BÍ QUYẾT ĐƯỢC 10 ĐIỂM DỊA
điểm 10 môn Địa Nắm vững kiến thức và tập trung làm bài sẽ đạt kết quả như mong muốn -
Địa lý là môn học không khó, nhưng trong nhiều kỳ thi tuyển sinh ĐH rất hiếm có thí sinh (TS) đạt điểm tối đa, mức điểm trung bình thường thấp hơn các môn kia và không ít bài bị điểm liệt. Làm thế nào để đạt được điểm cao trong kỳ thi sắp tới?
HỌC NHƯ THẾ NÀO
Cần phải nắm chắc một cách hệ thống những kiến thức địa lý đã được học trong sách giáo khoa, có thể nêu ra 4 mảng chính sau: Phần nền tảng và quan trọng nhất là những vấn đề liên quan đến nguồn lực phát triển của quốc gia, các địa phương về mặt tự nhiên, kinh tế - xã hội.
Thứ hai là các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, trong từng phần phải nắm rõ được hiện trạng phát triển, nguyên nhân, hậu quả có thể có của vấn đề, và đặc biệt là đưa ra được giải pháp của vấn đề. Thứ ba là những vấn đề kinh tế - xã hội trong từng vùng. Thứ tư là một phần không nên bỏ qua: vấn đề VN trong mối quan hệ với các nước trong khu vực.
Sau khi nắm vững kiến thức, TS nên làm quen với các dạng đề thi khác nhau như: dạng trình bày, phân tích và chứng minh, dạng lý giải, dạng so sánh. Yêu cầu chung là phải nắm vững kiến thức, riêng với dạng phân tích chứng minh, lý giải và so sánh còn đòi hỏi khả năng chắt lọc, vận dụng kiến thức phù hợp, khả năng tổng hợp kiến thức cao chứ không đơn thuần là thuộc bài.
Trong các bài tập thực hành của đề thi kỹ năng thực hành thường là 1 trong 3 dạng chính sau:
- Nhận xét và phân tích số liệu thống kê, cần chú ý: Cần nắm được nguyên tắc phân tích số liệu, như: số liệu có nội dung gì, các nội dung được cụ thể hóa ở chỉ tiêu thống kê cụ thể như thế nào. Về thời gian của số liệu thống kê (một thời điểm hay một chuỗi thời điểm), các đơn vị tính của chỉ tiêu, mối quan hệ có thể có giữa các chỉ tiêu đó... đều đáng chú ý. Khi phân tích, phải làm rõ được sự thay đổi của các giá trị, các chỉ tiêu theo thời gian, phải chỉ ra được khoảng tăng hoặc giảm mang tính chu kỳ (tốc độ gia tăng), thấy được những thời điểm với những giá trị đặc biệt (sự tăng, giảm đột biến). Cần vận dụng những lý thuyết đã học được để lý giải sự thay đổi của các chỉ tiêu đó, mối quan hệ có thể có để nhận xét những chỉ tiêu có liên quan. Đôi khi trong quá trình phân tích, bên cạnh phân tích định tính (những nhận xét) thì cần kèm theo những phân tích định lượng (những số liệu minh họa).
- Vẽ và nhận xét biểu đồ thì lưu ý: Với biểu đồ đường biểu diễn (đồ thị), trục hoành thể hiện yếu tố thời gian phải đúng tỷ lệ. Biểu đồ hình cột thì tùy theo yêu cầu đề bài mà vẽ cột đơn, cột song song hoặc cột chồng, số liệu tuyệt đối hoặc tương đối. Biểu đồ hình tròn (hoặc hình vuông) dùng thể hiện cơ cấu nên số liệu được sử dụng có đơn vị tính là %. Lưu ý, nếu có nhiều hình tròn thì bán kính mỗi hình tròn phải khác nhau để thể hiện được những quy mô khác nhau của chỉ tiêu. Nếu biểu đồ hình tròn dùng để thể hiện cơ cấu tại những thời điểm nhất định, thì dạng miền để diễn đạt sự thay đổi cơ cấu theo thời gian của một hoặc nhiều chỉ tiêu thống kê. Cũng có khi kết hợp các dạng biểu đồ với nhau khi vẽ (ví dụ kết hợp biểu đồ cột và biểu đồ đường), khi đó phải đảm bảo đúng tỷ lệ về mặt thời gian của trục hoành, và các đơn vị tính trên trục tung phải phù hợp.
Lược đồ: Nguyên tắc khi vẽ lược đồ VN là phải đảm bảo độ chính xác tương đối về hình dạng, thể hiện được các hệ thống sông chính, các điểm dân cư, khu vực hành chính cơ bản. Với yêu cầu điền nội dung địa lý phù hợp trên lược đồ, phải tùy theo nội dung mà lựa chọn phương pháp thể hiện tương ứng, đảm bảo độ chính xác tương đối theo không gian phân bố các hiện tượng địa lý.
LÀM BÀI RA SAO
Bước vào phòng thi môn Địa lý, TS nên chú ý những dụng cụ cần thiết được mang vào phòng thi môn Địa lý đúng theo quy định như trong quy chế tuyển sinh.
- Nhận dạng đề thi: Đề thi thường có từ 3 - 4 câu, trong đó phần lý thuyết thường chiếm từ 65% - 70% tổng số điểm. Cần nhận dạng được đề thi, ví như dạng trình bày hay chứng minh, biểu đồ tròn hay biểu đồ miền, số liệu đã được xử lý hay số liệu thô...
- Lập dàn ý: Để không bị sót ý, viết lặp lại, lan man, lạc đề, vừa có thể theo dõi được bài làm, kịp thời bổ sung ý cho bài viết... thì lập dàn ý cho các câu hỏi trước khi viết là việc làm hết sức cần thiết. Ngay sau khi nhận dạng đề, TS nên tập trung vạch ra các ý tương đối chi tiết theo dạng dàn ý mở. Nên lưu ý, dàn ý là những ý tiêu đề, trọng tâm chứ không phải bài viết hoàn chỉnh vì không đủ thời gian.
- Phân bố thời gian hợp lý cho từng câu hỏi: TS nên phân bố thời gian đều và phù hợp cho các câu hỏi trong đề bài, và tiêu chí nên căn cứ vào tỷ trọng từng câu hỏi, tức là số điểm của câu hỏi. Nên dành khoảng thời gian từ 15 - 20 phút để phác thảo dàn ý, từ 10 - 15 phút cho việc kiểm tra đọc lại bài.
- Ngoài ra, trong khi làm bài thì chú ý phần dễ làm trước, khó làm sau nhưng phải đảm bảo tính hệ thống, logic trong bài làm, và nên làm ở tất cả các câu chứ không nên tập trung vào một câu nào đó. Với những số liệu thống kê dùng để minh họa cho bài làm được lấy từ sách giáo khoa, hoặc những số liệu đã được cập nhật từ bên ngoài, TS cần nói rõ nguồn gốc và thời điểm của chúng. Khi vẽ biểu đồ, chú ý ghi tên biểu đồ, bảng chú giải và đặc biệt phải có sự tương thích giữa ký hiệu trong bảng chú giải với những ký hiệu đã dùng trong biểu đồ. Bài thi địa lý có thể trình bày ở dạng bài gồm: mở bài, thân bài và kết luận, hoặc dùng trả lời trực tiếp vào câu hỏi, nhưng cần diễn đạt rõ ràng, ngắn gọn, mạch lạc và dễ hiểu.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG