Văn hóa Vùng & Phân vùng văn hóa ở Việt NamGS. TS. Ngô Đức Thịnh Văn hóa vùng & phân vùng văn hóa ở Việt Nam do NXB Trẻ phát hành dày 430 trang, hiện đang có tại thư viện ĐH Văn Lang. Sách trình bày đẹp có nhiều ảnh tư liệu màu và rất bổ ích cho những ai có “máu” nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa dân gian.
Văn hóa vùng & phân vùng văn hóa ở Việt Nam bao gồm ba phần. Phần thứ nhất: Các lý thuyết & Khuynh hướng nghiên cứu gồm hai chương.
Phần thứ hai: Phác thảo phân vùng và một số vùng văn hóa ở Việt Nam bao gồm từ chương 3 đến chương 13.
Phần thứ ba: Đặc trưng vùng trong một số hiện tượng văn hóa từ chương 14 đến chương 20. Và cuối cùng là Thay lời kết: Thống nhất – Đa dạng văn hóa & sự phát triển xã hội Việt Nam.
Cuốn sách đã khái quát tất cả các vùng văn hóa của Việt Nam từ đồng bằng Bắc bộ, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung bộ, văn hóa cực Nam Trung bộ riêng đến “văn hóa Nam bộ”. Tác giả viết về đất và người Nam bộ: “Nhưng dẫu sao con người vẫn là con người, họ không thể từ trên trời rơi xuống, từ kẽ đất chui lên, mà đều phải từ một nơi gốc gác, từ một nơi chôn nhau, vẫn phải từ một truyền thống nào đó mà xuất thân, vẫn phải mang về đây dù là ít ỏi những cái mà họ đã từng có. Trong cái cộng đồng tứ xứ ấy người ta vẫn nhận ra những cái gì là riêng đã gộp chung lại, nhưng nay dần dà đã được địa phương hóa. Bài phú cổ Gia Định phong cảnh vịnh được Trương Vĩnh Ký chép lại năm 1882, có những câu:
"Dưới Bến Nghé hát lẳng lơ, giọng con đò, giọng con rối.
Trên tàu vọi ca khủng khỉnh, tiếng thằng mục, tiếng thằng nài.
Trọ trẹ dưới sông, quân Huế kéo non hò hụi…”.
Chỉ qua từng ấy câu thôi, mà các sắc thái địa phương từ Bắc vào Trung đến Nam đã quy tụ quanh Bến Nghé… Còn biết bao bài ca, câu vè, bài đồng dao được người Gia Định hát lên cũng ít nhiều mang dấu ấn biến thể của nhiều vùng miền Trung, xứ Bắc. Ở đây, chúng ta có thể dõi theo hiện tượng “dịch chuyển” văn hóa từ Bắc vào Nam. Bởi vậy, có thể nói việc cải biên các câu ca dao, dân ca cứ Thuận Hóa và xứ Quảng đã trở thành một phương thức sáng tác dân gian của Gia Định:
Từ một câu hát ru miền Trung:
Chiều chiều ông Lữ đi câu
Bà Lữ đi xúc, con dâu đi mò
Thì đến vùng Nhà Bè người ta hát:
Chiều chiều ông Lữ đi câu
Sấu tha ông Lữ biết đâu mà tìm
Còn ở vùng Hóc Môn, Củ Chi thì lại là:
Chiều chiều ông Lữ đi cày
Trâu tha gãy ách ngồi bờ khoanh tay…” (trang 267, 268).
Và kết luận: “Người Nam bộ thích kết thân bạn bè cùng nhau chè chén, ăn chơi xả láng ồn ào, nhưng sẵn trong họ một cái gì đó mang nặng âm điệu sầu tư. Nên trong cuộc vui, họ ham mê ca xướng, hát bội, cải lương, nhất là các âm điệu vọng cổ chứa chất sầu vọng. Đó là hai mặt của tâm lý con người Nam bộ.
Họ là những người sẵn sàng tiếp nhận và hướng về cái mới, nhạy cảm với cái mới trong cả việc làm ăn, vui chơi giải trí” (trang 290).
Để tìm hiểu về phong tục tập quán độc giả có thể xem ở chương 3 như: “Loại hình nhà ở cổ truyền”, “trang phục”; “Quan tài thân cây khoét rỗng”, “Thuyền bè truyền thống”, “Sử thi”...
Trong mục “Loại hình bữa ăn truyền thống”, tác giả lý giải về văn hóa ẩm thực vẫn giữ được là nhờ: “Con người, tùy lúc, tùy nơi, có thể bỏ bộ quần áo này, mặc một loại y phục khác, nhiều khi rất khác lạ, từ giã căn nhà này, dựng cất một kiểu nhà khác thoáng, đẹp hơn, tiện nghi hơn, thậm chí có người, có dân tộc từ bỏ cả tiếng mẹ đẻ, nói một thứ ngôn ngữ khác, nhưng ít người quên được thói quen khẩu vị trong ăn uống của dân tộc mình. Đã có biết bao thế hệ những người Việt Nam sống xa Tổ quốc, thậm chí sinh đẻ ở nước ngoài, chưa một lần trong đời tận mắt thấy quê hương, xứ sở thế mà vẫn yêu thích, tìm thấy hương vị ngon lành trong bữa ăn thường ngày, với bát cơm thơm, chén nước mắm ngon, đĩa cá kho, sang trọng, tàu rau dưa, củ hành muối… Đây là chưa kể biết bao món ăn ngon, sang trọng, cầu kì trong ngày giỗ, Tết, giỗ: Giò, chả, ninh, mọc, bánh trái, xôi chè các loại…
Cái gì đã tạo nên tính bền chắc ấy trong thói quen, khẩu vị ăn uống của một dân tộc? Đó là cái bền chắc của một truyền thống ăn uống đã hình thành và định hình trải qua quá trình hàng ngàn, vạn năm. Truyền thống đó hình thành trong một khung cảnh thiên nhiên Việt Nam nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, rất thuận lợi cho cây cỏ, thực vật sinh trưởng và phát triển" (trang 321).
Rồi tác giả lại nhìn nhận thực tế: “Hơn thế nữa, nhịp điệu lao động kiểu công nghiệp không cho phép có nhiều thời gian để làm các món ăn cầu kì, phức tạp, mà phải đơn giản hóa về hình loại, nhưng lại phải chú ý nhiều tới chất lượng món ăn… Thêm vào đó xu hướng giao tiếp mạnh trong ăn uống giữa các địa phương, quốc gia và quốc tế đã và đang ảnh hưởng tới bữa ăn hàng ngày truyền thống của nhân dân” (trang 325).
Vài nét về tác giả:Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh. Sinh năm 1944 tại Hải Hậu, Nam Định, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Dân gian, Phó Chủ tịch Hội Folklore châu Á. Các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của ông gồm: Văn hóa vùng, văn hóa tộc người, tri thức dân gian, tín ngưỡng và lễ hội. Đã xuất bản: 4 cuốn sách chuyên khảo riêng, chủ biên 11 cuốn, đồng tác giả 35 cuốn, công bố trên 100 bài báo khoa học trên các tạp chí và sách trong và ngoài nước (Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Mông Cổ…).