Theo Báo Thanh Niên
Thực tế văn hóa đọc nước ta đang ở tình trạng nào và làm sao để nâng cấp được nó vẫn là một câu hỏi nhức nhối của xã hội.
Và để nâng cao, trước hết phải xây dựng văn hóa đọc và xây dựng hạ tầng cơ sở cho nó.
Không phải cứ in ra nhiều sách là nâng cao được văn hóa đọc, mà phải coi đó là ý thức chung của toàn xã hội, với mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi thế hệ... Nếu chúng ta hình thành được, xây dựng được văn hóa đọc ngay tại gia đình, bố mẹ mua sách vở về đọc cho con cái nghe trước khi đi ngủ hằng ngày, dần dà tự tập cho con thói quen đọc sách thì đứa trẻ sẽ lớn dần cùng sở thích đọc sách được bồi dưỡng và phát triển theo năm tháng. Song song với việc đó, nhà trường phải xây dựng và hướng dẫn cho trẻ tiếp cận với văn hóa đọc qua nhiều biện pháp: tập cho chúng ý thức đọc hằng ngày qua việc đọc diễn cảm hoặc thi kể chuyện trên lớp... Nhà trường cần mở rộng các thư viện miễn phí với nhiều đầu sách phong phú phù hợp với lứa tuổi, ngoài giáo trình học, để thư viện trở thành một sân chơi được yêu thích, chứ không chỉ đơn thuần chỉ là nơi hành xác lo chạy đua trước các kỳ thi. Các đơn vị cơ quan nên dành quỹ xây dựng các thư viện nhỏ miễn phí cho cán bộ công nhân viên của mình, để việc đọc sách trở nên dễ dàng hơn đối với cả những người không có điều kiện thuận lợi về kinh tế hoặc eo hẹp về thời gian đi lại mượn sách ở các thư viện lớn…
Một khi việc đọc sách được phổ cập rộng rãi từ nhỏ tới lớn, hình thành và phát triển theo cả một chặng đường dài và cả quãng thời gian sống, con người mới phát triển và định hình được văn hóa đọc cho cá nhân mình. Từ đó mỗi người sẽ tự phân hóa, chọn lọc dòng sách mà mình cần và thấy phù hợp với bản thân qua từng giai đoạn cuộc sống. Lúc đó tự bản thân mỗi người sẽ coi việc đọc như một nhu cầu tất yếu hằng ngày.
Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng của văn hóa đọc, chúng ta cũng cần phải xây dựng môi trường trong sạch và lành mạnh cho văn hóa đọc phát triển. Trong đó, các nhà quản lý chuyên ngành cấp quốc gia phải nhanh chóng lập ra một lộ trình cho việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cả nước theo những chặng đường lớn 10-20-30 năm/lần, làm sao để sách đến với độc giả đa dạng hơn, phong phú hơn, luôn cập nhật được những kiến thức mới nhất của nhân loại trên toàn thế giới. Chính phủ cần đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn nữa trong việc xử lý những sai phạm dẫn đến hậu quả gây thiệt hại nghiêm trọng cho các đơn vị xuất bản. Đồng thời phải tích cực tuyên truyền cho người dân để nâng cao ý thức bảo vệ sách thật, sách bản quyền, phải coi sách như một sản phẩm đầy đủ giá trị như các sản phẩm tiêu dùng khác và người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại nặng nếu sử dụng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.
Văn hóa đọc chỉ phát triển khi có môi trường phát triển và môi trường đó chỉ có khi con người có ý thức xây dựng nên và học cách bảo vệ nó dài lâu.