MẤY NÉT VỀ NGUỒN VIỆN TRỢ ODA CỦA NHẬT BẢN TẠI VIỆT NAM
Hiện nay, Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, còn Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã và đang phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, y tế... đồng thời đã bước sang giai đoạn chuyển đổi về chất. Điểm nổi bật trong mối quan hệ song phương ấy chính là viện trợ ODA.
1. Việt Nam - đất nước trải qua biết bao đau thương trong các cuộc chiến tranh của các thế lực xâm lược vẫn khẳng định được sức mạnh của một dân tộc nhỏ bé song không thể bị khuất phục. Phát huy truyền thống, trong giai đoạn đổi mới hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chúng ta đã thể hiện rõ những bước phát triển mạnh mẽ về tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế. Chúng ta từng bước khai thác có hiệu quả những lợi thế của đất nước, đẩy mạnh quan hệ kinh tế đối ngoại và hội nhập vào nền kinh tế thế giới trong việc thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài qua các dự án ODA và FDI, trong đó nổi lên Nhật Bản là một cường quốc kinh tế và là đối tác đầu tư ODA lớn nhất ở Việt Nam. Một vấn đề chúng tôi muốn đặt ra cần được quan tâm và lí giải sâu sắc là tại sao Nhật Bản lại dành nhiều viện trợ ODA cho Việt Nam như vậy? Bản chất đích thực của nguồn vốn ODA? Xu hướng đầu tư ODA của Nhật Bản và quan điểm của Việt Nam trong việc tiếp nhận ODA thời gian tới?
2. Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, còn Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã và đang phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, y tế... đồng thời đã bước sang giai đoạn chuyển đổi về chất. Điểm nổi bật trong mối quan hệ song phương ấy chính là viện trợ ODA.
2.1. Ngay sau khi nối lại viện trợ vào năm 1981, Nhật Bản đã liên tục dẫn đầu danh sách các quốc gia viện trợ ODA cho Việt Nam. Thông qua nguồn ODA, Nhật Bản đã giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội như khôi phục bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh), xây dựng cảng cá Cát Lở (Vũng Tàu), nâng cấp bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), xây dựng hệ thống cấp nước ở Gia Lâm, Hải Dương, xây dựng các cầu nhỏ ở nông thôn, xây dựng và nâng cấp nhiều công trình giao thông trọng điểm như: Quốc lộ 5, 18, 10, nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2, Phú Mỹ 1, đại lộ Đông – Tây (Thành phố Hồ Chí Minh), cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh), cầu Thanh Trì (Hà Nội), đường hầm xuyên đèo Hải Vân.
Không chỉ quan tâm đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, Chính phủ Nhật Bản cũng dành nhiều khoản vay và hỗ trợ ưu đãi để phát triển các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục. Chỉ từ 1992 đến 2003, Chính phủ Nhật đã thực hiện 213 dự án viện trợ trực tiếp cho địa phương để xây hàng chục trường học nâng cấp thiết bị y tế cho các bệnh viện vùng sâu và nâng cấp thiết bị đào tạo cơ khí trường Đại học Giao thông vận tải. Từ năm 2002 - 2006, Chính phủ Nhật tiến hành viện trợ cho 26 dự án chính liên quan đến xây dựng trường tiểu học và trung học cơ sở, cung cấp thiết bị y tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề với tổng vốn 213 triệu Yên. Hàng năm thông qua nguồn ODA từ nhiều quỹ tài chính khác nhau, Nhật Bản đã cung cấp một số lượng đáng kể học bổng đào tạo đại học và sau đại học cho các sinh viên và cán bộ Việt Nam. Năm 2007, Chính phủ Nhật cũng đã viện trợ 3 dự án, trong đó có 1 dự án cung cấp máy in chữ nổi cho người mù [7].
Minh chứng cho những việc làm kể trên, tổng số vốn ODA của Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam kể từ năm 1992 đã lên tới 14 tỷ USD, trong đó viện trợ không hoàn lại bình quân xấp xỉ 100 triệu USD/năm (chiếm 10%), phần còn lại là các khoản tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp. Đặc biệt, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 150 của WTO, Nhật Bản càng tăng cường tài trợ ODA. Trong năm 2006 viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam đạt mức cao, giá trị lên tới 835,6 triệu USD. Năm 2007, con số đó tăng lên 890 triệu USD và đến năm 2008 là 1,1 tỷ USD. Tổng số viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam chiếm 40% tổng nguồn ODA của các nước và tổ chức quốc tế cung cấp cho Việt Nam [15; tr.9]. Tại các Hội nghị nhóm tư vấn những nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), Nhật Bản tiếp tục khẳng định vẫn là nhà tài trợ đứng đầu.
Có thể thấy, năm lĩnh vực Nhật Bản ưu tiên cao nhất trong viện trợ ODA cho Việt Nam là: Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa. Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nông thôn và chuyển giao công nghệ mới tại các vùng nông thôn. Hỗ trợ phát triển giáo dục và y tế. Hỗ trợ cải tạo và xây dựng các công trình điện và giao thông. Hỗ trợ bảo vệ môi trường.
Nhật Bản còn quan tâm tới việc hỗ trợ các lĩnh vực khác như nông nghiệp và ngư nghiệp ở Việt Nam. Đặc biệt ở nông thôn, Nhật Bản đã và đang giúp chúng ta xây dựng trường học, bệnh viện giúp người dân địa phương có được điều kiện giáo dục và phúc lợi xã hội tốt hơn. Viện trợ ODA của Nhật Bản không chỉ ưu tiên cho cơ sở hạ tầng mà còn nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để đạt tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thúc đẩy kinh tế phát triển, thì không thể giảm đói nghèo. Làm thế nào để tất cả mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp chính là mục tiêu của các chương trình đó.
Việc phân tích làm sáng tỏ các lĩnh vực mà Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cũng giúp chúng ta thấy rõ mối liên hệ giữa những lĩnh vực đó với mục đích và những lợi ích không những Việt Nam nhận được mà còn của cả Nhật Bản thu được, sau những nỗ lực của Nhật Bản là nhằm tạo lập được niềm tin và vị thế của họ trên trường quốc tế.
2.2. Điều đáng lưu ý là sự gia tăng ODA của Nhật Bản cho Việt Nam diễn ra trong bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn và việc sử dụng có hiệu quả nguồn ODA này ở Việt Nam còn gặp nhiều ách tắc, trở ngại. Lí giải cho điều này, ông Tomoharu Washio, Phó chủ tịch tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã có tầm nhìn xa khi khẳng định trong khuyến cáo cho các nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam: “Hãy nhìn vào viễn cảnh của Việt Nam trong 10 năm sau, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật và hạ tầng đô thị, nền công nghiệp phụ trợ cũng được phát triển, đội ngũ kỹ thuật và quản lý trung gian vốn không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ trưởng thành, số lượng doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Nhật Bản sẽ tăng lên. Dân số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 100 triệu, thu nhập bình quân tăng nhanh, kết quả là Việt Nam sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ lớn, vị thế trong ASEAN được nâng lên tầm cao mới”.
Kể từ đầu 1990 trở đi, các kênh đối thoại giữa hai bên ngày càng được mở rộng. Hàng năm liên tục có sự trao đổi, giao lưu giữa cán bộ lãnh đạo 2 nước. Năm 2002, lãnh đạo cấp cao 2 nước đã thống nhất xây dựng mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản theo phương châm “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Đặc biệt, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 7/2004 của ngoại trưởng Nhật Bản, hai bên đã ký tuyên bố chung “vươn tới tầm cao mới của đối tác bền vững”. Tháng 10/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Nhật Bản, hai Thủ tướng đã nhấn mạnh quyết tâm thúc đẩy quan hệ “hướng tới xây dựng một đối tác chiến lược vì hoà bình, phồn vinh ở Châu Á”. Theo hiệp định này, trong tương lai hai bên sẽ hợp tác trong cả lĩnh vực năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình... “Hợp tác Việt - Nhật diễn ra theo một lôgic chặt chẽ, mang tính hệ thống, ở đó quan hệ ngoại giao giữ vị trí mở đường, hợp tác kinh tế là nền tảng và trọng tâm, hợp tác trong lĩnh vực chính trị và an ninh tạo hướng cho sự phát triển, và hợp tác trong lĩnh vực văn hoá và các lĩnh vực khác giữ vai trò xúc tác, kích đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản”.[5; tr.5]
Theo Bộ trưởng Nikai, Việt Nam hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển năng động của khu vực Đông Á mở. Ông tin tưởng rằng sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Nhật - Việt cũng sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển đó [8]. Đây là một tín hiệu tốt cho Việt Nam trong việc đẩy nhanh quá trình Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá và thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế phát triển mạnh và bền vững.
Một tương lai chính trị tươi sáng không ngừng được tăng cường bền chặt giữa hai nước và nó sẽ là lí do để các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục nhìn thấy sự an tâm và tìm thấy nhiều cơ hội thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh của mình ở Việt Nam.
Vậy đâu là nguyên nhân thúc đẩy nguồn vốn ODA của Nhật Bản ngày càng tăng vào Việt Nam? Qua đây chúng ta sẽ nhìn nhận và đánh giá được phần nào bản chất của nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Trước hết có thể khẳng định, Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam nằm trên các tuyến giao thông biển ở khu vực Tây Thái Bình Dương có nhiều cửa ngõ thông thương ra biển, những hải cảng lớn như Hải Phòng, Cam Ranh, Đà Nẵng, Vũng Tàu… đều rất có ý nghĩa lớn về mặt quân sự, có thể được xem như một yếu tố tác động đến chiến lược an ninh của Nhật Bản và các nước ASEAN.
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách thực tiễn trong việc cải thiện môi trường đầu tư và thiết lập chính sách ưu đãi với Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, từ tháng 6 năm 2002 đường bay đã nối liền trực tiếp từ Tokyo đi Hà Nội. Từ tháng 1/2004, Việt Nam đã chính thức đơn phương miễn thị thực cho người Nhật Bản đi du lịch và kinh doanh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày và gần đây nhất từ 1/7/2004, Việt Nam đã quyết định miễn thị thực nhập cảnh ngắn hạn cho công dân Nhật. Đây là thuận lợi lớn để thúc đẩy du lịch Nhật Bản vào Việt Nam. Từ ngày 1/5/2005, Việt Nam và Nhật Bản song phương miễn thị thực hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ. Mỗi năm lượng du khách Nhật sang VN lên đến 400.000 người. Hiện tượng này nói lên sự hấp dẫn của văn hoá, đất nước và con người VN đối với Nhật.
Nguyên nhân nữa phải kể đến là tỉ lệ rủi ro thấp của Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam. Ông TaiHui - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á của ngân hàng Standard Chartered khẳng định: Việt Nam được nhiều nhà đầu tư coi là nơi để phân bổ rủi ro. Các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản rất chú ý tới yếu tố này vì Việt Nam đang nổi lên là một nơi thay thế đầu tư khá lý tưởng do kết hợp được cả các yếu tố khác như nguồn lao động có kỹ năng, chi phí nhân công thấp, môi trường đầu tư được cải thiện, không có khủng bố, có nhiều chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư. Bài viết của Báo Nihon Keizai ngày 21/8/1995 từng nêu lên 7 thế mạnh của Việt Nam: lực lượng lao động cần cù, chịu khó và có trình độ văn hoá cao, tài nguyên thiên nhiên giàu có như dầu lửa, khí đốt, than, quặng, sắt, bô xít, nền nông nghiệp đầy tiềm năng, bờ biển dài, tiềm năng nguồn du lịch phong phú, được kích thích bởi tốc độ tăng trưởng nhanh của các nước châu Á xung quanh, tình hình chính trị ổn định.
“
Một điều rất quan trọng là nước ta có kết cấu dân số trẻ và năng động, lao động của Việt Nam lại có trình độ học vấn ngày càng tăng trong khi mức lương bình quân lại thấp hơn một số nước trong khu vực”.[1] Chúng ta không phủ định một thực tế là những lĩnh vực đòi hỏi trình độ lao động có tay nghề, trình độ cao thì Việt Nam vẫn thiếu hụt. Nhưng điểm hạn chế này Nhật Bản có thể khắc phục được dần dần bởi Nhật rất có kinh nghiệm trong việc nâng cao trình độ tay nghề và chú trọng trong việc phát huy nguồn lực con người - một trong những yếu tố quan trong tạo nên sự phát triển thần kì của Nhật Bản.
Như vậy, nếu nhìn tổng thể về nội lực của Việt Nam thì chúng ta sẽ thấy những yếu tố cơ bản mang lại lợi thế không nhỏ cho Nhật Bản khi đầu tư.
Hơn thế nữa, ODA của Nhật Bản còn là một bộ phận và là một công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại của họ.
Ngay trong bài phát biểu của ngài Hiyoshi - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã nhận định rõ tầm quan trọng của Việt Nam trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong tương lai không xa “Việt Nam sẽ là nước đóng vai trò quan trọng về mặt chính trị và kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương ở đầu thế kỷ XXI này” [3]. Từ lâu, Nhật Bản đã nhận thức rõ tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược Đông Nam Á của mình. Sự ổn định chính trị và hợp tác quốc gia trong khu vực có ý nghĩa tích cực đối với mục tiêu và lợi ích chiến lược của Nhật Bản. Việt Nam lại là một phần của ASEAN, rất có lợi cho Nhật Bản.
Những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản trong việc viện trợ ODA cho Việt Nam và các nước khác đã đem lại kết quả tương xứng với những gì họ đã bỏ ra. Bước sang thập niên 1990, Nhật Bản cho thấy “hình ảnh chú lùn chính trị” mờ dần, thay vào đó là hình ảnh một cường quốc Mặt trời mọc đang ngày có tiếng nói chính trị quan trọng trong khu vực. Làm được điều này có rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố kinh tế giữ vai trò hàng đầu. Thủ tướng Kaifu từng tuyên bố Nhật Bản muốn “dùng các nguồn kỹ thuật, công nghệ, kinh tế và vốn kinh nghiệm của nước mình làm cơ sở để đóng một vai trò tích cực trong cố gắng quốc tế nhằm tạo nên một trật tự mới” [2; tr.37]. Sự ảnh hưởng của Trung Quốc cũng khiến Nhật phải vùng lên tạo thế cân bằng. Nhật Bản còn nhận được sự đồng thuận rất lớn của chính các nước trong khu vực. Điều này đã thể hiện tham vọng và mục đích của Nhật Bản là thiết lập một trật tự thế giới mới trên cơ sở tạo lập được niềm tin và sự đồng tình ủng hộ của các nước mang tính cách mạng theo ý muốn của họ.
Như vậy rõ ràng Nhật Bản đã có một tầm nhìn xa, trông rộng thấy được tương lai của Việt Nam sẽ đem lại cho mình những lợi ích to lớn. Xét sự tiến triển của ODA Nhật Bản trong những năm qua, chúng ta nhận thấy, những ưu tiên nhận nhiều ODA nhất đã được dành cho Đông Á, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Có một nguyên tắc là trong quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế là cả bên viện trợ đầu tư và bên nhận viện trợ đều được hưởng lợi ích kinh tế và sau đó là chính trị. Thực tế, trong tổ chức OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) chỉ có Nhật Bản và Mỹ là hai quốc gia sử dụng đồng thời 3 công cụ là ODA, thương mại và đầu tư trực tiếp (FDI) một cách nhịp nhàng và có hiệu quả để mở rộng ảnh hưởng chính trị cũng như tìm kiếm cơ hội cho giới kinh doanh.
Việc phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong những nỗ lực nhằm duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực chẳng những phục vụ lợi ích và an ninh của ASEAN, Việt Nam mà cả của Nhật Bản. Tổng lãnh sứ quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quan hệ chặt chẽ dựa trên cơ sở phát triển và ổn định cân bằng với các nước ASEAN là cực kỳ quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của Nhật Bản, trong đó Việt Nam nổi lên là một quốc gia có dân số đông thứ hai (84 triệu - 2006) trong ASEAN, có lực lượng lao động ưu tú, có khả năng phát triển kinh tế mạnh mẽ và đạt được sự phát triển kinh tế diệu kỳ trong những năm gần đây” [4; tr.62,63].
Ngoài ra, Nhật Bản còn tìm thấy những đặc điểm tương đồng giữa hai nước. Con người, đất nước Việt Nam và Nhật Bản đều cần cù, chịu khó, tiết kiệm và tinh thần phấn đấu vươn lên, có lối sống cộng đồng chặt chẽ, có nhiều đặc điểm văn hoá hàng nghìn năm cùng tồn tại trong điều kiện văn minh nông nghiệp lúa nước, cùng tiếp thu ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, và tâm lý tương tự. Hai nước gần gũi nhau về vị trí địa lý, Việt Nam nằm trên con đường giao thông đường thuỷ trong khu vực Tây Thái Bình Dương đi vào lãnh địa Đông Nam Á, không chỉ tạo lợi thế mở rộng kinh tế, dịch vụ, và du lịch quốc tế cho Nhật Bản mà còn có ý nghĩa về mặt an ninh, quân sự. Việt Nam ở cuối vùng sông MêKông, nơi có ý nghĩa quan trọng cả kinh tế, an ninh khu vực, thu hút nhiều dự án đầu tư của nước ngoài. Uỷ ban MêKông hiện nay, có một Tổng thư ký là Nhật Bản trong ban thường trực. Vốn vay ưu đãi ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam cũng đã tăng đến 1,1 tỷ USD/năm trong khi ODA dành cho quốc tế giảm [10].
Một mặt chính phủ Nhật Bản khẳng định mục tiêu chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản là góp phần vào hòa bình và phát triển kinh tế trên toàn thế giới nhưng không thể phủ nhận được rằng chính nhân tố hòa bình, ổn định chính trị và phát triển kinh tế ở khu vực này rất quan trọng đối với sự phát triển của Nhật Bản. ASEAN là một thể chế khu vực có vai trò then chốt trong chính sách châu Á của Nhật Bản. Nhật Bản cũng đã khẳng định Việt Nam đóng vai trò then chốt trong ASEAN. Do mối quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN đã được đẩy mạnh bởi vậy nó cũng có ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương giữa hai nước.
Cũng có giả thiết cho rằng nguồn viện trợ ODA Nhật Bản ở Việt Nam luôn chiếm vị trí hàng đầu so với các nhà tài trợ khác, một góc độ nào đó còn xuất phát từ mối bang giao mềm mỏng và nhân hoà của chúng ta trong chiều dài lịch sử với Nhật Bản, không hẳn là phải chờ đến những năm gần đây khi hai nước hướng tới mục tiêu trở thành đối tác chiến lược của nhau. Nhà nghiên cứu Chương Thâu đặt vấn đề: liệu mối quan hệ “đồng văn đồng chủng” từ hơn 100 năm trước dường như vẫn còn đó dấu ấn? Chính phủ Nhật Bản đã từng hối hận khi đuổi những chiến sĩ Đông Du, nhưng nhân dân Nhật đã luôn giúp đỡ, cưu mang đùm bọc các chí sĩ khi họ lâm nạn, nhiều tình cảm tốt đẹp đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân hai nước. ODA bản chất là tiền đóng thuế của nhân dân nước tài trợ thông qua cơ quan Chính phủ Nhật Bản và người dân Việt Nam ở các vùng quê đang được hưởng lợi trong việc sử dụng các công trình công cộng xây dựng bằng ODA. Ngài Izuki Ikuo - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Việt Nam cũng bày tỏ “người dân Nhật Bản theo dõi các dự án ODA rất chặt chẽ. Chúng tôi sẽ theo dõi hiệu quả của các dự án để xem cuộc sống của người dân ở vùng mà dự án đầu tư được cải thiện như thế nào và giải thích cho người dân đóng thuế ở Nhật Bản” [7]. Tất nhiên, điều này cần có thời gian và những luận cứ khoa học để khẳng định thêm.
2.3. Việc tìm hiểu bản chất đích thực của nguồn vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng để một mặt tiếp nhận và sử dụng chúng một cách có hiệu quả nhất mang lại lợi ích cho Việt Nam, mặt khác tránh được sự lệ thuộc hay phải đánh đổi những lợi ích mà chúng ta không đáng phải đánh đổi với Nhật Bản. Từ đó càng khẳng định được đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam thể hiện qua quan điểm nhất quán của chúng ta: Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận viện trợ từ các nước nhưng không chấp nhận những ràng buộc và lệ thuộc về kinh tế, chính trị. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cũng khẳng định: Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Viện trợ ODA sẽ vì quyền lợi của 2 nước, không chỉ riêng Việt Nam. Nhìn nhận kĩ lưỡng và sâu sắc vấn đề chúng ta sẽ nhận thấy sự ưu tiên của Nhật Bản đối với Việt Nam trước hết xuất phát từ lợi ích của Nhật Bản bởi vì ODA giữ vai trò “mở đường” và tạo “cử chỉ thân thiện”, để sau đó Nhật Bản thực hiện chính sách xúc tiến thương mại và đầu tư trực tiếp FDI. Qua ODA, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tiếp cận nhanh hơn đến Việt Nam qua các hợp đồng xây dựng dự án cụ thể, nhà đầu tư Nhật Bản cũng đến Việt Nam dễ dàng hơn vì cơ sở hạ tầng phát triển. Ngược lại, Việt Nam có thêm nhiều điều kiện tốt thu hút FDI nước ngoài. Rõ ràng, ODA đang là nền tảng và trọng tâm trong hợp tác kinh tế Việt - Nhật, giữ vai trò tích cực trong việc góp sức mình cho mục tiêu đối ngoại của hai quốc gia hướng đến xây dựng đối tác chiến lược vì hoà bình, phồn vinh ở châu Á.
2.4. Năm 2008 đã qua, vấn đề đặt ra là trong giai đoạn nền kinh tế đang bị khủng hoảng như hiện nay, ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam sẽ như thế nào?
Không thể phủ nhận nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và ổn định chính trị, cải thiện và nâng cao đời sống xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhật Bản giữ vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập kinh tế ASEAN không chỉ vốn, mà kinh nghiệm quản lý, đào tạo nhân lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Từ 1999 đến 2002, viện trợ 927,631 tỷ Yên (tương đương 8 tỷ USD). Năm 2006 là 103,9 tỷ Yên (cho vay 95,1 tỷ Yên, viện trợ không hoàn lại là 3,095 tỷ, hợp tác kỹ thuật là 5,7 tỷ Yên), Việt Nam trở thành nước nhận viện trợ lớn nhất có tính áp đảo. [6; tr.63].
Việc sử dụng nguồn ODA ở Việt Nam, khác với nhiều quốc gia Nam Á và châu Phi, đã tạo ra những hiệu quả rõ rệt và đầy ấn tượng trong việc duy trì nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế, (trung bình trên 7% kể từ năm 1994) và xóa đói giảm nghèo, (tỷ lệ nghèo đói giảm một nửa chỉ trong vòng 10 năm, từ trên 60% năm 1994, sau mười năm xuống còn dưới 30% năm 2004). Dĩ nhiên, bên cạnh đó, cũng có ý kiến đánh giá khác đi hoặc thậm chí ngược lại với các kết quả trên. Chẳng hạn, đó là việc nghi ngờ tính bền vững của quá trình tăng trưởng kinh tế cao sau khi việc cấp vốn ODA không còn nữa, (theo một số nhà tài trợ, các nguồn vốn ODA có thể sẽ giảm cơ bản và tiến tới cắt hoàn toàn sau khi GDP/đầu người/năm của Việt Nam đạt 1000 USD). Hay nếu nhìn vào hệ thống các công trình thuộc cơ sở hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế như đường cao tốc, đường sắt, sân bay, cảng, cầu... thì rõ ràng mặc dù cho tới nay khoảng 22 tỷ USD vốn ODA đã được giải ngân nhưng Việt Nam vẫn hầu như chưa có được những công trình lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Vấn đề ở chỗ nhiều công trình hạ tầng có sử dụng vốn ODA nhưng được xây dựng với chất lượng quá kém. [9].
Điều chắc chắn là nếu không có vai trò của ODA, kinh tế không đạt mức tăng trưởng cao, tỷ lệ đói nghèo sẽ gia tăng, dân chủ trong quản lý nhà nước và đời sống chính trị sẽ không được mở rộng, và đi liền với nó rất có thể là các bất ổn về xã hội và chính trị. Lập luận này chứng minh sự cần thiết và vai trò tích cực của nguồn viện trợ ODA [9].
Có một thực tế Việt Nam đã phải đối mặt là những hiện tượng tham nhũng của PMU18, nghi án hối lộ của Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) khiến Nhật Bản từng tuyên bố tạm dừng mọi dự án ODA mới có lãi suất ưu đãi cho Việt Nam (tất nhiên sự hỗ trợ kĩ thuật và viện trợ không hoàn lại vẫn diễn ra bình thường). Sự cố này như lời cảnh báo Việt Nam trong việc tìm ra các biện pháp để sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn ODA.
Ngày 23 tháng 02 năm 2009 tại Tokyo, với việc Nhật Bản cam kết chính thức nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam 83,2tỷ Yên (900 triệu USD), đã đưa con số ODA năm tài chính 2009 của chúng ta lên đến 6 tỷ USD. Nhật Bản và Việt Nam đang quan tâm đến 4 dự án lớn là phát triển hệ thống xe điện ngầm Thành phố Hà Nội, dự án thoát nước và vệ sinh môi trường ở Hà Nội, ở Hải Phòng, dự án nâng cấp Tỉnh lộ các tỉnh.
Có thể thấy từ xuất phát điểm trong chính sách đối ngoại của hai nước và chính nhờ những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các biện pháp chống tham nhũng, ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì ở mức độ cao. Hai bên thành lập Uỷ ban hỗn hợp phòng chống tham nhũng ODA, cùng nhau tham gia quá trình giám sát các dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Chính Nhật Bản cũng đã tỏ rõ sự hài lòng với kết quả khả quan của các dự án viện trợ ODA [9].
Mặc dù hiện tại, con số viện trợ ODA của Nhật Bản nói riêng khả quan, nhưng tương lai không xa nguồn viện trợ này sẽ giảm. Nhà nghiên cứu (Dương Trung Quốc) và Chính phủ (Bộ trưởng Võ Hồng Phúc) đều thống nhất một nhận định là tạm thời trong vòng 5 – 7 năm nữa ODA sẽ giảm dần vì đây là món nợ lâu dài. Sau 2010 theo tính toán thu nhập bình quân đầu người của chúng ta 1050 USD/người thì khả năng tiếp nhận viện trợ không hoàn lại và ODA sẽ giảm dần đi mà phải vay với lãi suất cao hơn [11].
Đã đến lúc vai trò “mở đường” và tạo “cử chỉ thân thiện” của ODA dần trở thành nền móng vững chắc tạo thuận lợi để thúc đẩy FDI của Nhật Bản vào Việt Nam dễ dàng. Thông qua dự án ODA vào cơ sở hạ tầng và các dự án hỗ trợ kỹ thuật, ODA của Nhật Bản đã góp phần đào tạo đội ngũ lao động có năng lực, trình độ và sức khoẻ tốt phục vụ cho phát triển kinh tế một cách bền vững là một yếu tố vô cùng quan trọng cho khu vực kinh tế có vốn FDI với các dự án đòi hỏi lao động có trình độ cao. Đó là ưu điểm nổi bật mà nguồn vốn ODA Nhật Bản mang lại cho Việt Nam.
Con số thống kê cho thấy, tính đến cuối 2008 đầu tư trực tiếp FDI của Nhật cũng đã vươn lên đứng thứ 3 trong số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với trên 1019 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 16,9 tỷ USD (5; tr.10). Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật đạt 6,069 tỷ USD, tăng 16,7% so với 2006 và Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Hoa Kỳ. Năm 2008, kim ngạch thương mại 2 chiều đã vượt xa 15 tỉ USD [5; tr.13]. Việt Nam xuất khẩu khá nhiều mặt hàng như dầu thô, nông sản, thuỷ sản, đồ gỗ, may mặc, thủ công mỹ nghệ, giày dép. Ngược lại, Nhật cung cấp cho Việt Nam máy móc, thiết bị điện, sản phẩm công nghệ cao, sắt thép, hoá chất… phục vụ tốt cho kế hoạch Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá của nước ta. Tiềm năng FDI của Nhật tại Việt Nam rất lớn và đang dần trở thành hiện thực.
Việc lợi dụng FDI để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá trong bối cảnh ngày càng phải hội nhập vào kinh tế toàn cầu là chiến lược khôn ngoan nhất của bất cứ một nước đang phát triển nào trong thời đại ngày nay. Nhật Bản lại là nước có kinh nghiệm phong phú về phát triển công nghiệp và đi đầu thế giới về chất lượng và năng suất. Như vậy, chiến lược cần thiết của Việt Nam hiện nay phải như thế nào là điều quá rõ. Đặc biệt, trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước đang ngày càng phát triển tốt đẹp, ODA chính là nhịp cầu thực sự có vai trò quan trọng giữ vị trí nền tảng cho sự hợp tác toàn diện ổn định lâu dài của Việt Nam - Nhật Bản.
3. Như vậy, với cách phân tích rõ nguyên nhân, bản chất mà nguồn vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam, Chính phủ sẽ có những quan điểm đúng đắn, nhất quán về việc tiếp nhận đầu tư ODA của Nhật Bản trong mối quan hệ ngoại giao Việt - Nhật. ODA có một vị trí quan trọng để góp sức xây dựng mục tiêu lâu dài là đối tác chiến lược của nhau. Cùng với những cố gắng trong việc giải ngân và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đó chúng ta có cơ sở để khẳng định những bước tiến vững chắc của nền kinh tế - chính trị - xã hội Việt Nam trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nâng cao niềm tin và vị thế trong quan hệ đối ngoại với các nước để thực hiện được mục tiêu lâu dài của đất nước được đề ra trong các văn kiện Đại hội Đảng “Đến năm 2020, về cơ bản Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Dantri.com.vn
[2]. Dương Lan Hải. ODA của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, NCĐNÁ, số 3/1996.
[3]. Hiyoshi Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam (1991), chính sách của Nhật Bản ở Đông Nam Á. Tạp chí QHQT, số 9.
[4]. Kỷ yếu Hội thảo “Quan hệ Nhật Bản Việt Nam hội nhập và phát triển” ĐHQG, TPHCM, tháng 10/2007.
[5]. Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 11(93), 11/2008.
[6]. Trần Thị Nhung. Những bước tiến trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản từ 2003 đến nay. Những vấn đề KT và CTTG, số 6 (146), tháng 6 – 2008.
[7]. Thanhnien.com.vn
[8]. Thông tấn xã Việt Nam
[9]. Tiasang.com.vn
[10]. Tiền phong.vn
[11]. Việt Báo.vn Khoa Việt Nam học - ĐHSPHN