Còn "mua" điểm, "chạy" trường, Việt Nam còn khó phát triển
- "Không ai muốn tuyển một nhân viên với bảng điểm không trung thực hay phải chi trả cho các dịch vụ lẽ ra miễn phí và bình đẳng - quyền học hành", Đại sứ Thụy Điển nói tại cuộc Đối thoại về phòng, chống tham nhũng trong giáo dục, sáng ngày 28/5/2010 ở Hà Nội.Theo một khảo sát mới đây ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, 71% phụ huynh cho rằng bỏ tiền để xin con em vào trường tốt học trái tuyến là bình thường.
Con số này khiến Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman đánh tiếng dứt khoát việc nhập học chỉ được quyết định dựa trên kết quả học tập của học sinh, sinh viên chứ không vì một điều gì khác.
"
Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức và một nước có thu nhập trung bình chỉ có thể đạt được nếu chúng ta khuyến khích tự do suy nghĩ và có những ý tưởng mới. Điều này sẽ không thể có được nếu các cơ sở giáo dục và các trường đại học là nơi mà điểm thi, nghề dạy học và cơ hội nhập học đều có thể mua được bằng tiền", ông Bergman nói.
"
Không ai muốn tuyển một nhân viên với bảng điểm không trung thực. Không một gia đình nào lại muốn bỏ tiền để chi trả cho các dịch vụ mà lẽ ra phải được cung cấp miễn phí và bình đẳng cho tất cả mọi người, đó là quyền được học hành", Đại sứ Rolf Bergman nhấn mạnh.
Ông cũng khẳng định tham nhũng sẽ gây mất lòng tin trong toàn xã hội đối với hệ thống giáo dục.
Một kết quả khảo sát cũng khiến các đối tác phát triển băn khoăn, đó là có trên 40% số hộ gia đình chi từ 10% trở lên trong tổng thu nhập cho học thêm của 1 trẻ.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Martin Rama cho rằng trong khi việc chi tiền cho con vào học trường nào đó chỉ là chi phí một lần thì chi phí học thêm lặp lại hàng tháng.
"
Theo tôi, một trong những hành vi gây nhiều thiệt hại nhất là chi trả cho học thêm", ông Martin Rama nói.
Thống kê tại 3 thành phố lớn cho hay, các giáo viên có thu nhập từ dạy thêm trung bình từ 1,9 triệu đồng/tháng - so với mức lương trung bình 2,5 triệu.
Trong khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra nạn "chạy trường, chạy lớp", dạy thêm tràn lan, buộc học sinh đi học thêm... là các dạng "sai phạm" trong lĩnh vực giáo dục thì chuyên gia kinh tế WB khẳng định đó là dạng thức tham nhũng.
Dù vậy, thống kê cho thấy hơn 80% phụ huynh cho rằng việc nhà trường và các thầy cô giáo tổ chức dạy thêm là "bình thường".
Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa cũng cho rằng nhiều người vẫn thấy tham nhũng trong giáo dục không nổi cộm và chấp nhận được, thể hiện ở chuyện nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng chi trả thêm các khoản ngoài quy định. Điều này, theo bà, làm trầm trọng thêm vấn đề của giáo dục.
Thảo luận các giải pháp, Đại sứ Đan Mạch Peter Lysholt Hansen nhận xét việc tăng lương cho giáo viên sẽ góp phần giảm tham nhũng, song biện pháp này không đủ mạnh.
Đến nay, ngân sách nhà nước dành cho giáo dục chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 15% - 20%. Một phần lớn được chi tiêu theo các khoản nhỏ và ở nhiều đơn vị.
Tuy nhiên, cố vấn chính sách về phòng chống tham nhũng của UNDP Jairo Acuna-Alfaro cho rằng các đơn vị này (khoảng 40.000 đơn vị giáo dục) thường có hệ thống kế toán và giám sát còn yếu. Do đó, cơ hội dẫn đến tham nhũng thường lớn hơn. Ngoài ra, hệ thống cơ sở giáo dục được bao phủ từ trung ương xuống địa phương, dễ nảy sinh cơ chế xin - cho và bị bóp méo.
Đề cập những nỗ lực chống tham nhũng ở Việt Nam, nhiều Đại sứ các nước thúc giục Việt Nam triển khai thực thi luật, văn bản pháp lý liên quan đến phòng, chống tham nhũng, cũng như sớm ban hành Luật Tiếp cận thông tin.
Trong khi Thanh tra Chính phủ khẳng định đã có những tiến triển trong phòng, chống tham nhũng thì Đại sứ Anh Mark Kent nhấn mạnh điều quan trọng phải xác định những tiêu chí, cho thấy "bằng chứng" về hiệu quả phòng, chống tham nhũng.
Theo Đại sứ Thụy Sỹ, một trong những yếu tố giúp Việt Nam chống tham nhũng hiệu quả là hệ thống tư pháp phải được độc lập.
Theo: vietnamnet