VĂN HỌC DÂN GIAN
Trước nay, văn học dân gian đóng một vai trò rất quan trọng trong sự hình thành và phát triển nền văn học của dân tộc; nghĩa là sáng tác dân gian luôn là cơ sở nền tảng vững chắc và là cốt lõi của văn học thành văn, văn học viết... Việc nghiên cứu văn học dân gian của chúng ta trong nhiều thập kỷ qua vẫn không ngừng được tiến hành và phát triển; Văn học dân gian đã là đối tượng quan tâm của nhiều thế hệ các nhà khoa học và những thành tựu đạt được về lĩnh vực nghiên cứu này rất đáng ghi nhận. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu tiến trình phát triển của nền văn học dân gian trên cơ sở nghiên cứu sự ra đời của các thể loại văn học dân gian; Tiến hành việc phân loại và nhận diện các thể loại, xem xét đặc trưng và tính chất, nội dung và hình thức của chúng; Tìm hiểu mối quan hệ, ảnh hưởng giữa văn học dân gian và văn học thành văn trong từng giai đoạn, từng thời kỳ; Tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn nghệ dân gian và văn hoá dân gian, văn học và văn hoá học.
Nhìn chung, trong khoa nghiên cứu văn học dân gian và khoa nghiên cứu folklore, những vấn đề trên đã được đặt ra, song hầu như chưa được tiến hành đồng bộ và chuyên sâu, trong đó nhiều vấn đề mới chỉ là những bước gợi mở ban đầu.
Việc nghiên cứu tiến trình phát triển của văn học dân gian Việt Nam trên thực tế đã được xúc tiến thông qua việc xây dựng những bộ giáo trình về văn học dân gian; Có thể kể ra sau đây:
- Lịch sử văn học Việt Nam, tập I: Văn học dân gian. Giáo trình Đại học Sư phạm, 1961 (Bùi Văn Nguyên và nhiều tác giả biên soạn).
- Văn học dân gian Việt Nam, 1962. Giáo trình Đại học Tổng hợp (Đinh Gia Khánh - Chu Xuân Diên biên soạn).
- Văn học dân gian Việt Nam, 2 tập, 1972-1973. Giáo trình Đại học Tổng hợp (Đinh Gia Khánh - Chu Xuân Diên biên soạn).
- Văn học dân gian Việt Nam, 1990. Giáo trình Đại học Tổng hợp (Lê Chí Quế, Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ biên soạn).
- Văn học dân gian, 2 tập, 1990-1991 (Tập 1: Đỗ Bình Trị biên soạn, Tập 2: Hoàng Tiến Tựu biên soạn).
- Văn học dân gian Việt Nam, 1997 (Đinh Gia Khánh - Chu Xuân Diên - Võ Quang Nhơn biên soạn). Tái bản lần thứ 6, 2002.
Đồng thời là các chuyên luận của các nhà nghiên cứu như: Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, 1974 (Cao Huy Đỉnh) và Nghiên cứu tiến trình lịch sử văn học dân gian Việt Nam, 1978 (Đỗ Bình Trị) v.v...
1. Việc ứng dụng một số phương pháp nghiên cứu văn học dân gian và văn hoá dân gian của các nước trên thế giới.
Từ nửa sau của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam đã hết sức nỗ lực nhằm du nhập và giới thiệu các phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian nước ngoài, và ứng dụng vào việc nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam. Trong khoảng vài thập kỷ, chúng ta về cơ bản được học tập và tham khảo những tác phẩm lý luận, những phương pháp nghiên cứu văn học dân gian nói riêng và folklore nói chung của các học giả nước ngoài, đặc biệt là các học giả Xô viết với những tên tuổi như Zirmunxki, Melêtinxki, Prốp, Riptin, Xakhanôp, Anhikin, Nôvicôva... Những tác phẩm của họ đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam như: Sáng tác thơ ca dân gian Nga, A.M. Nôvicôva (Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1983); Nhân vật cổ tích thần kì. Xuất xứ của hình tượng, E.M. Melêtinxki (Nxb. Văn học phương Đông, Mátxcơva, Tài liệu dịch Viện Văn học); Phương pháp loại hình học trong văn học dân gian và mối liên hệ với các trường phái thế kỉ XIX, Lê Chí Quế (Tạp chí Văn hoá dân gian, số 3-1986); Quá trình hoàn thiện lí luận về loại hình học trong khoa văn học dân gian mácxít, Lê Chí Quế (Tạp chí Văn hoá dân gian, số 3-1987); Nghiên cứu cấu trúc và nghiên cứu lịch sử về truyện cổ tích thần kì, Prốp (Tạp chí Văn hoá dân gian, số 3-1989); Cuốn “Những căn rễ lịch sử của truyện cổ tích thần kì” của Prốp và ý nghĩa của nó đối với việc nghiên cứu hiện nay của truyện cổ tích, V.I. Eremina (Tạp chí Văn hoá dân gian, số 1-1991); Lý thuyết hình thái học của V.Ia. Prốp và truyện cổ tích thần kỳ của người Việt (Trần Đức Ngôn, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 3-1991); Các trường phái nghiên cứu truyện cổ dân gian trên thế giới, Jan-Ojvind Swahn (Tạp chí Văn học, số 1-1996); Hình thái học truyện cổ tích và “Những căn rễ lịch sử của truyện cổ tích thần kỳ”, Tuyển tập V.Ia. Prốp (Nxb. Văn hoá dân tộc và Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, H, 2003-2004)...
Những tác phẩm lý luận của các tác giả nói trên đã có một tác động to lớn giúp các nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam nhìn nhận các tác phẩm văn học dân gian từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động, từ một chiều tới đa chiều, từ một nghĩa trên văn bản ghi chép đến nhiều nghĩa trong đời sống tồn tại thực của tác phẩm. Đội ngũ các nhà nghiên cứu văn học dân gian trước đây từ một vài tên tuổi như Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi… Sau vài chục năm họ đã đông đảo về số lượng, nâng cao về chất lượng và trình độ, trong đó có nhiều người có học hàm, học vị được đào tạo từ nước ngoài (Nga và các nước châu Âu, Mỹ v.v...) và hiện nay được đào tạo chủ yếu ở trong nước. Bằng những phương pháp nghiên cứu mới, cập nhật họ đã có được những công trình, những chuyên luận khoa học đóng góp cho khoa nghiên cứu văn học dân gian, tạo cho chuyên ngành này có được những khởi sắc mới(2).Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết:
Việc giảng dạy văn học dân gian trong nhà trường
Việc giảng dạy văn học dân gian trong nhà trường chính là công việc tổng kết, giới thiệu các thành tựu nghiên cứu đã có để truyền đạt lại cho lớp lớp các thế hệ học sinh, sinh viên. Công việc không đơn giản chút nào và công việc này đã luôn luôn đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ với việc nghiên cứu cơ bản về văn học dân gian, cập nhật những thông tin mới nhất để đưa vào bài giảng về văn học dân gian. Với việc giảng dạy văn học dân gian trong nhà trường, cùng với các bộ giáo trình, trong từng thời điểm khác nhau đã phản ánh sự bức thiết, những đòi hỏi của một khoa học chuyên ngành. Về cơ bản, việc giảng dạy một mặt dựa vào các giáo trình, song mặt khác cũng luôn luôn mới hơn, cập nhật hơn so với giáo trình, nhất là trong các chương trình, các đề tài hướng dẫn, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ trong các trường đại học hiện nay.
Việc quan niệm văn học dân gian đồng nhất về bản chất với văn học thành văn chỉ xảy ra ở những giai đoạn giảng dạy đầu tiên ở bậc Đại học vào những năm 60 của thế kỷ XX, bởi đây là quan niệm của những nhà nghiên cứu văn học dân gian có xuất phát điểm từ việc nghiên cứu văn học viết(5).
Với những bộ giáo trình về văn học dân gian Việt Nam như vừa kể ở trên đã dần đưa đến một quan niệm, một hình dung ngày một rõ nét hơn về sự phát triển, về một tiến trình lịch sử của nền văn học dân gian Việt Nam. Nếu như đối với các nhà biên soạn giáo trình của Đại học Sư phạm những năm 60 của thế kỷ XX việc đánh giá, phân tích tác phẩm văn học dân gian vốn được xuất phát từ việc nghiên cứu văn học viết; thì đến các nhà biên soạn giáo trình Đại học của những năm 70, hệ thống quan niệm về văn học dân gian đã được đổi mới, văn học dân gian đã được xác định bởi những đặc trưng quan trọng, khác về bản chất so với văn học viết. Cụ thể như trong bộ giáo trình Văn học dân gian của Đại học Tổng hợp 1972-1973, đặc trưng của văn học dân gian được chỉ ra là: Văn học dân gian là hình thức của nghệ thuật không chuyên; Tính nhiều chức năng của văn học dân gian; Quan hệ của văn học dân gian với hoạt động thực tiễn; Môi trường sinh hoạt của văn học dân gian; Tính truyền miệng của văn học dân gian; Tính nguyên hợp về loại hình của văn học dân gian; Tính tập thể của văn học dân gian v.v... Các nhà biên soạn giáo trình đặt khái niệm văn học dân gian trong mối liên hệ và sự phân biệt với khái niệm “văn hoá dân gian”, khái niệm “văn nghệ dân gian”. Đồng thời khẳng định quan điểm “giữa thành phần ngôn ngữ với các thành phần nghệ thuật khác trong nội bộ văn học dân gian có mối quan hệ hữu cơ hết sức chặt chẽ, khiến cho văn học dân gian có vị trí đặc biệt trong nền văn hoá dân gian và trong hệ thống các loại hình nghệ thuật”(6).
Những quan điểm xác định văn học dân gian có tính độc lập, có đặc trưng, bản chất riêng, phân biệt với văn học viết đã đem đến sự cải tiến về phương pháp và nội dung giảng dạy văn học dân gian trong nhà trường và đặc biệt là ở bậc Đại học bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ XX.
Cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX, hầu hết các bộ giáo trình văn học dân gian đã ngày càng bổ sung và hoàn thiện hệ thống lý luận về văn học dân gian. Văn học dân gian được nhìn nhận sâu sắc hơn bằng việc phân kỳ những giai đoạn phát triển (tất nhiên với những khoảng thời gian lớn), bằng việc xác định hệ thống các thể loại, bằng việc đặt văn học dân gian trong mối quan hệ tổng thể với văn hoá dân gian, bằng việc mở ra bộ môn nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc ít người trong khoa nghiên cứu văn học dân gian, phản ánh sự phong phú và đa dạng của nền văn học đa dân tộc Việt Nam v.v...
Quan điểm đặt văn học dân gian trong mối liên quan chặt chẽ với văn nghệ, văn hoá dân gian và đời sống thực tiễn đã giúp đưa các yếu tố văn hoá khác (như âm nhạc, nhảy múa, diễn xướng, tâm linh…) ngoài yếu tố ngôn từ vào bài giảng. Đây chính là việc giảng dạy văn học dân gian được đặt trong tổng thể văn hoá dân gian, đã tạo ra sự đổi mới quan trọng và nhằm đem đến một hiệu quả mới trong giảng dạy, học tập.
Trên đây là một số vấn đề mà khoa nghiên cứu văn học dân gian trong mấy chục năm qua đã đặt ra và đang có những bước trải nghiệm. Lịch sử của khoa nghiên cứu văn học dân gian đã qua một thời gian dài với nhiều giai đoạn phát triển. Đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu văn học dân gian chắc chắn sẽ ngày càng có điều kiện tiếp cận được những phương pháp nghiên cứu tiên tiến, mang tính thời đại và cập nhập với thế giới để nghiên cứu văn học dân gian một cách hiệu quả hơn, khai thác và phát huy những mặt tích cực của văn học dân gian đối với văn học dân tộc, khẳng định vai trò và vị trí của văn học dân gian trong nền văn hóa nước nhà.
Sự ra đời của khoa nghiên cứu văn học dân gian, nghiên cứu văn hoá dân gian với tư cách một ngành khoa học độc lập chuyên sâu là thành tựu quan trọng và là bước tiến của khoa học xã hội thế kỷ XX. Ngành nghiên cứu văn học dân gian đã đạt được những thành tích đáng kể về mọi mặt: sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo đội ngũ... hàng nghìn tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc Việt Nam thuộc các thể loại đã được sưu tầm và xuất bản, hàng trăm các công trình nghiên cứu, các bài báo xuất sắc đã được công bố, hàng chục bộ giáo trình (Cao đẳng và Đại học) về văn học dân gian đã được biên soạn.
Có thể nói, trong những thập kỷ qua, công việc nghiên cứu và giảng dạy văn học dân gian đã có một quá trình tìm tòi đổi mới không ngừng với nội dung ngày càng phản ánh đúng đắn đặc trưng, tính chất và tiến trình phát triển của văn học dân gian Việt Nam. Với nhu cầu nghiên cứu hiện nay, khoa nghiên cứu văn học dân gian tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được và sẽ còn phát triển hơn nữa với những định hướng như: Đổi mới phương pháp nghiên cứu, xây dựng tư tưởng học thuật để tiếp cận đối tượng được tốt hơn, nhận rõ thực trạng để giải quyết đúng đắn các vấn đề đang đặt ra cho văn học dân gian, nhằm đạt tới những kết quả mới trong việc nghiên cứu văn học và văn hoá dân gian Việt Nam.