BÀI PHÂN TÍCH VỀ VĂN HÓA CỦA NGƯỜI MỸ TRONG GIAO TIẾP THƯƠNG MẠI
Là một nước lớn thứ 3 trên thế giới và với khoảng 350 triệu dân, mỗi năm, Mỹ có tới trên 1 triệu người di cư đến sinh sống và làm việc. Các cộng đồng sinh sống tại Mỹ đều có những bản sắc, ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng và phong tục riêng. Tuy nhiên ở Mỹ cũng có những đặc trưng riêng:
Trong cuộc sống hằng ngày:
Về giao tiếp:
Người Mỹ có tính cách thoáng đạt, thích hoạt động xã giao khi tiếp xúc với người khác, chú trọng lễ nghi nhưng không quá khách sáo,chào hỏi nhau khi xã giao thì bắt tay, quen thân thì hôn nhau. Thỉnh thoảng có thể thấy đàn ông với đàn bà, hoặc đàn bà với đàn bà chào nhau bằng cách ôm, hoặc hôn nhẹ lên má nhau. Hình thức chào này chỉ dành cho những người là bạn bè lâu, hoặc ít nhất cũng đã quen nhau. Ngoài ra, người Mỹ rất ít đụng chạm vào nhau.
Khi gặp nhau, thì phụ nữ là người chủ động bắt tay với nam giới trước.
Cũng như ở các nơi khác, ở Hoa Kỳ, bắt tay là một cách chào phổ biến. Bạn có thể bắt tay cả đàn ông, phụ nữ ở những lần gặp đầu tiên và sau đó. Người Mỹ có thói quen bắt tay chặt, dùng cả bàn tay chứ không phải chỉ ngón tay ( không có nghĩa là bóp chặt đến mức làm tay người khác đau) để thể hiện sự thân thiện nhiệt tình. Bắt tay lỏng lẽo, có thể bị coi là không chắc chắn, hoặc thiếu tự tin, thậm chí là hững hờ trong quan hệ. Rất ít khi thấy người Mỹ bắt cả hai tay.
Người Mỹ không thích hỏi về tuổi tác, giá tiền các thứ mua sắm hay nói một cách khác là những vấn đề riêng tư. Đối với phụ nữ Mỹ, chúng ta không được tặng nước hoa, quần áo và đồ trang điểm. Người Mỹ tuân theo quy tắc xã giao: lady first; ưu tiên quý bà.
Về cử chỉ, điệu bộ:
Người Mỹ cũng sử dụng cử chỉ, điệu bộ ở những mức độ khác nhau trong giao tiếp để nhấn mạnh điều mình muốn nói; hoặc chỉ có thể theo thói quen tự nhiên. Lắc đầu từ bên nọ sang bên kia có nghĩa là không đồng ý, gật đầu có nghĩa là đồng ý; rướn lông mày để thể hiện sự ngạc nhiên; nhún vai thể hiện sự hoài nghi hoặc không chắc chắn.
Trong nhà hàng, khi muốn gọi người phục vụ, bạn có thể giơ tay lên cao và chìa ngón tay trỏ để thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, nếu vẫy hoặc chỉ thẳng ngón tay trỏ vào người khác có nghĩa là buộc tội hoặc thách thức người đó. Giơ tay ra với lòng bàn tay hướng về phía trước có nghĩa là dừng lại. Đối với người Mỹ, giơ ngón tay giữa lên bị coi là tục tiễu và thách đố.
Khi nói chuyện, người Mỹ thường nhìn thẳng vào người đối diện và đứng không quá gần. Không nhìn thẳng vào người mình đang nói chuyện, nói năng nhỏ nhẹ, thái độ bẽn lẽn có thể bị coi là người không có quyền hành, hoặc yếu đuối.
Bạn cũng có thể nhìn thấy người Mỹ gác chân nọ lên chân kia và ngã người về phía sau khi nói chuyện với khách. Những nét văn hóa này thường mâu thuẫn với truyền thống tôn trọng lễ phép và khiêm tốn của người châu Á. Nói như vậy không có nghĩa là người Mỹ kiêu ngạo hoặc thô lỗ. Người Mỹ thường coi trọng tính hiệu quả công việc hơn là sự lịch thiệp.
Về trang phục:
Ngoài xã hội, nhìn chung người Mỹ mặc rất thoải mái, không cầu kì và không quan tâm nhiều đến cách ăn mặc của người khác. Trên đường phố, đôi khi rất khó có thể phân biệt đẳng cấp, địa vị xã hội hoặc nghề nghiệp dựa vào quần áo bên ngoài. Nữ nhân viên bán hàng tại một siêu thị có thể mặc đẹp và đắt tiền hơn một luật sư giỏi có mức lương cao hơn gấp nhiều lần.
Về cách viết và xưng hô họ tên:
Tên người Mỹ được viết theo thứ tự tên riêng trước, sau đó đến tên đệm và cuối cùng là họ. Họ lấy theo họ bố, không dùng họ mẹ hoặc chỉ viết ngắn gọn là tên riêng và họ không viết chữ đệm. Phụ nữ Mỹ khi lấy chồng thì đổi họ theo họ chồng hoặc một số ít người lấy cả họ mình và họ chồng.
Trừ một số trường hợp đặc biệt, người Mỹ thường gọi nhau bằng tên riêng. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc phổ biến mà các nhà kinh doanh nước ngoài nên theo như:
+ Đối với lần tiếp xúc trực tiếp hoặc qua thư từ lần đầu tiên thì gọi là Mr, Miss hoặc Mrs tiếp theo là họ. Ví dụ Mrs Smith.
+ Có thể gọi tên riêng sau khi được mời hoặc đã có mối quan hệ thân mật.
+ Không gọi tên riêng trừ khi được mời đối với những người hơn nhiều tuổi, hoặc có địa vị hoặc cấp bậc cao hơn mình nhiều, hoặc đối với những người bạn muốn thể hiện sự tôn trọng.
+ Đối với trẻ em thì luôn luôn có thể gọi tên riêng.
+ Đối với quân nhân hoặc cảnh sát nên gọi bằng cấp bậc nếu biết hoặc gọi chung là Officer.
Một số tính cách đặc trưng cần lưu ý:
Khác với một số nền văn hóa khác, nhất là văn hóa châu Á, nhìn chung người Mỹ rất coi trọng tự do cá nhân và tính tự lập. Gia đình, cộng đồng, tôn giáo, hoặc tổ chức là thứ yếu so với quyền cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân này cũng dẫn đến một tính cách nổi bật của người Mỹ là tính cạnh tranh.
Nhìn chung, người Mỹ không có thói quen nói hoặc cười lớn trong khi ăn uống hoặc ở nơi công cộng. Họ rất tự giác xếp hàng đợi đến lượt mình khi có từ hai người trở lên, và không có thói quen chen ngang hàng. Tại cửa ra vào thang máy, tàu điện ngầm hoặc xe buýt, người ở ngoài thường đợi cho người ở trong ra hết rồi mới vào. Người Mỹ có thói quen cảm ơn khi được người khác giúp đỡ dù chỉ là một việc rất nhỏ như được nhường đường chẳng hạn.
Tính thẳng thắn và sự lịch thiệp cũng khác nhau tùy theo vùng. Người New York nổi tiếng là trực tính và thậm chí hơi thô bạo nếu so sánh với văn hóa châu Á. Người ở vùng Trung Tây cũng thẳng thắn nhưng lịch sự hơn nhiều. Người California không phải lúc nào cũng nói đúng ý nghĩ của họ. Ví dụ ở Los Angeles – miền đất của những giấc mơ, nếu ai đó nói với bạn “tôi sẽ trở lại vấn đề này với bạn” thì cũng có thể là họ sẽ làm như vậy thật, xong cũng có thể họ ngụ ý là bạn không có cơ hội.
Phong cách người Mỹ:
Theo thống kê thì tỷ lệ người Mỹ thành đạt trên các lĩnh vực và giàu có chiếm con số cao trên thế giới. Vậy điều gì đã làm cho người Mỹ thành công đến vậy? Những đặc điểm sau chính là những yếu tố giúp người Mỹ thành công.
1/ Đề cao tính cá nhân:
Một nhóm giáo viên Mỹ được mời sang Chi – lê kỷ niệm quốc khánh ở Đài Bắc. Mỗi người đều được phát một phù hiệu để đeo. Khác với những người Trung Hoa đều đeo phù hiệu ở ve áo, những người Mỹ lại đeo phù hiệu ở những nơi khác, một số còn để trong túi áo. Không phải họ coi thường hay cố tình xúc phạm đến nước này, mà vì họ muốn thể hiện tính cách cá nhân và chống lại quan điểm "tất cả mọi người đều giống nhau”. ( Nhớ lại một câu nói:" Cá Nhân Mỗi Người Là Duy Nhất, Nếu Tôi Cũng Như Anh, Việc Cả Hai Cùng Tồn Tại Là Vô Nghĩa") Người Mỹ có quan niệm rằng "Hãy là chính mình" là điều quan trọng. Họ thấy hầu như không có lý do gì buộc họ phải thay đổi cách ứng xứ để hợp với số đông. Bạn sẽ thấy rằng, người Mỹ sống theo quan niệm "Nếu bạn muốn một việc gì đó được thực hiện tốt, phải tự tay bạn làm lấy" hoặc "Về lâu về dài, người duy nhất mà bạn có thể trông cậy được là chính bạn".
2/ Thích độc lập:
Từ hồi còn rất nhỏ, người Mỹ đã đề cao tính độc lập. Nguời ta dạy họ rằng, chỉ bằng nỗ lực của bản thân anh mới có thể xây dựng được chỗ đứng vững chắc cho mình, bởi không ai quan tâm đến anh cả. Những ông bố, bà mẹ Mỹ đều cố gắng tạo cho con mình phải có trách nhiệm với bản thân. Một bà mẹ Mỹ rất hiếm khi đòi hỏi đứa con 2 tuổi của mình muốn ăn gì trong bữa sáng, hay giúp một đứa trẻ 3 tuổi mặc quần áo.
Họ thường khuyến khích con mình đưa ra ý kiến, buộc chúng phải lựa chọn và làm mọi thứ. Ở độ tuổi 20, hầu hết chúng đã có nhà riêng, không ở cùng bố mẹ của chúng nữa. Trong các ngôi nhà ở Châu Á, mọi người có thể đi vào bất cứ phòng nào mà họ muốn, nhưng các ngôi nhà ở Mỹ thường có cửa khóa ở tất cả các phòng, bố mẹ cũng cần gõ cửa phòng con mình trước khi muốn vào. Đó là lãnh thổ riêng của trẻ và bố mẹ cũng cần tôn trọng sự riêng tư của chúng.
3/ Thể diện ít quan trọng:
Ở trong các trường Đại học, các Sinh viên thường tự trang trải các khoản nợ của mình bằng cách làm thêm, chứ không yêu cầu bố mẹ hỗ trợ. Bạn sẽ thấy các nhà quản lý cấp cao vào ngày nghỉ cuối tuần sẽ tự cắt cỏ, sửa nhà và sửa xe lấy.
Người Mỹ cũng như người Châu Á đều có thể diện. Họ không bị bẽ mặt ra hay mất thể diện trước công chúng. Các nhà quản lý Mỹ thường phải từ bỏ thói quen cá nhân để giữ gìn nhân phẩm và lòng tôn trọng của nhân viên, đồng nghiệp. Tuy nhiên, người Mỹ ít quan tâm tới thể diện hơn người Châu Á. Còn nhớ, đợt khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, nhiều nhà quản lý Nhật Bản đã tự vẫn, vì theo họ đó là một cách để bảo toàn nhân phẩm. Nhưng đối với người Mỹ, trong những trường hợp tương tự họ không bao giờ làm chuyện đó. Vì người Mỹ nhấn mạnh đến tính cá nhân, nên họ ít quan tâm đến những gì mà người khác có thể nghĩ về họ. Việc nói "không" một cách thẳng thắn không bị coi là thô lỗ, mà trái lại được xem như là cần thiết để tránh sự hiểu lầm trong tương lai. Họ đã phát triển khái niệm "phê bình có tính chất xây dựng" và chỉ ra rằng sự phê bình để có sự thay đổi về phong cách là hết sức cần thiết. Thông thường, mọi người Mỹ khi đã phê phán, thì như vậy là xong và họ chuyển ngay sang việc khác chữ không nói đi nói lại việc đó nữa. Mục đích bày tỏ thái độ trong phong cách kiểu Mỹ là không làm bạn bị tổn thương hoặc mất thể diện, ngược lại điều đó giúp bạn hoàn thiện hơn sau này.
4/ Tự khuếch trương:
Người Châu Á, dù là chơi golf lão luyện, nhưng chỉ nói: "Tôi chơi golf xoàng thôi!". Nhưng một người Mỹ, dù chỉ mới học tiếng Nhật một năm ở trường Đại học lại rất thích nói: "Tôi nói được tiếng Nhật". Người Châu Á, thường cho người Mỹ là thiếu khiêm tốn, hay khoe khoang. Trong khi người Mỹ cho rằng, sự khiêm tốn của người Châu Á như một sự thiếu khả năng, hay không tự tin. Lớn lên trong xã hội cá nhân chủ nghĩa, người Mỹ tin rằng, cá tính của họ có từ thành tựu và khả năng của họ. Họ nghĩ rằng, điều quan trọng không phải là khoe khoang, nó không bị coi là khoe khoang khi cho người khác biết về khả năng của mình. Đối với người Châu Á, nói giảm khả năng hoặc thành tích cũng là một cách để bảo vệ danh dự bởi họ sợ sẽ có lúc họ bị bẽ mặt, nếu những lần sau họ không thể làm tốt như lần trước. Thế nhưng hầu hết người Mỹ không quan tâm đến thể diện như người Châu Á, nên họ thường nói quá chứ không nói rút đi trong cái họ gọi là "tự quảng cáo thực tế”.
PHAN TICH CHUNG:
Trong kinh doanh, việc bạn đến đúng giờ hẹn bao giờ cũng để lại ấn tượng tốt đẹp ban đầu với phía đối tác, đặc biệt là các doanh nhân Mỹ.
Người Mỹ thường rất đúng giờ. Không ở đâu câu nói "Thời gian là tiền bạc" được đánh giá cao như ở Mỹ. Đúng hẹn là điều rất quan trọng đối với người Mỹ, cũng như nhiều nước Châu Á. Những người kinh doanh ở Mỹ được coi là bất lịch sự nếu đến họp muộn, đặc biệt khi bạn là cấp dưới. Họ thường đến sớm hơn giờ hẹn 5 - 7 phút. Sự chậm trễ được hiểu là thiếu quan tâm, coi thường đối tác hoặc kém cỏi trong việc sắp xếp thời gian. Ở các thành phố lớn thường xảy ra tắc nghẽn giao thông thì có thể cho phép sớm muộn đôi chút song không nhiều. Nếu không may bị muộn 10 -15 phút thì nên gọi điện thoại báo trước và xin lỗi, và, nếu có thể, bạn nên cho biết lý do. Do vậy, khi sắp xếp các cuộc gặp cần phải tính trước thời gian đi lại và trừ hao thời gian tắc nghẽn giao thông. Ngược lại, đến sớm có thể làm bên chủ bối rối do chưa sẵn sàng tiếp đón hoặc được hiểu là quá sốt ruột hoặc không có việc gì tốt hơn để làm. Nói chung, nên đến vào đúng thời gian ghi trên giấy mời hoặc đã hẹn. Người Mỹ không thích đưa ra những lí do gây cản trở trong công việc mà muốn tự khắc phục lấy.
Ý 2
Người Mỹ muốn biết trước nội dung cuộc gặp, vai trò, quyền hạn và thậm chí cả thân thế sự nghiệp của đối tác. Rất nhiều trường hợp, nhất là đối với các cuộc gặp với các quan chức chính phủ hoặc lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao, bên chủ thường yêu cầu gửi trước tiểu sử tóm tắt của trưởng đoàn. Họ thường định trước thời lượng cho các cuộc gặp gỡ (các cuộc tiếp xã giao thường kéo dài 30 – 45 phút và hiếm khi quá 1 tiếng) và không ngại ngùng chủ động kết thúc khi hết giờ, nhất là khi họ có việc bận tiếp sau đó, hoặc thấy cuộc gặp không mang lại lợi ích gì. Không thiếu những cuộc gặp kết thúc trong khi phía khách chưa kịp đề cập hết các vấn đề muốn nói.
Cũng vì muốn tiết kiệm thời gian, nên các cuộc gặp làm việc với người Mỹ thường ngắn, tập trung và đi thẳng vào vấn đề. Đối với một số nền văn hóa vừa gặp nhau đã bàn ngay đến chuyện làm ăn thì có thể bị coi là mất lịch sự, trong khi đó người Mỹ lại thích nói chuyện làm ăn trước, sau đó mới nói đến chuyện cá nhân và các chuyện khác. Vì vậy, thường thì khách, nhất là những người chào hàng phải chuẩn bị rất kỹ và đi thẳng vào nội dung sau những câu chào hỏi xã giao ngắn gọn. Yêu cầu này càng quan trọng nếu cuộc làm việc được tiến hành thông qua phiên dịch vì thực chất thời gian làm việc chỉ còn tối đa một nửa. Trong các cuộc họp hoặc gặp gỡ làm việc, người Mỹ có thể cắt ngang lời nhau để hỏi hoặc nêu ý kiến của mình. Thói quen này có thể bị coi là bất lịch sự trong một số nền văn hóa Châu Á. Người phương Đông có quan điểm mở đầu vấn đề bằng những câu chuyện gây thiện cảm cho người khác để công việc tiến hành thuận lợi hơn, họ thường nói lòng vòng trước khi đi vào nội dung chính, đó là sự kết hợp giữa tâm lí và công việc để đạt được hiệu quả tối ưu- người Mỹ thì chỉ quan tâm đến năng lực mà thôi, dù bạn có cố gắng cười nhiều nói nhiều về khía cạnh mà họ quan tâm trong cuộc sống thường ngày nhưng không hề liên quan tới mục đích của cuộc gặp gỡ giữa bạn và họ thì cũng chẳng có tác dụng gì tựa như câu nói rất hay của người phương Đông “Sôi hỏng bỏng không”. Trong giao tiếp, người Mỹ có xu hướng nói to, thích nhìn thẳng vào người đối diện và hay đòi hỏi quyền lợi một cách công khai. Sự thẳng thắn này đôi lúc bị nhiều đối tác châu Á, thậm chí cả người châu Âu cho là thiếu tế nhị. Nhưng đó thật sự là phong cách Mỹ. Họ luôn thúc đẩy cuộc thương lượng đến chỗ kết thúc một cách mau chóng nhất, vì vậy cách làm việc tốt nhất là nên đi thẳng vào vấn đề cũng như đừng mất nhiều thời gian cho các thủ tục giấy tờ. Do vậy, các nhà kinh doanh nước ngoài không nên ngạc nhiên khi bị người Mỹ cắt lời để hỏi hoặc nêu ý kiến của họ
Ý3:
Họ quan tâm nhiều đến năng lực chuyên môn và khả năng quyết định vấn đề hơn là chức vụ hay tuổi tác của đối tác. Họ có thể cử một chuyên viên kỹ thuật trẻ đến gặp một lãnh đạo cấp cao của bên đối tác không phải vì coi thường đối tác mà bởi vì chuyên viên kỹ thuật trẻ đó là người nắm vững nhất về vấn đề cần trao đổi. Mặt khác, người Mỹ có thể bực mình nếu bên đối tác được đại diện bởi một cấp thấp hơn, nhưng không phải vì lý do họ bị coi thường mà vì lý do đại diện bên đối tác không đủ thẩm quyền quyết định vấn đề mà hai bên đang quan tâm. Một thói quen của người Việt trên bàn đàm phán là chốt lại vấn đề bằng câu đại ý: “Chúng tôi sẽ có quyết định ngay sau khi xin ý kiến cấp trên”. Đôi khi, đối tác chỉ là những người cấp dưới hoặc thừa hành nên cách này được áp dụng để né việc phải quyết định tức thì. Các nhà đàm phán Mỹ rất khó chịu với điều này, bởi nó đồng nghĩa với việc họ đang tiếp xúc với một người không có quyền quyết định vấn đề.
Tính quyết đoán là một trong những yếu tố mạnh mẽ của một doanh nhân thành đạt Mỹ, họ tự chủ đưa ra quyết định trong nhiều tình huống khác nhau, họ có khả năng phán đoán nhanh và lường trước được hậu quả,họ mạnh dạn đứng ra chịu trách nhiệm nếu quyết định của họ là sai lầm. Họ không làm việc theo kiểu phân cấp hay thừa lệnh bởi lẽ đối với họ, một khi công việc đã giao cho ai đó thì người đó sẽ phụ trách, thành công hay thất bại đều do họ quyết định, nếu chỉ một khâu trong suốt quá trình thực hiện công việc thuộc về người khác thì khả năng hoàn thành công việc của họ sẽ phải chịu ảnh hưởng rất nhiều từ người đó, nếu thành công thì cả hai đều được hoan nghênh, nhưng nếu chẳng may thất bại thì người thừa nhận chịu trách nhiệm công việc chính sẽ bị lên án, dĩ nhiên là họ không để điều đó xảy ra, vì vậy cách tốt nhất là họ sẽ tự suy nghĩ cân nhắc và đưa ra quyết định cuối cùng của mình miễn là vẫn đảm bảo lợi ích chung đã đề ra từ ban đầu cho tập thể, công việc không bị ảnh hưởng hay thay đổi quá nhiều so với kế hoạch đã dự tính và hoàn thành đúng thời hạn, họ dễ dàng tỏ ra bất mãn nếu người đứng ra đàm phán không đủ thẩm quyền để quyết định hay đưa ra ý kiến về một sự thay đổi nhất thời nào đó trong quá trình thực hiện công việc.
Với người phương Đông thì việc tặng quà trong quan hệ xã giao để có được cảm tình từ phía đối tác nhằm thiết lập quan hệ lâu dài là điều nên làm nhưng người Mỹ thì không quen như vậy. Với người Việt Nam, trong các cuộc thương lượng, đôi khi không dựa trên hợp đồng mà bằng cách tạo dựng các mối quan hệ, từ đó phát triển sự tin tưởng để làm ăn. Đa phần doanh nhân Việt Nam chọn cách ký một bản ghi nhớ trước khi có được hợp đồng, bởi họ cần nhiều thời gian để xây dựng mối quan hệ. Riêng với người Mỹ, cái gọi là “bản ghi nhớ” không mấy có giá trị, bởi theo quan điểm của họ, tất cả các cuộc thương lượng phải được thể hiện bằng hợp đồng.
Tặng quà ở Hoa Kỳ không quan trọng như ở các nơi khác trên thế giới, và thậm chí còn có thể gây phiền toái. Thà là không tặng quà còn hơn là tặng sai hoặc tặng không đúng người. Luật pháp Hoa Kỳ thực tế cấm các quan chức chính phủ nhận quà trong quá trình thi hành công việc. Những món quà có giá trị từ 50 USD trở nên đều phải nộp lại cho cơ quan. Các doanh nghiệp cũng thường theo dõi chặt chẽ việc tặng quà. Tặng quà không phải là một tập quán bình thường ở Hoa Kỳ, nên tặng quà cũng có thể gây bối rối cho người nhận do họ không chuẩn bị quà để tặng lại hoặc làm bối rối những người khác do họ không mang theo quà để tặng. Đối với các cuộc gặp gỡ các quan chức cấp cao nước ngoài, bên chủ thường hỏi trước xem bên khách có mang quà tặng hay không để họ chuẩn bị quà tặng đáp lễ.
Tuy nhiên, người Mỹ có thể vui vẻ nhận lời mời đi uống với bạn tại một quán ba hoặc đi ăn tại một nhà hàng. Bạn cũng có thể tặng vé hoặc mời họ đi xem biểu diễn văn nghệ hoặc một sự kiện thể thao, hoặc đi chơi gôn. Những món quà mang tính kỷ niệm và liên quan đến công việc (ví dụ như bút, lịch, giấy ghi lời nhắn, và những thứ tương tự) cũng có thể được chấp nhận một cách vui vẻ. Những món quà khiêm tốn (nhưng không phải quá rẻ tiền) đặc trưng cho nước bạn hoặc công ty bạn (ví dụ như hàng thủ công mỹ nghệ, sách giới thiệu về đất nước con người, hoặc vật kỷ niệm của công ty, và những thứ tương tự) cũng có thể dùng làm quà tặng sau khi kết thúc công việc.
Người Việt thường bắt đầu hoặc kết thúc các cuộc đàm phán bằng những hoạt động giải trí như ăn uống, ca hát hoặc thậm chí là massage, quà cáp… để tạo sự thân thiện. Đối với người Mỹ, những hoạt động này không cần thiết, có khi còn gây phản ứng ngược. Người Mỹ ít khi thỏa thuận kinh doanh bên ngoài phòng họp, càng không có thói quen ký hợp đồng trên bàn nhậu như dân ta.