Tràng An là một quần thể danh thắng thuộc tỉnh Ninh Bình gồm hệ thống dãy núi đá vôi ngập nước tạo ra các hồ, đầm thông nhau bằng những hang động xuyên thủy.
Trong danh thắng này còn có nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi và các di tích lịch sử thuộc thành nam của cố đô Hoa Lư.Khu sinh thái Tràng An hiện là đại diện của Việt Nam ứng cử di sản thiên nhiên thế giới với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh thái và kiến tạo địa chất, là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.
Cảnh quan – Sinh thái
Tràng An là một vùng non nước, mây trời hoà quyện. Đáy nước trong xanh soi bóng những vách núi đá trùng điệp. Nơi đây có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện trong đó có những hang xuyên thủy dài 2km như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây... Mỗi hang một vẻ đặc trưng như tên gọi, các hang có nhiều nhũ đá biến đổi, nước chảy ra từ trần hang làm không khí trong hang mát lạnh. Hang Tối có lòng hang rộng hẹp biến đổi bất ngờ. Hang Sáng long lanh với những nhũ đá óng ánh kỳ lạ. Hang Nấu Rượu và hang Cơm gần đó với truyền thuyết ông khổng lồ nấu rượu ở đây, mang rượu và cơm ra núi ngồi ăn. Trong hang có mạch nước ngầm sâu hơn 10 m. Tương truyền, các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua, khi nạo vét lòng hang các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều bình gốm, hũ, vại và các dụng cụ để nấu rượu[6]. Vòng qua hang núi Cơm, sang hang Vồng, ở đây có cây si cổ thụ rễ chùm cả miệng hang. Từ đây sang hang Láng, hang Ao Trai, giữa hang Ao Trai, lòng hang phình ra khoảng 30m.
Tràng An thuộc khu rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư (rừng đặc dụng Hoa Lư). Theo số liệu thống kê 2007, tại Tràng An có chừng hơn 310 loại thực vật bậc cao, một số thuộc diện quý hiếm như sưa, lát, nghiến, phong lan, hoài sơn, kim ngân, bách bộ, rau sắng, v.v. Tràng An có chừng 30 loài thú, hơn 50 loài chim, trong đó một số loài thú quý hiếm như sơn dương, báo gấm, chim phượng hoàng.
Không giống như ở Tam Cốc, Tràng An có thể tạo thành hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn. Mỗi hồ là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước. Mây trời, non xanh, nước biếc hòa quyện với nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện. Ðiều diệu kỳ ở đây là các hồ được nối liền với nhau bởi các gạch nối là các động xuyên thủy có độ dài, ngắn khác nhau. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng thành luỹ bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo. Xa xa trên triền núi, dưới tán cây rừng lúp xúp là những đàn dê núi leo trèo trên các tảng đá chênh vênh. Vẻ đẹp Tràng An trong làn khói núi, thành xưa được ví tựa thơ ca:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng
Hiện nay, Du khách đến Tràng An thường tham gia Tour du lịch bằng thuyền nan kéo dài 3 giờ qua: Bến đò - Đền Trình - xuyên hang Địa Linh - xuyên hang Tối - xuyên hang Sáng - xuyên hang Đền Trần - Đền Trần - xuyên hang Đền Trần chiều ngược lại - xuyên hang Si - xuyên hang Sính - xuyên hang Tình - xuyên hang Ba Giọt - xuyên hang Nấu Rượu - Phủ Khống - xuyên hang Phủ Khống - xuyên hang Trần - xuyên hang Quy Hậu - Bến đò (qua 12 hang khác nhau và 3 đền).
Quy Hậu - Bến đò (qua 12 hang khác nhau và 3 đền).
Bến đò Tràng An
Trên đường đến Hang Địa Linh
Lối vào Hang Địa Linh
Lối vào Hang Sính
Hoa rừng Tràng An
Lối vào Hang Ba Giọt
Xuyên thủy động
Non xanh cố đô
Địa chất - Thủy văn
Cảnh trong các hang khô
Khu vực Tràng An được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi hình cánh cung giữa vùng chiêm trũng ngập nước đã trải qua thời gian dài biến đổi địa chất tạo thành. Các nhà địa chất khẳng định khu Tràng An xưa là một vùng biển cổ, qua quá trình vận động địa chất mà kiến tạo nên. Những khe nứt sinh ra do sự vận động đó dần dần hình thành các dòng chảy trong hang động đá vôi. [9] Khu sinh thái hang động Tràng An như một "bảo tàng địa chất ngoài trời".
Tràng An có hệ thống núi đá vôi và hang động tự nhiên hết sức đa dạng, có tuổi từ 32 triệu năm đến 6.000 năm. Dưới chân các núi đá vôi, nhiều nơi còn có các hàm ếch, là dấu tích của biển. Chính vì vậy vùng núi đá vôi Hoa Lư – Ninh Bình được gọi là “Hạ Long trên cạn”. [11] Dưới con mắt các nhà khoa học tự nhiên, khu vực này mang giá trị của một "Hạ Long cạn", cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghiên cứu cho thấy, vỏ trái đất khu vực Tràng An – Tam Cốc có lịch sử phát triển địa chất từ 245 triệu năm đến nay gồm 6 hệ tầng tuổi Trias và hệ tầng Đệ Tứ. Khối karst cổ Tràng An – Tam Cốc mang đặc điểm nhiệt đới điển hình: những dãy núi đá hoặc khối đá vôi sót cao 150 - 200m có đỉnh dạng tháp, vòm, chuông và sườn vách dốc đứng. Phần rìa khối là các thung lũng bằng phẳng dễ úng ngập vào mùa mưa. Đặc điểm này tạo cảnh quan nhiều dãy núi đá vôi thấp trùng điệp bao quanh các thung lũng là những hồ nước nối tiếp nhau, vừa hùng vĩ vừa nên thơ. Trong hệ thống hang động karst đặc sắc nhất là loại "hang sông" nằm ngang xuyên qua lòng các dãy núi lớn, ngập nước thường xuyên. Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thống kê, riêng khu Tràng An có 50 hang nước và 50 hang khô tập trung thành cụm với cấu tạo theo tầng lớp và liên hoàn do dấu vết thời kỳ biển tiến, biển thoái nên nước xâm thực, liên thông các hang động với nhau. Ở đây là các thung được nối liền với nhau bởi các hang động xuyên thủy. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi khác.
Lịch sử - Văn hóa
Lễ hội thần Quý Minh Đại Vương
Tràng An gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Tương truyền, Vua muốn khẳng định kinh đô Hoa Lư cũng bề thế như kinh đô Tràng An của phương Bắc, liền sai Nguyễn Bặc thể hiện câu đối “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo - Hoa Lư đô thị Hán Tràng An”. Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ cải Hoa Lư thành phủ Tràng An, Đại La thành Thăng Long. Danh xưng Tràng An chính thức gắn với cố đô Hoa Lư – Ninh Bình. [16] Tràng An thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của cố đô Hoa Lư. Khu vực này đang được các nhà khoa học lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Tràng An là hệ thống phòng thủ phía Nam của kinh thành Hoa Lư. Tại đây còn khá nhiều di tích lịch sử mà du khách sẽ gặp trên chặng đường hành hương tiêu biểu như:
• Đền Trình: là nơi thờ 2 công thần nhà Đinh là Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù. Đương triều họ là 2 Giám sát Đại tướng quân cai quản kho vàng, két bạc của vua. Tương truyền, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình rối ren, họ đã mang giấu Đinh Toàn tại đây để tránh sự truy bắt của Lê Hoàn.
• Đền Trần: do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng, sau này được vua Trần Thái Tông cải tạo bề thế hơn[19], là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam Hoa Lư tứ trấn. Đền còn có tên là đền Nội Lâm (cùng với Vũ Lâm, Văn Lâm hợp thành Tam Lâm dưới triều Trần).
• Phủ Khống: là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều đình mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị ngay trước cửa Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần.[21] Cây thị nghìn năm tuổi mà quả có 2 loại: 1 tròn và 1 dẹt.
Việc phát lộ ra hệ thống hang động Tràng An đã dần hé mở ra sự đúng đắn của việc định đô của vua Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư vào thời kỳ đầu của một Nhà nước phong kiến tập quyền. Đó cũng là một căn cứ quan trọng để nhà vua khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc dựa trên cơ sở sức mạnh của dân tộc. Điều này thể hiện bởi sự tận dụng triệt để những ưu thế của thiên nhiên, biến các dãy núi đá vôi làm thành quách để giảm sức người và của. Đây là cái gạch nối giữa Hoa Lư và Thăng Long, làm cho nhân dân Việt Nam có sự hồi tưởng lại những diễn biến lịch sử đã diễn ra ở kinh thành Hoa Lư và sự nối tiếp ở kinh thành Thăng Long cho đến Hà Nội sau đó.
Khi nạo vét ở các hang động phát hiện được các di tích từ thế kỷ thứ 10. Có khu vực với rất nhiều phế tích quan trọng khẳng định đó cũng là nơi sinh hoạt của các phân quyền ngày xưa ở thế kỷ thứ 14, nhà Trần như nồi gốm, các bát đĩa cổ. Các phế tích này rất giống với các phế tích tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long. Tràng An đồng thời cũng là kinh đô kháng chiến chống Nguyên Mông của triều đại nhà Trần.
Đường vào Tràng An
Toàn cảnh Đền Trình
Phủ Khống
Lối vào Hang Quy Hậu
Ứng cử di sản thiên nhiên thế giới
Danh thắng Tràng An thuộc khu vực bảo vệ đặc biệt của Cố đô Hoa Lư, Danh thắng Tràng An – Hoa Lư đang được nghiên cứu, tôn tạo để đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngày 17/10/2008, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học về “Giá trị di sản văn hoá Cố đô Hoa Lư và khu du lịch Tràng An” nhằm tiến tới đề nghị Unesco công nhận Cố đô Hoa Lư là di sản văn hóa thế giới và khu sinh thái hang động Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới. Ngày 21/8/2011, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức đón đoàn đại biểu UNESCO tham dự đại hội về thăm quần thể hang động Tràng An - chùa Bái Đính và cố đô Hoa Lư
Căn cứ vào các tiêu chí về giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới, Khu sinh thái Tràng An đáp ứng 2 tiêu chí (i) và (iii) di sản thiên nhiên (tức hai tiêu chí thứ 7 và 9 của một di sản thế giới) là:
1. Tiêu chí 7 về giá trị địa chất- địa mạo: “Di sản là những ví dụ nổi bật đại diện cho những giai đoạn quan trọng của lịch sử trái đất, bao gồm cả việc ghi chép lại cuộc sống, các quá trình địa chất lớn đang tiếp diễn trong sự phát triển của các địa mạo, hay những đặc điểm địa chấn và địa hình lớn”
2. Tiêu chí 9 về giá trị thẩm mỹ: “Di sản chứa đựng các hiện tượng thiên nhiên siêu việt hay khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên khác thường và tầm quan trọng thẩm mỹ”.
Hang động Tràng An gắn liền với các giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư nên được đầu tư mở rộng để trở thành khu du lịch lớn. Chính phủ Việt Nam đã cho phép tỉnh Ninh Bình tiến hành khai quật, nạo hút bùn đất tạo đường giao thông thủy bộ và làm sáng tỏ các giá trị văn hóa, du lịch của danh thắng này. Khu sinh thái hang động Tràng An là một khu du lịch với tổng hợp các sản phẩm như du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh, lễ hội, khám phá cũng như nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học.v.v. Đây là khu du lịch tầm cỡ và quy mô ở Việt Nam với tổng diện tích 2000 ha.
Cơ sở hạ tầng
Khu Tràng An nằm trên 3 huyện, thành phố thuộc tỉnh Ninh Bình. Trung tâm khu vực cách Tp Ninh Bình 6 km, Hà Nội 95km. Tổng diện tích gần 2000ha, gồm 47 di tích lịch sử chủ yếu gắn với các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, có gần 50 hang động được nối với nhau bởi gần 30 thung. Trong quy hoạch phát triển khu du lịch này sẽ có 9 lộ trình tham quan. Khu du lịch Tràng An được xác định là điểm nhấn quan trọng của du lịch Ninh Bình. [36] Theo quy hoạch được thủ tướng chính phủ nước Việt Nam phê duyệt, Khu du lịch Tràng An có tổng diện tích gần 2000 ha gồm các khu trọng điểm chính:
• Khu trung tâm đón tiếp và hướng dẫn du lịch rộng 30 ha thuộc địa phận phía tây bắc thành phố Ninh Bình. Tại đây có bãi đỗ xe, bến thuyền, nhà hàng, khu đón tiếp, bán hàng lưu niệm...
• Khu công viên văn hóa Tràng An: khu vui chơi giải trí, nhà nghỉ, khách sạn, đảo sinh thái, quảng trường, khu phố cổ Đại Việt rộng 41 ha, khu công viên văn hóa Tràng An và Nghi Môn Ngoại rộng 38 ha.
• Khu du lịch sinh thái hang động: là quần thể danh thắng được các nhà khoa học lập hồ sơ đề nghị Unesco công nhận di sản thiên nhiên thế giới.
• Khu bảo tồn đặc biệt gồm có một số di tích thuộc khu di tích cố đô Hoa Lư như chùa Am, động Am Tiên, phủ Khống, phủ Đột, đền Vực Vông, đền Trần...
So với các khu du lịch lân cận có nét tương đồng như Tam Cốc - Bích Động chủ yếu là hình thức du lịch trên sông; khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long là du thuyền trên đầm sinh thái thì Tràng An có nét đặc trưng riêng biệt là hình thức du thuyền trên các thung nước tạo bởi nhiều vách núi đá được nối thông nhau bằng những hang nước mà không phải quay ngược lại.
Nguồn dẫn
http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%A0ng_An