Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng - Vài suy nghĩ về Việt Nam Học.
Việt Nam Học là một ngành khoa học- một môn học không còn lạ với nhiều nước trên Thế giới, nhưng nó lại còn rất mới đối với nhiều người Việt Nam với sự sưu tầm của bản thân và với mong muốn sẽ có nhiều người hiểu biết rõ hơn nữa xin giới thiệu với các bạn trong Diễn Đàn bài báo cáo của Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, Phó Chủ Tịch Hội đồng Khoa học xã hội TP.HCM trong phiên họp toàn thể hôm khai mạc hội thảo Quốc tế Lần I về Việt Nam Học, tại Hà Nội trong 3 ngày 15,16,17/7/1988.
Sự kiện này đã thu hút gần 700 học giả Việt Nam và các nước quan tâm đến Việt Nam tham dự, hội thảo đã nhận được 428 bài báo cáo khoa học đến ngày 25/5/1988, số học giả gửi bài tham luận đến hội thảo là 150. Bài báo cáo này của Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng được giới thiệu trên báo Kiến Thức Ngày Nay số 289 ngày 10.08.1988. Nay xin giới thiệu với các bạn để các bạn cùng tham khảo, để hiểu hơn “thế nào là Việt Nam Học và Việt Nam Học cần nghiên cứu những gì? Đóng góp thành tựu của ngành vào sự phát triển chung của quốc gia như thế nào?...”.
I. Cuộc hội thảo Quốc tế về Việt Nam Học do Việt Nam tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội tự nó khẳng định nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về đất nước, dân tộc, con người Việt Nam trên bình diện thế giới. Nói một cách khác, Việt Nam học không chỉ là mối quan tâm của riêng Việt Nam mà đã trở thành sinh hoạt khoa học và văn hóa của Thế giới .
Cho dù dân tộc, đất nước Việt Nam đã có bề dày lịch sử hình thành và tồn tại và phát triển hàng mấy thiên niên kỷ với biết bao sự kiện vinh quang và đau khổ, thế giới hiện đại mới thực sự biết và nghiên cứu về Việt Nam
khoảng nửa thế kỷ nay . Nói như thế không có nghĩa không ai biết Việt Nam trước đó .Thư tịch cổ Trung Quốc thỉnh thoảng đề cập đến Việt Nam, không kể tập An Nam chí lược của Lê Trắc, một người Việt Nam lưu vong viết về Việt Nam tại Trung Quốc và ấn hành tại đó vào thời nhà Nguyên, lẽ đương nhiên với các quan điểm khác các sử gia và cả với thực tế Đại Việt. Một số du ký của người Trung Quốc, các nhà truyền giáo phương Tây đã viết về Việt Nam thời cận đại . Cũng có một số nhà thám hiểm, thương nhân nhà du lịch Pháp, Nga, Mỹ, Bồ Đào Nha viết về Việt Nam, hoặc Đàng Ngoài hoặc Đàng Trong . Các sĩ quan Pháp và quan cai trị Pháp viết về Việt Nam khi họ bắt đầu xâm lược và đặt ách thống trị tại đây, vào giữa thế kỷ XIX .Từ đầu thế kỷ XX, sách vở viết về Việt Nam của các nhà khoa học Pháp tăng lên nhiều, đặc biệt tạp chí Trường Viễn Đông bác cổ tạp chí Những người bạn của cố đô Huế….Tuy nhiên, hiểu biết về Việt Nam còn giới hạn chủ yếu ở các nhà nghiên cứu, các nhà truyền giáo Pháp, chưa phải đã phổ biến rộng rãi.
Có lẽ Việt Nam được Thế giới nhanh chóng biết đến một cách nhanh chóng, rộng rãi- có phần ngạc nhiên- bắt đầu từ hiện tượng Điện Biên Phủ. Nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh nguyên nhân thất bại của một đội quân viễn chinh hùng mạnh phương tây và những yếu tố thắng lợi của một nước Việt Nam nhược tiểu vừa mới giải phóng khỏi ách thông trị thực dân. Điện Biên Phủ dần dần trở thành biểu tượng , niềm tin của phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa . Tuy nhiên, phải chờ đến hai thập kỷ chống Mỹ cứu nước , Việt Nam mới thực sự là một hiện tượng thu hút quan tâm của thế giới- từ phần nào tò mò trước kia chuyển sang tìm cách lý giải. Một đất nước nhỏ bé bị bom đạn Pháp tàn phá nặng nề hàng chục năm, mới giải phóng được nửa nước lại phải tiếp tục đương đầu với sự can thiệp và xâm lược của một siêu đế quốc mạnh nhất hành tinh. Mỹ đã dội lên đầu nhân dân Việt Nam hàng chục triệu tấn bom đạn, hơn 20 triệu ga- lông chất độc màu da cam cùng sự tàn phá của nhiều loại vũ khí hiện đại khác trong các cuộc hành quân của hơn nửa triệu quân Mỹ. Nhưng Mỹ vào, Mỹ thua, cuối cùng phải chịu rút, đành để cho nhân dân Việt Nam trọn quyền tự quyết vận mệnh của mình trong độc lập, tự do.
Sự kiện 30.4.1975 quả là bất ngờ lớn đối với nhiều người ở cả hai bên trận tuyến. Thiên hạ cũng muốn hiểu vì sao trong lịch sử Việt Nam đã lặp lại không dưới chục lần chiến thắng giặc ngoại xâm mạnh hơn mình gấp bội, kể cả những đội quân xâm lược tinh nhuệ từng càn quét khắp Á- Âu. Đó là mối quan tâm về một Việt Nam thử lửa trong chiến tranh, dù sao cũng ít nhiều mang ý nghĩa khuôn biệt. Những năm gần đây, Việt Nam lại được thế giới theo dõi và đánh giá trong một bối cảnh thông thường: bảo tồn nền tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng kinh tế và xã hội, chuyển từng bước đời sống của đất nước và dân tộc, khắc phục từng bước đói nghèo, tương đối ổn định trong một khu vực khủng hoảng sâu sắc.
Ai cũng biết Việt Nam nằm trong hệ thống XHCN, bị tàn phá nặng nề sau 30 năm chiến tranh ác liệt, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, lại bị các thế lực quốc tế thù địch bao vây cấm vận, thậm chí gây chiến tranh biên giới.Tình thế càng nghiêm trọng hơn khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, cả lực lượng vật chất mà Việt Nam dựa vào lẫn tâm lý xã hội chừng nào sùng tín bỗng rơi vào tình thế hiểm nghèo. Mối quan hệ truyền thống của Việt Nam bị tan vỡ, kéo theo nhiều hệ quả xấu. Đúng là “họa vô đơn chí”. Vậy mà, không ồn ào nhưng vững chắc, có căn cơ theo một tư duy đổi mới, sáng tạo, Việt Nam vẫn khẳng định được con đường phát triển của mình. Chỉ trong vòng một thập niên, công cuộc đổi mới đã thay mặt hẳn bộ mặt đất nước, tạo được một mức ổn định trong sự phát triển, thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế có hệ quả trong khu vực và trên thế giới. Thật ra, Việt Nam không hề muốn tự nổi trội trên thế giới bằng những sự tích anh hùng mà do lâm vào tình thế “bất khả kháng”, khi thì bị ức hiếp, khi thì đứng trước những thử thách đe dọa sự tồn tại và phát triển của mình.Trong những trường hợp đó, sức mạnh Việt Nam sẵn có, từ tiềm năng đã trỗi dậy, tập trung để vượt hiểm.
Hiện thực đã lội ngược dòng lịch sử để truy tìm nguyên nhân và lịch sử nối tiếp đã chứng minh hiện thực của Việt Nam không thể khác, xét về tính logic. Ngày nay, thế giới đặt thành Việt Nam Học- một môn nghiên cứu chuyên biệt về đất nước ,con người Việt Nam trước hết từ tinh anh của một dân tộc, bằng biểu trưng riêng của một đất nước con người ấy đạt mức độ tác động nhất định vào bước đi của cả hành tinh. Là người Việt Nam, chúng tôi tự hào về đánh giá của thế giới đối với đất nước nhỏ bé này.
Tất nhiên, Việt Nam Học là ngành khoa học nghiên cứu về một vùng đất, về con người của vùng đất ấy với tất cả mối quan hệ với thiên nhiên, với lịch sử và xã hội về mọi mặt, làm nổi rõ những đặc điểm, đặc thù của Việt Nam. Trong quá khứ chúng tôi thường nói “Việt Nam là đất nước giàu đẹp, tài nguyên phong phú người lao động cần cù, giàu lòng yêu nước …”. Nói như thế không sai song chắc nhiều dân tộc khác cũng giống Việt Nam. Vậy, từ những biểu hiện nhỏ,cụ thể,thông thường, tìm cho ra cái riêng của Việt Nam- công việc của Việt Nam Học.
II. Suy cho cùng, nghiên cứu Việt Nam là nghiên cứu nền văn hóa của dân tộc Việt Nam trong quá trình phát triển lịc sử. Bởi vì không có một sức mạnh vật chất nào mà không bắt nguồn từ một nền văn hóa nhất định và không in dấu đặc trưng của nền văn hóa đó. Hơn nữa, không có một nền văn hóa nào đột nhiên tạo được những bước nhảy vọt về sức mạnh mà chính là thừa hưởng cả một quá trình tích tụ, hội nhập và phát triển lâu dài. Cái mà thế hệ ngày nay đang hưởng là đỉnh cao của thành tựu lịch sử.
Không phải đến thời chống Mỹ cứu nước mới có chuyện “ ra khỏi ngõ gặp anh hùng”, từ thuở xa xưa người dân Việt Nam đã thuộc lòng chân lý “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Hội nghị chính trị đặc biệt do chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì tại Hà Nội tháng 3.1964 xác định quyết tâm đánh Mỹ xâm lược khiến chúng ta liên tưởng đến Hội nghị Diên Hồng do vua Trần Nhân Tông triệu tập năm 1287 trước họa xâm lăng của quân Nguyên. Còn những điều khoản của Hội nghị Paris 1973 để cho quân Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam xét về mặt mục tiêu đập tan ý chí xâm lược thì cơ bản giống như sự chấp thuận của Lê Lợi đối với lời tuyên thệ của tướng Vương Thông xin rút hết quân nhà Minh về nước vào năm 1427.
Do vậy, khi nghiên cứu không thể dừng lại ở những hiện tượng nổi bật, đột phá đang diễn ra mà cần đi sâu tìm hiểu cái tiềm ẩn của một nền văn hóa được hun đúc từ thuở xa xưa.
Những nét đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam được hình thành từ quá trình đấu tranh rất khắc nghiệt suốt mấy nghìn năm lịch sử để sinh tồn và phát triển của một dân tộc nhỏ luôn luôn sống dưới sự đe dọa, thôn tính âm mưu đồng hóa của những thế lực lớn. Cũng dễ hiểu rằng trong điều kiện, hoàn cảnh đó bản năng tự vệ phải cao, sức mạnh bên trong phải lớn, bản lĩnh xử lý các tình huống phải sáng tạo. Hiểu như vậy sẽ có thể lý giải được trạng thái hoạt động lúc bình thường cũng như khi có đột biến, hiểu được thế nào là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”- một cách ứng phó linh hoạt của người Việt Nam. Vài dẫn chứng về truyền thống yêu nước tất nhiên không thu hẹp thời gian hình thành nền văn hóa Việt Nam- trước khi xuất hiện như một dân tộc làm chủ một lãnh thổ, người Việt cổ đại đã có một đời sống văn hóa khá cao. “Vuông tròn” là một định lý triết học trong tư duy người Lạc Việt- mối hài hòa giữa “tĩnh” và “động” mà bây giờ chúng ta gọi là phép biện chứng. Ở Việt Nam đang có phong trào “về nguồn”. Chắc chắn “về nguồn” không chỉ tham khảo các chiến tích mà truy nguyên cội gốc những con người với tính chất rất riêng trong cộng đồng nhân loại.
III. Việt Nam Học nghiên cứu một Việt Nam trong tính tổng thể của nó. Sự hình thành quốc gia, dân tộc Việt Nam có nét đặc thù rất cơ bản không thể không nghiên cứu các chủ đề cụ thể.
Từ thời dựng nước Văn Lang chi có 15 bộ lạc đầu tiên ở trung châu và đồng bằng sông Hồng đến khi kết thúc quá trình hoàn chỉnh cương vực lãnh thổ Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long với hàng triệu dân phải trải qua nhiều nghìn năm đầy sóng gió . Thời điểm xác định biên giới ở mảnh đất Nam Bộ cuối cùng của quốc gia được tiến hành cách nay tròn 300 năm , rồi sau đó hơn một thế kỷ rưỡi, quân Pháp mới nổ súng xâm chiếm.
Đặc điểm hình thành dân cư Việt Nam không phải là sự lắp ráp từ nhiều bộ tộc khác nhau vào một tổng thể mà từ cái vốn ban đầu nhân dần ra với một sức sống cường tráng nhưng nhìn chung hiền hòa . Cuộc “Nam tiến” ngàn dặm là xu hướng tất yếu vừa lịch sử vùa địa lý. Để Việt Nam có thể sinh tồn trước sức ép thường xuyên của cường địch phương Bắc, trước thiên tai, công cuộc mở cõi được tiến hành chủ yếu bằng lao động và chung sống với các dân tộc khác trên từng bước đường di chuyển và định canh định cư ở những mảnh đất hầu như hoang vu. Từ một vốn ban đầu mà nhân ra nên dân tộc Việt Nam có chung ngày giỗ tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch), gọi nhau bằng đồng bào, lòng yêu nước, thương nòi đã khắc sâu thành cái “gene truyền thống” trong tâm hồn của mọi người Việt Nam. Tất cả mưu đồ chia rẽ dân tộc và Tổ quốc, dù từ xu hướng bên trong hay bên ngoài, trước hay sau đều thất bại. Ý chí đoàn kết dân tộc, nguyện vọng độc lập tự do và thống nhất đất nước là nguồn gốc cơ bản, to lớn và lâu dài của sức mạnh Việt Nam. Sức mạnh đó chi phối quyết định đến tất cả các quan hệ xã hội, kể cả quan hệ giai cấp, tôn giáo, sắc tộc, gia đình v.v…và trở thành cường lực khi tổ quốc lâm nguy, đồng bào lâm nạn. Đó cũng là nét trội trong bản sắc văn hóa Việt Nam, nhờ đó mà đủ sức đề kháng với họa đồng hóa từ phương Bắc cũng như phương Tây. Cùng với sự hoàn chỉnh toàn diện của một quốc gia, dân tộc sau khi kết thúc công cuộc Nam tiến, đã có sự định hình những nét cơ bản của bản sắc văn hóa Việt Nam, xét về các mặt tư duy, trí thức, ý chí, tình cảm, tín ngưỡng, luân lý, nghệ thuật, phong tục, tập quán v.v…Đó là văn minh sông Hồng được triển khai, nhân lên, chọn lọc và phát huy men Trường Sơn, cặp biển Đông và trên vùng đất mới Đồng Nai- Cửu Long, kể cả phần giao lưu với các nền văn hóa khác để hình thành nền văn minh Việt Nam vững chắc và năng động.
Hoàn tất Nam tiến không chỉ là sự triển khai số lượng- dù là số nhân- mà chính là quá trình nâng cao chất lượng văn hóa dân tộc. Chúng ta có thể gọi đó như một động tác “đổi mới” khi lãnh thổ Đại Việt vượt quá đèo Hải Vân, tiếp xúc với một bình nguyên rộng bề ngang, đan xen nhiều tộc cư trú lâu đời, có nền văn hóa lâu đời. Cần nói thêm rằng, ngoài Nam tiến là cuộc di dân tiến hành cả nghìn năm mà giai đoạn thành lập vương triều Đàng Trong rồi vương triều Nguyễn các thế kỷ từ XVII đến XIX là cao điểm thì cư dân chuyển động qui mô quốc gia được tiếp tục với người Pháp bằng mộ phu cao su, với người Mỹ bằng đợt di cư cuối năm 1954, trong cuộc chiến tranh giải phóng Miền Nam và trong xây dựng sau 30.4.1975. Thực tế ấy đóng góp rất lớn vào độ hòa hợp các vùng, các dân tộc của Việt Nam, một đóng góp mang ý nghĩa văn hóa lớn lao.
IV. Việt Nam, do vị trí địa lý, quan hệ rất sâu với nền văn hóa Bắc Á mà trung tâm là văn hóa Trung Quốc. Hơn nữa, trước sau cộng lại, Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ cả nghìn năm. Các nhà văn hóa học thế giới xếp Việt Nam- cùng Triều Tiên, Nhật Bản- vào khu vực văn hóa Hán. Ngoài nguồn gốc chủng tộc, những điểm giống nhau về văn hóa giữa các nước này là điều dễ thấy. Bị các triều đại Trung Quốc chia sẻ thành các quận huyện hòng biến Việt Nam thành “phên dậu” của “thiên triều”, tất nhiên dân Việt, Nam trải qua nhiều trăm năm lầm than, mất nước. Tuy nhiên xét từ một giác độ khác, cuộc đọ sức giữa chính trị và văn hóa ngã ngũ dần và bối cảnh bị trị tạo ra một kết quả khách quan là ý thức cùng tâm hồn dân tộc của người Việt được đánh thức và nung nấu trước thế lực phản diện.
Trường hợp Việt Nam còn có một bổ sung lớn. Đó là văn minh Chămpa, Phù Nam, Chân Lạp- khi Nam tiến được triển khai. Những nền văn minh đó đã tồn tại khá lâu trên lãnh thổ sau này thuộc Việt Nam. Tác động của văn hóa bản địa không nhỏ đối với một bộ phận người Việt. Ta biết rằng văn hóa bản địa đó- cùng cư dân mà nay ở trong cộng đồng chúng ta- thuộc nền văn hóa Nam Á. Việt Nam làm được vai trò chiếc cầu nối giữa lục địa Châu Á với các đảo quốc láng giềng bằng chính sự tồn tại của mình. Văn hóa xét theo nghĩa rộng- ăn mặc, ở, âm nhạc v.v…ảnh hưởng của Nam Á trong đời sống người Việt khá rõ không phải chỉ với người Chăm, người Khơme, người Êđê… mà với người Việt ở phương Nam nói chung … Vả lại, càng xê dịch về phương Nam, người Việt xa dần tác động của văn hóa phong kiến phương Bắc, kể cả mặt tiêu cực của văn hóa phong kiến Việt Nam. Sau cùng, khi Việt Nam hoàn chỉnh về lãnh thổ với bờ cõi mới tận mũi Cà Mau thì trùng hợp với sự xuất hiện của văn minh công nghiệp phương Tây. Cũng như đối với Trung Quốc, người Việt Nam chắt lọc cái gì tốt của văn hóa phương Tây bỏ vào kho văn hóa bản thân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cô đọng cách tiếp cận ấy khi đánh giá Phật giáo, Khổng giáo, Thiên chúa giáo, chủ nghĩa Mác và cả quan điểm của Tôn Dật Tiên.
Tuy còn một số đánh giá khác nhau, chữ Quốc Ngữ (Latinh) thực sự đóng góp vào bước phát triển của Việt Nam từ vài thế kỷ nay, đặc biệt trong thế kỷ X. Từ chữ Hán người Việt cải tiến ra chữ Nôm song sức sống có phần hạn chế. Khi các nhà truyền giáo phương Tây phổ biến chữ Quốc ngữ Latinh dần dần loại chữ ấy thâm nhập vào xã hội Việt Nam vì khả năng sử dụng nó giản đơn hơn chữ Nôm. Tất nhiên, với chữ Quốc Ngữ, kho tàng Hán Nôm khó được khai thác tốt, truyền thống văn hóa có phần thiếu thông suốt, nhưng mặt lợi của chữ Quốc Ngữ Latinh thì rõ ràng trong quảng đại quần chúng Việt Nam.
V. Nghiên cứu Việt Nam có lẽ nên chú ý nhiều hơn về vị trí Việt Nam trong quan hệ với khu vực và thế giới. Trong toàn bộ Việt Nam nằm trên bao lơn Thái Bình Dương, suốt chiều dài Nam Bắc- là chiều chủ yếu- đối mặt với biển cả, năm giữa các luồng giao lưu của khu vực và quốc tế, Việt Nam được nhiều nước quan tâm đồng thời chính những tiềm năng nhiều mặt của Việt Nam nếu được khai thác tốt sẽ nhân sức mạnh nội lực lên đáng kể và có lợi cho những đối tác với Việt Nam .
Sẽ rất bổ ích nếu chúng ta tìm hiểu vị trí đìa lý của Việt Nam xét về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa… và đương nhiên tùy hoàn cảnh lịch sử trong từng giai đoạn nhất định mà mặt nào đó trở thành mối quan tâm lớn của thế giới và khu vực. Việt Nam là một nước nhỏ, vậy tại sao hàng ngàn năm trước đây luôn bị các cường quốc phong kiến phương Bắc liên tiếp xâm lược và thống trị ? Cố nhiên là do tham vọng chính trị, kinh tế nhưng không phải không có ý đồ sử dụng Việt Nam làm bàn đạp để bành trướng ra khu vực . Đến thời kỳ chủ nghĩa đế quốc, Việt Nam cũng không thoát khỏi ách thực dân tàn bạo. Năm 1945 sau khi vùng dậy giành được độc lập dân tộc Việt Nam lần lượt bị các thế lực hiếu chiến Pháp, Mỹ đổ không ít xương máu, bom đạn, tiền của vào mảnh đất nhỏ bé này của Đông Nam Á trong suốt 30 năm trời để làm gì? Lẽ nào như Tổng Thống Mỹ Truman cho rằng nếu Việt Nam và Đông Dương nói chung đi theo chủ nghĩa Cộng sản thì sẽ đe dọa an ninh của nước Mỹ cách xa cả đại dương? Hoặc do sự lo sợ của Tổng Thống Eisenhower về sự sụp đổ rất nhanh của Đông Nam Á theo thuyết Domino sẽ là hậu quả khó lường đối với thế giới do Mỹ chi phối nếu Việt Nam và Đông Dương thoát khỏi tay Mỹ ? Phải chăng trong những sai lầm của những người hoặc không hiểu hoặc định kiến với Việt Nam có sự đánh giá không đúng về địa lý- chính trị mà thực tế đã chứng minh?.
Sau khi Việt Nam giành được độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ năm 1975, nỗ lực hàn gắn các vết thương chiến tranh hết sức nặng nề thì một số cường quốc lại tiếp tục gây khó khăn cho Việt Nam, định bóp chết Việt Nam trong nghèo khổ và lạc hậu . Một lần nữa,người ta đã sai lầm đánh giá vị trí của Việt Nam. Thập niên gần đây, khu vực và thế giới dần dần hiểu rõ ,quan tâm hơn đến vị trí địa- kinh tế của Việt Nam .
Thập niên gần đây, khu vực và thế giới dần dần hiểu rõ, quan tâm hơn đến vị trí địa- kinh tế của Việt Nam. Nằm giữa khu vực năng động trong phát triển kinh tế của thế giới, Việt Nam có thể đóng góp cho quan hệ hợp tác quốc tế, hòa nhập với thị trường thế giới đồng thời học tập kinh nghiệm thành công và chưa thành công của nhiều nước có hoàn cảnh tương đồng. Thế giới, đặc biệt là Khu vực dần dần qua chính sách của Việt Nam, nhận thấy một nước Việt Nam phát triển theo định hướng XHCN không hề đe dọa an ninh của bất cứ nước nào mà còn có lợi cho hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Không phải đến bây giờ Việt Nam mới “muốn là bạn của tất cả các nước”. Phương châm hành động của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước từ thuở xa xưa là “thêm bạn, bớt thù”. Đó cũng là một yếu tố rất quan trọng của sức mạnh Việt Nam để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mình trước không ít định kiến về Việt Nam. Ngay đối với những ai đã từng gây đau thương tang tóc cho nhân dân Việt Nam, nay biết tôn trọng chủ quyền dân tộc, muốn hợp tác cùng có lợi thì Việt Nam cũng sẵn sàng gác lại quá khứ để bàn chuyện hiện tại và tương lai. Một nét đẹp của văn hóa Việt Nam là không phân biệt đối xử và hằn thù dân tộc, màu da, không cực đoan bài ngoại mà sống khoan dung, hòa hợp…Mong rằng Việt Nam học sẽ góp phần tích cực để thế giới hiểu Việt Nam hơn, tránh được những ngộ nhận không đáng có từng xảy ra trong quá khứ.
VI. Việt Nam học chắc chắn sẽ nghiên cứu và tổng kết những mặt mạnh của con người Việt Nam đồng thời cũng phải chỉ rõ những mặt yếu cơ bản, xét theo yêu cầu sự phát triển nước ta ngày nay. Bởi vì con người là sản phẩm của hoàn cảnh lịch sử. Nếu không có những phẩm chất tốt được hình thành và phát huy trong chiều dài lịch sử thì dân tộc Việt Nam không thể đứng vững đến ngày nay. Nhưng nếu không khắc phục những nhược điểm, bổ sung những phẩm chất mới thì khó vươn lên trong hiện tại và tương lai, trong một thế giới đang biến đổi với tốc độ chóng mặt.
Mặt mạnh đã được nói đến khá nhiều. Còn mặt yếu thì phơi bày trong đời sống: sự lạc hậu về kinh tế, kể cả lạc hậu về dân trí, sự bảo thủ trì trệ nơi này, sự phóng túng hưởng thụ nơi khác, ít nhìn xa trông rộng, thiếu độ bền, chưa giành cho giáo dục chỗ đứng “trồng người trăm năm” nên nguy cơ mất gốc khá trực tiếp, chừng nào nặng về giải pháp tình thế nên nhẹ căn cơ…Chúng ta có thể so sánh- tất nhiên tương đối thôi- Việt Nam với Nhật, Trung quốc, Hàn quốc, Malaysia trên một số mặt: óc thực dụng, sáng tạo khoa học và kinh doanh, thái độ khinh trọng trong đánh giá địa vị xã hội các giai tầng. “Sĩ” đứng đầu không hẳn đề cao trí thức mà phần nào phản ánh não trạng “học để làm quan”, khía cạnh hư danh…
Những phẩm chất tốt cùng với những trì trệ lạc hậu đều có nguồn gốc nội sinh. Các triều đại phong kiến Việt Nam, trong nhiều trường hợp, không khác các triều đại phong kiến Trung quốc: lúc khai cơ và buổi đầu lập nghiệp thì có minh quân và với hệ quả đương nhiên là lương tể, cai trị một thời gian- thường non trăm năm- suy yếu dần và vào thời gian cuối, hôn quân cùng tham quan ô lại, nịnh thần, báo hiệu ngày tàn. Một số vua Việt Nam thấy trước viễn ảnh này nên tuy tuổi chưa già, sức còn khỏe, đã thoái vị, làm “Thái thượng hoàng” giúp “thê đội 2” trực tiếp cáng đáng việc nước. Nó chưa là truyền thống xuyên suốt mà như tấm gương. Do đó, khủng hoảng quyền lực xảy ra, thường dẫn đến mất ngôi, đôi khi mất nước. Thông thường, khi đất nước chuyển sang giai đoạn mới đòi hỏi con người phải có những phẩm chất mới theo yêu cầu của sự phát triển. Sự hình thành những phẩm chất đó là cả một quá trình phát huy những phẩm chất cũ vốn còn thích hợp với hoàn cảnh mới đồng thời nhanh chóng khắc phục những khuyết, nhược điểm gây thiệt hại cho những thành tựu đạt được và cản trở sự phát triển. Kết quả hơn thập niên Đổi mới vừa qua khi chuyển sang kinh tế thị trường đầy thử thách đã bộc lộ rõ nét các mặt ưu khuyết của con người Việt Nam thông qua những thành tựu và những hạn chế, yếu kém đáng lo ngại. Nếu không dồn sức tốt về mặt phẩm chất, trí tuệ, năng lực cho con người Việt Nam bước vào thế kỷ XXI thì khó nói đến thành tựu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng cường nội lực là khâu trọng tâm có tính quyết định cho sự tồn tại và phát triển trong tương lai.
Có thể nói rằng Việt Nam đã hình thành phẩm chất trong đấu tranh giành nước, giữ nước song chưa định hình trong lao động xây dựng. Đôi khi một số ưu điểm của ngày hôm qua là khuyết điểm, thậm chí nhược điểm của ngày hôm nay. Cũng không thể xem thường cái “hội chứng chiến tranh” trong đời sống xã hội hiện thời của Việt Nam, dù nó không bám sâu trong tác động thực tế lại không nhỏ, nhất là trong những phạm vi truyền thống như mối quan hệ gia đình, xóm làng, bè bạn..., đối với những đạo nghĩa ở đời, lòng nhân ái, thậm chí, đôi trường hợp cả tính người thông thường…
VII. Nghiên cứu Việt Nam không thể không nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Tất cả những thắng lợi và thành tựu của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX này, từ chỗ phá tan xiềng xích nô lệ thực dân, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc cho đến xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc đều gắn liền với tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chúng ta tìm thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh sự kết tinh truyền thống nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước của nhân Việt Nam, cái bản sắc văn hóa Việt Nam hội nhập với những tinh hoa văn hóa Đông- Tây trở thành vũ khí tinh thần sắc bén trong hoạt động đấu tranh và xây dựng của hàng chục triệu nhân dân Việt Nam. Con người Hồ Chí Minh là hiện thân những nét tiêu biểu của văn hóa Việt Nam, kết hợp được những truyền thống và hiện tại, là ngọn cờ thu hút, tập hợp lực lượng đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, sự hài hòa giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam, là tượng trưng cho phong cách ứng xử văn minh Việt Nam, là hóa thân của đạo đức, luân lý Việt Nam trong thời đại mới. Tất nhiên, nghiên tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ từ trong trước tác mà còn phải tìm hiểu trong cuộc đời của Người và cả trong các sự kiện của đất nước, xã hội và con người Việt Nam ở thế kỷ XX.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là cái vốn sống tinh thần của nhân dân Việt Nam. Cái vốn đó sẽ không ngừng sinh sôi nảy nở và vĩnh viễn trở thành một trong những yếu tố chỉ đạo con đường tiến tới tương lai tươi sáng của nhân dân Việt Nam. Có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh là cái đòn bẩy tinh thần cho sự phát triển của nhân dân Việt Nam.
VIII. Việt Nam trước hết xuất phát từ nhu cầu của Việt Nam. Người Việt Nam phải biết mình là ai? Như thế nào? Từ đâu đến? Không phải để phô trương cái tốt, cái đẹp, cái anh hùng của mình mà để tự hiểu mình rõ hơn, sâu hơn, biết được cái mạnh để phát huy, cái yếu để bổ khuyết nhằm tăng cường nội lực và tự phát triển. Hiểu được cái mạnh đáng tự hào đồng thời cũng phải thấy rõ cái lạc hậu, cái khiếm khuyết, cái xấu để loại trừ. Do đó những thành tựu của Việt Nam học phải được quần chúng biết đến và sử dụng có kết quả, không nên cất kín trong cái hồ sơ tư liệu tham khảo riêng cho các nhà khoa học. Hồ Chủ tịch từng cảnh báo rằng: “coi chừng, có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình bằng người nước ngoài”. Lời cảnh báo đó cách nay đúng 30 năm vẫn còn mang ý nghĩa thời sự.
Việt Nam cũng đã trở thành nhu cầu cần thiết đối với thế giới, không phải vì Việt Nam muốn thế giới phải quan tâm đến mình vì Việt Nam đã trở thành hiện tượng thế giới. Hoạt động của Việt Nam tác động đến hoạt động của thế giới, nằm trong dòng chảy của lịch sử thế giới và khu vực. Khách quan mà nói, thế giới ngày càng đòi hỏi phải tìm hiểu Việt Nam nhiều hơn nữa, rõ hơn, và sâu sắc hơn, không phải vì sự hiếu kỳ mà để có đối sách đúng đắn, hiệu quả trong quan hệ hợp tác cùng phát triển.
IX. Tham luận của tôi không định đề cập sâu và đủ các lĩnh vực thuộc Việt Nam học. Thật ra, dù là một hội nghị quốc tế quy mô, hội nghị cũng mới chỉ tiếp cận bước đầu với đối tượng nghiên cứu là Việt Nam. Không thể không nghiên cứu đất nước, lịch sử, con người, so sánh đối chiếu tự thân Việt Nam và so sánh đối chiếu với bên ngoài đặt trong bối cảnh chung cả thế giới và khu vực. Dù muốn hay không, trọng điểm nghiên cứu vẫn là Việt Nam trong thế kỷ XX, một thế kỷ vĩ đại của loài người, cũng vĩ đại đối với Việt Nam. Trên bình diện ấy, mục đích của nghiên cứu là dự kiến tương lai, đặc biệt thế kỷ XXI đang ở trước mặt chúng ta.
Rất nhiều điều cần phải lý giải như bản chất sinh thành, quy luật phát triển đặc thù trong quy luật phát triển chung, chủng loại, bản chất sinh học, lịch sử, tâm lý, bản sắc người Việt Nam… Sẽ rất thiếu sót nếu thiếu đi mảng văn học- nghệ thuật, cái biểu trưng đậm nét cho đời sống một đất nước, một dân tộc. Biết rằng cái nền quy định bước đi của Việt Nam trong nhiều nghìn năm ken thúc trong trăm năm hiện đại là thử thách trong chiến tranh song chiến tranh luôn có hai mặt, bất đắc dĩ đối với các dân tộc và sức tàn phá của nó.
Nghiên cứu Việt Nam đòi cân đối nghiên cứu thời gian và không gian mà không gian Việt Nam thực sự “động”, nảy sinh những đề tài bức xúc, tỷ như tìm hiểu xã hội Đàng Trong từ thế kỷ XVI, xã hội Chăm Pa, Tây Nguyên, xã hội người Khrme và các di duệ của Phù Nam. Trong vài chục năm nay, số người nước ngoài nghiên cứu Việt Nam- từ nhiều khía cạnh-tương đối đông. Riêng các sách của người Mỹ viết về xung đột Việt- Mỹ tính đến hàng trăm quyển, trong đó có những hồi ký của một số nhân vật từng giữ các vai trò chóp bu của nhà nước Mỹ, ngoại giao và tình báo Mỹ.
Trước kia các quan cai trị Pháp, tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học pháp cũng đã làm như thế. Nghiên cứu về Việt Nam cả cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại còn có các nhà khoa học Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn quốc, Úc, Đức, Ba Lan, Cuba v.v…chắc chắn không thể không kể các người Việt Nam sống ở nước ngoài viết về đất nước đã sinh ra mình; trừ những quyển dụng ý xấu, các quyển khác dù quan điểm còn cần phải tranh luận, nhưng mong tìm hiểu, lý giải một cách khoa học những gì xảy ra ở Việt Nam, đều đóng góp vào Việt Nam học.
Hiện nay, tư liệu về Việt Nam còn quá phân tán. Tôi hy vọng qua cuộc họp này, chúng ta tìm được các biện pháp gom các tư liệu ấy về một trung tâm để tiện tham khảo. Ngay ở Việt Nam, lưu trữ Hán Nôm chưa thống kê được đầy đủ,việc khai thác chưa thành kế hoạch, xảy ra tình trạng đọc được một tư liệu nào thì y như phát hiện ra cái mới.
Hơn thế nữa, với đội ngũ người làm và quan tâm đến Việt Nam học nên chăng hình thành một tổ chức quốc tế với một kế hoạch cụ thể để hệ thống hóa và bổ sung môn khoa học dù sao cũng còn quá mới mẻ này.
Việt Nam hiểu mình sẽ giúp thế giới hiểu Việt Nam hơn và ngược lại. Mong rằng sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà Việt Nam học của Việt Nam và thế giới sẽ đưa công tác nghiên cứu về Việt Nam lên một trình độ cao hơn về chất, xứng đáng là một môn khoa học có tầm cỡ ở Việt Nam và thế giới.
XUÂN HÒA 06/12/2010.
SƯU TẦM: THIÊN LONG