PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Báo cáo khoa học là công việc thể hiện năng lực tự học, khả măng tìm tòi và sáng tạo của mỗi bạn sinh viên. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng đạt được kết quả như mong muốn.
Sau đây là những chia sẻ được rút ra từ thực tiễn làm báo cáo của các bạn sinh viên:
1. Trước hết lựa chọn một đề tài là việc làm rất cần thiết. Đề tài chiếm một vị trí then chốt trong công việc làm báo cáo. Một đề tài đạt yêu cầu cần phải đảm bảo tính thực tế, tính khoa học và khả năng vừa sức. Có thể nói rằng khi tìm được một đề tài tốt là bạn đã đạt được 50% thành công rồi đó.
2. Tiếp theo là việc thu thập tài liệu. Công việc này chiếm khá nhiều thời gian của bạn. Các bạn nên tìm tài liệu ở nhiều nơi, nhiều nguồn như:
- Các sách báo tạp chí trên thư viện. Thực tế, thư viện là nơi cung cấp tài liệu chính cho việc làm báo cáo của các bạn.
- Ngoài ra có thể tìm trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Công việc khá dễ dàng, không mất nhiều thời gian nhưng có thể đem lại hiệu quả cao.
- Một nguồn nữa mà các bạn không nên bỏ qua là kết quả từ thực tế điền dã. Đây là nguồn thông tinh khá sát thực và mang đậm sự tìm tòi và sáng tạo của bạn.
3. Khi tìm đủ tài liệu, các bạn đã hình dung khá rõ về bài viết. Đây là thời gian mà các bạn cần sự trợ giúp của thầy cô. Bạn cần tìm giáo viên hướng dẫn phù hợp với đề tài mà bạn đang theo đuổi. Các thầy cô là nhà cố vấn không thể thiếu giúp bài viết của các bạn có một hướng đi đúng dắn và giúp bạn hình dung cụ thể hơn, xác thực hơn về vấn đề đang triển khai.
4. Công việc viết đề cương là công việc kế tiếp sau khi đã tham khảo ý kiến của thầy cô. Phần đặt tên chương và chia bố cục rất quan trọng. Nó thể hiện năng lực tư duy của bạn. Đây chính là phần được xem trước tiên khi đọc báo cáo của bạn. Các thầy cô thường nói khi chấm bài thường thầy cô nhìn vào đề cương trước. Vì qua đó thầy cô thấy được cách thức tư duy và khả năng triển khai vấn đề của bạn. Khi đặt tên chương và chia bố cục có một số lưu ý được đặt ra: không nên đặt quá nhiều chương (thường 3 chương là hợp lý), tên chương ngắn gọn, hấp dẫn, nêu bật được nội dung đề cập, tên của chương không trùng với tên của đề tài…
Các bạn đừng vội nghĩ đây là khâu dễ dàng thực hiện nhé. Qua thực tế cho thấy việc viết ra một đề cương đạt yêu cầu rất vất vả. Các bạn có thể viết và thường xuyên phải trao đổi với giáo viên hướng dẫn, may mắn thì chỉ chỉnh sửa chút ít nhưng thường là phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Có nhiều bạn đã chán nản thậm chí là bế tắc và muốn bỏ cuộc trong công đoạn này. Các bạn có thể rơi vào tình trạng stress. Đừng vội nản chí, quanh bạn còn có bạn bè và thầy cô luôn sẵn sàng giúp đỡ. Hãy đem vấn đề ra trao đổi với mọi người và tin rằng “tất cả mọi con đường đều dẫn đến thành Roma”.
5. Viết được một đề cương hoàn chỉnh là bạn đã gần tới đích rồi đó. Công việc tiếp theo là viết và hoàn thiện phần chính văn. Bạn nên tập trung bút lực vào phần quan trọng của bài, phần bạn tâm đắc, phần đóng góp mới của của đề tài.
6. Trong quá trình viết bài bạn cần lưu ý tới phần phụ lục và phần trích dẫn tài liệu. Đây là phần nhỏ nhưng là phần hay mắc lỗi nhất trong quá trình viết bài. Cách viết phần phụ lục tuy không khó nhưng lại là một phần quan trọng làm nên thành công của một báo cáo. Phần phụ lục nên được bố trí theo thứ tự sau đây: tên tác giả, năm xuất bản, tên tác phẩm (in nghiêng), nhà xuất bản, nơi xuất bản.
VD: Trần Ngọc Thêm (2000), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo Dục.
Có được phần phụ lục hoàn chỉnh và khoa học là bạn có cơ sở để ghi chú việc trích dẫn tài liệu một cách đầy đủ. Phần trích dẫn tài liệu cần ghi số thứ tự trong phần phụ lục, số trang trong tài liệu và phải đóng ngoặc vuông.
VD: [4, tr 206] hoặc [4, 206].
Từ biết đến hiểu đến làm và làm chuyên nghiệp là cả một quá trình, làm báo cáo khoa học cũng vậy. Đây là một công việc thú vị đầy sức hấp dẫn. Tuy nhiên công việc đó cũng đòi hỏi cả mồ hôi và thậm chí cả nước mắt của các bạn. Đây cũng là cách tự học hiệu quả nhất. Nó giúp năng lực tư duy của các bạn được tốt hơn. Sự trưởng thành của các bạn cũng chính từ công việc tự học tập, tự nghiên cứu này.