|
| Quốc Sử Quán nhà Nguyễn và việc chép sử | |
| | Tác giả | Thông điệp |
---|
Tiều Phu Người sáng lập
Tổng số bài gửi : 261 Join date : 26/04/2008 Age : 35 Đến từ : Diễn đàn Việt Nam học
| Tiêu đề: Quốc Sử Quán nhà Nguyễn và việc chép sử Sun Jun 28, 2009 8:16 am | |
| Ngoái nhìn cố sự Nước ta, độc lập từ năm 939, sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền nhưng mãi đến năm 1272 (333 năm sau!), đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278), mới có được bộ sử đầu tiên, một công trình của Hàn Lâm Viện Học sĩ kiêm Giám tu Quốc Sử Viện Lê Văn Hưu. Đó là bộ Đại Việt Sử ký, chép từ đời Triệu Vũ đế (207 trước TL.) đến khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, chấm dứt Nhà Lý (1225). Bộ sử gồm 30 quyển, rất được vua Trần Thánh Tông khen ngợi.
Đời Hậu Lê (1428-1788), có nhiều công trình sử học quan trọng ra đời. Năm 1455, Phan Phù Tiên , người cầm đầu Quốc Tử Giám và Quốc Sử Viện, vâng lệnh vua Lê Nhân Tông, soạn Đại Việt Sử ký tục biên, gồm 10 quyển, chép tiếp lịch sử Đại Việt từ Trần Thái Tông (1225) đến khi quân Minh bị đánh đuổi về Tàu (1427). Sau đó, Ngô Sĩ Liên đã vâng lệnh vua Lê Thánh Tông, soạn Đại Việt Sử ký Toàn thư, hoàn thành năm 1479, gồm 15 quyển, chép từ họ Hồng Bàng đến khi Lê Thái Tổ lên ngôi (1428). Công trình này về sau được nhóm Phạm Công Trứ vâng lệnh vua Lê Huyền Tông (1663) duyệt lại và tục biên; rồi đến nhóm Lê Hi vâng lệnh chúa Trịnh Căn chép tiếp cho đến năm 1675, đời Lê Gia Tông, rồi khắc in năm 1697, cũng dưới tên Đại Việt Sử ký Toàn thư. Có thể nói việc ghi sử liệu và chép sử từ đời Trần trở đi ngày càng được các vua lưu tâm và tổ chức qui củ.
Nhà Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, trong 143 năm tồn tại (1802-1945) đã có một tổ chức chép sử làm việc rất hiệu quả, có tên là Quốc Sử Quán, đã để lại một gia tài sử học đồ sộ về khối lượng và giá trị cao về nội dung. chẳng hạn, Đại Nam Thực lục (viết tắt ĐNTL, gọi tắt Thực lục), Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (gọi tắt Cương mục), Đại Nam Liệt truyện (gọi tắt Liệt truyện)…
Nay thử nhìn xem với tổ chức và phương tiện như thế nào và với phương pháp làm việc ra sao mà Quốc Sử Quán đã tạo được những công trình lớn lao như thế, đặc biệt với bộ Thực lục.
Tổ chức Quốc Sử Quán
Quốc Sử Quán là cơ quan chép sử của Nhà Nguyễn, do vua Minh Mạng lập ra năm Minh Mạng thứ 2 (1821). Đứng đầu Quốc Sử Quán có Chánh, Phó Tổng Tài ; giúp việc có các Tỏan tu, Biên tu, Khảo hiệu, Đằng lục và Thu chưởng. Trong quan chế của Bộ Lại, không thấy ghi quan chế của Quốc Sử Quán, điều đó chứng tỏ cơ quan này không có cấp số nhân viên nhất định mà do vua bổ dụng theo nhu cầu công việc mỗi lúc. Con số ghi trong Đại Nam Nhất Thống chí (Tập I, tr.56) là số nhân viên đời Tự Đức (4 Toản tu, 8 Biên tu, 4 Khảo hiệu, 6 Đằng lục, 6 Thu chưởng).
Tổng tài và Phó Tổng tài là người chịu trách nhiệm tổng quát, nặng về tổ chức, quản lý, điều hành và đôn đốc. Họ thường là quan nhất, nhị phẩm triều đình, hàm Thượng thư (chánh nhị phẩm 2/1) trở lên, xuất thân khoa bảng. Đây là một chức vụ kiêm nhiệm chứ không phải chuyên biệt, và không thường xuyên. Ví dụ: Tổng tài biên chép ĐNTL Tiền biên là Trương Đăng Quế và Phó Tổng tài là Hà Duy Phiên. Ông Trương Đăng Quế lúc bấy giờ là Văn minh điện Đại học sĩ (chánh nhất phẩm, 1/1), đang giữ chức Binh bộ Thượng thư (2/1), sung Cơ Mật Viện đại thần, Quản lý Khâm Thiên Giám, kiêm lãnh Quốc Tử Giám, kiêm quản Tàu chính ấn triện. Ông Hà Duy Phiên bấy giờ là Lại bộ Thượng thư (2/1) kiêm quản Hình bộ ấn triện, kiêm lãnh Quốc Tử Giám sự vụ. Toản tu và Biên tu mới thực là người chấp bút viết nên Thực lục.
Tu là sửa; toản hay biên đều cùng có nghĩa là biên tập sách vở. Về nghĩa đen, không khác gì mấy, và để được vua chọn làm Toản tu hay Biên tu phải là người có trình độ văn học cao, khoa bảng xuất thân, có hàm Hàn Lâm Viện (HLV), có thừa khả năng viết lách. Điều khác biệt là người được cử làm Toản tu có phẩm trật cao hơn hoặc thâm niên hơn.
Ví dụ : dưới quyền của Tổng tài Trương Đăng Quế, bộ ĐNTL Tiền biên, bộ sử đầu tiên của Nhà Nguyễn, hoàn tất vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) với các Toản tu sau đây: Hàn Lâm Viện (HLV) Trực học sĩ (chánh tam phẩm 3/1) Đỗ Quang , Thái bộc tự khanh (tòng tam phẩm 3/2) Tô Trân, Quang lộc tự khanh (3/2) Phạm Hồng Nghi, HLV Thị độc học sĩ (chánh tứ phẩm 4/1) Vũ Phạm Khải, Hồng lô tự khanh (4/1) Nguyễn Tường Vĩnh; và các Biên tu: HLV Thị độc học sĩ (4/1) Phạm Chi Hương, HLV Thị giảng học sĩ (tòng tứ phẩm 4/2) Nguyễn Thu, và các HLV Thị độc (chánh ngũ phẩm 5/1) Phạm Văn Nghị, Hoàng Trọng Từ, Dương Duy Thanh, tất cả đều là quan văn, từ ngũ phẩm trở lên. (Xin nhớ rằng Tri huyện mới chỉ là tòng lục phẩm, 6/2).
Các dịch giả Cương mục chú thích rằng Toản tu là “Viên quan chịu trách nhiệm khởi thảo nội dung sách cho có mạch lạc. (Cương mục I, chú thích số 5, tr. 18).
Khi Quốc Sử Quán trình báo bộ Đại Nam Thực Lục Tiền biên đã soạn xong, xin phép khắc in, vua Thiệu Trị đã ra lệnh “…giao các viên Toản tu kiểm điểm khoản thức chữ viết, mọi việc cho chu đáo ổn thỏa…” (Thực lục I, tr..
Như vậy, trong việc biên tập, trách nhiệm của các Toản tu cao hơn, trong đó có việc hoạch định đường lối công việc và kiểm soát cả nội dung lẫn hình thức.
Về chức Khảo hiệu các dịch giả Cương mục giải thích là “Viên quan chịu trách nhiệm tham khảo các sách, hiệu đính lại những chỗ sai lầm” (Sđd., tr. 18 ). Giải thích này e không được chính xác. Các khảo hiệu tuy cũng là quan có hàm Hàn Lâm Viện, nghĩa là cũng khoa bảng xuất thân, nhưng đều là cấp nhỏ (HLV Biên tu, 7/1; HLV Kiểm thảo 7/2), nghĩa là thấp hơn Toản tu và Biên tu nhiều lắm. Quan cấp nhỏ làm sao dám hiệu đính những chỗ sai lầm do các quan cấp trên viết ra? Điều hợp lý có thể hiểu là: Khảo hiệu giữ nhiệm vụ giúp tra cứu sách vở, tài liệu theo yêu cầu của các quan Toản tu và Biên tu, soát lại các bản văn được các Đằng lục chép lại từ bản thào cho đúng với nguyên bản, v.v. Đằng lục là những người giữ việc sao chép lại các bản thảo theo đúng qui cách để trở thành bản văn chính thức trình duyệt cấp trên và sau khi được chấp thuận sẽ đưa đi khắc in. Các Đằng lục thường là người viết chữ đẹp, họ là những Bát, Cửu phẩm Bút thiếp thức.
Thu chưởng là những người giữ việc thu gom, sắp xếp và gìn giữ các bản thảo, các bản biên tập. Đó là các Bút thiếp thức hoặc các Bát, Cửu phẩm Thư lại. Nhân viên Quốc Sử Quán còn có một số thợ khắc bản gỗ và thợ in.
Năm Minh Mạng thứ sáu (1826) mới dựng cơ sở chính thức tại phường Phú Văn (sau đổi làm Trung Hậu), gần Ngã tư Anh Danh, cạnh Hộ Thành, trên đường Ngô Sĩ Liên ngày nay . Ban đầu chỉ có một tòa nhà chính ở giữa, rồi qua các đời Thiệu Trị và Tự Đức mới xây thêm hai dãy bên phải và bên trái và khu tồn trữ các bản khắc gỗ. Trong khu vực Quốc Sử Quán có cái giếng nổi tiếng nước trong và pha trà rất ngon, tục truyền là giếng cổ của làng Diễn Phái xưa. Số lượng các bản khắc rất lớn, nhưng chiến tranh đã gây thất thoát rất đáng kể. Sau năm 1947, chính quyền đã cho thu thập và tạm thời tàng trữ tại hiên sau của Viện Văn Hóa Trung Việt, tức Bảo tàng Khải Định, tức Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình ngày nay, rồi sau đó chuyển lên Đà Lạt. Người ta dùng gỗ cây thị để khắc bản in vì thớ gỗ mịn, không bị cong vênh.
Trên: Toà nhà chính. Dưới: Kệ cất giữ dữ liệu
(còn tiếp)
Được sửa bởi tieugia_mv ngày Sun Jun 28, 2009 10:19 pm; sửa lần 1. | |
| | | Tiều Phu Người sáng lập
Tổng số bài gửi : 261 Join date : 26/04/2008 Age : 35 Đến từ : Diễn đàn Việt Nam học
| Tiêu đề: Re: Quốc Sử Quán nhà Nguyễn và việc chép sử Sun Jun 28, 2009 8:22 am | |
| Nguồn sử liệu Tùy mục đích và nội dung công trình biên tâp mà Quốc Sử Quán sử dụng những nguồn sử liệu khác nhau. Chẳng hạn, sử liệu để viết Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục không giống sử liệu dùng cho Đại Nam Thực lục. Cương mục là một bộ thông sử, chép lịch sử nước ta từ đời Hùng Vương cho đến đời Lê Chiêu Thống (1789), và ban biên tập -- như vua Tự Đức đã chỉ thị -- “…có nhiệm vụ đem sử biên niên các đời trước tham khảo với các truyện ký linh tinh của các nhà trứ tác, điều gì trong sử biên niên còn sót thì bổ thêm vào, điều gì sai lầm thì đính chính lại; việc nào nên chép vào sách hay nên bỏ đi, việc nào nên khen hay nên chê, đều theo đúng như phương pháp chép sử Cương mục của Tử Đương, chép thành toàn bộ Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục.” ( Cương mục I, tr.18,19). Chỉ riêng với Thực lục thì khác, vì Thực lục là bộ sử chính thức của riêng triều Nguyễn. Như tên gọi, bộ sử là thực lục, nghĩa là chép việc thật, có sao chép vậy. Với thể loại thực lục này mức độ chính xác rất cao vì người chép sử phải căn cứ trên những tài liệu chính thức, tài liệu nguyên thủy, tài liệu ban đầu để biên tập nên tác phẩm chứ không phải trích thuật từ những tác phẩm khác, như trường hợp của Cương mục hay các bộ thông sử khác.
Quốc Sử Quán đã sử dụng sử liệu từ các nguồn sau đây để xây dựng Thực lục, xếp theo thứ tự quan trọng nhiều ít: -Châu bản; -Bản ghi chép của chức Khởi cư chú; -Các nguồn tài liệu khác.
1/ Châu bản: Nghĩa đen là bản (chữ) son. Châu bản là những bản tấu sớ đã được vua châu điểm hoặc châu phê, châu khuyên hay châu mạt Châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt là những động tác của vua bày tỏ ý chấp thuận hay bác khước, hoặc ra một quyết định, v.v. sau khi xem một bản tâu trình (sớ, biểu, phiến) của các quan về một vấn đề gì đó. Bản tâu nào gởi lên vua cũng phải bắt đầu bằng một chữ Tấu. Nếu hoàn toàn đồng ý, chấp thuận đề nghị được tâu trình, vua chỉ cần chấm một chấm son trên đầu chữ Tấu. Như thế gọi là châu điểm. Nếu vua có ý kiến khác -- không chấp thuận hoặc chỉ chấp thuận một phần nào, hoặc cần cấp dưới bổ sung tin tức hay ý kiến, hoặc khen thưởng hay khiển trách v.v. -- thì vua sẽ phê vào bản tấu sớ. Đó là châu phê. nghĩa là phê bằng bút son. Tổng đốc Thân Trọng Huề, trong một hồi ký về vua Tự Đức, đã từng ghi nhận rằng: “Phiến sớ các nơi đều gởi về nội các. Nội các để trong tráp tấu sự, đưa cho giám, giám đưa cho nữ quan dâng lên ngài. Ngài xem rồi giao nội các. Nội các giữ bản chính có châu điểm, châu phê, lục bản phó ra cho các bộ nha.
“Nay xem các nguyên bản trong Các thì thấy có nhiều tờ phiến ngài phê dài hơn cả các quan tâu. Chữ đã tốt mà văn lại hay, ai cũng kinh cái tài của ngài.” (Trần Trọng Kim, II, tr.238) Thực lục cho ta biết rất nhiều trường hợp điển hình về châu phê khá thú vị. Ví dụ: Năm 1830, triều đình tổ chức lễ mừng sinh nhật thứ 40 (Tứ tuần đại khánh) của vua Minh Mạng, sắp đến ngày lễ, trời trở chứng mưa to mấy đêm không tạnh, ai cũng lo. Đến ngày lễ chính thức, trời bỗng tạnh ráo, nắng đẹp, mọi người đều vui mừng. Nhân dịp này…
“Thị lang Nội các là Phan Thanh Giản và Trương Đăng Quế dâng bài tụng đại khánh, thuật lại các công việc tự lúc vua lên ngôi đến nay, siêng lo chính trị làm gốc để được phúc hưởng thọ. Vua phê: “Bọn ngươi không lo cố gắng làm hết chức phận, cứ ngày thêm lầm lỗi, nay lại làm bài văn vô dụng này đối với lầm lỗi có ích gì? Trẫm có thích nịnh ngoài mặt đâu? Vậy ném trả và truyền chỉ quở mắng”. (Thực lục III, tr.39) Với lời phê này, ta biết vua Minh Mạng là người có đầu óc thực tế, sáng suốt, chuộng hiệu quả và không ưa hư danh, không dễ nịnh; đồng thời cũng biết rằng về mặt hành chánh, hai ông Trương Đăng Quế và Phan Thanh Giản thế nào cũng nhận được giấy khiển trách do Nội Các tống đạt khi họ chấp hành lời phê này. - Châu khuyên nghĩa là vẽ một vòng tròn nhỏ bằng son.
Khi ở dưới dâng lên một danh sách về người, việc, hoặc vật phẩm để vua lựa chọn, hễ vua chấp thuận người nào, việc gì, phẩm vật nào thì vua dùng bút son khuyên một vòng tròn nhỏ trước tên người, việc hay vật đó.
Ví dụ: Để chuẩn bị cho lễ Phất thức (lễ lau chùi ấn tín của vua trước khi khóa cất để ăn Tết), Nội Các lập danh sách các quan từ nhị phẩm trở lên và các Tôn tước (người Hoàng tộc được phong tước), dâng vua lựa chọn. Vua chấp thuận người nào thì châu khuyên trước tên người đó. -Mạt nghĩa là bôi, xóa, gạch bỏ. Khi vua không đồng ý người nào hoặc việc gì được nêu ra trong các bản tâu thì vua dùng bút son quẹt trên tên người đó hoặc điều đó. Ấy là châu mạt. Cùng nghĩa với châu mạt là châu cải (cải: đổi). Một ví dụ về châu khuyên, châu mạt và châu cải:
“Ngay hôm Phụng Hóa Công Bửu Đảo nhập cung (16/5/1916), các quan Nội Các XE "Nội Các" đã lo tìm những chữ có ý nghĩa tốt, liệt kê ra và dâng lên để tân quân lựa chọn làm niên hiệu của triều đại mới. Một bản sao cũng được gởi đến Hội đồng Thượng thư để các vị ấy xem xét. Ngay hôm đó Nội Các báo cho Hội đồng Thượng thư biết rằng trong danh sách dâng lên, hai chữ Khải Trung đã được chiếu cố, nhưng tân quân dùng bút son khoanh tròn chử Khải [châu khuyên], gạch bỏ chữ Trung [châu mạt], và thay vào đó bằng chữ Định [châu cải]. Như vậy, ý của tân quân là muốn chọn hai chữ Khải Định, -- có nghĩa là khởi đầu một thời thanh bình và ổn định -- để làm niên hiệu.” (Võ Hương-An, tr.26)Ngoại trừ châu điểm, trên một bản tâu có thể có cả châu phê, châu khuyên và châu mạt. Cũng được kể vào châu bản là những chiếu, chỉ, dụ, và các văn kiện khác phát xuất từ văn phòng của vua. Châu bản là nguồn sử liệu chính thức và căn bản nhất mà Quốc Sử Quán dùng để chép Thực lục. Bản văn mang bút tích bằng son của vua là bản gốc, được lưu trử tại Nội Các. Nội Các sẽ căn cứ vào bản gốc để sao lục các khoản đã được vua quyết định, đóng ấn Nội Các, rồi giao cho quan chức hoặc các cơ quan liên hệ thi hành. Giáo sư Trần Kinh Hòa, nguyên Giáo sư Đại học Văn khoa Huế, nguyên Tổng thư ký Ủy ban Phiên dịch Sử liệu của Đại học Huế (trước 1975), người có công đầu trong việc chỉnh đốn châu bản triều Nguyễn còn sót lại sau 1946, đã có nhận xét về nguồn sử liệu này như sau:
“…trừ một số nhân viên Quốc sử quán hoặc Nội Các triều Nguyễn, ngoài ra, đối với các sử gia thế giới, Châu bản triều Nguyễn vẫn là một bộ “bí tịch” không thể dễ dàng tham khảo được.
“Tiếc rằng những sử liệu quí báu này chưa có dịp làm đối tượng nghiên cứu của các sử gia tân tiến theo phương pháp khoa học và có hệ thống thì một số lớn của tài liệu ấy đã bị hư nát và mất tich trong thời kỳ tản cư từ nam 1945 cho đến năm 1955. Tuy vậy, giá trị châu bản đối với sự nghiên cứu của lịch sử cận đại, nhất là lịch sử triều đại nhà Nguyễn vẫn là một kho sử liệu cho các nhà sử học, mặc dầu số châu bản hiện còn, có lẽ không bằng 1/5 của ngày trước” (Trần Kinh Hòa, tr.167-168) Tất cả các số sách giấy tờ, mệnh lệnh, dụ chỉ, thư từ giao dịch nước ngoài, sổ sách v.v…của triều đại đương thời đều được Nội Các lưu trữ cẩn thận. Trong Nội Các, có bộ phận lúc đầu gọi là Biểu Bộ Tào , sau vua Thiệu Trị đổi làm Bản Chương Sở, chuyên lo về việc này. Sở này lại có ba Chương, là Lại Hộ Chương, Lễ Binh Chương và Hình Công Chương.
-Lại Hộ Chương gìn giữ tất cả văn kiện, sổ sách thuộc Bộ Lại, Bộ Hộ, và các cơ quan khác như Cơ Mật Viện, Thị Vệ Xứ, Đô Sát Viện, Thông Chính Ty, Hỏa Dược Sung Pháo Khố, Bưu Chính và các Dinh, Vệ tại Kinh thành.
-Lễ Binh Chương gìn giữ tất cả văn kiện, sổ sách thuộc Bộ Lễ và Bộ Binh, cùng các cơ quan khác như Tôn Nhơn Phủ, Nội Vụ Phủ, Hàn Lâm Viện, Khâm Thiên Giám, Quốc Tử Giám, Thủ Hộ Sứ, Điển Nghi Ty, Thái Thường Tự, Quang Lộc Tự, Tào Chính và Thừa Thiên Phủ.
-Hình Công Chương gìn giữ tất cả văn kiện, sổ sách, thuộc Bộ Hình, Bộ Công, cùng các cơ quan khác như Vũ Khố, Vũ Khố Đốc Công, Nội Vụ Đốc Công, Mộc Thương Đốc Công, Đại Lý Tự và Tam Pháp Ty
Còn tiếp | |
| | | Tiều Phu Người sáng lập
Tổng số bài gửi : 261 Join date : 26/04/2008 Age : 35 Đến từ : Diễn đàn Việt Nam học
| Tiêu đề: Re: Quốc Sử Quán nhà Nguyễn và việc chép sử Sun Jun 28, 2009 8:30 am | |
| 2/ Bản ghi chép của chức Khởi cư chú.
Đang khi còn lo đánh nhau với Tây Sơn, lấn từng tấc đất để giành lại cơ nghiệp xưa của tổ tiên, Nguyễn Vương – tức vua Gia Long sau này – mặc dẫu “chăm làm mọi việc, suốt ngày không lúc nào rỗii” nhưng lại có một quyết định ảnh hưởng tới việc chép sử về sau, ấy là “Sai Thị thư viện sung chức khởi cư chú, phàm vua làm công việc gì đều chép hết” (Thực lục I, tr.257) Thị Thư Viện là bộ phận văn phòng của vua. Khởi cư chú là chức năng thư ký tạm thời, có thể giao cho một quan chức nào đó có khả năng đảm nhận trong một phiên trực ban để làm việc ghi chép đúng phép. Một loại tốc ký viên cao cấp.
Năm Minh Mạng thứ 2 (1821) vua đổi Thị Thư Viện làm Văn Thư Phòng. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830) vua đổi Văn Thư Phòng làm Nội Các và tổ chức lại một cách chặt chẽ hơn. Trong Nội Các có bộ phận gọi Tòa Ký chú, nhiệm vụ là “phàm khi vua ngự ở điện để nghe chính sự, khi vua triều hội, khi vua đi chơi, đều phải kính cẩn ghi chép những lời vua nói lúc đi lúc ngồi, cùng chương sớ của trăm quan bàn tâu cũng đều ghi chép cả ”(Hội điển VIII, tr.22)
Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), khi đưa Viện Đô Sát -- thành hình từ đầu đời Gia Long -- vào hoạt động thực tế, nghĩa là đặt quan chức, rồi xây dựng trụ sở v.v ,vua giao việc khởi cư chú này cho viện:
“…gặp ngày vua ngự ở điện nghe chính sự, thì hai người thuộc viện Đô sát [Khoa đạo] đứng ở hai bên tả hữu trên điện, sung làm khởi cư chú, phàm vua có nói năng đi đứng gì đều kính cẩn ghi chép; nếu vua có đi chơi thì theo hầu cũng ghi chép như thế. Những viên nào ghi chép thì phải ký tên vào cuối giấy, cứ hết tháng đem nộp các bản ghi chép suốt tháng để đường quan ở viện [cấp trên tại viện] sửa chữa, viết lại cẩn thận, đóng thành tập rồi cùng ký tên, đóng ấn của viện, giao cho Quốc tử giám thu giữ. Lại phàm 6 bộ, Nội các và các nha môn có tâu việc gì thì một người thuộc viên của viện đều được theo ban dự nghe, theo từng việc ghi chép, để phòng khi kiểm soát ” (Hội điển, VIII, tr.89) .
Danh xưng “thuộc viên” nói ở đây chính là các Khoa đạo, thành phần nòng cốt của Viện Đô Sát. Trong tổ chức của Viện, có Cấp sự trung các khoa, trật chánh ngũ phẩm (5/1), phụ trách giám sát các bộ và cơ quan trung ương, và Giám sát Ngự sử các đạo (2 tỉnh làm một đạo), cũng ở trật chánh ngũ phẩm, giám sát công việc của các đạo, tức các địa phương; người ta thường gọi chung hai hạng viên chức này là Khoa đạo.
Năm Minh Mạng thứ 20 (1839) đại thần Viện Cơ Mật là Trương Đăng Quế, sau khi nêu rõ vai trò quan trọng của việc khởi cư chú đối với công cuộc chép sử của đời sau, đã đề nghị một qui thức làm việc của chức Khởi cư chú khá chặt chẽ và được vua chuẩn y thi hành, như sau: -Khi vua ngự điện để nghe các quan chầu hầu tâu việc, thì Khoa đạo sung chức Khởi cư chú có nhiệm vụ phải ghi lại tất cả, một cách đầy đủ và trung thực, từ nội dung tâu trình đến cử chỉ, lời nói, huấn thị của vua. -Khi vua ngự giá đi chơi, đi tuần du, cũng làm như thế. -Chức Khởi cứ chú phải ghi tên ở cuối bản ghi chép, trình cho cấp trên trong Viện Đô Sát nhuận sắc chữ nghĩa, rồi giao cho trực thần (quan lớn trưởng ban trực hôm đó) duyệt lại. Trực thần có thể bổ sung thiếu sót hoặc sửa đổi sai lầm nhưng phải đóng ấn quan phòng (ấn chức vụ) làm bằng để chịu trách nhiệm việc mình làm. -Trong trường hợp vua triệu đình thần (quan lớn) vào gặp riêng để làm việc, Khoa đạo (là quan cấp nhỏ) không được phép dự thì việc ghi chép do quan Nội Các đảm nhận. Bản ghi chép sau đó giao cho Khoa đạo trực ban viết lại tinh tường, cấp trên ở Viện Đô Sát và trực thần duyệt lại, đóng ấn. -Các bản ghi chép này được tập trung đóng thành tập giao cho Quốc Tử Giám lưu giữ, sau chuyển cho Quốc Sử Quán làm tài liệu chép sử (Hội điển VIII, tr.92. Thực lục V, tr.480-481). Xem thế thì có thể thấy được rằng bản ghi chép của chức Khởi cư chú là một biên bản về buổi làm việc của vua và các quan, một sử liệu sống động và và rất thực. 3/ Các nguồn sử liệu khác: Cùng với hai nguồn sử liệu chính vừa nói, Quốc Sử Quán còn sở hữu Ngọc điệp và Tôn phả và các sách sử tài liệu khác do chính Quốc Sử Quán suu tập hoặc do vua xuống chiếu tìm tòi thu thập khắp các địa phương trong nước. Ngọc điệp là phả hệ của dòng làm vua.
Công việc biên soạn ngọc điệp khởi sự vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821), lúc đầu giao cho Bộ Lễ, nhưng sau đó thì giao cho một ban biên tập gồm có một Chánh Tổng tài biên tu ngọc điệp do một quan văn chánh nhị phẩm đảm nhận, một Phó Tổng tài là quan tòng nhị phẩm, người Tôn thất ; giúp việc có 2 Toản tu và 2 Đằng lục, đều là quan của Nội Các, nơi làm việc là Hữu Đãi Viện. Khi biên tập xong, ngọc điệp sẽ được chép làm 2 bản. Bản chính, sau khi dâng lên vua trong một buổi lễ long trọng, sẽ được cất trong tủ màu vàng trong điện Càn Thành ; bản phó sẽ được cung kính rước về tàng trữ trong tủ màu vàng của Quốc Sử Quán để làm tài liệu chép sử. Tôn phả là tộc phả của Nhà Nguyễn (dòng không làm vua). Đứng đầu việc biên tu tôn phả là một Tổng Toản tu biên tu tôn phả (quan văn, 4/1), có một Toản tu và hai Đằng lục giúp việc, lấy Quốc Sử Quán làm nơi làm việc. Tôn phả làm xong, được chép làm 2 bản; bản chính dâng lên vua xem, xong lưu trữ tại Quốc Sử Quán, còn bản phó thì để tại Tôn Nhơn Phủ (Hội điển I, tr.88). Về các nguồn tài liệu không chính thức khác – như tích cũ do người già còn nhớ được, sách xưa còn sót lại qua các cơn binh lửa, sách do các nhà văn học trong dân gian trước tác – thì đời vua nào cũng có “hỏi tìm điển cũ” hoặc “xuống chiếu tìm sách vở sót” và “Phàm các địa phương trong ngoài có dâng sách vở gì, liền giao sang Sử quán kê cứu để giúp tham đính” (Thực lục I, tr.7-. Ngoài các nguồn sử liệu Việt Nam đã nói, các sách, sử của Trung Quốc cũng là nguồn tài liệu tham khảo cần thiết để làm việc. Chẳng hạn tham khảo Khâm định Vạn niên thư để thống nhất cách chép niên hiệu hoặc tham khảo lối làm sử Thực lục của các triều đại Trung Quốc để viết ĐNTL hay lối chép sử của Chu Hy (1130-1200) đời Tống để viết Cương mục.
Phương pháp làm việc và tiến trình hoàn thành một bộ sử Đời vua sau cho lệnh chép thực lục của đời vua trước. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), vua cho mở Quốc Sử Quán và ra lệnh chép sử 9 đời chúa Nguyễn và sử đời Gia Long. Đó là bộ Đại Nam Thực lục Tiền biên, hoàn tất năm 1844, đời Thiệu Trị; và bộ Đại Nam Thực lục Chánh biên Đệ nhất kỷ, chép lịch sử đời Gia Long, hoàn tất năm 1848, đời Tự Đức. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), vua ra lệnh chép sử đời Minh Mạng (ĐNTL Chánh biên, Đệ nhị kỷ). Năm Tự Đức thứ 30 (1877), vua ra lệnh chép sử đời Thiệu Trị (ĐNTL Chánh biên, Đệ tam kỷ). Cứ thế tiếp tục cho đến kỷ thứ 6, kỳ cuối cùng của bộ ĐNTL Chánh biên, chép sử đời Hàm Nghi và Đồng Khánh. Như đã nói, hai nguồn tài liệu căn bản của Thực lục là các châu bản và các bản ghi chép việc triều chính của Khởi cư chú. Nguồn tài liệu trước do Nội Các giữ; nguồn tài liệu sau do Quốc Tử Giám giữ. Khi vua ra lệnh chép sử đời vua nào thì cả hai cơ quan này phải giao hết tài liệu liên hệ của đời vua đó cho Quốc Sử Quán. Theo lời của thân phụ tôi kể lại, trong thời gian châu bản còn được lưu giữ tại Nội Các, các vua mới kế vị thường đến lầu Tụ Khuê cạnh Nội Các, nơi lưu trữ văn khố, tìm đọc các châu bản để nghiên cứu, học hỏi cách giải quyết vấn đề của tiên đế. Đừng nghĩ rằng chỉ từ khi làm quen với văn hóa phương Tây ta mới học được phương pháp làm việc khoa học. Thực ra, tinh thần khoa học là làm việc có nguyên tắc, hợp lý, có hệ thống, mạch lạc và hiệu quả. Với tinh thần này, các sử quan tại Quốc Sử Quán có thừa. Điều này thể hiện ở phần Phàm lệ mở đầu mỗi công trình. Phàm lệ chính là nguyên tắc làm việc của ban biên tập, giúp từ trên xuống dưới ai nấy đều biết rõ những gì phải theo để việc biên tập có tính nhất quán, tránh được khuyết điểm người viết theo cách này, người trình bày theo cách khác, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Mỗi bộ sách có một nội dung khác nhau nên Phàm lệ cũng dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên, những điểm căn bản thì vẫn như nhau. Nói chung, các phàm lệ đều giống nhau ở những điểm sau: -xác định mốc thời gian của công trình (chép từ năm nào đến năm nào); -cách gọi chính danh; -kiêng húy; -chép cái gì, bỏ cái gì, lý do tại sao.
Sau khi biên sọan xong một bộ sử, Quốc Sử Quán dâng bản thảo đầu tiên lên vua ngự lãm (xem). Sau đó, lại phải sửa chữa những chỗ vua không đồng ý hay bổ sung những chỗ vua cho là thiếu sót; khi bản cuối cùng được vua chấp thuận, bấy giờ mới cho thợ khắc bản gỗ để in ra thành sách. Toản tu chịu trách nhiệm kiểm soát việc in ấn này để tránh sai lầm.
Với việc thành lập Quốc Sử Quán dưới thời Minh Mạng (1820-1841), triều đại Nhà Nguyễn, trong 143 năm tồn tại (1802-1945), đã để lại một gia tài sử học và địa lý học Việt Nam cận đại rất đồ sộ: nào Đại Nam Thực lục, Đại Nam Liệt truyện, nào Minh Mạng Chánh yếu, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Quốc triều Chánh biên Toát yếu, Đại Nam Nhất thống chí, Đồng Khánh Địa dư chí,v.v.
Riêng bộ ‘Đại Nam thực lục là bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất của nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm mới hoàn thành, tính từ khi mới bắt đầu làm (1821 – Minh Mệnh năm thứ hai) đến khi hoàn thành và khắc in xong những quyển cuối cùng (1909 – Duy Tân năm thứ ba)’ (Thực lục I, Lời giới thiệu của Viện Sử Học). Chế độ CSVN, trước khi bước sang thế kỷ XXI, vốn phủ nhận tất cả những gì của Nhà Nguyễn đã làm, chê bai, miệt thị đủ thứ, nhưng trong sự huyên náo khùng điên đó, Viện Sử Học đã phiên dịch sang tiếng Việt toàn bộ Đại Nam Thực lục và xuất bản lần đầu năm 1962, tái bản lần thứ nhất năm 2004 với 10 tập dày cả vạn trang giấy. Chừng đó cũng đủ nói lên giá trị to lớn không thể chối cãi của bộ sử này mặc dù đã trải qua một thời điên đảo.
Tài liệu tham khảo: -Nội Các, Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, (gọi tắt Hội điển) tập VIII, bản dịch tiếng Việt của nhiều người, Viện Sử Học, Nxb Thuận Hóa, 2005. -Quốc Sử Quán, Đại Nam Thực lục (gọi tắt Thực lục), *Tập I, bản dịch của Tổ phiên dịch, Viện Sử Học, Nxb Giáo Dục, 2002. *Tập V, bản dịch của Tổ phiên dịch, Viện Sử Học, Nxb Giáo Dục, 2004. - Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Q.II, Institut de l’Asie du Sud-Est, Paris, 1987. - Trần Kinh Hòa, Giới thiệu Châu bản Triều Nguyễn, Dòng Việt, số 4, 1997, tr.167-187 -Võ Hương-An, Vua khải Định, Nxb Nam Việt, California, 2006
(Hết) | |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Quốc Sử Quán nhà Nguyễn và việc chép sử | |
| |
| | | | Quốc Sử Quán nhà Nguyễn và việc chép sử | |
|
Trang 1 trong tổng số 1 trang | |
Similar topics | |
|
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |