TIẾNG NÓI CỦA NGÀNH VIỆT NAM HỌC
Chào mừng bạn đến với diễn đàn Việt Nam học. Diễn đàn là nơi gặp gỡ của những tri thức về khoa học Việt Nam học và các lĩnh vực liên quan. Để sử dụng được hết tài nguyên của diễn đàn, vui lòng Đăng ký nếu bạn chưa có tài khoản trong diễn đàn hoặc Đăng nhập nếu bạn đã đăng ký tài khoản. Chúc quý vị và các bạn có những giờ phút hữu ích cùng diễn đàn.
TIẾNG NÓI CỦA NGÀNH VIỆT NAM HỌC
Chào mừng bạn đến với diễn đàn Việt Nam học. Diễn đàn là nơi gặp gỡ của những tri thức về khoa học Việt Nam học và các lĩnh vực liên quan. Để sử dụng được hết tài nguyên của diễn đàn, vui lòng Đăng ký nếu bạn chưa có tài khoản trong diễn đàn hoặc Đăng nhập nếu bạn đã đăng ký tài khoản. Chúc quý vị và các bạn có những giờ phút hữu ích cùng diễn đàn.
TIẾNG NÓI CỦA NGÀNH VIỆT NAM HỌC
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TIẾNG NÓI CỦA NGÀNH VIỆT NAM HỌC

HTTP://VIETNAMHOC.THE-TALK.NET/
 
Trang ChínhTrang Chính  ViệtNamhọcViệtNamhọc  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng Nhập  

 

 Hai nguồn gốc tư tưởng Việt Nam

Go down 
Tác giảThông điệp
HỒ THỊ ÁI NHƠN
New member
New member
HỒ THỊ ÁI NHƠN


Tổng số bài gửi : 2
Join date : 21/01/2011

Hai nguồn gốc tư tưởng Việt Nam Empty
Bài gửiTiêu đề: Hai nguồn gốc tư tưởng Việt Nam   Hai nguồn gốc tư tưởng Việt Nam EmptyFri Jan 21, 2011 9:00 am

HAI NGUỒN GỐC TƯ TƯỞNG VIỆT NAM
Hai Khuynh hướng Nguyên Thủy của Tư Tưởng Tôn giáo.
Triết học và Nghệ thuật Việt Nam.
Ý nghĩa tượng trưng của Đồng cổ hay Trống Đồng và Ý nghĩa của Cổ Mộ
hay Thiên Động trong Hai nền Văn minh Tối cổ Việt Nam, Văn Minh Đông
Sơn và Văn Minh Lạch Trường.
Văn minh Đông Sơn với Trống Đồng
Miền châu thổ Nhị Hà hay Hồng Hà, ngày nay là miền Bắc Việt vốn từ
ngàn xưa là nơi cố đô lịch sử của Việt Nam, có một địa lý tự nhiên
cùng khí hậu tách biệt hẳn với Trung Hoa, phía Bắc kể từ dãy núi Ngũ
Lĩnh trở lên, phía Tây là dãy Trường Sơn hay núi Ngang chạy từ Tây
Tạng xuống đến Cà Mau Nam Việt, chia cõi đất bàn đảo Đông Dương hay Ấn
Độ China thành hai khu vực Đông Tây rõ rệt.
Gần đây các nhà khảo cổ học khai quật tại Bắc Việt, phía Bắc Trung
Việt ở tỉnh Thanh Hóa một di tích cổ xưa của một nền văn minh có trước
khi Bắc Việt bị người Tàu đô hộ. Ấy là văn minh Đông Sơn cổ. Nay hãy
tuần tự nghiên cứu ý nghĩa văn hóa của từng đề tài một.
TRỐNG ĐỒNG- Tài Liệu Khảo Cổ Học
Trống đồng là những tài liệu quý giá cho xã hội học và nhân chủng học
cũng như cho văn hóa học và tiền sử học Việt Nam. Người ta bắt đầu tìm
thấy ở châu thổ Bắc Việt, một chiếc ở chùa Long Đội Sơn làng Ngọc Lữ
tỉnh Hà Nam và chiếc thứ hai đào được ở làng Hoàng Hạ, tỉnh Hà Đông
giáp giới với tỉnh Hà Nam, cách mặt đất 1,50m. Đấy là hai chiếc trống
toàn vẹn nhất.
Hiện nay các nhà khảo cổ học theo cách vẽ chạm trổ trên mặt trống có
xếp kiểu trống vào bốn loại; thứ nhất đều thuộc vào khoảng trước Tây
lịch kỷ nguyên. Đấy là loại cổ nhất. Theo ông Paul Levy, trường Viễn
Đông Bác Cổ thì “đại khái các trống này đã được chế tạo trong một khu
vực khá rộng, từ biên giới Hoa-Mông cho đến các đảo Tân Gui-nê ít nhất
là từ 2000 năm nay. Các trống đồng lớn bày ở Bảo tàng Hà Nội trước
1945 là những cổ vật mà viện Bác cổ tìm thấy ở Thanh Hóa, nhân dịp
khai quật kể suốt 20 năm. Lẫn với các trống đồng người ta còn tìm thấy
những tiền đồng đời Hán bên Tàu. Vì thế có thể định được niên đại: một
số các trống đào được đều thuộc vào loại 1 và chế tạo vào khoảng đầu
kỷ nguyên Dương lịch.
Trên mặt trống có nhiều hình vẽ. Nhất là sách Tàu chép rằng: xưa kia
dân ở miền đồng bằng Bắc Việt phía Bắc Trung Việt có chế tạo và sử
dụng những trống đồng mà hình dáng kể lại trong sách cũng tựa như các
trống ta thấy ngày nay. Bởi thế nên ta thấy rằng hình chạm và cách bài
trí trên mặt trống đối với các nhà sử học và nhân chủng học có một lợi
ích không phải nhỏ. Như thế thì hình dáng, quần áo, nhà cửa, thuyền
bè, khí giới, các đồ vật khắc trên trống đồng rất có thể là hình dáng
vật dụng của người Nam xưa kia. Mang so sánh ta thấy các cảnh trí ở
nhiều điểm giống cảnh sinh hoạt hiện thời của những dân tộc Nam Dương
(Indonésien) nên các hình vẽ trên mặt trống là những tài liệu lịch sử
quý giá cho sự khảo cứu về nguồn gốc dân tộc Việt. Paul Levy
“Ngoài ra xét cách trang trí phụ thêm vào các hình chính người ta thấy
rằng kỹ thuật làm các trống này nhất định có quan hệ với nghệ thuật
nhà Hán bên Tàu. Nhưng không phải thế mà có nghĩa Trung Hoa là nơi
phát sinh ra kỹ thuật mỹ nghệ trống đồng, vì có những bằng chứng chính
xác cho ta biết rằng chính thực mỹ thuật Đông Dương (Indo-Chine) còn
bị ảnh hưởng của văn minh Âu-Á (Eurasie) đầu tiên tràn xuống miền Nam
Trung Hoa và về sau tới phía Bắc Đông Dương. Mãi đến đầu kỷ nguyên Tây
lịch, nghệ thuật mới được nghệ thuật Trung Hoa đời Hán phát triển
thêm”
(Recherches préhistoriques dans la région de Mlu Prei P.Levy B.E.F.E.O
t.XXX 1943).
Thực vậy, chúng ta bây giờ biết chắc rằng vào khoảng thế kỷ thứ II hay
III trước kỷ nguyên nghệ thuật Trung Hoa thời Hán đã bị văn minh trung
bộ Á Tế Á ảnh hưởng rồi. vậy nếu ông V.Golouvew mang so sánh cách
trang trí trên các trống cổ với cách trang trí trên trống của thầy phù
thuỷ Mông Cổ, thuyết của ông rất hợp quan điểm khoa học ngày nay.
(Les tambours magiques en Mongolie. V.Goleubew B.E.F.O XXXII).
Trống đồng để ở Hà Nội mang trên mặt hình vẽ sáu chiếc thuyền, ở giữa
có những con chim lớn đậu. Các thuyền đều cùng một kiểu. Vỏ thuyền
khum khum vòng vòng nửa vành trăng. Ở giữa nhô lên một cái ụ có trang
trí, có lẽ là cột buồm. Giữa cái ụ với đuôi thuyền có một kiến trúc
mái phẳng, ở trong có một cái trống. Những trang trí ở mũi thuyền và
đuôi thuyền gợi lên hình ảnh cái đầu và đuôi chim. Thuỷ thủ của thuyền
là một số những chiến sĩ mang dao, cầm tên hay rìu, và hai người trong
số có một người đánh trống treo ở cột buồm, một người cầm mái chèo.
Một chiến sĩ đứng ở trên mũi thuyền, sẵn sàng bắn tên. Các đồng ngũ
cũng có vẻ rộn rịp. Toàn bộ cho ta cảm tưởng một cuộc giàn trận theo
nhịp trống, và người cầm lái đang đẩy mạnh khiến mái chèo uốn cong
trong tay y.
Nhìn kỹ đến cách trang sức của các nhân vật thì tất cả trừ người bắn
cung đều mặc áo lông chim hay khoác cánh chim dương lên không trung
như là những mào kỳ quặc.
Sự trá hình như thế chưa hết. Các đồ vật, khí giới, dụng cụ trên
thuyền cũng đều đội lốt, đến nỗi cái thuyền không còn hình dáng thông
thường của một chiếc thuyền nữa. Nhưng đấy không phải là một sự hóa
trang tầm thường, chắc hẳn là một sự biến cải tế nhị mà mục đích là để
minh chứng cái đồng nhất tính của một bộ lạc chiến sĩ với một con chim
vật tổ (totem). Theo sách Đường Thư do ông Hirth đã trích dẫn có ghi
trong các bộ lạc xứ Bắc Việt bây giờ dân Leao có cái đầu bay hay đầu
chim mà lễ nghi thi hành theo điệu trống đồng.
Mắt chim hình ra bằng các vành khuyên có chấm ở giữa, ngoài ý nghĩa
riêng còn là đề tài nhắc đi nhắc lại khắp các nơi khác ở đằng trước
thuyền, ở chỗ mà người ta thường thấy đôi mắt của ghe tam bản, ở trên
mái chèo, bánh lái, trên tất cả trang trí và ở mũi tên nữa. Trên mặt
trống cũng thấy những hình vẽ ấy, vành khuyên, lông cánh chim, khiến
người ta có cảm tưởng cái trống có đức tính siêu hình của các hình vẽ,
nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trên tang trống cũng thấy hình vẽ ấy có
quan hệ với tín ngưỡng thần bí và nghi lễ gì đầy vẻ ma thuật của một
đoàn thể cổ xưa.
Muốn hiểu ý nghĩa thần bí của các hình vẽ trên trống đồng Đông Sơn,
chúng ta phải so sánh với tục lệ dân Dayak trên đảo Bornéo. Dân này
rất ưa nghệ thuật cũng như dân miền thượng du Đông Dương mà họ là bà
con gần. Họ ưa chuộng những màu sắc sặc sỡ của hình vẽ than. Hinh văn
thân của họ là kiểu mẫu của nghệ thuật đồ hình (graphique) cũng như
những hoa dệt trên vải và chiếu chăn của họ. Họ có một thế giới tưởng
tượng riêng mà nguồn gốc xa xăm mờ mịt. Nhưng trong các đề tài xa xăm
ấy có một đề tài giống hệt với những hình ảnh thuyền trên trống đồng
Đông Sơn để ở Hà Nội; ấy là hình đảo Bornéo. Sau khi thôi không đi
biển nữa cái “thuyền vàng” biến thành thuyền “bát nhã” chở linh hồn
người quá cố sang hòn đảo cực lạc ở giữa Vân Hồ. Thuyền này do một vị
thần điều khiển gọi là “Tempong Telou”. Mũi thuyền và đuôi thuyền
phỏng theo đầu chim và đuôi chim Tingang (Buceros: cò) mà nó mang tên.
Cột buồm có lông chim làm chỗ đậu cho những con chim đưa đón người
chết. Một cái mái bồng ở sau thuyền chứa những trống và chiêng. Không
có người cầm mái chèo, người thuỷ thủ mang một cái dáo, chính “Tempong
Telou” cầm lái.
Xét kỹ những hình Dayak về đề tài thần bí này người ta càng thấy giống
với đề tài vẽ trên trống đồng Đông Sơn; nào cột buồm chim đậu ở giữa
thuyền, nào bài trí hình tượng chim, nào mạn thuyền chứ chiêng thay
cho trống thời xưa… Đấy là tất cả những hình vẽ trên trống đồng Đông
Sơn. Lại còn trên một hình vẽ Dayak, ở sườn thuyền có những hình vành
khuyên. Ý nghĩa ma thuật của cách bài trí ấy không còn nghi ngờ gì
nữa, vì là những hình thường thấy vẽ trên mộ và cửa nhà táng của dân
Dayak. Cũng cái đề tài ấy thấy vẽ trên văn thân gợi cánh chim Argus:
phuợng hoàng không lồ bay đi đôi với hình ảnh chim Buceros: cò, chim
của thuyền người chết, hay là “Thần nanh mỏ đỏ”. Như vậy ý nghĩa các
cảnh trí chạm vẽ trên mặt trống đồng có thể hiểu được nếu so với lễ
Tiwah là lễ tang ma chôn cất người chết của dân Dayak. Lễ ấy như lễ ma
chay siêu thoát cho linh hồn người chết khỏi bị trở ngại vì tục luỵ và
đưa đến sống an vui với cực lại, siêu hình sinh tịnh độ. Lễ suốt bảy
ngày, sửa soạn mất hàng tháng rất phức tạp, cần đến thầy cúng và bà
cột (blian).
Trước khi làm lễ Tiwah người ta phải làm một cái nhà sàn (sandong-
raung) kiểu nhà trên trời để linh hồn tinh khiết của người Dayak đến
ở. Xây cất cẩn thận như một nhà táng có trang hoàng tô điểm bằng những
hình ảnh linh thiêng ma thuật. Khi nhà cất xong người ta chứa đầy tặng
phẩm, dân làng tụ họp lại ở nhà bà con gần của người chết, mang theo
nhạc khí như khèn (Keluri) và trống đồng, trống đánh đổ hồi suốt đêm
ngày để xua đuổi tà ma và báo hiệu cho sự siêu thoát sắp đến của thần
chủ. Phù thuỷ, thầy cúng đuổi các chim thần nam đỏ mỏ canh gác rình
chờ linh hồn và đe dọa thu cướp lấy. Đồng thời người ta giã gạo để
cúng. Các loại nhảy múa, rước sách, cỗ bàn đóng vai trò trọng yếu
trong lễ Tiwah. Lễ đi đến một cực độ cực điểm vào lúc linh hồn sau khi
thu nhận lễ vật sắp bước vào thuyền chay bát nhã Tempong Telou.
Chính là một cảnh đám lễ ma chay giống hệt với lễ Tiwah ấy mà chúng ta
mục kích ở hình vẽ trên mặt trống đồng Đông Sơn vậy. Cũng nhà mồ hay
nhà táng với trang trí lông chim và hình vẽ vành khuyên, cũng phù thuỷ
đuổi chim “thần nanh đỏ mỏ” rình chờ linh hồn trên nóc nhà, kẻ đánh
trống, kẻ múa rước theo nghi lễ, kẻ giã gạo và cảnh thuyền bát nhã chở
linh hồn sang thế giới bên kia với khí giới và trống đồng. Như thế là
toàn thể cảnh trí biểu diễn đề tài duy nhất quan hệ với người chết và
tín ngưỡng linh hồn bất diệt. Trong tư tưởng dân Dayak thì linh hồn
người chết có cả một xã hội tựa như xã hội người sống. người chết rồi
cũng xây cất nhà, cũng cày ruộng và làm lụng như sinh thời. Cũng như
người sống, ở xã hội người chết nhòm nọ giúp đỡ nhóm kia, người chết
cũng vẫn giao dịch trao đổi việc làm với nhau. Người sống có thể giúp
đỡ người chết, cúng dâng thực phẩm, đồ vật nhu cầu và người chết cũng
lại phù hộ để người sống hoặc cho thuốc thần bí, cho bùa, phép để chữa
bệnh.
Như thế đủ thấy trống đồng Hà Nội với những hình vẽ phong phú đã chứng
minh một nền văn minh nguyên thuỷ còn lại di tích ở dân Dayak xứ
Bornéo tại quần đảo Nam Dương. Cả đến những đồ đồng khai quật được ở
Đông Sơn cũng có quan hệ với đồ đồng ở Nam Dương, điều ấy không có chi
lạ vì theo công cuộc khám phá của ông H.Keru người ta chứng minh từ
lâu rằng: “dân Mã Lai- Polinesien- với các chủng tộc ở Đông Dương
thuộc về cùng một chủng tộc. Người ta đã thấy những sọ người
Indonesien ở tỉnh Ninh Bình và Hòa Bình phía bắc đồng bằng Bắc Việt
ngày nay”. Và ông L.Finot đã kết luận về trống đồng kiểu Hà Nội rằng:
“những đồ đồng xưa phô bày hình ảnh một dân tộc canh nông săn bắn,
thuỷ thủ thờ vật tổ mà cách ăn mặc không còn thấy ở Đông Dương, nhưng
trái lại, lại thấy ở trên các hải đảo Thái Bình Dương. Phải chăng
chính đấy là dân tộc Indonesien mà về ngôn ngữ chủng tộc đã từng sống
trên bán đảo Đông Dương rồi bỏ bán đảo lại cho dân mới đến để đi sang
những quần đảo trong Thái Bình Dương. Trên bán đảo Đông Dương chỉ còn
lại dấu tích về ngôn ngữ cùng phong tục mà chúng ta quên dần đi”
(B.E.F.O XXIX 1929. L’Age de bronze au Tonkin et dans le Nord Annam.
Victor Goloubew).
Và ông Olov Janse, trong những bài giảng ở trường Văn Khoa Đại Học Sài
Gòn về nguồn gốc văn minh Việt Nam, có kết luận về cổ tích Đông Sơn
như sau:
“Trên năm trăm năm trước T.C, đã sống ở đây (Bắc Việt chung quanh Đông
Sơn, Thanh Hóa) một dân tộc thuộc giống Mã Lai cổ sơ, tức là tiền nhân
của dân cư miền núi mà ta quen gọi bằng danh từ đáng tiếc là Mọi; dân
tộc ấy cũng coi như tổ tiên của dân Dayak ở Bornéo. Thời ấy dân tộc
kia chưa vượt quá trình độ Thạch khí thời đại. Nhà cửa của họ là những
nhà tranh làm theo kiểu nhà sàn cao cẳng, trên bờ sông, căn bản kinh
tế của họ là nghề đánh cá, săn bắn và canh nông thô sơ ấu trĩ. Người
thời ấy tin linh hồn vật linh (aministe) và đi săn đầu người. Đồ gốm
của họ rất thô sơ, gồm chum vại có quai nung chưa kỹ và không có trang
trí.
“Vào khoảng 500 tr.TC, tình trạng ấy thình lình biến đổi do những yếu
tố văn hóa mới mang lại. Dân Đông Sơn lúc ấy học được cách dùng kim
khí, cách làm đồ nữ trang và bùa bằng thứ đá khá quý giống loại ngọc
bích. Bấy giờ đồ gốm của họ đã tốt hơn, có trang trí với những mẫu
theo hình học. Đồng thời cũng đã xuất hiện những kiểu trống lớn bằng
đồng đỏ có những mẫu trang trí tượng trưng loại hình học, hoặc phỏng
theo hình người, hình thú hay nhắc lại những buổi lễ tôn giáo. Những
hình trang trí trên những mẫu trống ấy chứng tỏ những quan niệm tôn
giáo khá phát triển gồm có sự tôn thờ Trời và Mặt Trời…
“Vào giữa thế kỷ thứ I sau T.C, văn minh Đông Sơn đã phải chịu một
thất bại nặng nề gây nên bởi cuộc xâm lăng của Tàu.
“Theo sử ký (Annales) người Tàu đã bắt đầu, từ thế kỷ thứ IV tr.cn, du
nhập vào Bắc Việt tuy mới có thiểu số. Đấy là những lái buôn, thợ
thuyền và hình như họ được tiếp đãi tử tế. Sau này vào đầu kỷ nguyên,
chính phủ Trung Hoa, đã gởi đến nhiều nhà cai trị, biến dần xứ này
thành thuộc địa. Nhân dân đã nổi dậy kháng cự. Dưới sự điều khiển của
hai chị em bà Trung, quân Hán đã bị đuổi ra khỏi biên giới. Để trả thù
sự thất bại ấy, vua Tàu đã gởi vào năm 43 s.cn nhiều đội quân do tướng
Mã Viện chỉ huy để chinh phục lại xứ này. Theo sử chép, một trong
những đạo quân đã vượt xuống miền châu thổ Thanh Hóa, dọc theo lưu vực
sông Mã, nơi vị trí của làng Đông Sơn. Chắc hẳn lúc ấy làng Đông Sơn
đã bị cướp bóc và thiêu huỷ. Cuộc chém giết rất ghê tởm. Hàng ngàn
người bị giết hay bị bắt là nô lệ. Một vài lãnh tụ với một nhóm đồng
ngũ cũng đã chạy thoát. Biến cố lịch sử ấy đã đánh một dòn rất nặng
vào nền văn minh Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam… Nhưng nếu văn minh Đông
Sơn đã bị suy sụp tại Bắc Việt vì cuộc xâm lăng của quân tàu, nó vẫn
còn sống sót lại ở nơi khác trong khu vực Đông Nam Á, nhất là nơi các
cư dân miền núi. Ở đây chỉ cần đơn cử một vài tỉ dụ như là những nhà
sàn theo kiểu Đông Sơn. Cũng có thể rằng người Mọi cũng như giống
người khác gọi là Indonesien chẳng hạn, như dân Dayak ở Bornéo, đã giữ
lại trong tín ngưỡng phong tục tập quán của họ những yếu tố nguồn gốc
tự thời Đông Sơn. Nhiều hội hè tôn giáo ngày nay các dân tộc ấy vẫn
còn cử hành nhắc nhở đến những cảnh tượng hình dung trên mặt trống
đồng Đông Sơn. Bởi vậy sự chế tạo trống đồng này vẫn còn tiếp tục cho
đến ngày nay; người ta không lấy gì làm lạ khi thấy rằng ở nhiều địa
phương hiện còn cô lập, có những quan niệm tôn giáo và những tư tưởng
liên quan đến trống đồng đs. Chúng ta cũng có thể tự hỏi phải chăng
một vài kỷ nịem về hội hè tôn giáo đs chẳng còn tồn tại ở Bắc Việt
ngày nay trong những hội đầu mùa, mà vào dịp Tết là một hội đầu mùa,
mà trọng yếu nhất người ta chẳng đã luôn luôn mở đầu bằng một hồi
trống?” (Thuật theo "Việt Nam Carrefour de peuples et de civilisations
trang 1648-1651, Olov Janse ed France Asie).
Trên đây đại khái khảo cổ học cho ta thấy đặc trưng của nền văn minh
đs là trống đồng hay đồng cổ của nhóm dân tộc cổ sơ trên châu thổ Bắc
Việt ngày nay trước khi bị làn sóng di dân từ Tây Bắc lục địa châu Á
tràn xuống bờ biển và hải đảo Đông Nam Á. Dân tộc ấy thuộc về hệ thống
chủng tộc Indonesien-Malainesien-Polynesien rải rác khắp Thái Bình
Dương. Trống đồng ấy cho ta biết trước hết về tín ngưỡng của dân đs
bấy giờ là tín ngưỡng linh hồn (animiste), vật tổ (totemiste) mà trống
đồng là dụng cụ mô tả cuộc sinh hoạt tập thể về đường tinh thần. Muốn
hiểu thêm về phong tục tập quán của nhân dân thời đs, của văn minh
trống đồng, chúng ta hãy xét tài liệu sử ký và thần thoại có liên quan
tới trống đồng.
Tài liệu sử ký, thần thoại
Trong quyển “Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa” (Trung Hoa tùng thư), La
Hương Lâm gần đây có viết:
“Thời cổ, văn hóa của Việt tộc rất đáng được người ta chú ý là sự chế
tạo trống đồng với cách sử dụng. Và trống đồng của Việt tộc lại phải
lấy kiểu Lạc Việt làm thịnh nhất, cho nên gọi là Lạc Việt đồng cổ.
“Các học giả và quan chức Trung Quốc chú ý đến vật ấy bắt đầu từ thời
Hậu Hán. Sách “Hậu Hán Thư”, quyển 54, mục truyện Mã Viện chép: “Viện
thích cưỡi ngựa, khéo phân biệt ngựa có danh tiếng. Đi đánh chiếm Giao
Chỉ, lượm được trống đồng Lạc Việt, bèn đúc làm con ngựa kiểu”.
Trống đồng của Việt tộc thời cổ là do thợ bản xứ chế tạo lấy chứ không
phải thợ của bộ lạc khác hoặc thuê thợ Tàu. Xét đồ đồng của Tàu trước
thời Tần, Hán tuyệt không thấy có cái loại chế tạo trống đồng, và các
dân tộc lân cận đều không thấy sự trù tạo trống đồng làm đồ quý, đủ
biết trống đồng hoàn toàn của Việt tộc làm ra vậy. đến như dụng ý của
người Việt chế tạo trống đồng để làm gì thì theo học giả xưa ghi chú,
đại khái đều bảo là để giúp người thủ lĩnh có thế lực hiệu triệu quần
chúng cùng là để hoan nghênh thần thánh, xua đuổi bệnh tật ma quỉ và
cầu đảo. Sách “Tuỳ Thư Địa lý chí” viết:
“Từ núi Ngũ Lĩnh đến hơn hai mươi quận phía Nam, các rợ đều đúc đồng
làm trống lớn. Khi mới hoàn thành treo ở giữa sân, đặt rượu để mời
đồng bào. Người đến dự có trai gái nhà giàu lấy vàng bạc làm chiếc
thoa lớn, cầm đánh vào trống, xong rồi để lại cho chủ nhân gọi là thoa
đồng cổ. Chúng hay chém giết lẫn nhau gây nhiều thù oán. Muốn đánh
nhau thì đánh vào trống ấy, người kéo đến cuồn cuộn như mây vần. Kẻ
nào có trống gọi là Đô Lão, quần chúng đồng tình suy tôn và tòng
phục”.
Trong sử nhà Minh có truyện Lưu Hiển, năm đầu Vạn Lịch đi đánh dẹp Từ
Châu thu phục được 60 trại, bắt được trống đồng Chư Cát tới 93 chiếc.
Tây man A Đại khóc mà rằng: “Tiếng trống lớn là quí nhất, có thể đổi
được ngàn trâu, thứ đến có thể đổi được lấy bảy tám trăm trâu. Ai được
hai ba chiếc trống thì có thể tự xưng là Chúa. Đánh trống đồng lên ở
sơn trại tức là quần chúng Man dân tụ tập lại. Nay hết rồi, trống mất
thì mệnh vận của dân Man suy vi vậy.
Như thế đủ thấy Việt tộc hay miêu duệ ủng hộ người có trống đồng lên
làm thủ lĩnh, cho nên đúc trống đồng để tỏ mình là thủ lĩnh quần
chúng.
Ngoài tượng trưng cho cái thế lực thủ lĩnh vì thanh âm vang dội, trống
đồng còn dùng vào việc tế lễ, múa hát hoan lạc, tập hợp, mời thần, cầu
đảo, xua đuổi bệnh tật, đấy là sinh hoạt tất yếu của Việt tộc thời cổ
xưa. Bồ Tát Tôn Quang Hiến vịnh về Nam man có câu:
Đồng cổ dữ man ca
Nam nhân kỳ tài đa

Trống đồng với ca Mường
Người Nam tế lễ thường.
Nhưng khởi thuỷ thời cổ xưa khi Việt tộc chế tạo ra trống đồng còn có
quan hệ với tín ngưỡng ma thuật thiên nhiên như thờ Thần Sấm, Thần
Mưa. Xét trên mặt trống đồng thường có đúc hình thể ếch nhái hay thiềm
thừ (cóc), e rằng nhân cầu mưa mà làm vậy. Ngày nay ở các đất Hoa Nam
người ta đều nhận ếch, nhái hoặc cóc làm động vật trời mưa, bảo rằng
cóc ở trong hang ra thì trời ắt mưa to. Như thế vì nhận lúc trời sắp
mưa tự nhiên có triệu chứng báo trước, cóc và ếch nhái có cảm giác mau
lẹ tìm tránh nước xâm nhập cho nên bỏ hang trước mà đi. Thời ban sơ
nhân dân trọng vu thuật thần giao cách cảm, thấy cóc ra thì có mưa,
mới tin cóc nhái có quan hệ với nước mưa. Muốn cho trời mưa họ khiến
cho cóc nhái xuất hiện. Thời xưa Việt tộc hay miêu duệ đúc tạc hình
cóc nhái trên mặt trống đồng theo lý giả ma thuật của người ban sơ mà
suy ra ấy là ý muốn dùng để cầu mưa vậy. Nhưng Việt tộc thời xưa chế
tạo trống đồng bắt đầu từ tín niệm về Thần Sấm, Thần Sét của tiền nhân
họ thời thượng cổ. Xét cổ tích dân tộc nhà Hạ đối với Sấm và trống có
tín niệm liên hệ với nhau thì biết rằng nguyên lai tự đâu. Việt tộc
đối với tín niệm về Thần Sấm có hai sự kiện để là bằng chứng:
1. Dân người Lê ở đảo Hải Nam bảo thời cổ xưa loài người do Sấm nuốt
trứng rắn mà sinh ra. và nguyên lai vẽ mặt của chúng cũng do Lôi Công
(Ông Sấm) lập pháp lệnh cho chị em hai người kết hôn lúc ban sơ.
Truyền thuyết của dân Lê đảo Hải Nam kể rằng: “Thời thượng thượng cổ,
trời đất hỗn mang, sinh vật trên trái đất hết thảy bị vùi dập, nhân
loại cũng chung một tai ách ấy, chỉ còn lại một chị với một em nương
nhau mà sống. Nhưng tình chị em thân như chân tay, rút cục không thể
lấy nhau được. Bấy giờ chị đi tìm chồng một đường, em đi tìm vợ một
nẻo, kẻ đi về Đông, kẻ đi về Tây, lâu rồi mà chẳng còn gặp được ai,
rút cục chị em lại gặp nhau. Một lần, hai lần đều thế. Thần Lôi Công
thấy thế hiện thân xuống gọi người em bảo: nay ta ở tại đây, hai người
có thể kết làm vợ chồng được. Người em bảo: chị em không thể lấy nhau
được, làm thế bị ông Sét đánh chết. Lôi Công nói: Chính ta là thần
Sét, quyết không đánh các ngươi. Người em khăng khăng nhất định không
theo lời, cho là không thể được, lại bỏ đi tìm vợ. Bấy giờ Lôi Công
mới đem vẽ đen mặt người chị. Người em đi mãi lại gặp người chị, nhưng
lần này bôi mặt nên không còn nhận biết là ai mới đến cầu hôn. Từ đấy
chị em lấy nhau mới sinh đẻ đông đúc ra giống người Lê ngày nay.
2. Chứng cứ thứ hai về tín niệm Thần Sấm của Việt tộc là tục rước lửa
ngày 24 tháng 6 của giống người Cức-di đất Xuyên, Diều. Họ học tập,
ban đêm đốt đuốc dong chơi, vui đùa suốt sáng. Theo Vương Thành Trúc,
tạp đàm về dân tục miền Phúc Kiến, An Khê thì ngày 24 tháng 6, cả một
ngày hôm ấy tục là ngày đản nhật của Lôi Công, rất nhiều nông gia
trong dân gian cúng bái. Lúc cúng thì cũng cúng cả đức Mẫu Điện Quang.
Đấy là tiết rước lửa của dân Cức-di kỷ niệm Lôi Công, mà cầm đuốc rong
chơi cũng để tượng trưng cho sấm chớp.
Sấm nuốt trứng rắn, sấm sai vẽ mặt, cùng tục rước lửa chơi đêm đều là
tục truyền không phải của hệ thống văn hóa Trung Hoa truyền bá ra. Đấy
là tục truyền của Việt tộc thời cổ xưa để lại hay biến thái đi vậy. Kỷ
niệm Ông Sấm thì luôn luôn cùng với tín niệm trống đồng liên đới. Điều
ấy phù hợp với đoạn sách Luận Hành, thiên Lôi Hư của Vương Sung.
“Vẽ một người với dung mạo lực sĩ gọi là Lôi Công, tay phải cho đeo
trống, tay trái cho dương cùi đánh trống, ý nghĩa ngụ rằng: tiếng sấm
ầm ầm là tiếng trống liên hồi vậy”.
Lại còn lời trâm của Vân Động Khê ghi rằng: “Người ta truyền tụng
trống đồng có thần. Trống của một động này bị người của động kia lấy
đi, đêm thấy có hổ xuất hiện cắn người, đuổi theo thì thấy cái trống,
đem trả lại thì được yên tĩnh”.
Đến như mặt trống có nhiều nét chạm theo hình sấm chớp thì lại càng
thấy rằng thời cổ người Việt đúc trống đồng không phải không có ngụ ý
ký thác vậy. (Thuật theo Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa. Trung Hoa
tùng thư, tháng 12 năm 44 Dân quốc, trứ giả Giáo thụ La Hương Lâm).
Nay hãy xét xem thư tịch Việt Nam liên quan đến đề tài trống đồng hay
đồng cổ của văn minh Đông Sơn. Sách “Đại Nam nhất thống chí”, tập
thượng, mục tỉnh Thanh Hóa, nói về các đền miếu, có nói đến Đền thờ
thần Trống Đồng “Đồng cổ thần từ”: “Ở trên núi Đan Nê thuộc huyện An
Định (có tên gọi là núi Khả Lao), ngày xưa vua Hùng Vương đi đánh
Chiêm Thành đóng quân ở núi Khả Lao, đêm mơ thấy Thần báo mộng bảo vua
rằng: - Xin có cái trống đồng và dùi đồng giúp nhà vua thắng trận phen
này. Đến lúc ra trận thì thấy trên không văng vẳng có tiếng trống
đồng, rồi quả nhiên vua được toàn thắng. Vua bèn sắc phong làm Đồng Cổ
Đại Vương.
Đời vua Thánh Tôn nhà Lý, khi còn làm thái tử (1020) vâng mạng đi đánh
Chiêm Thành, đêm mơ thấy một người mặc áo nhung, tay cầm bảo kiếm, tâu
rằng:
- Tôi là Thần núi Đồng Cổ xin theo để lập công cùng Thái tử.
Tới khi bình được giặc, liền lập miếu để thờ. Sau khi Thái tử lên
ngôi, lại mộng thấy Thần mang bài thơ đến bao cho biết là có ba vị
Vương định gây sự biến, rồi sau quả nhiên hiện có thực sự. Nhân thế,
liền phong làm chức “Thiên Hạ Minh Chủ”, nghĩa là “Chủ đồng minh của
thế giới”, thăng lên làm Thượng Đẳng Thần và hàng năm bắt đắp đàn ở
trước cửa đền, sai các quan đến lễ và đọc lời tuyên thệ như sau:
“Thần tử chi đạo, hệ hồ cương thường, vi tử bất hiếu, vi thần bất
trung, thần minh mạc giám, diễn diệt kỳ môn”.

“Đạo làm tôi con cốt ở luân lý cương thường. Làm con không hiếu với
cha mẹ. Làm bầy tôi không hết lòng với nước với vua, xin thần minh
ngầm xét tru diệt cả nhà…”
Khoảng đầu nhà Lê Trung Hưng (1561) quân Mạc xâm chiếm các huyện Vĩnh
Ninh, An Định, thuyền quân nhà Lê đóng ở thượng lưu sông Mã, đương đêm
vẳng nghe có ba tiếng trống ở ngoài trăm dặm, tướng nhà Lê liền sai
người trinh sát mới biết là tiếng trống do tự núi Khả Lao phát ra. Đến
sáng hôm sau quân Lê theo đánh quân Mạc, trong khi giao chiến, bỗng có
nước trào dâng lên rất mạnh, quân nhà Lê bèn thừa thế dong buồm thẳng
tiến, khí thế hăng hái bội phần, làm cho quân Mạc phải thua bỏ chạy.
Khoảng năm Hoằng Định (đời vua Lê Kính Tôn, 1600) trong tờ sắc phong
Sơn Thần có câu: “Trên sông sóng gió giúp cho trận thắng của tam quân”
tức là truyện này vậy.
Khoảng năm Cảnh Hưng (đời Lê Hiển Tôn, 1740) thường thấy có các tàn
vàng hiện ngay trên quán triều thiên, suốt ba ngày mới tan. Lại có một
hôm vào buổi gần chiều tối, trong miếu bỗng có mây đen lại khắp tứ
phía, rồi mưa gió nổi lên đùng đùng, có người ở đằng xa nom lại thấy
con rồng đen từ trên trời quanh co lượn xuống; đến sáng sớm mai ra xem
ngoài miếu thì có vẩy rồng vẫn còn rải rác trên sân miếu. Đó đều là
những linh tích hiển nhiên nhiều người cùng biết. Trải qua các đời nhà
Lý và Lê, mỗi khi vào khoảng đầu năm xuất quân, các tướng sĩ hội thề
thì lại rước thần để chứng giám cuộc lễ. Quan Thái phó triều Lê là
Nguyễn Văn Khải nhân có bài thơ sau:
Đài phong củng chiếu thủy loan hoàn
Dục tú chung tinh tại thử gian
Đàn thượng phiên biều tiêu hạn bạt
Khôn trung xao cổ tẩu cuồng man
Qui bi thạch triện kinh sương lục
Phượng trát kim chương chiếu nhật đan
Kim cổ điệt canh kỳ kỷ cục
Lẫm nhiên chính khí cựu giang san.

Tạm dịch:
Non Đài chầu lại nước bao vây
Chung đúc anh linh tại chốn này
Bầu giốc trên đàn mưa tưới khắp
Trống khua trời thẳm giặc tan bay
Bia rùa, triện đá ngàn sương biếc
Trát phượng, niêm vàng chói nắng gay
Kim cổ cuộc cờ bao xóa đổi
Lẫy lừng chính khí nước non dầy.
Trong đền có một cái trống đồng, nặng ước 100 cân, đường kính hơn 1
thước 5 tấc, cao hơn 2 thước, trong rỗng, không có đáy, bên tai hơi
khuyết, trên mặt có 9 vòng khuyên, lưng thắt mà rốn kín, bốn bên có
giây khắc chữ thập ngoặc, có văn như lối chữ khoa đẩu nhưng lâu ngày
không thể trông thấy rõ. Tương truyền khi Tây Sơn vào đánh miền đó,
cho chở cái trống ấy vào Phú Xuân. Sau đó huyện Hậu Lộc lại bắt được ở
nơi bến sông, rồi báo về tỉnh, tỉnh bắt đem nộp trả về đền. Hiện nay
vẫn còn tại đó. Xét trong Hậu Hán Thư có nói khi Mã Viện sang Giao Chỉ
có được một cái trống của Lạc Việt. Lại trong Quảng Châu Ký có nói:
“Tục Mán, Mèo đúc đồng làm trống, càng cao càng quý; rộng chừng hơn
trượng. Khi mới đúc xong treo ở giữa sân, đặt tiệc rượu mời con trai
con gái các nhà phú hào tới lấy vàng bạc đúc những cành thoa lớn để gõ
vào trống, rồi những cành thoa ấy lưu lại cho chủ nhân”. Và trong Tuỳ
Thư cũng nói: “Các họ Mán hay đúc những trống đồng to, khi có việc
đánh trống lên thì mọi nơi kéo đến như nước. người có cái trống đó gọi
là Đô Lão. Trống đúc cao chừng ¾ thước, có mặt không có đáy, tiếng kêu
cũng không to lắm. Gọi tên là trống Chư Cát, cho là Chư Cát Khổng Minh
chế ra vậy”.
“Trong sách Minh Nhất Thống Chí lại cho là cái chiêng của Chư Cát khi
đi đánh Man Di. Xem đó thì trống đồng đã có từ thời Đông Hán, mà không
phải là bắt đầu từ đời Khổng Minh mới có”. (Đại Nam Nhất Thống Chí-
tỉnh Thanh Hóa, tập Thượng, Văn Hóa tùng thư tập 4).
Lê Quý Đôn cũng chép trong tác phẩm “Kiến Văn Tiểu Lục” của ông: “Vua
Thái Tông nhà Lý dựng miếu thờ thần Đồng Cổ Sơn ở đằng sau chùa Thành
Thọ. Hằng năm cứ đến ngày mồng 4 tháng 4 lập một đàn ở trước miếu này,
rồi dàn binh lính, đọc lời thề để quần thần cùng thề. Đến vua Nhân
Tông thì họp quân nhân trong thiên hạ thề ở sân Long Trì.
“Vua Nhân Tông lại định lệ: Hàng năm cũng theo ngày mồng 4 tháng 4,
sáng sớm hôm ấy đức vua ngự ra cửa bên điện Đại Minh, quần thần đều
vận binh phục tới lễ hai lễ rồi lui ra. Các quan đi đều có xe ngựa,
binh lính theo đi ra lối cửa Tây thành rồi đến hội thề ở miếu Đồng Cổ
Thần. Quan Kiểm Chánh đọc lời thề rằng:

“Vi thần tận trung vi quan thanh bạch”
“=Làm bầy tôi thề hết lòng, làm quan thề trong sạch!”
“Thề xong quan Tể tướng kiểm điểm từng người, nếu ai vắng mặt phải
phạt 5 quan tiền.
“Lễ này thời ấy cho là một lễ rất thịnh vậy!”
(Kiến Văn Tiểu Lục, tr.113-114. Lê Quí Đôn – bản dịch Lê Mạnh Liêu –
tủ sách dịch thuật 1963)
Ngụ ý triết học của Trống Đồng
Trên đây là một số tài liệu liên quan đến trống đồng, từ tai liệu khảo
cổ học, cho đến tài liệu sử học, văn học, thần thoại tục truyền. Qua
những tài liệu ấy chúng ta có thể tìm thấy ngụ ý triết học đầu tiên
của dân tộc từ điểm khởi phát của bộ tộc Đông Sơn đến quá trình chuyển
biến của dân tộc trưởng thành.
Trống đồng đã tập trung tất cả tinh thần văn hóa Lạc Việt thời đại
Đông Sơn, tức là thời kỳ mà Việt tộc mới chỉ là một bộ lạc ấu trĩ, các
phần tử còn sống chìm trong tinh thần vật tổ thần bí. Vật tổ ấy là con
chim Hồng Lạc hay Lạc Hồng (Bucéros hay Argus) theo các nhà khảo cổ
học, mà ngày nay người ta còn mường tượng qua hình ảnh con cò, nhất là
qua hình ảnh người thôn nữ Bắc Việt, chít khăn mỏ quạ, khoác cái áo
tơi lá gồi, lom khom dưới ruộng lúa trời mưa. Vậy ở thời vật tổ tất cả
những phần tử Lạc Việt đều tự đồng nhất với con chim vật tổ, chỉ có
một ý thức là ý thức vật tổ, chỉ có một mệnh lệnh tối cao là mệnh lệnh
vật tổ, không một cá nhân nào tự ý thức mình còn là cái gì một khi rời
khỏi hồn thiêng vật tổ. Vật tổ bấy giờ hoàn toàn thay thế, đại diện
cho Việt tộc, là hiện thân hồn nước.
Nhưng rồi chẳng bao lâu, khi biết dùng kim khí, nhân dân Lạc Việt
Đông Sơn đã chế tạo ra được cái trống đồng, và từ đấy về sau cái ý
thức rất linh thiêng nhưng bàng bạc của vật tổ đã được cụ thể hóa ra
hiệu lệnh của tiếng trống đồng, hầu như vật tổ đã nhập vào cái trống
đồng rồi vậy. Bởi thế mà trống đồng là dấu hiệu của quyền thế chúa tể
quần chúng, tù trưởng bộ lạc, lãnh tụ đoàn thể, nổi hiệu trống để kêu
gọi nhân dân, điều động ba quân, nào trống thúc quân, trống thu quân,
trống cầm canh, trống ngũ liên, trống thu không, tất cả sinh hoạt của
đoàn thể hầu như khuôn theo nhịp trống. Bởi vì tiếng trống đồng vang
động như tiếng sấm, nên cũng có quyền năng uy lực siêu việt. Do đấy mà
nhân dân coi trống đồng như một thần lực, mỗi khi đánh lên, âm thanh
có thể động tới cõi u minh, linh thiêng huyền diệu. Tục ngữ Việt Nam
nói “đánh trống qua cửa nhà sấm” cũng là nói đến cái năng lực ma thuật
của tiếng trống với tiếng sấm là một quyền năng thiên nhiên được các
dân tộc cổ xưa thần thánh hóa, như ở Ấn Độ thần Sấm Indra là Thần
quyền thế điều khiển vũ trụ vậy.
Vì trống đồng dùng làm trống trận, cụ thể hóa cái ý thức vật tổ thần
bí tức là ý thức đoàn thể dân tộc, cho nên tiếng trống càng có hiệu
lực, uy linh, đại diện cho tiếng nói của đoàn thể, mà sớm được thần
hóa phụng thờ như một thần linh thay vì vật tổ như là ý chí tối cao
toàn năng của quốc gia vậy. Nhân dân đã dựng đền thờ, hằng năm hương
khói cúng tế. Hơn thế, đến khi dân tộc đã quật cường bằng xương máu
của biếtbao liệt nữ, anh hùng thì ý thức tập thể quốc gia càng trở nên
uy linh để bảo vệ đất nước, nhà vua với quần thần lãnh đạo quốc gia
càng phải đồng tâm nhất trí, cho nên Thần Đồng Cổ tức Thần Trống Đồng
đã được gọi lên làm chứng cho lời thề trung thành với tổ quốc của quần
thần một triều đại, vì Thần Trống Đồng cũng như Thần Sấm, Thần Sét
biểu thị ý chí toàn dân, có uy lực tru diệt kẻ phản quốc, phản dân
tộc. Vì thế mà nhân dân đã chọn ngày mồng 4 tháng 4 hàng năm để cho
quần thần uống máu ăn thề, vì Thần Trống Đồng đã đồng nhất hoàn toàn
với Thần Sấm, hàng năm chỉ bắt đầu lên tiếng vào giao tiết cuối xuân
sang hạ, báo hiệu nhân dân nông nghiệp sắp có nước để cày cấy.
Xem như thế thì lịch trình biến hóa ý nghĩa tượng trưng của Trống Đồng
đã theo sát với lịch trình tiến hóa ý thức quốc gia dân tộc của Việt
tộc. Từ một bộ lạc với ý thức vật tổ thần bí thời đại Đông Sơn, Việt
tộc đã tiến đến ý thức quốc gia sau khi mở rộng khu vực định cư, tăng
mật độ nhân khẩu, sáp nhập các bộ lạc vật tổ khác. Lúc đầu mối liên hệ
giữa bộ lạc với bộ lạc còn rời rạc như thời nhà Ngô, nhà Đinh, dần dần
liên hệ trở nên vững chắc kiên cường với nhà Lý, nhờ sự tăng tiến thế
lực của vai trò lãnh đạo càng ngày càng trở nên hiện thân cụ thể cho
uy quyền quốc gia. Bởi thế mà bắt đầu với nhà Lý mới có nghi lễ (uống
máu ăn thề) của quan chức hứa trung thành với nhà vua, trong sạch với
nhân dân trước đền thờ Thần Đồng Cổ, nhà xã hội học viết: “Sự trung
thành với nhà vua là một liên hệ chính trị cơ bản… Dân tộc đồng nhất
với triều đại, do một hiện tượng tương tự với hiện tượng chuyển giao
tất cả thế lực của tín ngưỡng cổ xưa phát xuất ra, tất cả thần lực
huyền bí của vật tổ cho các vua chúa đầu tiên”.
(Frazer – les origines magiques de la royauté)
Trên lịch trình tiến hóa ý thức dân tộc mà nhà xã hội học nhận thấy
trong lịch sử tiến hóa của tất cả các xã hội nhân loại nói chung, thì
ở đây cái ý thức dân tộc của Việt tộc cũng tiến hóa theo cái định luật
chung của xã hội học, nhưng chỗ riêng biệt của Việt tộc là trên lịch
trình tiến hóa về ý thức dân tộc nó cũng mang theo sự tiến hóa về ý
nghĩa tượng trưng của trống đồng từ chỗ tượng trưng cho uy lực thủ
lĩnh, tù trưởng một bộ lạc, đến dụng cụ của việc cúng tế, múa hát hoan
lạc, mời thần, cầu đảo, để rồi trở nên một vị Thần linh đại diện cho
hồn nước, cho ý chí thiêng liêng mãnh liệt như sấm sét của dân tộc,
của quốc gia để bảo vệ lòng trung tín của con dân đối với Tổ quốc, của
triều đình quan chức đối với nhà vua, thủ lãnh của dân tộc. Vậy trống
đồng quả là tượng trưng cho tinh thần dân tộc của Việt Nam, cái ý chí
độc lập tự cường qua thời gian và không gian vậy.
Cái ý chí dân tộc ấy tập trung cả vào người lãnh đạo mà lý tưởng đã
được nông dân Việt Nam chất phác phô diễn qua truyện cổ tích phổ
thông, truyện Bánh Chưng Bánh Dầy. Qua truyện ấy chúng ta thấy vai trò
lãnh đạo lý tưởng của nông dân, trước hết có một tin tưởng mạnh mẽ vào
linh hồn tổ tiên bất tử, hàng năm lấy kết quả mồ hôi nước mắt của nông
dân dâng lên kỷ niệm với ý nghĩ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước
thì nhớ đến nguồn”. Người lãnh đạo ấy cũng phải coi thiên hạ quốc gia
là của chung, không phải của riêng một nhà, một họ cho nên Hùng Vương
không nhường ngôi cho con trưởng, mà là cho người có tài, có đức,
thông hiểu phương pháp tổ chức xã hội kinh tế của nông dân, thích ứng
với thiên thời, địa lợi và nhân hòa như tượng hình vuông tròn của Bánh
Chưng Bánh Dầy đã hàm ngụ ý nghĩa
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.
(Nguyễn Du)
Hay là:
Trời thời, đất lợi lại người hòa.
(Phan Thanh Giản)
Quan niệm vai trò lãnh đạo dân tộc ấy quả in sâu vào tâm khảm giới sĩ
phu Việt Nam trải qua các thời đại lịch sử, thời bị đô hộ cũng như
thời được độc lập; chỉ cần chúng ta kê cứu hành động và tư tưởng các
minh quân lương tướng Việt Nam không hiếm, thì đủ thấy chứng minh vậy.
Nhưng tinh thần dân tộc ấy không phải và cũng không có thể biến thành
chủ nghĩa quốc gia dân tộc quá khích bế quan vì không phải một mình
trống đồng tượng trưng nền văn minh Đông Sơn là nguồn gốc khởi thuỷ
của tư tưởng Việt Nam. Bên cạnh nền văn minh thứ hai, văn minh Lạch
Trường, mà đặc trưng là cổ mộ phỏng theo hình dung các động thiên tạo
hay Thiên Động. Ấy là nguồn gốc khởi thủy thứ hai của tư tưởng Việt
Nam, nguồn gốc có một ảnh hưởng chẳng kém phần quan trọng so với nguồn
gốc thứ nhất trên đây.
Văn minh Lạch Trường với nhà mồ Thiên động
Khảo cổ học. Giáo sư Olov Jansé, trình bày kết quả công trình khảo cổ
về nguồn gốc văn minh Việt Nam đã viết về văn minh Lạch Trường như
sau:
“Thời kỳ thứ hai được tiêu biểu bởi thứ kỹ nghệ gọi là kỹ nghệ Lạch
Trường, và đại để thuộc ba thế kỷ đầu trước và sau Thiên Chúa. Sự phân
phối về địa lý của kỹ nghệ ấy, bao gồm Bắc Việt, một phần Trung Việt
và một vài vùng khác chưa được xác định rõ của miền Tây Nam Trung
Quốc. Văn minh đó phần lớn thuộc giống người gốc Thái”. (Nguồn gốc văn
minh Việt Nam – Olov Jansé, Đại học Huế xuất bản tr.6)
Và ông viết tiếp: “Khi chúng tôi bắt đầu công việc (1934-1939) thì ông
giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ đã giao phó cho tôi điều khiển công
cuộc tìm kiếm cổ mộ trong tỉnh Bắc Ninh, cách ít chục cây số về phía
đông Hà Nội, nhằm mục đích nghiên cứu một số phần mộ bằng gạch mà lúc
bấy giờ, theo ý kiến thông thường người ta cho là những kiến trúc của
người Tàu. Trước tiên chúng tôi đã phát lộ ra gần chợ Lim một “kiến
trúc lớn gồm có hơn năm phòng, mỗi phòng giống như một tuỵ đạo (đường
hầm). Có những kiến trúc khác, giống như thế được phát lộ trong vùng
đó. Chúng tôi cũng tìm thấy những mộ phần chỉ gồm có một phòng, thường
chia làm ba ngăn, bởi những lớp vách vòng cung. Vật liệu đã được dùng
và cơ cấu của những kiến trúc đó trông qua có vẻ bí ẩn và chứng tỏ
những sáng kiến mới mẻ hẳn lên đến đỗi làm cho ta phải ngạc nhiên
trong cách kiến trúc mộ phần…
“Những mộ phần đầu tiên chúng tôi quan sát ở Bắc Ninh thì được xây cất
trong những đồi núi thiên nhiên và cho ta cảm tưởng những hang động
nhân tạo. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì thực ra chẳng hạn ở
Tứ Xuyên miền nam Trung Hoa đã thấy có những mộ phần đào cất trong
sườn núi. Những mộ phần hang động ấy có vào khoảng thời đại nhà Hán.
Người ta cũng lại phải nhận định rằng cái ý niệm hang động siêu nhiên
có một vai trò trọng yếu trong tín ngưỡng đạo giáo. Theo tín ngưỡng
này thì trong lòng một quả núi lớn có những hang động mà cái vòm tượng
trưng vòm trời, lòng đáy phù hợp với đất. Cửa vào những hang động ấy
là biên giới giữa thế giới vật chất và thế giới siêu hình.
“Tín ngưỡng ấy đã lưu hành ở thời đại nhà Hán, bằng chứng là có nhiều
lư hương, đỉnh trầm bằng đồng hay sắt nung mô phỏng hình quả núi với
những hang động siêu nhiên. Những tác phẩm ấy thuộc vào thời kỳ người
ta bắt đầu nhập cảng vào nước Tàu những gỗ thơm từ Việt Nam hay Ba Tư
(Perse) đem đến. Quả núi được coi như đại diện thiên động của Đạo giáo
có các vị thần tiên cư trú. Dĩ nhiên là các nghệ sĩ đã muốn cho những
lư hương, đỉnh trầm ấy một hình dáng và trang trí tượng trưng để gợi
lên không khí cực lạc mà mùi hương trầm đã đem lại”. (Trích dịch “Việt
Nam Carrefour des peuples et des civilisations” của Olov Jansé –
France – Aise ed. Tokyo 1961).
Tín ngưỡng Thiên Động với dân Việt Nam
Trên đây là nhận xét cổ học trên đất Bắc Việt của nhà khảo cổ học danh
tiếng, hội viên trường Viễn Đông Bác Cổ là ông Olov Jansé từng trình
bày ở Đại học Văn Khoa Sài gòn. Theo trình bày của ông thì tín ngưỡng
Thiên Động (Grotte-Ciel) do cổ mộ hạt Bắc Ninh đã khởi niệm, trong ấy
ý tưởng chính là trong lòng ngọn núi lớn có hang động mà vòm tượng
trưng vòm trời và đáy đại diện cho đất. Cửa động ấy là biên giới ngăn
cách thế giới vật chất và thế giới siêu hình. Núi được coi như Thiên
Đường của Đạo giáo, nơi cư trú của Thần tiên bất tử. Nhưng vẫn theo
giáo sự O.Jansé cái ý tưởng hình ảnh núi với đạo Thần tiên lại do quan
niệm Hy Lạp về núi Olympe phối hợp với hình ảnh núi Tuyết Sơn
(Himalaya) cao ngất trời ở phương Đông đã tạo lập ra và ảnh hưởng sang
Trung Hoa và Việt Nam. Giáo sư viết:
“Người ta tự hỏi phải chăng các Đạo sĩ chẳng đã mượn ý tưởng núi cao,
cung điện của Thần tiên (trên đây của Hy Lạp)?
“Cả đến quan niệm cái động phủ siêu nhiên cũng nên tìm nguyên lai ở
phương Tây và người ta không thể giải thích chỉ bằng một lý ngẫu hợp
các sự kiện quan niệm Động Trời tràn lan sang phía tây Trung Hoa và
sang Việt Nam ở thời có cuộc xâm lăng của dân Hắc Hải. Sự thực, hang
động đã có vai trò trọng đại trong tín ngưỡng bình dân ở phương Tây kể
từ thời xa xăm mà nó đã liên hệ với ý tưởng về nguồn gốc đời sống. Sự
sùng bái hang động hay động phủ được phổ biến nhất trong lớp bình dân
Cận Đông và phía đông Địa Trung Hải. Chỉ cần nhắc lại rằng trong tôn
giáo Mithra thần Mặt Trời của người Ba Tư (Perse) ý niệm phức thể về
động phủ thánh linh đóng vai trò trọng yếu. Vị thần đó đã giáng sinh
trong một hang đá và sự thờ cúng được cử hành trong hang thâm nghiêm.
Tôn giáo ấy đã hứa hẹn cho tín đồ một đời sống vĩnh cửu”. (Trích dịch
"Việt Nam Carrefour des peuples et des civilisations” của Olov Jansé,
tr. 1653 France Aise).
Chúng tôi biểu đồng tình với giáo sư Olov Jansé về liên hệ giữa hình
ảnh cổ mộ ở Bắc Ninh và ở các miền lân cận với tín ngưỡng Động Trời
hay Hang Động hoặc Động Phủ và Đạo Thần Tiên bất tử ở Việt Nam, nhưng
chúng tôi không theo kịp lý lẽ của giáo sư về ảnh hưởng của quan niệm
Hy Lạp về quả núi Olympe, nhất là khi quan niệm núi Olympe đó phải chờ
đến hình ảnh của núi Hymalaya ở Đông phương đứng giữa Trung Hoa, Ấn Độ
và Đông Dương (Indochine) rồi mới phát minh được đạo lý Thần Tiên!
Thay vì cho cái khuynh hướng qui nguyên các văn minh vào nguồn gốc Địa
Trung Hải, chúng tôi có khuynh hướng tin tưởng có nhiều nguồn gốc văn
minh cổ xưa hơn nguồn gốc văn minh Địa Trung Hải, và giả định sinh
thành nhịp điệu của vũ trụ “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”
có thể giải thích sự xuất hiện đồng thời của Socrate, Thích Ca và
Khổng Tử từ Tây sang Đông ít ra không quá khiên cưỡng như giải thích
của giáo sư Jansé bằng sự tiếp xúc trực tiếp.
Riêng về Việt Nam, tín ngưỡng Động Trời (Grotte-Ciel) hay là Động
Thiên, Hang Động coi như cung điện của Thần Tiên bất tử vốn là một tín
ngưỡng truyền thống hết sức phổ thông từ bình dân đến bác học văn nghệ
sĩ Việt Nam. Nào động Thẩm Lệ ở Yên Bái (Bắc Việt) rất linh thiêng đối
với nhân dân mà hàng năm trai gái đến tụ tập hát giao duyên khai xuân
phát động cho nguồn sinh lực của tạo vật; nào động Hương Tích ở Hà
Đông được nhà vua xưng là “Nam thiên đệ nhất động” mà hàng năm già trẻ
lớn bé lũ lượt đến hành hương như trẩy hội.
Ngoài tục lệ đại chúng bình dân phát biểu cái ý thức tập thể đối với
hang động thiên nhiên bao hàm ý nghĩa siêu nhiên, còn có cả một mớ
thần thoại về hang động và thần tiên như thần thoại Việt Tỉnh, thần
thoại Giáng Tiên với hang Từ Thức, thần thoại Hồ Công Động, Kim Sơn
Động, Chấn Linh Động v.v… lại còn cả một bộ thần thoại của dòng Nội
đạo lấy Chử Đồng Tử làm Đạo Tổ của Đạo Thần Tiên bất tử cư ngụ trong
hang động hay động phủ, trên núi non.
Về Đầu Trang Go down
 
Hai nguồn gốc tư tưởng Việt Nam
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Thông báo: Về việc gửi bài cần ghi rõ nguồn
» NGUỒN GỐC CHỮ NÔM
» MẤY NÉT VỀ NGUỒN VIỆN TRỢ ODA CỦA NHẬT BẢN TẠI VIỆT NAM
» Giáo Sư Nguyễn Tài Cẩn-NGƯỜI SOI RỌI NGỌN NGUỒN TIẾNG VIỆT: KỲ CUỐI-CHÚNG TA SẼ RẤT THIỀU NHỮNG NHÀ VIỆT NAM HỌC.
» Giáo Sư Nguyễn Tài Cẩn-NGƯỜI SOI RỌI NGỌN NGUỒN TIẾNG VIỆT: KỲ 2: LỘI NGƯỢC DÒNG HƠN 10 THẾ KỈ.

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
TIẾNG NÓI CỦA NGÀNH VIỆT NAM HỌC :: CHUYÊN NGÀNH VIỆT NAM HỌC :: Các nghiên cứu Việt Nam học-
Chuyển đến