nhất định. Khoảng cách ấy phụ thuộc nhiều vào trình độ phát triển của nền kinh tế nói chung: trình độ càng cao khoảng cách càng rút ngắn. Sự phát triển của du lịch càng bị chi phối bởi nền sản xuất xã hội. Để giải quyết nhu cầu ăn, ở, đi lại, nghỉ ngơi của con người tất yếu phải có cơ sở hạng tầng tương ứng. Những cái nhất thiết nhất đối với khách du lịch là mạng lưới đường sá, phương tiện giao thông, khách sạn, nhà hàng… Rõ ràng rằng, nền kinh tế tác động trực tiếp và nhiều mặt đến hoạt động du lịch. Kinh tế phát triển cao tạo điều kiện ra đời của nhiều nhân tố quan trọng khác nhau như mức sống, mức thu nhập, thời gian rỗi, nhu cầu nghỉ ngơi… Mức sống, mức thu nhập hay khả năng tài chính của con người là yếu tố giúp hình thành khách du lịch tiềm năng. Mức sống, mức thu nhập cao của dân cư chỉ có được khi nền kinh tế của toàn xã hội phát triển. Họ có khả năng thanh toán cho các nhu cầu về du lịch trong nước cũng như ngoài nước. Có nhiều nước rất giàu tài nguyên du lịch nhưng vì nền kinh tế lạc hậu nên không thể phát triển du lịch và càng không thể gửi khách du lịch ra nước ngoài. Khi đi du lịch và lưu trú ngoài nơi cư trú thường xuyên, khách du lịch luôn là người tiêu dùng nhiều loại dịch vụ, họ phải có phương tiện vật chất đầy đủ. Đó là điều kiện cần thiết để biến nhu cầu du lịch nói chung thành nhu cầu xã hội có khả năng thanh toán, vì khi đi du lịch khách phải trả thêm tiền tàu xe, nhà ở và xu hướng của con người khi đi du lịch là tiêu nhiều tiền. Do vậy, phúc lợi vật chất của nhân dân là điều kiện có ý nghĩa to lớn trong sự phát triển của du lịch. Thu nhập của nhân dân là chỉ tiêu quan trọng và là điều kiện vật chất để họ có thể tham gia đi du lịch. Con người khi muốn đi du lịch, không chỉ cần có thời gian mà còn phải có đủ tiền mới có thể thực hiện được mong muốn đó. Các nhà khoa học đã tính được rằng mỗi khi thu nhập của nhân dân tăng lên thì sự tiêu dùng du lịch cũng tăng theo, đồng thời có sự thay đổi về cơ cấu của tiêu dùng du lịch. Phúc lợi vật chất của nhân dân luôn phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế, vào thu nhập quốc dân của đất nước.

Một trong những tiêu chí được xác định là ảnh hưởng tới nhu cầu du lịch đo là thời gian rỗi. Hiện tượng du lịch bắt đầu tăng lên khi thời gian rỗi của mọi tầng lớp xã hội gia tăng. Con gười không thể đi du lịch nếu không có thời gian rỗi. Thời gian rỗi chỉ nhiều hơn khi năng suất được nâng cao, tức là nền sản xuất xã hội phát triển. Kinh tế ngày càng phát triển thì năng suất lao động ngày càng cao và mức sống của con người ngày càng được cải thiện. Xu hướng chung trong điều kiện phát triển hiện đại là giảm bớt thời gian làm việc và tăng số thời gian rỗi. Nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang chế độ làm việc 5 ngày một tuần. Như vậy thời gian ngoài giờ làm việc ngày càng chiếm ưu thế trong quỹ thời gian đang trở thành vấn đề quan trọng đặc biệt. Thời gian rỗi có thể tăng lên nếu con người sử dụng hợp lý quỹ thời gian và có chế độ lao động đúng đắn. Đây là điều kiện thực tế để tổ chức hợp lý du lịch và nghỉ ngơi cho người dân. Ngoài ra, một xã hội có nền kinh tế phát triển, nền sản xuất ở trình độ cao thì cũng thường đồng nghĩa với trình độ dân trí cao của dân số. Nếu trình độ văn hoá của cộng đồng được nâng cao, nhu cầu đi lại của nhân dân ở đó tăng lên rõ rệt. Đất nước khi phát triển du lịch sẽ đảm bảo phục vụ khách du lịch một cách văn minh và làm hài lòng khách. Trình độ dân trí được thể hiện bằng các hành động, cách ứng xử cụ thể với môi trường xung quanh, bằng thái độ với du khách của người dân địa phương, bằng cách cư xử của du khách tại nơi đến du lịch. Ngược lại, trình độ văn hoá thấp của cả người đến và người phục vụ đều có thể là nhân tố cản trở sự phát triển của du lịch.

1.2. Các ngành kinh tế

Theo các chuyên gia kinh tế thuộc Hội đồng kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc, một đất nước có thể phát triển du lịch một cách vững chắc nếu nước đó tự sản xuất được phần lớn số của cải vật chất càn thiết cho du lịch. Hầu như tất cả các ngành kinh tế đều tham gia cung ứng và thức đẩy du lịch phát triển, bởi vậy nếu phải nhập đa số trang thiết bị, hàng hoá để xây dựng cơ sở vật chất và phục vụ khách du lịch thì hầu hết lợi nhuận do du lịch mang lại sẽ rơi vào tay tư bản nước ngoài. Những nước có nền kinh tế phát triển, có điều kiện sản xuất ra nhiều của cải vật chất có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Nông nghiệp là một ngành có ảnh hưởng quan trọng đến du lịch. Người nông dân cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng lương thực thực phẩm để phục vụ khách. Một nền nông nghiệp lạc hậu, độc canh sẽ không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách cả về số lượng và chất lượng. Nếu vì phục vụ du lịch là phải nhập khẩu các loại nông sản thực phẩm thì hoạt động đó sẽ nhanh chóng gặp phải những trở ngại khó có thể vượt nổi. Du khách đi du lịch luôn muốn sử dụng những sản phẩm có chất lượng cao, vì vậy nông sản thực phẩm phục vụ du lịch được nói đến ở đây phải đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Việc hình thành các cơ sở sản xuất chuyên canh với hệ thống tiêu chuẩn chất lượng rất ngặt nghèo là yêu cầu cần thiết. Một thực tế đáng buồn ở Việt Nam là hầu hết các nông sản phục vụ cho các khách sạn quốc tế đều nhập khẩu từ nước ngoài. Có nhiều nguyên nhân lí giải nhưng quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm trong nước chưa cao, không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng an toàn. Thực tế này cho thấy đây là một vấn đề bỏ ngỏ đáng tiếc không chỉ về mặt thu nhập của nhà nước và nhân dân mà còn cả vấn đề việc làm. Việc đẩy mạnh các mô hình trang trại sản xuất các nông sản đáp ứng nhu cầu tại các nhà hàng, khách sạn là một hướng đi táo bạo nhưng đúng đắn và có triển vọng.

Ngành du lịch tiêu thụ một khối lượng lớn lương thực và thực phẩm cả tươi sống cũng như đã qua chế biến. ở đây vai trò của các ngành công nghiệp thực phẩm như công nghiệp chế biến đường, thịt, sữa, đồ hộp, công ngiệp chế biến rượu bia, thuốc lá… luôn được coi trọng. Đây là các cơ sở cung ứng nhiều hàng hoá nhất cho du lịch. Một số ngành công nghiệp nhẹ đóng vai trò không kém quan trọng trong cung ứng vật tư cho du lịch như: Công nghiệp dệt, công nghiệp thuỷ tinh, công nghiệp sành sứ và đò gốm… Ngành công nghiệp dệt cung cấp cho các xí nghiệp du lịch các loại vải để trang bị cho các phòng khách, các loại khăn trải bàn, ga giường, thảm… Ngành công nghiệp chế biến gỗ trang bị đồ gỗ cho các văn phòng, cơ sở lưu trú. Tính cao cấp và tính thứ yếu của tiêu dùng du lịch đòi hỏi hàng hoá và dịch vụ du lịch phải có chất lượng cao. Do vậy, muốn phát triển du lịch, các ngành sản xuất có quan hệ mật thiết với du lịch không phải chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu về khối lượng hàng hoá mà phải bảo đảm cung cấp vật tư hàng hoá có chất lượng cao, đảm bảo có thẩm mỹ và chủng loại phong phú, đa dạng. Điều đó có nghĩa là những địa phương có nền kinh tế phát triển, các ngành kinh tế có khả năng tạo được sản phẩm cao cấp sẽ là nới có điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch. Cũng chính tại những địa phương như thế, du lịch thực sự mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Khía cạnh công nghiệp ở một địa phương là động lực quan trọng đối với du lịch. Một số đông khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài, rất muốn biết về nền kinh tế của một nước hay một quốc gia. Họ rất quan tâm đến nền công nghiệp, thương mại, sản phẩm công nghiệp và cơ sở kinh tế của nước đó. Tham quan công nghiệp là một cách hay để phát triển mối quan tâm, niềm hứng thú về văn hoá của nơi đó và tạo ra một thị trường tiềm năng lớn đối với sản phẩm đã làm ra. Các tổ chức du lịch sẽ đẩy mạnh các buổi tham quan vào các nhà máy, xí nghiệp chế biến, khi các cuộc thăm đó phù hợp và mang lại những ấn tượng thú vị. ở một số công ty du lịch, đại lí du lịch, các phòng thương mại, khách sạn, nhà trọ, nhà hàng hoặc các cơ quan hay tổ chức dịch vụ khác có thể thấy các quảng cáo về các đối tượng này. Hệ thống công trình thuỷ điện Hoà Bình (đập nước, hồ và đường hầm, tám tổ máy trong lòng núi) hàng năm thu hút hàng chục nghìn khách là một ví dụ điển hình.

Trong thời gian xây dựng ban đầu, ngành xây dựng và vật liệu xây dựng có vai trò rất quan trọng đối với du lịch. Những công trình kiến trúc đẹp, được xây dựng kì công, tốn kém vừa là công cụ phục vụ khách vừa là tài nguyên góp phần hấp dẫn khách đến và lưu khách lại lâu hơn. Mặc dù du khách là những người rời khỏi nơi ở tiện nghi của mình tìm đến các miền hoang sơ, xa lạ, song họ vẫn đòi hỏi điều kiện ăn nghỉ đàng hoàng, tiện nghi. Điều đó có nghĩa là nếu trình độ ngành xây dựng thấp kém sẽ không đáp ứng được nhu cầu kỹ thuật do ngành du lịch đặt ra.

Thông tin liên lạc cũng co sảnh hưởng sâu sắc đến du lịch. Các phương tiện truyền tin nhanh chóng sẽ giúp cho việc quảng bá du lịch một cách hữu hiệu. Thông tin hiện đại hỗ trợ ngành du lịch, đưa đến cho hàng triệu khách hàng tiềm tàng khắp mọi nơi những thông tin cần thiết về một sản phẩm du lịch độc đáo, tạo nhu cầu du lịch và dẫn họ đến quyết định mua sản phẩm của mình. Sự đảm bảo các phương tiện thông tin hiện đại tại các điểm du lịch cũng là một trong các yêu cầu của du khách.

Khi nói đến nền kinh tế đất nước, không thể không nói đến giao thông vân tải. Từ xa xưa, giao thông vận tải đã trở thành một trong những nhân tố chính cho sự phát triển của du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế. Trong những năm gần đây giao thông vận tải có những chuyển biến quan trọng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển du lịch. Nói đến sự phát triển của giao thông vận tải có ảnh hưởng tới du lịch, chúng ta quan tâm tới cả hai phương diện. Đó là sự phát triển về mặt số lượng và về mặt chất lượng. Sự phát triển về mặt số lượng của các phương tiện vận chuyển đã làm cho mạng lưới giao thông vươn tới được mọi nơi trên trái đất. Hiện nay trên thế giới có trên 500 triệu khách du lịch đi qua biên giới các nước bằng các phương tiện vận chuyển hành khách quốc tế. Chiều dài của mạng lưới giao thông vận tải chứng tỏ mức độ dễ dàng trong việc tiếp cận tới điểm du lịch. Số lượng phương tiện giao thông vận tải chứng tỏ khả năng vận chuyển du khách. Số lượng loại hình phương tiện vận chuyển gia tăng sẽ làm cho hoạt động du lịch trở nên tiện lợi và mềm dẻo, có khả năng đáp ứng tốt mọi nhu cầu của du khách. Về mặt chất lượng vận chuyển cần xem xét tới bốn khía cạnh là tốc độ, an toàn, tiện nghi và giá cả.

+ Tốc độ vận chuyển: việc tăng tốc độ vận chuyển cho phép tiết kiệm thời gian đi lại và cho phép kéo dài thời gian ở lại nơi du lịch. Với các phương tiện có tốc độ vận chuyển cao, du khách có thể đến được những nơi xa xôi.

+ Đảm bảo an toàn trong vận chuyển: ngày nay sự tiến bộ trong kỹ thuật để làm tăng rõ rệt tính an toàn trong vận chuyển hành khách. Phương tiện vận chuyển của những nước có mức độ an toàn cao sẽ thu hút được nhiều người tham gia vào hoạt động du lịch.

+ Đảm bảo tiện tiện nghi trong các phương tiện vận chuyển: các phương tiện vận chuyển ngày càng có đầy đủ tiện nghi và làm vừa lòng hành khách. Trong lương lai, xu hướng này sẽ ngày càng phát triển. Với các phương tiện vận chuyển có đầy đủ tiện nghi, du khách thấy an tâm và thoải mái hơn vì họ không phải hao phí sức khoẻ trên hành trình.

+ Vận chuyển với giá rẻ: giá cước vận tải có xu hướng giảm để nhiều tầng lớp nhân dân có thể sử sử dụng được phương tiện vận chuyển.

Tiến bộ của vận chuyển hành khách còn thể hiện trong sự phối hợp các loại phương tiện vận chuyển. Điều đó có ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển du lịch. Sự chi phối đó có hai mức độ: mức độ quốc gia và mức độ quốc tế. Cả hai mức độ đều có vai trò quan trọng trong vận chuyển khách du lịch. Việc tổ chức vận tải phối hợp tốt cho phép rút ngắn thời gian chờ đợi ở các điểm giữa tuyến, tạo điều kiện thuận lợi khi phải đổi phương tiện vận chuyển và làm vừa lòng khách đi du lịch. Du lịch từ Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh muốn đến Đà Lạt có thể mua vé liên vận được chuyến tiếp lên ô tô sau khi xuống tàu ở ga xe lửa Phan Rang.

2. Mối quan hệ và tác động của du lịch với nền kinh tế

2.1. Tác động của du lịch đến nền kinh tế nói chung

Du lịch có ảnh hưởng rất rõ nét lên nền kinh tế của địa phương thông qua việc tiêu dùng của du khách. Nó được đánh giá rất khác nhau giữa các nước. ở một số nước, du lịch được coi là phương tiện tốt nhất để kiếm được những đồng ngoại tệ quý giá, cải thiện mối quan hệ với những nước khác và được xem như là phương tiện bộc lộ cho thế giới biết đến một đất nước tươi đẹp và quản lí tốt. Như vậy, để hiểu rõ vai trò của du lịch trong quá trình tái sản xuất xã hội, trước hết cần nghiên cứu những đặc điểm cơ bản của việc tiêu dùng du lịch.

+ Nhu cầu tiêu dùng du lịch là những nhu cầu tiêu dùng đặc biệt: nhu cầu nâng cao kiến thức, học hỏi, vãn cảnh, thư giãn, nghỉ ngơi.

+ Du lịch nhằm thoả mãn các nhu cầu tiêu dùng hàng hoá vật chất cụ thể, hữu thể và các hàng hoá phi vật chất. Khi đi du lịch du khách được ăn uống, cung cấp các phương tiện vận chuyển, lưu trú. Ngoài ra nhu cầu ở rộng kiến thức, quá trình cung ứng các sản phẩm và thái độc của người phục vụ rất được khách quan tâm. Đó là các nhu cầu vê dịch vụ. Thông thường, các hoạt động du lịch có liên quan đến hoạt động ngoài trời, tức là phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Do đó việc tiêu dùng du lịch cũng mang tính thời vụ khá rõ nét. Điều này không chỉ đúng với việc đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên mà còn đối với cả tài nguyên du lịch nhân văn.

+ Một trong những đặc điểm quan trọng và khác biệt giữa việc tiêu dùng du lịch và tiêu dùng các hàng hoá khác là việc tiêu dùng sản phẩm du lịch xảy ra cùng lúc, cùng nơi với việc sản xuất ra chúng. Do đó để thực hiện quá trình tiêu thụ sản phẩm, người mua được đưa đến nơi sản xuất và tiêu dùng tại chỗ. Đây cũng là lí do làm cho sản phẩm du lịch mang tính độc quyền và không thể so sánh giá của sản phẩm du lịch này với giá của sản phẩm du lịch kia một cách đơn giản được. Các mối quan hệ tiêu dùng trong du lịch được phân thành hai loại. Đó là quan hệ vật chất nảy sinh khi khách đến mua những hàng hoá cụ thể và quan hệ phi vật chất nảy sinh sau khi khách tiếp xúc với phòng tục tập quán, với di sản văn hoá và với tổ hợp thiên nhiên nói chung. ảnh hưởng kinh tế của du lịch được thể hiện thông qua tác động qua lại của quá trình tiêu dùng và cung ứng sản phẩm du lịch. Quá trình này tác động lên lĩnh vực phân phối, lưu thông và do vậy ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác nhau của quá trình sản xuất xã hội. Nó có thể kích thích thúc đẩy phát triển nền kinh tế, tuy nhiên cần chú ý tính hai mặt của vấn đề này. Những đánh giá tốt về du lịch trên lĩnh vực này thì có thể lại có hại trên phương diện khác. Nếu cho rằng du lịch luôn mang lại lợi ích kinh tế là không chính xác và cũng tương tự như vậy khi cho rằng du lịch luôn tạo ra các vấn đề tồn tại về kinh tế. Điều quan trọng là mỗi quốc gia, mỗi vùng, mỗi địa phương phải tự mình tiến hành phân tích và rút ra được các kết luận của chính mình trên cơ sở các tình huống riêng biệt như liệu du lịch sẽ có ảnh hưởng tích cực và liệu có nên tích cực khuyến khích sự phát triển du lịch. Một trong những khó khăn lớn nhất của công việc trên là cố gắng so sánh các nước phát triển với các nước đang phát triển. Sự khác biệt giữa hai nền kinh tế này làm cho việc rút ra kết luận chung và có giá trị là rất khó khăn.

Du lịch có hiệu quả trực tiếp đối với một số ngành và lĩnh vực kinh doanh như giao thông vận tải, lưu trú và ăn uống và thông qua doanh thu của các bộ phận này tăng đáng kể. Mặt khác, một số ngành có liên quan đến du lịch như công nghiệp hàng tiêu dùng, nông nghiệp cũng có lợi từ du lịch. Đó là hiệu quả gián tiếp của sự phát triển ngành du lịch. Từ đây nảy sinh một khái niệm mới: Hiệu quả bội (Multipier effect). Đồng tiền do du khách chi tiêu là đồng tiền “mới” tại một khu vực khách đến vì du khách đã mang tiền từ nơi khác đến nơi này. Những đồng tiền mới này được sử dụng để chi trả các khoản phát sinh trong kì nghỉ của du khách.

Từ những chi tiêu ban đầu đó của du khách làm nảy sinh các quá trình chi tiêu tiếp theo của các cơ sở kinh doanh phục vụ du lịch, người lao động và những cơ sở kinh doanh khác. Có thể chứng minh vấn đền này bằng ví dụ sau: Du khách vào các nhà hàng để thưởng thức các món ăn ở Hà Nội. Để chuẩn bị và phục vụ các món ăn, nhà hàng sẽ phải thuê nhân viên nấu, dọn dẹp, phục vụ bàn, quản lý cũng như kế toán và thủ quỹ. Ngoài ra, họ cũng cần mua nguyên liệu, thực phẩm, dụng cụ ăn uống, đồ đạc, các trang thiết bị phục vụ giải trí. Họ cũng phải chịu chi phí in ấn thực đơn, danh thiếp. Cơ sở kinh doanh này cũng sẽ phải nộp thuế kinh doanh và các khoản chi cho nhu cầu cá nhân và gia đình, ngoài ra có thể để giành. Các nhà hàng sẽ phải trả tiền mua nguyên liệu thực phẩm cho những người cung cấp. Đến lượt mình, các nhà cung cấp sử dụng tiền thu được để chi trả cho những người sản xuất trực tiếp. Như vậy, đồng tiền chi tiêu của du khách được sử dụng vài lần tạo nên chuỗi chi tiêu - thu nhập - chi tiêu - thu nhập và lan truyền đi khắp khu vực. Hiệu quả này được gọi là hiệu quả bội, nó có thể được xác định bằng cách nhân thêm một hệ số là lượng thu nhập ban đầu của du lịch. Vì vậy người ta cũng có thể gọi là “hiệu quả số nhân trong du lịch”. Tuy nhiên, không phải tất cả số tiền nhận được sẽ cần thiết phải chi tiêu hết hoặc đọng lại toàn bộ trong nền kinh tế của một khu vực nhất định. Với nhiều phương thức và hình thức khác nhau khoản tiền này được đưa ra khỏi chuỗi chi tiêu - thu nhập của khu vực. Quá trình này được gọi là “rò rỉ”. Do có sự rò rỉ làm cho chuỗi chi tiêu - thu nhập chấm dứt. Sự rò rỉ sẽ làm giảm bớt hiệu quả bội về thu nhập từ du lịch của một địa phương. Nếu địa phương này tự cung cấp được nhiều hơn và đồng tiền quay được nhiều lần trong địa phương hơn thì người dân ở đó và nền kinh tế địa phương sẽ có lợi nhiều hơn từ du lịch.

2.2. Tác động của du lịch đối với các ngành kinh tế

a. Tác động của du lịch với thương mại

Khách du lịch quốc tế mang theo tiền từ các quốc gia khác. Điều này có hiệu quả giống như một ngành xuất khẩu và du khách có trách nhiệm mang ngoại tệ vào, do đó làm cải thiện cán cân thanh toán thương mại quốc gia. Du lịch được coi như một loại hàng hoá xuất khẩu có giá trị như khoáng sản hoặc nông sản ở một số nước. Nếu du lịch được duy trì thường xuyên và phù hợp thì thì có thể coi nó như là một tác nhân giữ ổn định một khoản từ xuất khẩu. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những nước có các mặt hàng xuất khẩu chính có thể có sự nhạy cảm về giá cả hoặc thị trường của các mặt hàng này đang bị thu hẹp. Nó càng có ý nghĩa đối với các nước bị lệ thuộc vào sản xuất nông nghiệp sẽ gặp khó khăn về kinh tế nếu mùa màng thất bát do thời tiết không thuận lợi.

Du lịch quốc tế góp phần làm tăng dự trữ ngoại tệ của một quốc gia. Thiếu ngoại tệ thường gây ra sự hạn chế chủ yếu về nguồn tài chính cho sự phát triển kinh tế. Bất kỳ một quốc gia nào đều mong muốn cải thiện nền công nghiệp, hệ thống giao thông, nguồn năng lượng… của mình nhưng phải đối mặt với nhu cầu ngoại tệ khổng lồ để chi trả cho việc nhập khẩu công nghệ. Du khách quốc tế có thể giúp cung cấp khoản ngoại tệ cần thiết đó. Lợi ích trên có được với điều kiện có một số lượng đáng kể du khách quốc tế đến và mang theo ngoại tệ. Lượng ngoại tệ thu được không bị rò rỉ khỏi nền kinh tế. Đồng thời, các du khách quốc tế đến và chi tiêu nhiều hơn công dân quốc gia đó đi du lịch nước ngoài.

Nếu người Việt Nam đi nước ngoài trong các kì nghỉ mang theo tiền bạc và chi tiêu tiền bạc ở nước ngoài thì lợi ích kinh tế của du lịch bị ảnh hưởng. Các nước đang phát triển như Việt Nam cần nhiều khách du lịch đến đất nước hơn so công dân nước mình đi du lịch nước ngoài để đảm bảo có lợi ích kinh tế dương trong cán cân thương mại. Những năm gần đây do sự phát triển kinh tế, thu nhập của người dân được nâng lên nên số người Việt Nam đi du lịch nước ngoài cũng tăng dần. Có một số cách để hạn chế đi du lịch nước ngoài, buộc họ ở nhà trong các kì nghỉ và do đó giúp cải thiện tình trạng của cán cân thanh toán thương mại. Một số nước áp dụng giấy thị thực hoặc giấy phép cho người đi du lịch nước ngoài. Một số nước hạn chế số lượng tiền người đi du lịch có thể mang ra khỏi đất nước. Ngoài ra tỉ giá trao đổi cũng có thể ảnh hưởng tới số người đi du lịch. Khi tỉ giá trao đổi các ngoại tệ mạnh biến động một cách đột ngột sẽ dẫn đến sự thay đổi đáng chú ý của mô hình du lịch.

ở các nước phát triển, hiệu quả của du lịch có thể không đáng chú ý hoặc chủ yếu như đối với các nước đang phát triển. Bởi vì, các nước phát triển có thể có sự phối hợp tốt của nhiều loại hàng hoá xuất khẩu mà không chỉ dựa vào một vài loại sản phẩm để tạo ra sự cân bằng cho cán cân thanh toán thương mại. Do đó, lợi ích của du lịch đối với cán cân thương mại của một quốc gia phải được đánh giá một cách thận trọng.

b. Tác động của du lịch đối với nông nghiệp và công nghiệp

Khi một khu vực nào đó trở thành một điểm du lịch, du khách tự mọi nơi đổ về sẽ làm cho nhu cầu về mọi hàng hoá tăng lên đáng kể. Việc đòi hỏi một số lượng lớn vật tư, hàng hoá các loại đã kích thích mạnh mẽ các ngành kinh tế có liên quan, đặc biệt là nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, các hàng hoá, vật tư cho du lịch đòi hỏi phải có chất lượng cao, phong phú về chủng loại, hình thức đẹp và hấp dẫn. Điều này có nghĩa là yêu cầu hàng hoá phải được sản xuất trên một công nghệ cao, trình độ tiên tiến. Các chủ xí nghiệp buộc phải đầu tư trang thiết bị hiện đại, tuyển chọn và sử dụng công nhân có tay nghề cao để sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu du khách. Ngành du lịch cũng tạo ra sự nổi tiếng cho sản xuất công nghiệp cũng như nông nghiệp địa phương thông qua việcđáp ứng nhu cầu của du khách về các sản phẩm lương thực - thực phẩm, dụng cụ, đồ đạc. Đồng thời tạo khả năng để tăng khối lượng sản xuất cảu địa phương nhằm đáp ứng những nhu cầu mới, nhu cầu bổ sung thêm từ khách. Ngoài ra những sản phẩm thủ công, hàng lưu niệm từ những ngành nghề đang bị mai một vì người dân địa phương không còn quan tâm đến sẽ được khôi phục và phát triển lại.

Du lịch mang lại lợi ích phát triền sản xuất địa phương chỉ áp dụng cho những nước nhận khách du lịch. Nhưng nếu các nguyên vật liệu mới cần cho ngành du lịch mà phải nhập khẩu từ nước ngoài thì lợi ích này không còn phù hợp nữa. Những nguyên liệu, hàng hoá và vật phẩm cung cấp như thực phẩm, hàng tiêu dùng hoặc hàng hoá lưu niệm đáng lẽ phải nhập khẩu nhưng được sản xuất tại địa phương hoặc trong nước thì mới tạo ra lợi ích thực sự cho nước chủ nhà.

c. Tác động của du lịch đối với giao thông vận tải

Một yếu tố quan trọng giúp điểm, địa phương du lịch hấp dẫn du khách hay không là nhờ vào khả năng kinh hoạt và tiện nghi của ngành giao thông vận tải. Khách đi du lịch luôn muốn được phục vụ với chất lượng cao nhất. Đòi hỏi này thúc đẩy sự phát triển của giao thông vận tải, nhất là ngành vận tải hành khách. Các nhà kinh doanh vận tải sẽ phải chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ ngành vận tải. Không những số lượng phương tiện được nâng cao mà chất lượng phương tiện cũng như chất lượng đường ngày càng hoàn thiện hơn. Sự tiến bộ và hoàn thiện đó tạo ra bộ mặt mới của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Kéo theo đó, nó gián tiếp tạo ra sự tiến bộ nói chung của ngành giao thông vận tải đối với địa phương.

d. Các tác động khác của du lịch đối với nền kinh tế

* Tạo ra nhiều việc làm mới: Quan sát bất cứ một khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm… thì rõ ràng du lịch đã tạo ra những công việc này. Đây là yếu tố tích cực khi đánh giá tác động của du lịch đối với bất kì một quốc gia nào. Công việc mà du lịch tạo ra có phạm vi rộng bao la gồm các lĩnh vực quản lí, tài chính, điều hành, khoa học thông tin, bán và marketing. Tuy nhiên phần lớn cơ hội việc làm ở phạm vi điều hành và tác nghiệp.

Du lịch tạo ra việc làm có thể mang tính thời vụ hoặcnhất thời. Công việc thời vụ, công việc theo ca và công việc vào các ngày nghỉ là những đặc điểm của ngành. Du lịch cũng tạo ra công việc cho các nhà quản lí như quản lí văn phòng, quản lí khách sạn, quản lí nhà hàng, bếp trưởng hoặc giám đốc marketing… còn lại phần lớn công việc đòi hỏi kỹ năng không cao như phục vụ phòng, phụ bếp, don dẹp, khuân vác. Cơ hội thăng tiến của nhân viên trong ngành nói chung là chậm. Do công việc chân tay là chủ yếu, theo ca kíp, làm việc vào ngày nghỉ nên khi có cơ hội mọi người sẵn sàng đổi sang các loại công việc khác ưa thích hơn. Nếu một quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp thấp và ở đó dân cư có thể kiếm được việc làm tốt, có lương cao và điều kiện làm lí tưởng thì sẽ không đủ lao động sẵn sàng làm việc trong ngành khách sạn và du lịch. Trong trường hợp này sẽ cần thiết phải thu nhận những lao động từ các khu vực khác hoặc nước khác đến làm việc. Một hạn chế về việc làm trong du lịch đối với các nước đang phát triển là lao động địa phương được tuyển dụng vào những công việc bán kỹ năng hoặc không có kỹ năng và một số vị trí quản lí thấp, còn các vị trí quản lí chính thường do người nước ngoài đảm nhận. Các cơ hội việc làm như quản lí ăn uống, quản lí khách sạn, kế toán và tài chính, lễ tân và marketing, quản lí tổ chức và hướng dẫn viên… sẽ đòi hỏi người lao động có trình độ đại học. Triển vọng việc làm trong lĩnh vực lữ hành thường không rõ nét và bức xúc như trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn và ăn uống. Mặc dù các cơ quan quản lí du lịch của nhà nước và các địa phương, các văn phòng cung cấp dịch vụ tư vấn du lịch mở rộng hoạt động nhưng mức độ tự động hoá ngày một tăng ở các cơ quan và đại lí du lịch sẽ ngày càng đe doạ tới việc làm nói chung trong lĩnh vực lữ hành. Đồng thời, các bộ phận công việc lữ hành khác cũng không cần bổ sung nhiều nhân viên như trong lĩnh vực khách sạn hoặc ăn uống.

* Tăng nguồn thu nhập cho nhà nước: Khách du lịch cũng có nghĩa vụ phải nộp thuế. Có thể là thuế trực tiếp như thuế khởi hành phải trả ở các sân bay hoặc thuế phòng cộng thêm vào hoá đơn thanh toán lưu trú tại khách sạn. Cũng có thể là thuế gián như thuế máy bay tiếp đất, thuế nhiên liệu hoặc thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hoá dịch vụ. Tuy nhiên, những lợi ích từ nguồn thu nhập này được cân nhắc với những trách nhiệm và chi phí của nhà nước phải tăng lên. Trong một số trường hợp chính phủ của một quốc gia buộc phải giảm thuế để khuyến khích đầu tư. Trong một số trường hợp khác, các thu nhập thu được có thể bị giảm do chi phí phát triển du lịch tăng. Đó là đầu tư cho cơ sở hạ tầng của đất nước như đường sá, giao thông công cộng, sân bay, nhà ga, bến tàu, điện nước và thông tin liên lạc. Việc xây dựng các tiện nghi này đạt được các tiêu chuẩn là cần thiết và đòi hỏi khoản đầu tư rất lớn.

* Khuyến khích nhu cầu nội địa: Người dân địa phương có thể không có nhu cầu thăm viếng các điểm hấp dẫn trong khu vực địa phương mình nhưng dù sao họ vẫn tự hào khi thấy một thực tế là các điểm hấp dẫn này lại thu hút được nhiều người từ khắp mọi nơi thậm chí rất xa đến thăm viếng. Khi một khu vực thu hút được du khách quốc tế sẽ làm tăng sự quan tâm trong nước đối với các điểm hấp dẫn ở khu vực đó. Ngoài ra, khi địa phương phát triển các tiện nghi và cơ sở dịch vụ nhằm thu hút khách quốc tế thì điều này cũng có thể có lợi cho dân chúng địa phương. Khi các khách sạn mới, các khu giải trí, các tiện nghi dịch vụ mới được xây dựng mà quyến rũ được khách du lịch quốc tế thì cũng làm cho người dân địa phương ở đây sẽ thích nghỉ ngơi “tại nhà” - tại địa phương mình hơn.

* Giúp phát triển các vùng đặc biệt: du lịch được coi là ngành công nghiệp sạch bởi vì nó không cần hầm mỏ hay xí nghiệp chế biến. Ngoài ra nó còn được coi là ngành tăng trưởng nhanh bởi vì một khi các yêu cầu cơ bản được đáp ứng thì số lượng khách du lịch có tể tăng lên với số lượng cao. Một khu vực, một vùng có thể là nơi đến du lịch có lợi thế ngay cả khi nó hầu như chưa có một thứ tiện nghi nào miễn là có một số điểm hấp dẫn du khách. Ngược lại, nếu khu vực đó, vùng đó có rất ít các điểm hẫp dẫn tự nhiên nhưng vẫn có thể tạo ra sự hấp dẫn nhân tạo thu hút được một số khách thăm như trung tâm thể thao, khu vui chơi giải trí hoặc trung tâm thương mại với các cửa hàng miễn thuế.

Cùng với các lợi ích của mình, du lịch sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các vùng có những vấn đề khó khăn nhất định của một quốc gia như vùng sâu vùng xa. Để phát triển các điểm hấp dẫn du lịch ở các vùng đặc biệt như vùng sâu vùng xa, nhà nước sẽ giúp đỡ phát triển cơ sở hạ tầng, đưa lực lượng lao động đến khu vực, xây dựng nhà ở và các trạm giao thông, thiết lập các trạm phát thanh, truyền hình và mạng lưới thông tin liên lạc. Do phát triển các khu du lịch làm cho người dân địa phương trước đây không muón đến sinh sống ở những vùng sâu vùng xa nay nhận thức được các lợi ích do du lịch mang lại thu nhập cao hơn, cơ sở hạ tầng được cải thiện, đời sống văn hoá tinh thần phong phú hơn đã thuyết phục họ chuyển đến và yên tâm định cư tại các vùng này.

Tuy nhiên về mặt kinh tế, du lịch cũng có những ảnh hưởng tiêu cực cố hữu. Đó là tiền tệ tiêu hao từ khu vực này sang khu vực khác, nước này sang nước khác, đất đai trở nên khan hiếm và đắt đỏ do quy hoạc du lịch. Hệ quả tiếp theo là tình trạng lạm phát cục bộ hay giá cả hàng hoá tăng cao, nhiều khi vượt quá khả năng chi tiêu của người dân địa phương, nhất là của những người là thu nhập của họ không liên quan đến du lịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Tuấn Cảnh và nhiều tác giả, Địa lí Du lịch, NXB TPHCM, TP. Hồ Chí Minh – 1999.

2. Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hoà, Giáo trình Kinh tế Du lịch, NXB Lao đông – Xã hội, Hà Nội – 2004.

3. Vũ Đức Minh, Tổng quan về Du lịch, NXB GD, Hà Nội – 1999.

4. Trần Đức Thanh, Nhập môn khoa học Du lịch, NXB ĐHQGHN, Hà Nội - 2005.

5. Lê Thông, Nguyễn Minh Tuệ, Tổ chức lãnh thổ Du lịch, NXB GD, Hà Nội – 1998.

6. Cẩm nang về phát triển du lịch bền vững, Bản tin Du lịch, VNAT 2003, Hà Nội – 2005.


ThS Cao Hoàng Hà, Khoa Việt Nam học, ĐHSP Hà Nội
Về Đầu Trang Go down
http://www.vietnamhoc.catsboard.com
 
NHỮNG QUAN HỆ VÀ TÁC ĐỘNG GIỮA DU LỊCH VÀ CÁC NGÀNH KINH TẾ
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Kinh Dịch và Mái nhà Việt .
» Hướng tới châu Phi: Chính sách quan trọng của Việt Nam
» Tìm về cội nguồn kinh Dịch
» PwC dự báo kinh tế Việt Nam đứng thứ 14 thế giới vào năm 2050
» Báo Cáo Về Kinh Nghiệm Tự Học Tín Chỉ (Trần Thị Thanh Lan K36E_VNh)

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
TIẾNG NÓI CỦA NGÀNH VIỆT NAM HỌC :: VIỆT NAM TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN :: Đổi mới và Hội nhập-
Chuyển đến