1, Gia Long Cự Bảo: loại tiền này mặt trước cũng như mặt lưng đều có vành rộng 4,5mm, bốn chữ ở mặt trước viết không đúng nét, thư pháp khác hẳn các loại tiền Gia Long Thông Bảo, lại giống tiền Gia Hưng Thông Bảo đúc năm 1796. Do vậy, tôi cho rằng tiền này có thể được đúc vào những ngày đầu sử dụng niên hiệu Gia Long, khi mà việc đúc tiền Gia Long Thông Bảo chưa có quy thức chuẩn hoá như sử đã ghi.
2, Các loại tiền có hai mặt giống nhau: Gia Long Thông Bảo, Minh Mạng Thông Bảo và Khải Định Thông Bảo. Có thể các loại tiền này được đúc vì một mục đích nào đó chưa biết được. Tuy nhiên, một thuyết có sức thuyết phục cao là có lẽ do người thợ vô ý ráp nhầm hai khuôn đúc tiền mặt trước nên tiền mới có hai mặt chữ giống nhau như vậy. Về hiện tượng ráp nhầm khuôn trong kỹ thuật đúc tiền đã có một bằng chứng rõ ràng: năm 984, Lê Đại Hành cho đúc tiền Thiên Phúc Trấn Bảo, có hai loại: một loại mặt lưng có chữ Lê. một loại mặt lưng không có chữ. Nhưng Toda đã tìm thấy một đồng tiền rất lạ: một mặt thì có chữ Lê, còn mặt kia thì không có chữ gì cả! Điều chắc chắn là đồng tiền này xuất hiện do người thợ khi đúc đã vô ý ráp nhầm hai khuôn lưng có chữ Lê và không có chữ của loại tiền Thiên Phúc Trấn Bảo.
3, Thiệu Trị Thông Bảo nhưng mặt kia lại Minh Mạng Thông Bảo: về đồng tiền này, đương nhiên phải xếp vào niên hiệu đời vua sau và có thể giải thích bằng 3 cách:
* Do ráp nhầm khuôn: ở phần tiền thời Thiệu Trị, tôi có trích lại sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ cho hay thời Thiệu Trị đã có đúc lại tiền Minh Mạng Thông Bảo. Do kỹ thuật đúc đầu thời Thiệu Trị và thời Minh Mạng giống nhau nên ngày nay không thể phân biệt được đồng tiền Minh Mạng nào đúc chính thời Minh Mạng và đồng tiền nào đúc thời Thiệu Trị. Trong lần đúc tiền Minh Mạng và cả Thiệu Trị Thông Bảo vào đầu thời Thiệu Trị đó, người thợ vô ý ráp nhầm hai khuôn tiền Minh Mạng và Thiệu Trị nên xuất hiện đồng tiền có hai mặt như vậy.
* Đúc để kỷ niệm: nếu đồng tiền đúc một hiệu Thiệu Trị, một hiệu Gia Long thì có thể khẳng định là do ráp nhầm khuôn. Nhưng đây lại là hai hiên hiệu liên tiếp…
Trong quá trình nghiên cứu tiền cổ, tôi đã có thấy một loại tiền rất lạ: Thế Tông nước Đại Kim (Trung Quốc), niên hiệu Đại Định (1161-1189), năm 1176 đúc tiền Đại Định Thông Bảo mặt lưng có chữ “thân” và năm 1177 lại đúc tiền mặt lưng có chữ “dậu”. Nhưng các nhà sưu tập đã tìm thấy một đồng tiền mặt lưng có cả hai chữ ‘’Thân - Dậu’’. Đồng tiền này chỉ có một cách giải thích duy nhất là được đúc trong mẻ tiền chuẩn bị từ năm Thân, nhưng kéo dài qua năm Dậu mới đúc xong vậy. Tương tự cách giải thích này, chúng ta có thể nghĩ rằng sau khi vua Minh Mạng mất năm 1840, vua Thiệu Trị lên ngôi nhưng vẫn tiếp tục dùng niên hiệu Minh Mạng cho hết năm 1840, để dầu năm 1841 mới dùng Thiệu Trị nguyên niên, Trong giai đoạn giao thừa giữa hai niên hiệu, rất có thể cho đúc loại tiền hai niên
hiệu này để kỷ niệm, cũng như tưởng nhớ tiên đế dù đã mất nhưng vẫn còn đó.
* Sự thừa kế chính thống: Trong quá trình tìm tòi Kim thạch học, tôi đã gặp một số món đồ sứ Bleus de Hué đặt làm tại Trung Quốc nhưng có hiệu đề rất lạ: một tô có 4 chữ ‘’Minh Mạng - Thiệu Trị’’, một tô Thiệu Trị Niên Chế lại kèm thêm chữ ‘’Nhật’’. Bởi vua Minh Mạng đã sáng tác đế hệ thi để đặt tên cho 20 đời kế vị mình, đều có chữ nhật trong tên chữ Hán, nên hai cái tô ngự dụng này mang ý nghĩa rằng vua Thiệu Trị tiếp nối ngai vàng từ Minh Mạng là một sự kế thừa chính thống… Riêng về tiền cổ của nước Đại Minh thì lại gặp 2 đồng tiền cũng rất lạ như sau: một đồng Thái Xương Thông Bảo (1620) nhưng mặt kia lại là Vạn Lịch Thông Bảo (1573-1620); một đồng tiền thì 4 chữ trên cùng một mặt tiền lại là hai niên hiệu liên tiếp: ‘’Thái Xương - Thiên Khải’’ (1621-1627). Đối với những đồng tiền có hai mặt thì có thể cho rằng do ráp nhầm khuôn. Nhưng với những đồng tiền Thái Xương - Thiên Khải, Đại Định Thông Bảo - Thân - Dậu hoặc hai cái tô kể trên, chữ viết trên các vật dụng đó là do chính tay người thợ viết nên, không thể không có dụng ý!
4, Xác định loại tiền Minh Mạng đúc giả thời Tự Đức:
Như phần trước đã trình bày, năm 1841, vua Thiệu Trị có cho đúc lại tiền Minh Mạng, vì niên đại quá gần nên không thể phân biệt nữa và vẫn xếp vào thời Minh Mạng. Nhưng đến thời Tự Đức thì có nạn thương gia Trung Quốc đúc giả tiền Minh Mạng tung vào nước ta. Để đối phó với nạn tiền giả, vua Tự Đức đã ra một số sắc lệnh quy định về việc đúc tiền và nghiêm trị việc xuất nhập cảng tiền tệ, đồng thời sử dụng cả biện pháp nhờ quan chức người Anh ở HongKong tra xét giúp. Kết quả đến tháng 11 năm 1884, triều đình kết án chém 4 thương nhân Trung Quốc can tội đưa tiền đồng giả vào lưu hành ở nước ta. “Bốn tên đó là Lý Thành Long, can tội chở lậu 20 bao tiền đồng… còn 3 tên khác đều là chủ hiệu buôn ở phố Gia Hội… Để đối phó tiền đồng giả đã lan tràn trong dân chúng, triều đình ban bố một số điểm sau:
- Quy định tiền đồng loại nặng 1 đồng cân và 9 phân vẫn ăn 6 đồng tiền
kẽm như trước, còn các loại nặng 6-7 phân trở xuống cùng các loại tiền đồng kiểu
lạ khác, mỗi đồng chỉ ăn 4 đồng tiền kẽm.
- Kẻ nào chuyển tiền đồng của nước ta ra nước ngoài đều bị kết án chém
ngay lập tức, hãy trông gương bọn Lý Thành Long!
… Lệnh này không thi hành được vì bọn gian thương đút lót… tình hình chợ búa trở nên rắc rối… nên tháng 3 năm 1885 cho tự do lưu hành tiền đồng giả nhưng chỉ ăn 2 đồng kẽm”. (Dương Kính Quốc, 1999) Dựa vào hiện vật, tôi nhận thấy chỉ có loại tiền Minh Mạng 19mm rất mỏng thường được đúc bằng đồng đỏ hoặc đồng xấu. Có lẽ đây chính là loại tiền giả đúc thời Tự Đức?!
5, Về tiền Kiến Phúc và Hàm Nghi:
Đây là một đề tài cũng khá phức tạp, tôi muốn phản ánh sự thật quá trình tìm hiểu, nhưng do quá nhiều yếu tố tình ngay lý gian nên rất khó đạt lý. Đại khái có thể tóm tắt như sau: “Tháng 11 năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), … mở cục đúc tiền… dạy tập đúc tiền…”. Xét ra thì vua Kiến Phúc mất tháng 6 năm Giáp Thân và sau đó vua Hàm Nghi lên ngôi ngay, và dòng sử này đã chép vào mục vua Hàm Nghi. Như vậy việc mở cục đúc tiền là việc của vua Hàm Nghi chứ không phải là của vua Kiến Phúc. Thực tế quá trình tìm hiểu, tôi được biết các loại tiền Kiến Phúc (tiền đồng và tiền kẽm) chỉ là sản phẩm giả mới sáng tác, do đó các hình ảnh tiền này trong các catalogue đều là tiền giả. Trở lại việc đúc tiền vào tháng 11 năm 1884, chính là đúc tiền Hàm Nghi Thông Bảo, mặt lưng có hai chữ “Lục Văn”. Sau biến cố thất thủ kinh đô 1885, một số ít tiền này đã rơi rớt ra ngoài khi nhà vua xuất bôn, số tiền còn lại chưa có lệnh phát hành vẫn nằm trong kho tiền của triều đình Huế. Và có lẽ số tiền Hàm Nghi ít ỏi này đã bị vua Đồng Khánh huỷ để đúc tiền niên hiệu mới, bởi: ”tháng 11 năm 1888 đã ra dụ cấm từ nay không được dùng hai chữ Hàm Nghi…, mà khi cần chỉ được gọi là Quận công Lịch, các tỉnh phải sao dụ này để yết thị khắp nơi” (Dương Kính Quốc, 1999). Ngày nay, tiền Hàm Nghi rất hiếm, bán giá cao, nhân đó các nghệ nhân đúc đồng đã đúc giả tiền Hàm Nghi rất nhiều, thậm chí còn sáng tác các mẫu tiền mới: Hàm Nghi Trọng Bảo, Hàm Nghi Thông Bảo mặt lưng không có chữ hoặc có hai chữ “thập văn”… Oái ăm thay, các loại tiền giả và mới sáng tác này đã được lên danh mục trong các catalogue tiền cổ quốc tế! Riêng tiền Hàm Nghi Thông Bảo - Lục Văn, cũng có loại giả “em em” với tiền thật, chỉ trừ khi đối chiếu trực tiếp với tiền thật hoặc đã xem qua tiền thật một lần thì nhớ mãi và phân biệt được… Tôi đã được cầm trên tay nhiều đồng tiền giả loại này, thấy có một đặc điểm giả dễ nhận ra là mặt lưng có chổ bị lõm khuyết sát vành đồng tiền, như vậy các đồng tiền giả này đã được đúc ra từ một khuôn giả. Về tiền Hàm Nghi thật, tôi chỉ mới thấy có ba quyển sách có hình tiền này thật là An Nam Tuyền Phổ - Lịch Đại Tiền Bộ do Miuria Gosen (Tam Phố Ngô Tuyền) cho xuất bản tại Tokyo năm 1966; sách Catalogue Des Monnaies Vietnamiennes của GS Franςois Thierry (chuyên gia tiền cổ của Pháp) in tại Paris năm 1987 ; và hình ảnh tiền thật thứ ba là mẫu tiền số 281 trong sách Tiền Kim Loại Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 2005.