Anh Van Member 2
Tổng số bài gửi : 33 Join date : 20/09/2009
| Tiêu đề: Nguyễn Hoàng Tôn_Lẽ Sống Của Một Đời Người ! Sun Mar 14, 2010 2:56 pm | |
| Nguyễn Hoàng Tôn còn có tên là Phạm Hữu Mẫn và thường được các đồng chí gọi là Mẫn con.
Anh sinh ra ở làng Trích Sài (Bưởi). Cha mẹ mất sớm, lớn lên tham gia cách mạng từ năm 1929. Được giác ngộ và kết nạp vào Đảng, Nguyễn Hoàng Tôn đã bước vào "vô sản hóa" tại mỏ than Quảng Ninh, rồi trở lại hoạt động ở Hà Nội.
Do có sự phản bội, ngày 20/4/1931, cùng một lúc nhiều cơ sở của ta bị vây ráp. Nguyễn Hoàng Tôn và các đồng chí khác đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi bị bắt.
Ở trong tù, Nguyễn Hoàng Tôn nêu cao khí phách anh hùng, chịu mọi tra tấn, dụ dỗ không chịu xin ân xá.
Tại phiên tòa Hội đồng đề hình ngày 17/10/1931 đã xét xử khép anh vào án tử hình, khi anh chưa đầy 20 tuổi.
Câu chuyện của những năm 30 về một chàng trai nổi tiếng can trường đã đi vào huyền thoại.
Anh xuất hiện giữa đường phố Hà Nội lúc ấy như một thiên thần. Lần đầu tiên, người ta bất ngờ thấy một người cộng sản ra mắt công chúng, bất chấp khủng bố, dám công khai hô hào đánh đổ bọn Tây cướp nước cùng vua quan bán nước. Ai nấy kinh ngạc khi nhận ra diễn giả còn trẻ măng, khôi ngô trắng trẻo, cặp mắt sáng, tươi cười rất đỗi hồn nhiên! Nhưng chỉ ngỡ ngàng trong khoảnh khắc, anh đã chinh phục được người nghe. Trong không khí ngưỡng mộ chờ đón cách mạng như là vị cứu tinh, anh nói và hô khẩu hiệu có sức hấp dẫn kỳ diệu và cuộc đấu tranh giành lại quyền sống làm người dân một nước Việt Nam tự do, độc lập. Lời kêu gọi cảm kích ứa nước mắt. Biết bao cuộc đời bấy lâu yên tĩnh bỗng chốc bị xáo động dữ dội biến thành hàng rào vòng trong vòng ngoài bảo vệ diễn giả. Bọn mật thám đã có thể bắt anh trong tầm tay. Chỉ khẽ chau màu, anh điềm tĩnh kết thúc cuộc diễn thuyết vang dội, và thoắt nhảy xuống như một nhà ảo thuật biến đi mất hút trong đám đông quần chúng.
Đồng chí Ngô Thế Khảm suy nghĩ và nhớ lại: Thật là một con người có bản lĩnh, đáng yêu vô cùng. Anh Nguyễn Hoàng Tôn có biệt hiệu Mẫn con, đã hy sinh cách đây nửa thế kỷ, khi anh mới 17 tuổi đời. Bây giờ nhớ tới anh, anh lại hiện lên như đang sống với chúng tôi cả một thời thanh niên sôi nổi. Vào thời điểm ấy, ở một cuộc diễn thuyết chớp nhoáng trước mũi súng quân thù, thành công hay thất bại là lúc thử thách cân não cao nhất đối với một diễn giả. Người ta không thể chấp nhận người khởi xướng đấu tranh lại tỏ ra lúng túng, sợ sệt trước kẻ thù. Nguyễn Hoàng Tôn đã biết làm chủ tình thế lúc đó. Với anh, điều nan giải nhất cũng trở thành đơn giản. Đứng trên diễn đàn, phía trước anh là công chúng mà anh vô cùng yêu mến, đang lắng nghe anh truyền đạt lời Đảng giải đáp điều họ chờ đợi. Anh không chấp nhận sự có mặt bẩn thỉu của những tên mật thám lúc này. Đương nhiên lúc bình tĩnh, anh sẽ nổ súng tức khắc, cho mỗi tên một viên đạn, rồi nếu không thoát, anh dành lại viên đạn cuối cùng cho mình. Anh sống và chiến đấu với môt quyết tâm chỉ có cách mạng hay là chết!
Bước vào hành động, tỉnh táo với một đầu óc mưu trí, anh lường trước nhiều tình huống có thể xảy ra, để sẵn sàng giành thế chủ động tiến công địch. Tuy nhiên, vẫn có điều bất ngờ xảy ra trên đường, không ai tính trước được. Một lần mang đầy truyền đơn trong người, anh bị kẹt trong vòng vây khám xét. Bọn mật thám đã nhảy xuống xe. Vậy trút hết truyền đơn trong người đi đâu bây giờ? Bỗng một quả bóng ở đâu lăn vào gầm xe địch, anh nảy ra một lối thoát. Thời cơ chỉ có trong khoảnh khắc, phải cả gan táo tợn. Bất ngờ lăn vào gầm xe, lấy cớ nhặt quả bóng ra, anh trút hết truyền đơn lên bệ gầm xe, để tự nó sẽ xô ra đường phố, khi xe chạy.
Tình thế cách mạng nóng bỏng như ngoài mặt trận. Nguyễn Hoàng Tôn vừa trở về đã phải vọt ngay xuống Hải Phòng và lao vào cuộc chiến mới. Anh sẽ lên chiếc xe tay chở súng để bảo vệ cho đồng chí Xuân Ba kéo xe đó. Nhưng anh chưa kịp ra xe thì một thằng Tây đã nhảy lên rồi. Phải hót nó đi, mà không được nổ súng. Anh hét Xuân Ba lật ngược càng xe, hất thằng Tây lộn nhào xuống đường. Đã tưởng con quái vật chết lịm, nhưng nó chồm dậy đuổi theo xe Xuân Ba. Ngoài đường diễn ra một cuộc rượt đuổi tay ba. Chiếc xe tay người kéo chạy trước, một thằng Tây đuổi theo. Lại có một người Việt chạy bám sau, và bất thần bổ nhoài bắt cẳng thằng Tây ngã giập mặt xuống đường. "Tây say! Tây say quịt tiền xe". Cậu ta hô hoán ầm lên và co cẳng chạy biến đi. Đã nghe hô hoán Tây say thì chẳng ai hơi đâu dính vào. Cả đến tên Phulít đứng ngang đường cũng lảng đi nốt. Cả xe súng cùng người bảo vệ đều chạy thoát.
Thời gian có thể xóa nhòa quá khứ, nhưng không thể làm phai mờ những chiến công oanh liệt của các anh. Nếu như Nguyễn Hoàng Tôn không tiềm tàng một phẩm cách anh hùng thì đâu có hành động mưu trí xả thân cứu bạn và lập nên chiến công ấy. Nhưng có bao giờ anh nghĩ đó là chiến công của anh. Trong hoạt động bí mật, mọi việc làm của anh đều phải "giấu tên tác giả". Anh đã quen sống với những chiến công thầm lặng. Anh tự nuyện chấp nhận mọi hy sinh vì mục đích lý tưởng cộng sản.
Nguyễn Hoàng Tôn, từ cuộc đời mồ côi, đi ở và từng trải đau khổ, đã ý thức được nhiều điều cách mạng cần đến ở anh, khi anh chủ động tìm đến với Đảng. Trong công tác cách mạng, hòa mình vào cuộc sống lầm than của thợ mỏ, anh nhận ra sâu sắc một lẽ sống. Tìm đâu cho thấy ở anh không có những tính toán cơ hội cho riêng tư, khi mà từ lời nói đến việc làm, ngày đêm không biết mệt mỏi anh đi tìm hạnh phúc của mình ở những việc làm đem lại hạnh phúc cho những người cùng khổ. Anh vui sướng hồn nhiên mỗi khi làm giảm bớt được nỗi khổ đau, phiền muộn của họ. Phải chăng tinh thần mưu trí dũng cảm, hy sinh quên mình cũng bắt nguồn từ đó và cho anh một sức mạnh xung thiên lúc lao vào hành động cách mạng. Cứng rắn với địch, anh sẵn sàng phang chúng nó một đòn chí tử, nhưng lại dễ xúc động trước một cảnh đời đau khổ, éo le. Đôi khi một tình cảm xúc động như thế cũng làm anh day dứt mãi không yên. Anh trầm lặng đi nhiều ngày trước những cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của thợ mỏ không đem lại kết quả mong muốn. Ngược lại, những vụ gian lận, phạt vạ, cúp lương, đánh đập, khủng bố thợ thuyền có chiều hướng gia tăng buộc những người cách mạng vào tình thế đòi hỏi phải trả đũa quyết liệt kẻ thù. Thời cơ đã đến, Nguyễn Hoàng Tôn lại có dịp cùng đồng chí của anh ra tay. Họ đột nhập vào nhà băng, xin các quan ngày mở két bạc ra! Và họ xông lên hốt gọn xe bạc của chủ mỏ - Tòan bộ những món tiền lớn thu về được bí mật đến trợ cấp cho các gia đình thợ mỏ bị khủng bố, mất công ăn việc làm. Và đêm đến, thay hình đổi dạng, Nguyễn Hoàng Tôn cầm súng đi hỏi tội và cảnh cáo những tên tay sai gian ác của chủ mỏ. Có biết bao người coi anh như ân nhân của họ. Quần chúng thương yêu đùm bọc, che chở cho anh ở mọi nơi, mọi lúc. Kẻ thù với cả bộ máy thống trị mất bao công sức, vẫn không lần ra dấu vết, hoặc vừa lần ra lại mất hút tung tích anh, "tên cộng sản cực kỳ nguy hiểm" ấy.
Bỗng một hôm ai nấy sửng sốt thẫn thờ cả người, khi nghe tin anh bị bắt ở Hải Phòng cùng nhiều đồng chí khác. Không ngờ kẻ thù nguy hiểm nhất của anh và của Đảng lại là một tên cơ hội. Hắn chui sâu, leo cao trong Đảng tơi chức vụ Xứ ủy Bắc kỳ rồi mới ra mặt phản bội. Sau khi đầu hàng địch, hắn triệu tập một cuộc họp cho địch chăng một mẻ lưới bắt gọn nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, nhiều cơ sở Đảng đã bị vỡ.
Trong xà lim án chém, vào lúc thử thách cao nhất của một đời, giữa cái sống và cái chết, Nguyễn Hoàng Tôn đã trở thành bất tử.
Lẽ ra anh chưa phải chết ở tuổi vị thành niên, khi anh chưa biết đến cái hôn của một người bạn gái. Tòa án thực dân không lập nổi bản án kết tội trước thái độ im lặng lạnh lùng không cung khai của anh, dù đã qua những đòn tra tấn khốc liệt, nhưng sau hết, khi anh biết tổ chức Đảng đã vỡ lở, anh nhận lấy cái chết về mình, để thu hẹp số bản án tử hình có thể rơi vào đồng chí khác. Anh bình tĩnh, không một xúc động, nghe phiên tòa Hội đồng đề hình ngày 17 tháng 10 năm 1931 tuyên án : "Nguyễn Hoàng Tôn tức Mẫn con, tội tử hình".
…Nguyễn Hoàng Tôn không còn nữa. Một nửa thế kỷ đã qua. Nhớ lại ngày ấy, năm xưa, bao đồng chí đã khóc anh, còn nghe vang vọng mãi tiếng hô của anh lúc bước lên máy chém: Đảng cộng sản muôn năm!
Hỡi toàn Đảng! Hãy cảnh giác với những tên cơ hội!
Thật không đau xót nào bằng khi Đảng phải chịu một tổn thất lớn vì sự phản bội của một tên cơ hội. Nhiều đảng viên ưu tú như Nguyễn Hoàng Tôn, người chiến sĩ anh dũng vô song mà kẻ thù không sao trị nổi, cuối cùng phải rơi đầu vì một tên cơ hội trong Đảng.
Lẳng lặng mà suy ngẫm cho hôm nay và cuộc sống lý tưởng cũng như về cái chết đau xót nhưng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn, để có thể rút ra những kết luận cần thiết cho mình, cho thế hệ trẻ ngày nay và mai sau, về lẽ sống của một đời người. | |
|