CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHUẨN
NGÀNH VIỆT NAM HỌC
1. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO1.1. Mục tiêu chung Đào tạo đại học ngành Việt Nam học sẽ đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao về Việt Nam học, phục vụ cho các trung tâm nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế về văn hoá, giáo dục, các văn phòng đầu tư .… ở trong nước và ngoài nước.
- Về kiến thức: Chương trình đào tạo cung cấp các kiến thức đại cương về khoa học xã hội và nhân văn; những kiến thức cơ bản, hệ thống, hiện đại và thiết thực về Việt Nam học, kiến thức cơ sở về ngôn ngữ học, kiến thức về tiếng Việt, văn hoá Việt Nam, một số kiến thức về nghiệp vụ du lịch, văn phòng, báo chí và dạy tiếng...
- Về kỹ năng: Sinh viên được rèn luyện những kỹ năng trong việc sử dụng những tri thức về Việt Nam học, văn hoá Việt Nam, những kỹ năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng thực hiện một số hoạt động nghiệp vụ như nghiệp vụ văn phòng, nghiệp vụ báo chí, nghiệp vụ du lịch...
- Về năng lực: Chương trình đảm bảo với những kiến thức và kỹ năng nói trên, sinh viên sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Việt Nam học, có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong các cơ quan, tổ chức về văn hoá, giáo dục, ngoại giao, đầu tư, thương mại, các cơ sở giảng dạy tiếng Việt, các hoạt động nghiệp vụ như du lịch, báo chí, văn phòng… ở trong nước và nước ngoài...
- Về thái độ: Ngoài việc cung cấp tri thức và trang bị các kỹ năng chuyên môn, chương trình còn giáo dục tinh thần yêu nước, hình thành thái độ khách quan trong học tập và nghiên cứu khoa học về Việt Nam, tạo nên sự yêu mến và mong muốn học hỏi nghiên cứu về Việt Nam, về tiếng Việt, văn hoá Việt Nam, tự tin về khả năng sử dụng tri thức về Việt Nam học, về nghiệp vụ trong các lĩnh vực công tác...
1.2. Mục tiêu cụ thểChương trình đào tạo ngành Việt Nam học gồm 2 chuyên ngành với mục tiêu cụ thể cho mỗi chuyên ngành như sau:
-
Chuyên ngành A: Chuyên ngành Việt Nam học.
Chương trình dành cho đối tượng sinh viên là người Việt Nam. Sinh viên sẽ nắm vững những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, các kiến thức thuộc các lĩnh vực về Việt Nam học như: lịch sử, văn học, văn hoá, ngôn ngữ, kinh tế - xã hội Việt Nam... Đồng thời, sinh viên còn nắm vững một số nghiệp vụ cần thiết như: giảng dạy tiếng Việt, nghiệp vụ báo chí, nghiệp vụ du lịch, nghiệp vụ văn phòng...
-
Chuyên ngành B: Chuyên ngành Việt Nam học cho người nước ngoài.
Sinh viên nước ngoài sẽ nắm được những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, về Việt Nam học, văn hoá Việt Nam, kinh tế - xã hội Việt Nam.... và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết như: nghiệp vụ văn phòng, nghiệp vụ du lịch, kỹ năng dạy tiếng.... Đồng thời, sinh viên còn nắm được sâu hơn những tri thức về tiếng Việt, kỹ năng sử dụng tiếng Việt phục vụ cho công tác, hoạt động nghiệp vụ liên quan đến tiếng Việt như: hoạt động văn phòng, hoạt động du lịch, giảng dạy tiếng Việt, biên soạn từ điển ...